Công chúa Thiên Ninh qua Mộc bản triều Nguyễn
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Công chúa Thiên Ninh qua Mộc bản triều Nguyễn
Nổi tiếng trong lịch sử với những chiến công hiển hách, những danh tướng tài ba; triều Trần cũng xuất hiện nhiều nàng công chúa tài sắc vẹn toàn, dũng cảm, có công với dân tộc. Có thể kể đến đó là công chúa Huyền Trân đem thân gửi nơi viễn xứ để đổi lấy Châu Ô, Lý; là nàng An Tư ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận hầu hạ tướng giặc để đổi lấy thời gian hoãn binh ý nghĩa. Và khi nhà Trần lâm nguy đã xuất hiện nàng công chúa Thiên Ninh mang khí phách nam nhi, giúp họ Trần giữ vững cơ nghiệp, tránh được họa diệt vong sớm. Qua Di sản Mộc bản Triều Nguyễn cùng tìm hiểu thêm về cuộc đời và những đóng góp của Công chúa Thiên Ninh.
Nàng công chúa có khí phách anh hùng
Công chúa Thiên Ninh tên thật là Ngọc Tha (còn chép là Bạch Tha), là con gái của vua Trần Minh Tông và Hiến Từ Hoàng hậu. Bà là chị em ruột với vua Trần Dụ Tông và Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục. Sử cũ cho biết khoảng tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1342), vua Trần Dụ Tông phong Ngọc Tha làm Thiên Ninh công chúa, gả cho Chính Túc Vương Kham (có sách chép là Hưng Túc).
Với việc là con gái trưởng của Vua, mang thân phận cao quý, Thiên Ninh công chúa được phong thực ấp và được phép xây dựng lực lượng gia nô riêng. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, bà đã tự chiêu quân, tập hợp lực lượng vũ trang để xây dựng quân đội của riêng mình, phòng khi có biến. Nhờ vậy, khi triều đình loạn lạc, nhà Trần đứng trước nguy cơ diệt vong, bà có đủ năng lực để tập hợp lực lượng lật đổ Dương Nhật Lễ. Khí phách của một trang hảo hán trong con người công chúa Thiên Ninh thể hiện rõ ở việc bà đứng ra khuyên vua Trần Nghệ Tông dấy binh thảo phạt Dương Nhật Lễ, giúp giữ vững cơ nghiệp nhà Trần.
Tháng 6 năm Kỷ Dậu (1369), vua Trần Dụ Tông băng hà sau khi trị vì được 28 năm. Vì Vua không có con nối dõi nên Huệ Từ Thái hậu lập Dương Nhật Lễ là con của Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục làm vua. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 10, mặt khắc 22 chép: “Trước kia, người phường trò, tên là Dương Khương, diễn tích Tây Vương mẫu dâng quả bàn đào, vợ hắn đóng vai Tây Vương mẫu. Cung Túc Vương Nguyên Dục cảm nàng đẹp, lấy làm vợ. Khi ấy nàng đang có mang rồi sinh ra Nhật Lễ. Nguyên Dục nhận làm con mình. Kịp khi Dụ Tông mất, không có con kế tự, có để di chiếu cho Nhật Lễ nối ngôi. Quần thần bàn rằng: "Cung Định Vương Phủ là người rất hiền, nhưng anh không lẽ lại kế tự em". Thái hậu bảo quần thần: "Nguyên Dục là con trưởng ngành đích, không được làm vua, mà lại mất sớm, vậy Nhật Lễ chẳng phải là con của Nguyên Dục ư?". Bèn đón lập Nhật Lễ.”
Tuy nhiên, sau khi lên ngôi báu, Dương Nhật Lễ đã có nhiều hành động đi ngược luân thường đạo lý, ngày ngày rượu chè, chơi bời, dâm dật, hay bày ra các trò tạp kỹ, thân cận suồng sã với lũ tiểu nhân khiến Huệ Từ Thái hậu hối hận,đặc biệt là khi Dương Nhật Lễ không phải là con ruột của Cung Túc Vương. Dương Nhật Lễ đã đầu độc giết chết Huệ Từ Thái hậu và có ý muốn đổi lại lấy theo họ Dương. Điều này khiến cho nội tộc họ Trần và các quan trong triều vô cùng phẫn nộ, tìm cách để lật đổ ngôi vua.
Tháng 9 năm Canh Tuất (1370), Cung Tĩnh Vương Nguyên Trác cùng con trai là Nguyên Tiết và 2 người con của Thiên Ninh Công chúa vào cung giết Nhật Lễ nhưng không thành, sau đó toàn bộ đều bị hại. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 7, mặt khắc chép: “Đêm hôm ấy, cha con Nguyên Trác và hai người con của công chúa Thiên Ninh đem người tôn thất vào thành định giết Nhật lễ. Nhật Lễ trèo qua tường, nấp dưới cầu mới. Mọi người lùng không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp sáng, Nhật lễ vào cung, chia người đi bắt 18 người chủ mưu. Bọn Nguyên Trác đều bị hại”.
Khởi binh giữ vững cơ đồ cha ông
Trước nỗi đau mất mẹ, mất anh trai và mất 2 con, Công chúa Thiên Ninh đã quyết định tập hợp lực lượng quyết tâm trả thù cho dòng họ và lấy lại quyền lực vốn thuộc về nhà Trần.
Vì thân phận nữ nhân, biết khó để tạo được lòng tin với tôn thất họ Trần, công chúa Thiên Ninh đã liên kết với người anh khác mẹ là Cung Định Vương Trần Phủ. Nhưng con gái của Cung Định Vương lại là Hoàng hậu của Dương Nhật Lễ, khiến cho Cung Định Vương rất khó xử. Cung Định Vương hẹn công chúa và những hoàng thân khác đến họp bàn ở sông Đại Lại.
Sách Đại việt sử ký toàn thư quyển 7, mặt khắc chép: “Trước đây, Vua vốn không có ý định làm vua. Công chúa Thiên Ninh bảo: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho!".
Ghi chép về sự kiện này, Mộc bản sách Khâm định việt sử thông giám cương mục, quyển 10, mặt khắc 25 cũng chép: "Vương vốn không có chí làm vua, đến đây tình thế bức bách quá, mới bàn mưu với thiếu uý Trần Ngô Lang. Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha cũng bảo vương rằng: Thiên hạ này là của ông cha chúng ta, lẽ nào lại vất bỏ cho người khác? Anh hãy cứ đi đi, em sẽ đem gia nô dẹp nó cho!”.
Tháng 10 năm 1370, nghe lời công chúa Thiên Ninh, Cung Định Vương Trần Phủ cùng với Trần Kính, Trần Nguyên Đán quyết định hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân chống Dương Nhật Lễ.
Khi ấy, Dương Nhật Lễ rất tin dùng Thiếu úy Trần Ngô Lang. Nhưng vì không tán thành việc làm của Dương Nhật Lễ nên Trần Ngô Lang đã trở thành nội gián cho Cung Định Vương. Mỗi khi sai quân tướng đi đánh bắt, Trần Ngô Lang đều bí mật bảo họ theo Cung Định Vương. Vì vậy, rất nhiều lần sai các quân Nam, Bắc đi đánh, đều không một ai trở về.
Cuối năm Canh Tuất (1370), Công chúa Thiên Ninh và Cung Định Vương tiến quân vào Thăng Long, phế bỏ Dương Nhật Lễ. Sau đó, Cung Định Vương lên ngôi Hoàng đế tức vua Trần Nghệ Tông đại xá thiên hạ.
Sau khi việc phế lập đã xong, tháng 2 (âm lịch) năm Tân Hợi (1371), vua Trần Nghệ Tông phong Công chúa Thiên Ninh làm Lạng Quốc Thái trưởng công chúa và đổi tên là Quốc Hinh đã cho thấy thân phận cao quý và địa vị của bà đối với triều đại họ Trần.
Với một vài ghi chép từ Mộc bản Triều Nguyễn, dù không nhiều nhưng đủ để khẳng định Thiên Ninh công chúa là một nữ trung hào kiệt của nhà Trần. Bà đã dùng cả đời mình dốc lòng vì lợi ích của gia tộc, giúp Triều Trần giữ vững cơ nghiệp, tiếp tục giữ lấy vai trò của mình trên vũ đài chính trị thêm 30 năm.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H60/10, Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
2. Hồ sơ H31, Mộc bản Triều Nguyễn, Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Nguyễn Phượng (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)