Phần 3-Lễ chúc thọ trong cung đình
TREO ĐẦU LÊ BÁN THỊT NGUYỄN
XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÊ-NGUYỄN (TÁC GIẢ - LÊ NGUYỄN)
#treo_đầu_Lê_bán_thịt_Nguyễn
#bác_X
BÀI 3 - LỄ CHÚC THỌ TRONG CUNG ĐÌNH
Tương tự bài bóc trước, bố cục bài viết này vẫn chia làm hai phần: Những điều chưa ổn và Những điều chưa đúng. Mặc dù bài viết chỉ có 5 trang (kèm hai ảnh Cao Xuân Dục và Tôn Thân Hân, không rõ để làm gì), nhưng vẫn tồn tại rất nhiều điều phải đề cập tới.
I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN
1. Mất cân đối
Giống hệt hai bài trước trong sách, bài này vẫn cùng một tông mất cân đối trầm trọng, bỏ đi 01 trang giới thiệu và 02 trang hình, bài viết chỉ có 05 trang viết thì trong đó chỉ có nửa trang dành cho các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, gần 1 trang dành cho Lê sơ và Lê Trung hưng, còn lại 3 trang rưỡi dành cho Nguyễn.
2. Tựa đề
Mặc dù tựa ghi rõ là Lễ chúc thọ trong cung đình, nhưng nội dung của bài viết lại không nhắc mấy tới nghi lễ trong cung, mà nói chủ yếu về lễ hội tổ chức ngoài trời.
3. Hình minh họa
Bài viết có thêm 1 trang hình “Thọ quan Cao Xuân Dục” và “Thọ quan Tôn Thất Hân” chẳng rõ liên quan gì tới nội dung “Lễ chúc thọ”? Phải chăng vì hai vị ấy sống lâu lên lão làng?
4. Thọ quan, thọ dân
Cuối bài, LN tặng hẳn cho độc giả một trang viết về việc nhà Nguyễn tôn trọng những vị quan, dân sống thọ, tặng quà tặng tiền, tặng biển thọ. Nhưng đó không phải lễ chúc thọ, có lẽ tác giả nhầm tưởng việc tặng quà ấy được tổ chức thành lễ chăng? Thành ra bài viết đã ít chiều sâu lại càng thêm loãng.
5. Dẫn nguồn
Hầu hết các thông tin trong bài không được dẫn nguồn, và tôi tin rằng một số không nhỏ trong đó là không chính xác vì nó không hề được ghi chép trong các bộ sách có uy tín như Toàn thư, Cương mục, Loại chí. Nhưng bởi tác giả không dẫn nguồn nên không cách nào để kiểm tra độ chính xác của thông tin cả.
6. Bài đã in sách khác?
Quả vậy, bài này đã được in trong cuốn Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn - NXB Trẻ - 1998 của cùng tác giả. Tất nhiên không ai cấm LN làm vậy, nhưng bài viết kém chất lượng mà đem bán tới 2 lần thì không ổn lắm.
II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG
1. Thánh thọ là Thánh thọ nào?
Tác giả Lê Nguyễn (từ đây viết tắt là LN) viết: “Không rõ các cung đình của nước ta đặt ra lệ chúc thọ từ đời nào, nhưng xét theo sử cũ thì vào thời Lê Đại Hành hoàng đế, năm 985, kỷ niệm sinh nhật của nhà vua được xem là nghi lễ thánh thọ”.
LN có lẽ đã chép theo Loại chí mà bỏ qua tham khảo chính sử (mặc dù tôi hơi nghi ngờ điều này, cả bài viết chỉ có một lần dẫn nguồn Loại chí tập 2, trong khi mục này nằm trong Loại chí tập 1, có khả năng LN đã lấy thông tin từ một nguồn thứ cấp của thứ cấp), tính từ năm 985 tới hết thời nhà Nguyễn, bao gồm cả các đời nhà Lý, Trần, chưa bao giờ ngày sinh nhật của vua gọi là Thánh thọ cả. Vô hình chung LN đã sai ngay từ khi mở bài, viết về một thứ mà thậm chí mình còn gọi sai tên.
Toàn thư chép về sự kiện năm 985 không hề nhắc đến đặt tên cho lễ tiết chi cả, vua tổ chức lễ đua thuyền để quốc dân chung vui.
Các thời Lý, Trần, Lê, ngày sinh nhật vua được sử chép rất rõ, đặt là ngày Tiết. Và mỗi đời vua thì tên tiết đó được thay đổi khác nhau, trong đó không có lần nào là Thánh thọ cả, nếu gọi chung thì dùng “Đản thánh” (Toàn thư, năm 1123). Ta có thể tạm liệt kê ra như sau: (Vua - Tên tiết)
Lý
Thái tổ - Thiên Thành
Thái tông - Thiên Thánh
Thánh tông - Thừa Thiên
Nhân tông (không rõ)
Thần tông - Thiên Thụy
Anh tông - Thọ Ninh
Cao tông - Càn Hưng
Huệ tông (không rõ)
Chiêu Hoàng (không rõ)
Trần
Thái tông - Càn Ninh
Thánh tông - Hưng Thiên
Nhân tông - Thọ Thiên
Anh tông - Sùng Thiên
Minh tông - Ninh Thiên
Hiến tông - Hội Thiên
Dụ tông (không rõ)
Nghệ tông - Kiến Thiên
Duệ tông - Tề Thiên
Đế Hiện - Quang Thiên.
Lê sơ
Thái tổ - Vạn Thọ Thánh tiết
Thái tông - Kế Thiên Thánh tiết, sau đổi thành Vạn Thọ Thánh tiết giống Thái tổ
Nhân tông - Hiến Thiên Thánh tiết
Thánh tông - Sùng Thiên Thánh tiết
Hiến tông - Thiên Thọ Thánh tiết
Túc tông - Thiên Minh Thánh tiết
Uy Mục đế - Thiên Khánh Thánh tiết
Tương Dực đế - Thiên Bảo Thánh tiết
Chiêu tông - Nghi Thiên Thánh tiết
Cung Hoàng - Khâm Thiên Thánh tiết
Lê Trung hưng
Thế tông - Dương Nguyên Thánh tiết
Thần tông - Thọ Dương Thánh tiết
Tên các tiết Đản thánh này được chép trong Toàn thư, nhưng một điều khá lạ là chỉ vài tiết được chép trong sử nhà Nguyễn (Cương mục), có vẻ LN chưa đọc Toàn thư nên không nắm được các thông tin khá minh bạch này. Nhưng ngạc nhiên hơn nữa là triều Nguyễn cũng không hề dùng chữ “Thánh Thọ” đề gọi ngày sinh nhật vua, hai chữ ấy là để chỉ ngày sinh của Hoàng thái hậu (Thực lục - Đệ nhất kỷ - năm 1803). Vậy ngày sinh nhật của vua nhà Nguyễn gọi là gì? Xin thưa, đó là Vạn Thọ (Thực lục tiền biên - năm 1791), hay còn gọi là Vạn Thọ Khánh tiết.
2. Sinh nhật vua được tổ chức ra sao ở thời Lý Trần?
LN viết: “Đến các triều Lý, Trần, trong ngày lễ Thánh thọ, triều đình tổ chức yến tiệc, bày những trò vui để quan dân cùng tham dự.”
Thực ra sử sách ít ghi chép kỹ việc ngày sinh nhật vua được tổ chức thế nào, đặc biệt là thời Trần. Nhưng ta biết vào năm 1022, vua bãi trò núi trúc vì ngại mệt sức dân, chỉ đặt yến ban cho bá quan thôi. LN đã khá võ đoán để đưa ra kết luận chung.
3. Lễ nào tổ chức ở điện Cẩn Đức
LN viết: “Đời Lê Thánh tông (1460-1497), mỗi năm cứ vào buổi đầu xuân thì làm lễ Bảo thần ở Thái miếu, lễ Thánh thọ ở điện Cẩn Đức.”
Chúng ta đều biết ngày sinh của vua Lê Thánh tông là mùa thu tháng Bảy (Toàn thư) chứ không phải mùa xuân, vậy thì tại sao lại có lễ Thánh thọ (LN nhầm tên lễ) vào đầu xuân? Rất may là Toàn thư có thông tin về lễ Bảo thần (bao phong các thần) tổ chức đầu xuân, từ đó trích ra được thông tin mà LN đã nhầm. Cụ thể như sau: “Ngày 12, bắt đầu định lễ bao phong các thần vào dịp tế xuân; không dùng cỗ chay, dùng lụa để tế, theo phong tục nước mình thôi. Ngày 16, làm lễ Khánh thọ ở điện Cần Chính. Trước đây, cứ đến đầu mùa xuân thì làm lễ bao phong các thần ở Thái miếu, xong rồi thì làm lễ Khánh thọ. Đến đây, mới làm lễ Khánh thọ ở điện Cần Chính. Sau đó làm lệ thường.”
Hóa ra LN đã nhầm lễ Khánh thọ với lễ Thánh thọ. Khánh thọ là lễ mừng thêm tuổi (năm mới) chứ không phải sinh nhật. Loại chí có mục riêng cho lễ Khánh thọ này, và giải thích rằng “Đại để hai lễ ấy đều là lễ vui mừng về đầu xuân, mà lễ Bảo thần thì làm ở nhà Tôn miếu để cầu thần giúp phúc, còn lễ Khánh thọ thì rước từ ngoài Giao thị vào mà vua lại ban phúc ban ơn.”
III. TIỂU KẾT
Đây là một bài viết có chất lượng khá kém, từ bố cục cho tới nội dung. Nội dung viết sơ sài chỉ có 5 trang, tức là khoảng hơn 2.000 chữ (đem so sánh thì bài viết này của tôi đã 1.700 chữ). Trong đó, LN đã gặp phải vấn đề cơ bản là không biết mình viết về điều gì, mà sự hiển hiện lớn nhất là gọi nhầm tên của lễ mừng sinh nhật vua TRONG TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI, kể cả với triều nhà Nguyễn mà tác giả thường vẫn tự phụ là mình nắm khá vững.
Cũng giống như các bài trước, lối viết không trích dẫn, không dẫn nguồn (độc giả chắc đã nhận ra rằng các bài viết của LN hầu như không có đoạn nào trích dẫn nguyên văn tài liệu) gây khó khăn rất lớn trong việc kiểm chứng thông tin.
Và cũng tương tự bài trước, nội dung của bài Lễ chúc thọ trong cung đình không có gì mới mẻ mang tính tìm tòi nghiên cứu của tác giả. Lịch triều hiến chương loại chí đã làm quá tốt chủ đề mà tác giả nhắm tới ở các triều trước Nguyễn. Nghĩa là thay vì viết linh tinh những điều mình không biết, LN nên copy & paste nguyên văn nội dung Loại chí - Lễ nghi chí thì sẽ có bài viết chuẩn chỉ, sâu rộng hơn.
Tóm lại, đây vẫn chỉ là MỘT BÀI TỔNG HỢP THÔNG TIN đầy rẫy thiếu sót và sai lầm mà thôi.
Last updated
Was this helpful?