Phần 7-Bưu chính Việt Nam từ thời quản chủ đến thời Pháp thuộc

XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÊ-NGUYỄN (TÁC GIẢ - LÊ NGUYỄN) - Bài 7

BÀI 7 - BƯU CHÍNH VIỆT NAM TỪ THỜI QUÂN CHỦ ĐẾN THỜI PHÁP THUỘC

#sử_siếc #bác_X

Nghiên cứu về bưu chính là bài thứ 8/30 trong sách. Tương tự bài bóc trước, bố cục bài viết này ngoài hai phần: Những điều chưa ổn và Những điều chưa đúng, tôi bổ sung thêm một phần “Nếu là tôi”, nghĩa là nếu thực hiện nghiên cứu/viết bài về chủ đề này thì bản thân tôi sẽ viết những gì và dựa vào đâu. Phần này chỉ là ý tưởng khung, nhưng tôi nghĩ là nó có ích cho độc giả hoặc những người muốn thử sức viết lách.

Bưu chính là một bài viết khá dài, khoảng 7 trang sách và một số hình vẽ và chụp đều là thời Pháp thuộc. Tôi không rành về sử thời Pháp thuộc nên nội dung bài này sẽ khoanh gọn trong nội dung 2 trang viết của LN với khoảng thời gian trước thời Pháp thuộc.

I. NHƯNG ĐIỀU CHƯA ỔN

1. Không hề dẫn nguồn

Thực sự khá sốc, nếu các bài trước, LN còn đôi chỗ có dẫn nguồn của thông tin cung cấp cho độc giả, thì toàn bộ phần viết về thời Lê, Nguyễn trong bài này tuyệt không dẫn một nguồn tư liệu nào, ngoại trừ đúng một lần nhắc tới Việt Nam sử lược.

2. Viết vo

Toàn bộ 800 năm lịch sử ngành bưu chính của nước ta, được tác giả viết vo thành một cục, không chia thành từng thời kỳ tức là ai muốn hiểu thông tin là ở thời nào thì cứ tự đi mà hiểu.

3. Bố cục không ăn nhập với sách

Cũng biết rằng tiêu đề sách bao gồm thời Nguyễn nghĩa là cả thời Pháp thuộc, nhưng dành 2/3 nội dung bài viết để mô tả ngành bưu chính thời Pháp thuộc thì có lẽ là quá lệch mất rồi, có lẽ nên cắt riêng thành nội dung nghiên cứu thời Pháp thuộc thì sẽ hợp hơn đặt vào khoảng thời gian hai triều đại Lê-Nguyễn.

II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG

1. Trạm là gì?

LN viết: “Từ thời Lý, Lý Thái tông (1028-1054) đã cho dựng lên những ngôi nhà nhỏ được gọi là ‘trạm’ trên mỗi cung đường nằm cách nhau từ 15 đến 20km để cho người đi đường có chỗ dừng chân, nghỉ ngơi. Sau này, khi nhu cầu liên lạc giữa triều đình và các địa phương ngày càng gia tăng, trạm giữ nhiều nhiệm vụ hơn, trong đó có:

- Khiêng kiệu, hành lý, đưa các quan đi lại trên đường công tác.

- Vận chuyển hàng hóa, vật tư của triều đình.

- Chuyển công văn, thư từ.”

Đoạn này LN không dẫn nguồn, nhưng có vẻ tác giả đã nhầm thông tin về “trạm”. Toàn thư và Cương mục viết năm 1044 đời Thái tông nhà Lý, “đặt trạm Hoài Viễn ở bờ sông Gia Lâm” và sau đó “đặt trấn Vọng Quốc và 7 trạm Quy Đức, Bảo Ninh, Tuyên Hóa, Thanh Bình, Vình Thông, Cảm Hóa, An Dân, các trạm đều dựng ụ bia”, nhưng thực ra các trạm (nguyên văn 驛 - dịch) là để “làm quán nghỉ trọ cho người nước ngoài khi đến chầu” và “để làm chỗ trọ cho người man di” (Toàn thư - Lý kỷ).

Dĩ nhiên đầu thời Lý chúng ta đã có trạm dịch dành cho chuyển tiếp tin tức, nhưng kết luận đó là đời vua Thái tông và “trên mỗi cung đường nằm cách nhau từ 15 đến 20km để cho người đi đường có chỗ dừng chân, nghỉ ngơi” thì hẳn là nhầm với dịch trạm cho người nước ngoài ngủ trọ mà Toàn thư ghi lại. Thứ mà dành cho người đi đường nghỉ ngơi thì gọi là “đình trạm” (nguyên văn: dịch đình) cơ, An Nam chí lược ghi tên các đình này là Phấn dịch đình, không liên quan tới dịch trạm của nhà nước. Việc này được chép ở cuối thời Lý đầu thời Trần, gắn với cố sự Trần Thừa.

Dịch trạm là chỗ nghỉ đỗ của người giữ việc chuyển đệ văn thư thì gọi là Bưu đình (Cương mục - quyển 37).

2. Dịch trạm có từ bao giờ?

Chuyển phát văn thư qua các trạm đã xuất hiện từ rất xưa bên Trung Quốc. Trong một ngàn năm đô hộ nước ta, người Trung Hoa đã mang theo hệ thống này và xây dựng thành một chuỗi các dịch trạm phục vụ cho việc vận chuyển từ An Nam về nội địa Trung Quốc. An Nam chí lược ghi lại (không rõ từ nguồn nào) từ La Thành (tức thành Thăng Long) tới kinh sư (của Trung Quốc) ước chừng có 115 trạm, cộng hơn 7.700 dặm.

Ghi nhận ở sử sách nước ta thì từ thời Tiền Lê đã vận hành hệ thống trạm này rồi. Toàn thư chép năm 1005 đời vua Long Đĩnh: “Chuyến đi này khi quan quân đánh nhau với người trại Phù Lan, chợt thấy trạm (nguyên văn: dịch) báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần Đầu (nay là cửa biển Thần Phù).”

3. Dịch trạm chuyển thư từ?

Hiển nhiên là không có chuyện dịch trạm được phép chuyển thư từ cá nhân rồi. Họ chỉ được phép vận chuyển văn thư, tấu sớ, đồ đạc gửi từ các địa phương tới kinh đô cho vua hoặc bộ, các và ngược lại. Thư riêng, đặc biệt của bình dân thường phải nhờ người có việc đi lại cầm chuyển giúp. Nghiên cứu về chủ đề này hẳn sẽ rất lý thú và bổ ích, đó mới là cái nhìn về xã hội Việt Nam.

4. Chỉ có hệ thống đường bộ?

LN viết: “Riêng công văn, thư từ, triều đình tuyển chọn lính trạm hay phu trạm từ những trai tráng khỏe mạnh, dẻo dai để có thể chạy bộ trên những quãng đường dài...”

Quả thực không chỉ những câu trên mà toàn bộ bài viết của LN không hề nhắc tới hệ thống chuyển gửi văn thư sản vật giữa kinh thành và các trấn qua đường thủy. Độc giả yêu thích lịch sử hẳn ai cũng biết nước ta từ xa xưa cho tới thời Nguyễn, giao thông vận tải chủ yếu là dùng đường thủy. Không lý gì riêng việc bưu vận của triều đình là dùng độc đường bộ. Tỷ như năm 1721, Tuyên Quang có lời tâu với triều đình: “Nếu văn thư ở trấn đệ vào Kinh, xin đi bằng thuyền, giao cho phường chài này luân chuyển cho phường khác, cứ như thế thuận dòng nước mà xuôi. Còn như việc đệ nộp tiền thuế và dâng sản vật địa phương cũng đi đường thuỷ là tiện hơn” (Kiến văn tiểu lục). Hoặc thời Nguyễn cũng nhiều lần nhắc tới các trạm ở sông (Thực lục - Đệ nhất kỷ - năm 1814; Đệ nhị kỷ - năm 1833, Đệ nhị kỷ - năm 1836).

5. Trạm dịch được quản lý ra sao?

Mảng này hoàn toàn không được nhắc tới, mặc dù sử nhà Nguyễn chép rất nhiều. Ví dụ bài trạm là một thứ rất quan trọng thì không hề được nhắc tới.

6. Mã thượng phi đề là cái gì?

Thực ra ban đầu tôi nghĩ là lỗi chính tả thôi, đúng ra phải là Mã thượng phi đệ, đệ nghĩa là đệ trình, 4 chữ này nghĩa là “đệ phi bằng ngựa”. Tuy nhiên, trong cả hai lần nhắc tới chữ này thì LN sai cả hai, đồng thời kết quả tìm kiếm trên mạng cho tôi một loạt bài cùng nội dung nay, và đều sai “đệ” thành “đề” cả. Tôi tạm kết luận là cả tác giả LN lẫn ban biên tập sách không hề biết ý nghĩa của chữ này.

7. Công văn khẩn và cờ đuôi nheo

LN viết: “Triều đình xưa cũng qui định độ khẩn trong công văn; thường hành là độ khẩn bình thường nhất, người phu trạm chỉ cần đi bộ chậm rãi; kế đến là thu cần, người phu trạm phải đi bộ nhanh; lên đến thôi cần là phải chạy bộ; đến độ khẩn thôi cần, gia cần, được sử dụng ngựa chạy bình thường và cuối cùng đến độ khẩn mã thượng phi đề [sic] là phải phi ngựa chạy thật nhanh. (...) Với độ khẩn mã thượng phi đề [sic] (tương đương với hỏa tốc sau này), người lính trạm giắt những lá cờ đuôi nheo nhỏ trên lưng để làm hiệu, cưỡi ngựa phi nước đại, không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm.”

Tôi chưa tìm được thông tin về các mức độ khẩn như “thu cần”, “thôi cần”, “gia cần” (cũng bởi tác giả không dẫn nguồn nên quả là khó để truy ngược cho người học vấn thấp như tôi). Theo ghi chép của Thực lục năm 1827 (Minh Mạng năm thứ 8) thì cấp độ khẩn chia làm ba cấp: Tối khẩn, Thứ khẩn và Thường hành. Trong đó Thứ khẩn và Tối khẩn là chạy bằng ngựa.

Trong đó bộ Binh xin cấp cho mỗi nhà trạm hai lá cờ đuôi nheo. Tuy nhiên ở ghi chép năm 1833 (Minh Mạng thứ 14), trên Thượng khẩn còn có Tối khẩn, người phu trạm chạy công văn Tối khẩn thì cờ đuôi nheo được quấn thêm lông đuôi gà để làm dấu: “Vậy xin từ nay, phàm các nha môn trong Kinh và các tỉnh ngoài, có việc quan hệ đến quân phải theo lệ tối khẩn thì ở trong tờ trát biên rõ 2 chữ “quân vụ”, đóng triện nhỏ vào, giao cho đội trạm lập tức đem lông cánh gà (các trạm đều chuẩn bị thứ lông cánh gà trống, dài, đẹp, dùng sợi dây khâu liền nhau, kết thành mảng to, đại khái quấn khắp ngọn cờ là đủ) cắm lên trên cái ngù đỏ ở chóp cờ, tinh tốc chạy đi như bay.”

III. NẾU LÀ TÔI

Giả sử tôi viết một bài về đề tài Bưu chính thời quân chủ, tôi sẽ xây dựng một bức tranh toàn cảnh gồm 2 phần: Bưu chính công - tức các hoạt động chuyển phát thuộc hệ thống triều đình; và Bưu chính tư - tức các hoạt động dành cho bình dân.

Chủ đề Bưu chính tư sẽ rất khó kiếm tư liệu, nhưng tôi sẽ cố trình bày để độc giả hiểu sự khó khăn để gửi thư tín và đồ vật của giới bình dân thuở xưa. Họ sẽ phải nhờ vả những thương nhân buôn bán qua lại các xứ, nhưng bà con thân hữu có việc đi xa, và nhờ các hệ thống vận tải đường thủy, nhà đò. Có lẽ cái cuối là phổ biến nhất. Ngoài ra tôi sẽ so sánh với Trung Quốc ở thời điểm tương đương, họ cũng không hề có hoạt động bưu chính tư nhân (phải tới giữa thế kỷ 19 thì công ty đó mới ra đời). Nhưng dĩ nhiên cần phải khảo sát các văn bản cho kỹ. Đây chỉ là phác thảo ý tưởng.

Về Bưu chính công, tôi sẽ tham cứu An Nam chí lược, Toàn thư và Cương mục (để xem thời Lê Trung hưng) về việc dịch trạm hoạt động ra sao. Và cuối cùng, cũng là phần dễ nhất, đó là Bưu chính thời Nguyễn vận hành thế nào. Chắc chắn sẽ có rất nhiều số liệu về phu phen mỗi trạm, số ngựa, số thuyền, thời gian quy định chạy trạm cho mỗi loại công văn (Thường hành, Thứ khẩn, Thượng khẩn, Tối khẩn). Và quan trọng nhất (mà LN không nhắc tới) là cơ quan quản lý Bưu chính thời Nguyễn. Đó là Bưu chính ty (Thực lục - Đệ nhị kỷ - năm 1825).

IV. TIỂU KẾT

Mặc dù Bưu chính Việt Nam thời từ thời quân chủ tới Pháp thuộc không phải là bài viết quá tệ, bởi có phần Pháp thuộc khá dài, tôi không biết nó đúng hay sai, nó ở ngoài sự hiểu biết của tôi. Tuy nhiên, phần viết về hoạt động Bưu chính thời quân chủ thì quá xoàng xĩnh. Các nhược điểm tôi đã nói ở trên, và thay vì viết một chủ đề gắn liền với xã hội Việt Nam thì LN chỉ viết khoanh gọn trong những gì liên quan tới triều đình. Giới bình dân không nằm trong khuôn khổ của cuốn sách, cả bài này và các bài khác. Đó là thiếu sót trầm trọng mà không thể sửa chữa được đối với cuốn sách.

https://gockhuatsuky.blogspot.com/2021/04/xa-hoi-viet-nam-thoi-le-nguyen-tac-gia_8.html

Last updated

Was this helpful?