Nhà Nguyễn - mối liên hệ giữa Thụy Hiệu và Cửu Đỉnh

NHÀ NGUYỄN - MỐI LIÊN HỆ GIỮA THỤY HIỆU VÀ CỬU ĐỈNH

Năm 1835, vua Minh Mệnh cho đúc cửu đỉnh làm báu vật truyền đời, đặt tên lần lượt là Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền.

So sánh với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, lần lượt là Cao hoàng đế (Gia Long), Nhân hoàng đế (Minh Mệnh), Chương hoàng đế (Thiệu Trị), Anh hoàng đế (Tự Đức), Nghị hoàng đế (Kiến Phúc), Thuần hoàng đế (Đồng Khánh), Tuyên hoàng đế (Khải Định) [1], cho thấy tên thụy của các vua nhà Nguyễn (trừ Gia Long) là được đặt theo tên đỉnh.

Điều đó có nghĩa là trái với phép đặt thụy, vốn là khi hoàng đế vừa băng hà thì vua nối ngôi cùng triều thần sẽ họp bàn, suy xét công lao và hành sự của Đại hành hoàng đế [2] để đặt thụy hiệu và nếu công lao lớn thì sẽ được đặt bài vị trong Thái miếu (với nhà Nguyễn là Thế miếu) với miếu hiệu để thờ, các hoàng đế nhà Nguyễn được đặt trước thụy hiệu lúc sinh tiền. Lần lượt theo tên đỉnh, chỉ cần hưởng trọn tuổi trời thì vị vua đó sẽ được lấy tên đỉnh làm tên thụy.

Mặc dù thực tế là như vậy, nhưng chắc chắn nhà Nguyễn không công nhận điều đó. Năm Thiệu Trị thứ nhất, vua còn xuống dụ rõ ràng: "Kinh Lễ nói rằng Tổ có công Tông có đức, Hoàng khảo ta [chỉ Minh Mệnh] thông minh thánh tiết, sáng nghiệp, thủ thành đều to lớn, nên kính dâng miếu hiệu là Thánh tổ, để nối công đức lớn lao của hoàng tổ Thế tổ Cao hoàng đế [tức Gia Long]; để làm khuôn phép cho con cháu muôn đời tuân theo. Những tôn hiệu, huy hiệu cần bàn bạc, chuẩn chỉ cho phủ Tông nhân triệu tập hoàng thân hội đồng văn vũ các đại thần và đô, đài, bộ, các, đều chuẩn cho dự bàn..." [4]

Năm Thiệu Trị thứ 7, lúc này Tự Đức đã lên ngôi, chưa đổi niên hiệu" có dụ: "Đức hoàng khảo ta [chỉ Thiệu Trị] công hóa thần thánh tốt đẹp như thế, nay kính tuân điển lễ đã sẵn, kính dâng miếu hiệu là Hiến tổ để trên rạng vẻ với các tiên đế, dưới bảo rõ cho đời sau. Về việc nên bàn để dâng tôn thụy huy hiệu, chuẩn cho Tông nhân phủ mời họp hoàng thân cùng văn võ đại thần và bộ viện quán các, đều chuẩn cho bàn sẵn trước, cốt phải tra cứu kỹ điển lệ cho rõ, tham khảo cổ kim sao cho thỏa đáng." [5]

Như vậy, quy trình của nhà Nguyễn rất rõ ràng. Tân quân quyết định miếu hiệu cho vua trước; giản thụy lấy từ cửu đỉnh; còn tên thụy đầy đủ sẽ do Tông nhân phủ và bá quan bàn định [6].

Giản thụy của nhà Nguyễn cũng kiểu như phép đặt thụy của nhà Tần vậy. Nhà Tần quy định Thủy Hoàng, Nhị Thế, Tam Thế... còn nhà Nguyễn quy định Nồi 1, Nồi 2, Nồi 3,...

--

[1] Các vị vua khác (Hiệp Hòa, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân) bị phế, không được đặt tên thụỵ Trường hợp vua Dục Đức được đặt thụy là Huệ hoàng đế, nhưng đó là mãi tới đời Thành Thái mới đặt.

[2] Vua mới băng thì được tôn là Đại hành hoàng đế, sau khi được đặt miếu hiệu và thụy hiệu thì đổi sang danh hiệu mới.

[3] Thực tế là càng về sau càng, phép tôn thụy, tôn miếu càng dễ dãi, các vị vua chỉ cần chết an lành thì ai cũng được đặt thụy và miếu hiệu. Kể cả vua Dục Đức chỉ ở ngôi 3 ngày rồi bị bọn Ông Ích Khiêm ám sát, sau vẫn được đặt thụy và đặt miếu hiệu chữ Cung.

[4], [5] Hội điển - Lễ bộ.

[6] Việc đặt thụy này cũng rất tào lao mang nặng tính... bợ đít. Như Thành tổ Dực tông Anh hoàng đế có thụy là "kế thiên hanh vận chí thành đạt hiếu thể kiện đôn nhân khiêm cung minh lược duệ văn anh hoàng đế". Riêng 2 chữ "hanh vận" và "thể kiện" thôi đã thấy nhảm rồi.

--

hình 1: Cửu đỉnh

hình 2: Anh đỉnh - chiếu nồi thứ 4 nhưng trọng lượng chỉ sau mỗi nồi 1.

hình 3: Cờ khắc trên Anh đỉnh, qua đó có thể thấy rất rõ không có bất kỳ sọc nào được thể hiện trên cờ.

hình 4: Đỉnh vốn là thứ dùng để nấu ăn từ thời cổ (Thương, Chu) nên mới có chữ "đỉnh chung" để chỉ người quyền quý: ăn bằng đỉnh uống bằng chung. Khoảng thời Hán, đặc biệt là khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thì mới có tục thiêu hương, từ đó mới dùng đỉnh để đốt hương và sau là cắm nhang.

Nguồn bài viết từ : https://www.facebook.com/phamtonhu1999/posts/169076982393858

Last updated

Was this helpful?