Bình Định Vương đi lánh nạn

BÌNH ĐỊNH VƯƠNG ĐI LÁNH NẠN

Trong giai đoạn đầu khởi nghĩa, tính từ lúc dựng cờ (năm 1418) cho tới khi ổn định lực lượng (khoảng năm 1424), không ít lần cụ Lợi đã phải “dạt nhà”. Sơ sơ như sau:

  1. Tháng Giêng năm 1418, sau khi đánh bại Mã Kỳ “thu được hàng ngàn quân tư, khí giới”, cụ chủ động dạt nhà lên núi Chí Linh. Nhưng chỉ mấy hôm sau, có nội ứng chỉ đường cho giặc nên căn cứ mới bị đánh úp. Nghĩa quân tan cả, vợ con cụ Lợi cũng bị bắt sống. Chỉ còn cụ Lợi với dăm người bọn Lê Lễ, Lê Náo, Lê Bí, Lê Xí, Lê Đạp trốn trong núi. Hết lương, may mà giặc rút nên mới quay về Lam Sơn [1].

Trận thua này có lẽ là nặng nề nhất. Nếu ai đó chém về chế tạo vũ khí với tích trữ lương thảo, chiêu mộ binh lính và nhân lực, xin lấy đây làm bài học.

  1. Năm 1419, cụ Lợi tấn công đồn Nga Lạc bị thua, rút về núi Chí Linh. Giặc vây chặt, vụ phải ve sầu thoát xác với sự hi sinh của Lê Lai [2].

  2. Sau lần thất bại ấy, cụ Lợi phải bỏ cả Chí Linh mà chạy sang Ai Lao. Sử ta chỉ chép việc Trịnh Đồ, Trịnh Khả cầu viện, nhưng thực ra là cả nghĩa quân đều dạt sang Lào [3].

  3. Với sự trợ giúp của Ai Lao, nghĩa quân Lam Sơn quay lại đánh vài trận ở Mường Chánh, Lỗi Giang, nhưng rồi bị Đô chỉ huy giặc là Hoàng Thành đánh bại, nghĩa quân lại rút sang Ai Lao [4].

  4. Năm 1420, giặc Minh truy kích cụ Lợi ở Mường Tâm, Ai Lao, một lần nữa cụ phải bỏ trốn [5].

  5. Năm 1422, không rõ vì sao mối giao hải giữa nghĩa quân Lam Sơn với Ai Lao đổ vỡ [6]. Quân Ai Lao kết hợp với giặc Minh đánh quân Lam Sơn ở Quan Da (Quan Du). Trận này quân ta thiệt hại nặng, cụ Lợi phải lui về sách Khôi. Bị vây ở đó, cụ hô hào tướng sĩ quyết tử, đánh lui được đám Mã Kỳ, Trần Trí. Tuy thắng, nhưng lực lượng bị tổn thất thảm trọng, sau đó nghĩa quân vẫn phải rút lên núi Chí Linh. Đây cũng là thời điểm “khi Linh sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi huyện quân không một đội” trong Bình Ngô đại cáo. Lương thực hết cả, phải giết voi ngựa mà ăn [7].

  6. Năm 1423, Trần Trí đánh bại cụ Lợi ở huyện Đông Lai - châu Ninh Hóa. Cụ lại phải bỏ trốn (không rõ rút về đâu) [8].

Với các sự kiện trên, chúng ta thấy việc thua trận phải rút khỏi căn cứ là quá bình thường với quân Lam Sơn. Mà đã mất căn cứ thì lấy đâu ra nơi tuyển quân, lấy đâu ra nơi trồng trọt tích trữ lương thảo, lấy đâu ra nơi rèn đúc vũ khí? Nếu nói vũ khí, lương thảo, nhân lực, nhân tài là các điểm căn cốt để khởi nghĩa thì có những lúc, nghĩa quân Lam Sơn hầu như đã về zero.

Cũng trong giai đoạn từ năm 1418 tới năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn đã trải qua hàng chục trận chiến lớn nhỏ, chứ hoàn toàn không phải nép mình chờ thời, tích trữ lương thảo, huấn luyện binh tướng. Nên nhớ rằng lương thảo từ chiến tranh mà ra, binh hùng tướng mạnh cũng từ chiến tranh mà ra. Ngồi yên một chỗ mà chờ những yếu tố ấy tự nhiên xuất hiện thì không có đâu.

Từ trên trời rơi xuống chỉ có nước mưa và... à mà thôi.

--

[1] Toàn thư

[2] Cương mục

[3] Minh thực lục.

[4] Minh thực lục.

[5] Minh thực lục.

[6] Sẽ nói sau.

[7] Toàn thư.

[8] Minh thực lục.

Last updated

Was this helpful?