HUYỀN THOẠI NAM VANG
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
HUYỀN THOẠI NAM VANG
#Mát_tổ_Chương_hoàng_đế
Có người viết rằng “Tên gọi này [tức Nam Vang] hình thành vào thời hoàng đế Minh Mạng (nhà Nguyễn) chiếm luôn xứ Cao Miên, đem sáp nhập vào nước Đại Nam từ 1835 đến 1841. Tên nước lẫn tên các vùng địa phương, tên thủ đô xứ Cao Miên... đều đổi sang tên mới - do người Việt đặt ra.”
Sai hết biết, sai đến không thể sai hơn nữa. Không hiểu cứ tự sướng miết như vầy có khiến người Việt thêm ngạo nghễ được chăng? Xin thưa là cái cách phiên âm Nam Vang (南榮 - chữ 榮 có âm Hán là Vinh, có âm Nôm là Vang/Vênh) có từ thế kỷ thứ 17 kia, trước cả thời vua Gia Long lập ra nước Việt Nam chứ đừng nói chi tới Đại Nam.
Nếu đã đọc Đại Nam thực lục (Tiền biên), hẳn phải biết Nam Vang xuất hiện ở năm 1674 thời chúa Nguyễn Phúc Tần: “Trước là Nặc Ô Đài nước Chân Lạp mưu làm phản, làm cầu phao và xích sắt, đắp thành Nam Vang, nhưng còn sợ vua là Nặc Nộn, chưa dám hành động, bèn ngầm cầu viện nước Xiêm La, nói phao rằng vua Xiêm La đã phát 2 vạn quân bộ, 2 nghìn quân thủy, và một nghìn voi ngựa đến hỏi Nặc Nộn về tội cự mệnh.”
Trích tí chữ vuông cho sang mồm “先是真臘匿烏苔謀反作浮橋鐵鎖築南榮城猶畏其主匿嫩未敢動乃陰求援於暹羅聲言暹王發步兵二萬水兵二千象馬一千來問匿嫩拒命之罪”
Phiên âm: “Tiên thị Chân Lạp Nặc Ô Đài mưu phản, tác phù kiều thiết tỏa, trúc NAM VANG thành, do úy kì chủ Nặc Nộn vị cảm động nãi âm cầu viện ư Xiêm La thanh ngôn Xiêm vương phát bộ binh nhị vạn thủy binh nhị thiên tượng mã nhất thiên lai vấn Nặc Nộn cự mệnh chi tội”.
Nếu đã đọc Đại Nam liệt truyện, hẳn phải biết Nguyễn Hữu Cảnh truyện có nhắc tới Nam Vang: “Năm Canh Thìn (1700) mùa xuân, Hữu Cảnh đến nơi, bày trận ở Ngư Khê, đắp lũy Hoa Phong, sai người xem tình hình hư thực, chia đường tiến đánh đến sát lũy Bích Đôi (Gò Biếc) phủ Nam Vang.”
Lại trích tý chữ vuông cho sang mồm: “庚辰春至其地列陣於魚溪築華峯壘使人覘虛寔分道進 討逼南榮碧堆壘”.
Phiên âm: “Canh Thìn xuân chí kì đích liệt trận ư Ngư Khê trúc hoa phong lũy sử nhân chiêm hư thực phân đạo tiến thảo bức NAM VANH Bích Đôi lũy”.
Như vậy, chắc chắn cái tên Nam Vang đã ra đời rất rất sớm so với nước Đại Nam của vua Minh Mạng. Nếu cần trích dẫn thêm thì trong Gia Định thành thông chí của cụ Trịnh Hoài Đức (thời Gia Long) có câu “明亡,不服大清初政,留髪南投於高綿國南榮府” - Minh vong, bất phục Đại Thanh sơ chính lưu phát nam đầu ư Cao Miên quốc NAM VANG phủ (nhà Minh mất, [Mạc Cửu] không phục triều chính nhà Thanh, để tóc dài chạy qua phương nam tới phủ NAM VANG nước Cao Miên).
Lại e rằng Thực lục, Liệt truyện mãi thời Thiệu Trị mới được chép thành sách, và Gia Định thành thông chí có thể tam sao thất bản nên người đời sau lấy cái tên địa danh thời Minh Mạng mà gán cho những ghi chép trước đó chăng? Nhưng hóa ra tuyệt không có chuyện ấy vì cũng Đại Nam thực lục chép năm 1809, vua Gia Long đã thu hồi ấn “Nam Vang thông hành” và ban ấn mới “Nam Vang thông hành chi ấn” đế đóng vào giấy cho người sang Nam Vang buôn bán (Thực lục, đệ nhất kỷ).
Vậy là cái tên Nam Vang phải được dùng chính thức từ lâu rồi chứ không chờ tới thời Minh Mạng. Âm Phnôm Pênh của Cam Bốt, người Việt phiên thành Nôm Vênh (Nam Vang - Nôm/Nam; Vênh/Vang thông nhau) có chi là lạ đâu, chẳng vinh (vang) chẳng nhục (nhã).
Thôi thì việc Nam Vang là của xứ người, có sai thì sai việc nước người thôi, nhưng khổ, nội mấy dòng con con còn sai luôn sử Việt. Cái tên Đại Nam mãi năm 1838 mới ra đời trong khi việc nước Nam chiếm Nam Vang đã từ năm 1834, nhẽ vua Minh Mạng lấy tên một phủ Cam bốt để đặt làm quốc hiệu nước mình ư? Thế thì nhục nhã cho nhà Nguyễn quá.
Rồi việc nhầm “xứ Cao Miên làm thành 1 trấn, gọi là Trấn Tây Thành” thì quá đặc sắc rồi. “Trấn Tây Thành” hem phải 1 trấn có tên “Tây Thành” đâu, mà là 1 thành mang tên “Trấn Tây”. Theo cấu trúc tiếng Trung thì trong “Trấn Tây Thành”, chữ cuối “Thành” là danh từ chung còn 2 chữ đầu “Trấn Tây” là tên riêng ạ, ai đó nhầm với cấu trúc Việt, lấy “Trấn” làm danh từ chung và “Tây Thành” làm tên riêng thì sợ quá đi mất. Cái thành này được nâng cấp mở rộng từ thành An Man lên thôi (Thực lục, đệ nhị kỷ, 1834) he he
Trấn Tây ban đầu chỉ là một thành, trên đó còn có phủ Nam Vang. Khoảng năm 1835, lại đổi tên phủ Nam Vang thành phủ Trấn Tây. Từ đó cái tên Nam Vang hầu như không được dùng nữa mà thay vào đó là phủ Trấn Tây. Trấn Tây chưa bao giờ là cả nước Cao Miên hết, mà song song phủ Trấn Tây còn có các phủ Sơn Phủ, Hải Đông, Hải Tây, Kha Lâm, Quảng Biên, Chân Thành và Ba Nam thuộc nước Cao Miên cũ (Thực lục, đệ nhị kỷ, 1836). Bởi Trấn Tây là nơi nhà Nguyễn tập trung đóng quan quân để cai trị nên đôi khi người ta xài Trấn Tây để chỉ bộ máy triều đình thiết lập ở khu vực đó, tương tự như cách xài Hà Nội là đầu não của Việt Nam hay Hoa Thịnh Đốn để chỉ nhà nước Huê Kỳ, chứ tuyệt nhiên Trấn Tây không phải nước Cao Miên / Chân Lạp, cũng như Hà Nội không phải toàn bộ Việt Nam và Hoa Thịnh Đốn không phải toàn bộ Huê Kỳ.
Có lẽ người viết thèm Hủ tiếu Nam Vang quá nên chém bừa chăng?
[ https://www.facebook.com/tonhu1999/posts/pfbid0dGm7XEGnGc4pTQDbzbMy4qPByYc7zTBKF6fFEo3JFaDbGyFgnCFX6YTE1Qzwu1F6l ]