Ấn Ngọc thời nhà Nguyễn

I. ẤN NGỌC THỜI NGUYỄN

Ấn vàng tương đối phổ thông vì dễ làm, nhưng ấn ngọc mới là đỉnh cao của công nghệ chế tác ấn tỷ. Vàng bạc không hiếm, đúc hỏng có thể đúc lại. Ngọc quý rất khó cầu, khắc hỏng là chỉ có bỏ. Chế tác ấn ngọc gồm hai công đoạn tách biệt: Một là tạo hình ấn, thứ hai là khắc chữ. Vì vậy, trong hai ngàn năm lịch sử ấn chương, ngọc tỷ bao giờ cũng được đánh giá cao hơn kim bảo.

Năm 1823, vua Minh Mệnh đúc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" để đóng vào các sắc dụ. Bấy giờ, quả ấn này được coi là quan trọng thứ 2, dưới ấn vàng truyền quốc.

Năm 1828, đúc thêm các ấn vàng khác thì quả ấn này chuyên sử dụng vào các dịp "Khánh tiết gia ân, các việc long trọng như cáo dụ thân huân, tuần xem địa phương cùng là ban sắc thư cho ngoại quốc. Bấy giờ, "Hoàng đế chi bảo" được coi là quan trọng thứ 3, dưới ấn vàng truyền quốc và ấn vàng "Hoàng đế tôn thân chi bảo".

Nhưng đến năm 1835, lần đầu tiên nhà Nguyễn khắc ấn ngọc của Hoàng đế, đó là quả ấn "Hoàng đế chi tỉ" bằng bạch ngọc. Từ khi ấn ngọc này ra đời, vua Minh Mệnh quy định các sắc dụ quan trọng như đổi niên hiệu, đại xá, đại khánh đàm ân thì đóng ấn này "để tỏ điển lễ long trọng". Còn sắc dụ cho đại thần và sắc thư ngoại quốc thì vẫn dùng ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Như vậy quả ấn vàng đã lùi xuống vị trí thứ 4.

Năm 1846, vua Thiệu Trị có được viên ngọc quý, sai khắc thành ấn. Đến năm 1847 thì hoàn thành, ấn khắc chữ "Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ", trở thành ấn ngọc truyền quốc của nhà Nguyễn. Tự nhiên, quả ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" lui xuống vị trí thứ 5.

Nhưng chưa hết, đến cuối đời Nguyễn còn nhắc đến ấn ngọc "Đại Nam Hoàng đế chi tỉ", không rõ được khắc vào thời gian nào. Quả ấn này không phải ấn của Minh Mệnh khắc năm 1835 vì khi đó nước ta chưa mang tên Đại Nam. Với sự xuất hiện của quả ấn ngọc thứ 3 này, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" tụt xuống vị trí thứ 6 trong các ấn tỷ của Hoàng đế nhà Nguyễn.

II. ẤN NGỌC TRIỀU ĐẠI TRƯỚC

Các triều đại Lý, Trần không thấy nhắc tới ấn ngọc, nhưng ở thời Lê sơ thì đã tồn tại một Ngọc tỷ truyền quốc. Quả ấn này được nhắc tới vài lần trong Toàn thư, nhưng thực tiếc là việc phiên dịch sai khiến cho nhiều người không nhận ra.

Năm 1434, vua Lê Thái tổ đúc 6 quả ấn vàng: Thuận thiên thừa vận chi bảo, Đại thiên hành hóa chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Chế cáo chi bảo, Ngự triều chi bảo, Ngự triều tiểu bảo. Trong đó quả ấn "Thuận thiên thừa vận chi bảo" được lấy làm ấn truyền quốc.

Đến năm 1467, vua Lê Thánh tông cho làm quả ấn truyền quốc khác. Bản dịch Toàn thư viết: "Mới rồi, ấn truyền quốc đã sai quan bí thư là bọn Lương Như Hộc xét trong sách Văn hiến thông khảo để đúc, gọi là Hoàng Đế thụ mệnh chi bảo”, các quan tể thần bàn thế nào, hãy làm bản tâu lên”. Nhưng câu nguyên văn là "tái mệnh Bí thư quan Lương Như Hộc đẳng khảo Văn hiến thông khảo dĩ chế". Chữ "chế" ở đây là "chế tạo", không phải riêng chỉ đúc (ấn vàng) hay khắc (ấn ngọc).

Rất may là đoạn sau, Toàn thư lại chép tiếp: "Ngày 16, đem việc khắc ấn “Hoàng Đế thụ mệnh chi bảo”1 tâu cáo ở Thái miếu", nguyên văn cũng dùng chữ "khắc". Như vậy ta biết Toàn thư nói rõ là Lê Thánh tông khắc ấn ngọc truyền quốc.

Lại xét Văn hiến thông khảo mà vua Thánh tông nhắc tới, trong đó chép: "Thời Tắc Thiên, chê chữ tỷ, đổi gọi là bảo. Năm Trinh Quán thứ 16, chế riêng một chiếc ấn, trên khắc chữ 'Hoàng thiên cảnh mệnh hữu đức giả xương" bằng bạch ngọc, núm ấn hình ly hổ. Giữa niên hiệu Đồng Quang, chế một quả ấn, khắc chữ 'Hoàng đế thụ mệnh chi bảo'".

Như vậy, ghi chép của Toàn thư hợp với điển lệ trong Văn hiến thông khảo, cho ta biết vua Lê Thánh tông đã cho khắc ấn [bạch] ngọc "Hoàng đế thụ mệnh chi bảo" và định làm ấn truyền quốc. Số phận quả ấn này tồn tại tới đời vua Túc tông, sau đó có lẽ đã thất lạc khoảng thời loạn lạc Uy Mục, Tương Dực.

--

hình 1: phim cổ trang Trường An thập nhị thời thần có ấn Hoàng đế thụ mệnh chi bảo.

hình 2: chữ "chế - 製" trong Toàn thư bị dịch sai thành "đúc".

Nguồn bài viết từ : https://www.facebook.com/phamtonhu1999/posts/168647209103502

Last updated

Was this helpful?