Vương quốc Hoa Thanh Quế
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
VƯƠNG QUỐC HOA THANH QUẾ
Khi vua Gia Long bị ép phải nhận quốc hiệu Việt Nam (ban đầu ông muốn chọn Nam Việt), chắc hẳn ông không hề nghĩ rằng bản thân và con cháu của mình lại ác cảm với cái tên ấy như vậy. Họ luôn tìm mọi cách để chối bỏ nó. I. ĐẠI VIỆT THẦN THÁNH Là một dòng họ có nguồn gốc Thanh Nghệ, dẫu di cư qua bên kia Hoành Sơn, chưa bao giờ các chúa Nguyễn quên đi hai chữ thần thánh “Đại Việt”. Trong một số trường hợp giao thông với nước ngoài, các chúa Nguyễn xưng nước của mình (Nam Hà) là độc lập và mang tên Đại Việt. Điều này thể hiện rất rõ qua lời của Thích Đại Sán - sư phụ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Vị thiền sư ngoại quốc đóng vai trò trung gian giữa Nam Hà với nhà Thanh nhằm xin Thanh triều công nhận sự độc lập của Nam Hà đã viết lại rằng: “Trong lúc nói chuyện, quốc vương thường tỏ ý tưởng nhớ Đông Kinh, nói Đông Kinh là đất nước bản quốc, tiên thế từng làm rể An Nam, được phong làm phiên thần ở xứ này, dần dần trong xứ trở nên cường thạnh; từ ấy cát cứ lập thành một nước, đổi hiệu làm Đại Việt” [1]. Việc này không quá khó hiểu. Trong một khoảng thời gian dài khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nước ta bị nhà Minh giáng từ một nước xuống còn Đô thống sứ ty. Ngay cả khi nhà Lê Trung hưng lấy lại quốc thống thì ban đầu, vua Lê vẫn phải mang chức Đô thống sứ. Vì vậy, ở phương diện ngoại giao, quốc hiệu An Nam hay Đại Việt đều bị bỏ trống trong một thời gian dài và triều đình Nam Hà đã “tiện tay” mượn luôn danh hiệu Đại Việt quốc. Chữ Việt rất quan trọng với vua Gia Long, bất kể quốc hiệu là Nam Việt hay Việt Nam đều phải giữ chữ Việt, vì nó là biểu trưng văn hiến một ngàn năm của đất nước. Như hôm qua đã nói, bộ sách mà Lê Quang Định viết ngay khi vua Gia Long lên ngôi hoàng đế, đã gọi là Đại Việt nhất thống dư địa chí hoặc Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Bộ luật đầu tiên của nhà Nguyễn cũng mang tên Hoàng Việt luật lệ. Thậm chí trong nước, vua Gia Long vẫn xưng là Đại Việt [2]. Chắc hẳn ông không ngờ có một ngày, người kế ngôi của mình lại tìm mọi cách gạt bỏ chữ Việt ấy đi. II. SAI LẦM NỐI SAI LẦM Chữ Đại trong Đại Việt nhằm tự tôn quốc gia của mình. Trung Quốc gọi ta là An Nam hoặc Việt. Kể cả trong cách gọi bình thường, ta vẫn xưng là “ngã Việt quốc” - nước Việt ta, không phải lúc nào cũng thêm chữ Đại. Tức là về bản chất, chúng ta coi nước mình là nước Việt, người mình là người Việt. Khi Nguyễn Phúc Ánh xin đổi quốc hiệu với triều đình nhà Thanh, ông muốn tránh danh hiệu “An Nam” mà Trung Quốc vẫn phong cho nước Việt mà đề xuất tên Nam Việt (tên nước cũ của Triệu Vũ đế). Nhà Thanh chỉ đồng ý cho ông dùng quốc hiệu Việt Nam, đây là sai lầm đầu tiên của nhà Nguyễn. Vì sao lại nói đó là sai lầm? Là bởi trong cách xưng quốc hiệu của các quốc gia, thông thường chỉ dùng hai âm tiết. Trung Quốc các thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, lấy quốc hiệu là tên triều đại và thêm chữ Đại để tỏ mình là đế quốc. Các nước Triều Tiên, Nhật Bản thường xưng Đại Hàn, Đại Hòa tương tự như ta vẫn xưng Đại Việt với lân bang. Nhưng khi dùng quốc hiệu Việt Nam, thêm chữ Đại sẽ trở thành ba âm tiết, không thông dụng. Đây là lý do mà nhà Nguyễn thời Gia Long vẫn tiếp tục xử dụng quốc hiệu Đại Việt, ấn truyền ngôi vẫn dùng quả ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”; Tờ mục lục của Tông phả nhà Nguyễn vẫn ghi “Hoàng Việt tông thất phả” [3]. Mùa xuân năm 1838, vua Minh Mệnh ra quyết định cắt bỏ hẳn chữ Việt ra khỏi quốc hiệu, đổi gọi nước ta là Đại Nam. Đây là sai lầm thứ hai, một sai lầm rất lớn, bởi đơn giản, cắt bỏ chữ tự tôn “Đại” thì chỉ còn chữ “Nam” mang tính chỉ phương hướng. Thực khó lý giải vì sao vua Minh Mệnh lại ghét chữ “Việt” đến như vậy. Thông thường quốc hiệu phải gắn bó với đặc tính của đất hoặc tộc người (dĩ nhiên cũng phải nhắc lại là nhà Nguyễn tự xưng là Hán nhân, không nhận là Việt). Khi nhận mình là “Nam quốc” - nước phía nam - thì tức là đang đặt quốc gia trong mối tương quan với “Bắc quốc” hoặc “Trung quốc” mà bỏ qua các nước xung quanh. Không hiểu Cao Miên, Ai Lao, Xiêm La sẽ nghĩ sao khi gọi quốc gia phía đông (đông bắc) mình là “nước phía nam”, ngoại trừ sự gợi nhớ tới triều đình Nam Hà bé nhỏ trong giai đoạn Nam Bắc phân tranh. Nó trái ngược với xu thế bành trướng của nhà Nguyễn, thể hiện qua việc xâm lược Trấn Tây và đối đầu với Xiêm La. Quyết định của vua Minh Mệnh không được tất cả triều đình ủng hộ. Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Tổng đốc Bình - Phú là Vũ Xuân Cẩn liền đó dâng tập thỉnh an bàn về việc đổi quốc hiệu, trong đó nhắc cả việc Nùng Trí Cao thời Lý từng chiếm một góc đất và xưng quốc hiệu là Đại Nam. Nhưng vua Minh Mệnh không cho là đúng [4]. Hậu quả của việc cắt bỏ chữ Việt này là về cuối thời Nguyễn, chẳng còn Đại Nam nào được tôn xưng nữa mà phương Tây chỉ gọi chúng ta là Nam quốc. Trong hiệp ước bất bình đẳng năm Nhâm Tuất (1862), bản chữ Hán nhiều lần gọi ta là “Nam quốc” mà không kèm chữ “Đại” như Nam quốc nhân, Nam quốc thương nhân, Nam quốc kinh thành,... III. VƯƠNG QUỐC HOA THANH QUẾ Không chỉ quan viên lên tiếng về quốc hiệu Đại Nam mà chính người cháu nội có tiếng hay chữ của vua Minh Mệnh là Thành tổ Dực tông cũng không hài lòng với việc gạt quốc gia ra rìa (nước phía nam). Thành tổ Dực tông quá ngán cái tên Nam quốc, liền bàn một lần nữa đổi quốc hiệu. Vốn xuất thân Thanh Hóa nên ngài tính đổi quốc hiệu là Đại Hóa [5]. Nhưng Cơ mật viện tâu rằng “chữ Hóa đã gồm cả gốc trước [chỉ Thanh Hóa], lại hợp với tiếng nam, tưởng làm thỏa đáng, duy có hiện nay nhiều việc, lòng người dễ dao động, nếu một khi trái đi, thói đời thấy nói sai, sợ không ngăn được, xin đợi khi nào ít việc sẽ thi hành.” Rốt lại, từ đó về sau chẳng bao giờ vãn việc nên chuyện đổi quốc hiệu thành Đại Hóa không thực hiện được. Nếu không, có lẽ chúng ta đã có quốc gia Hoa Thanh Quế bằng xương bằng thịt tồn tại trong lịch sử. -- [1] Hải ngoại kỷ sự - quyển 1. [2] Có bài đã viết riêng. [3] Thực lục - đệ nhị kỷ - 1839. [4] Thực lục - đệ nhị kỷ - 1839. Thực lục không chép nội dung tập thỉnh an của Vũ Xuân Cẩn, nhưng qua trả lời của vua Minh Mệnh thì ta biết ông Cẩn đã tâu về việc quốc hiệu. [5] Thực lục - đệ tứ kỷ - 1875.
Nguồn bài viết :