Vì sao Nguyễn Phúc Ánh không lên ngôi Hoàng Đế ?
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
VÌ SAO NGUYỄN PHÚC ÁNH KHÔNG LÊN NGÔI HOÀNG ĐẾ
Năm 1780, Nguyễn Phúc Ánh xưng vương ở Gia Định. Năm 1801, Cảnh Thịnh đế bỏ kinh đô ra bắc, Nguyễn Phúc Ánh vào Phú Xuân. Tháng Ba năm 1802, quần thần tâu xin lên ngôi tôn và đổi niên hiệu. Nguyễn Phúc Ánh chỉ đồng ý cải nguyên là Gia Long (trước đó dùng niên hiệu của nhà Lê), nhưng từ chối lên ngôi tôn, với lý do “giống giặc chưa trừ xong, đất nước chưa thống nhất, không nên vội lên ngôi tôn” (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1802).
Tuy nhiên, tới khi diệt được nhà Tây Sơn, tháng Tám năm 1802, quần thần cùng họ Lê và họ Trịnh cùng dâng biểu xin Gia Long lên ngôi Hoàng đế. Vua Gia Long vẫn không đồng ý, mặc dù trong chiếu có nói: “nước ta từ thời Triệu Võ cho đến Đinh - Lê - Lý - Trần đều xưng đế hiệu, còn ghi đủ trong sử sách”, nhưng vì “nước nhà mới xây dựng, kẻ thương tật chưa dậy được, người bệnh khổ chưa lại hồn, phong tục kiêu ngoa chưa thay đổi hết, ngược chính tệ đoan chưa sửa chữa hết, mọi việc dân tình quốc kế trù hoạch đương bận”, nên vẫn chỉ xưng vương chứ tuyệt không chịu làm Hoàng đế (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1802).
Mãi cho tới năm 1806, ngài mới chính thức làm lễ lên ngôi Hoàng đế.
Vì sao Gia Long nấn ná bốn năm trời mới chịu xưng đế?
Câu trả lời rất đơn giản (???). Đó là vì trước đó, ngài đã trót… mách tội tiếm ngôi Hoàng đế của nhà Tây Sơn với triều đình nhà Thanh.
Tháng Năm năm 1798, khi Nguyễn Phúc Ánh đang đánh nhau với vua Cảnh Thịnh. Sợ Cảnh Thịnh cầu viện nhà Thanh, Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường dâng kế xin Nguyễn Phúc Ánh gửi thư tố cáo bốn tội của nhà Tây Sơn với Hoàng đế Gia Khánh nhà Thanh, trong đó có một tội là “Tây Sơn xưng thần ở Trung Quốc mà xưng đế ở ngoài”. Nguyễn Phúc Ánh đồng ý, sai Ngô Nhơn Tĩnh sang sứ nhà Thanh. Kết quả là năm 1801, Cảnh Thịnh thua chạy ra bắc, gửi thư cầu viện nhà Thanh, người Thanh từ chối giúp Tây Sơn.
Trót vì mách tội “nội thần ngoại đế” của nhà Tây Sơn nên Nguyễn Phúc Ánh không dám lên ngôi Hoàng đế ở nước Việt, mãi tới khi nhà Thanh ban cho quốc hiệu Việt Nam và phong Nguyễn Phúc Ánh làm Việt Nam quốc vương vào năm 1804, xong xuôi hết, triều đình nhà Nguyễn mới dám tính tới chuyện xưng đế trong nước.
Bình thường, ta vẫn nói các vua Đại Việt “nội đế ngoại thần” (trong nước xưng đế, ra ngoài xưng thần với Trung Quốc), nhưng Nguyễn Phúc Ánh lại đề xuất “ngoại đế nội thần” (nguyên văn: 外帝内臣) mà bản dịch Thực lục chuyển ngữ thành “xưng thần ở Trung Quốc mà xưng đế ở ngoài”, chỉ đổi thứ tự nội ngoại mà nội hàm rất đáng quan tâm.
Nguồn bài viết từ : https://www.facebook.com/phamtonhu1999/posts/107025211932369