VUA GIA LONG VÀ ÁN NGUYỄN VĂN THÀNH
VUA GIA LONG VÀ ÁN NGUYỄN VĂN THÀNH
Tiền quân Nguyễn Văn Thành là vị khai quốc công thần của nhà Nguyễn, công lao ngang với Tả quân Lê Văn Duyệt, từng chia nhau cáng đáng việc lớn ở hai đầu đất nước là Bắc Thành và Gia Định. Không chỉ nổi danh là viên trí tướng bậc nhất, ông còn có nhiều đóng góp trong việc định ra triều chính cho vua Gia Long, có thể kể tới các việc rà xét hộ khẩu để quản cấp công điền, tiến cử hiền tài cũ của nhà Lê, làm quan nhận sắc trong lễ nhận phong của nhà Thanh cho vua Gia Long, chuẩn định học quy để chỉnh đốn sĩ tập, tấu xin lập quốc sử quán, chủ biên bộ luật Gia Long,... Mặc dù vậy, số mệnh lại không cho ông một kết cục an lành. Năm Gia Long thứ 16, ông bị bắt vì tội thông đồng phản nghịch, phải uống thuốc độc tự sát trong ngục. Với cái chết của một vị đại thần như vậy, vua Gia Long không tránh khỏi bị nghi có liên quan.
I. VỤ ÁN NGUYỄN VĂN THUYÊN
Thuyên là con trai của Thành, đậu Cử nhân năm 1813, thường dùng văn thơ kết giao tân khách. Năm 1815, có làm bài thơ rằng:
Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt,
Hư hoài trắc tịch dục cầu ti.
Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác ;
Thiện tướng phương tri Ký Bắc kỳ.
U cốc hữu hương thiên lý viễn ;
Cao cương minh phượng cửu cao tri.
Thử hồi nhược đắc sơn trung tể,
Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky.
Dịch
Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt
Dành để chiếu bên ta muốn chờ.
Vô tâm ôm mãi ngọc Kinh Sơn
Tay sành mới biết ngựa Ký Bắc.
Thơm nghìn dặm lan trong hang tối ;
Vang chín chằm phượng hót gò cao.
Phen này nếu gặp tể [tướng] trong núi,
Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ.
(Thực lục, đệ nhất kỷ, 1815)
Bị môn khách là Nguyễn Trương Hiệu đem cáo với Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Hựu Nghi. Nghi lại sai Hiệu mách với Lê Văn Duyệt. Duyệt tâu với vua, nhưng vua dụ rằng “sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về”. (1)
Sau đó, Hiệu thường dùng bài thơ để tống tiền Nguyễn Văn Thuyên. Lại có lần chặn đường Nguyễn Văn Thành khi tan chầu để vòi. Bất đắc dĩ, Thành liền đem Thuyên và Hiệu giao cho ngục Quảng Đức, bản thân mình tự xin vào chầu vua, đem việc tâu lên.
Vua sai đình thần xét án, nhưng bởi nhân chứng mà Hiệu cung xưng là Đỗ Văn Chương lại đang ở Gia Định, liền tạm thả Thuyên ra. (2)
Đến năm 1816, tháng Giêng, Ký lục Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa dâng sớ hạch tội Nguyễn Văn Thành vì “Con Văn Thành là Văn Thuyên âm mưu làm phản, sự cơ tiết lộ, Thành không biết đến cửa khuyết chịu tội mà còn áo triều , mũ triều nghênh ngang đứng ở trên các đình thần, như thế thì còn thể thống triều đình chi nữa.” Đồng thời hặc chuyện “Văn Thuyên đã hạ đình nghị mà lại yên ổn ở nhà, pháp luật không được thi hành thì lấy gì mà tỏ bảo cho thiên hạ” và “Văn Thành soạn điều luật, tự tiện bỏ mất điều kết giao cận thị (Cấm các quan không được chơi với kẻ hầu của vua)”, rồi xin xét lại án. Vua Gia Long sai giao xuống đình nghị, và phán: “Ý thơ của văn Thuyên sao mà tiếm bội thế! Phàm có Lương Vũ đế làm vua rồi sau mới có tể tướng trong núi chứ. Văn Thuyên là người thế nào mà muốn được Tể tướng trong núi?”. Tham tri Hình bộ là Võ Trinh cho rằng giải nghĩa vậy quá cưỡng ép. Vua nín lặng. (3)
Liền sau đó xảy ra sự việc viên xá sai hình ty là Trần Ngọc Ngữ làm ngục lại nói với Võ Trinh rằng tên Hiệu vốn là tịch sĩ cho Nguyễn Hựu Nghi rồi lại xưng là môn khách của Thuyên, như vậy không đúng. Trinh liền cùng Chưởng cơ Tống Phước Ngoạn giục Ngữ cáo giác việc này. Vua sai đình thần nghiêm tra, “Ngữ không trả lời được, đổ cho Trinh và Ngoạn mớm lời, hai bên bị tội”, kết quả là Trinh và Ngoạn bị bắt hạ ngục. (4)
Tháng Tư năm đó, Đỗ Văn Chương xuất hiện làm chứng cho lời Hiệu. Vua sai Lê Văn Duyệt tra án. Thuyên bị bắt hạ ngục, Thành bị tâu xin bắt giam, vua dụ “Văn Thành vốn là kẻ có tội; nhưng thể thống đối với đại thần” nên chỉ thu ấn Trung quân sai về ở nhà riêng. (5)
Sau đó, vua xét tiếp án Nguyễn Văn Thuyên, đình thần kết luận “Văn Thuyên mưu làm phản, tội trạng rõ ràng ; Văn Thành thì dám che giấu cho con, lấy yêu ngôn tâu bậy, sửa mộ quá phép, tiến cử người xằng, nhiều điều bất pháp như thế, xin xử tội chết”. (6)
Án treo đó gần một năm, tới tháng Giêng năm 1817, Thuyên chính thức bị kết tội thông với Lê Duy Hoán mưu phản. Thành và Thuyên bị giam tại nhà quân Thị trung. Thành bị đình thần hỏi “Có làm phản không?” Thành nói: “Không”. Hỏi : “Có dự biết không?” Thành nói: “Không”. Rồi về nhà quân, nói với Thống chế Huỳnh Công Lý “Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung.”, rồi uống thuốc độc tự tử. Thuyên bị xử lăng trì, Võ Trinh bị trảm giam hậu, Tống Phước Ngoạn bị trượng và cách chức, Trần Ngọc Nhữ lưu đày tột bậc. (7)
II. VAI TRÒ CỦA VUA GIA LONG
Lần lượt xét qua 7 mốc thời điểm trên, ta thấy vua Gia Long đóng vai trò then chốt trong vụ án xử cha con Nguyễn Văn Thành.
Ở mốc 1, bản thân vua tự biết dùng câu thơ không rõ ràng để kết án phản cho con đại thần là không đủ căn cứ nên chủ động dẹp bỏ. Điều này hoàn toàn không dẫn tới kết luận vua muốn bỏ qua cho Thành.
Ở mốc 2, Nguyễn Văn Thành chủ động nộp con mình và kẻ tống tiền lên quan, mong xử dứt điểm một lần. Lưu ý khi đó Thành vẫn là Chưởng dinh Trung quân, một trong các chức võ quan cao cấp nhất của triều Nguyễn và có thực quyền. Ngược lại, Nguyễn Trương Hiệu chỉ là một tên điêu dân áo vải. Một bình dân dám tống tiền quan đại thần đầu triều ngay giữa đường tan chầu, không cần nói cũng biết hắn được chống lưng bởi thế lực lớn, thậm chí là lớn nhất.
Cũng ở mốc 2 này, ta thấy không có tình tiết mới, vua Gia Long không nhất thiết phải sai đình thần xét lại án. Cuối cùng vì khuyết nhân chứng (Đỗ Văn Chương) nên lại phải thả Thuyên ra.
Ở mốc số 3, Ký lục Nguyễn Duy Hòa đòi mở lại vụ án. Rõ ràng vẫn không có chứng cứ mới đưa ra, nhưng vua Gia Long một lần nữa sai đình thần tra xét. Thậm chí đích thân ngài luận rằng Thuyên có ý phản, tự ví mình với Tể tướng trong núi. Tể tướng trong núi là điển tích về Đào Hoằng Cảnh giúp Lương Vũ đế lập nên nhà Lương. Vua Gia Long tự luận rằng Thuyên ví mình như Hoằng Cảnh tức là có ý muốn giúp một ai đó nổi dậy chống lại triều đình. Lập luận quá mơ hồ, lại khuyết thiếu nhân vật được ám chỉ là Lương Vũ đế, nên khi Tham tri bộ Hình là Võ Trinh biện bác thì vua đành chịu mà “nín lặng”.
Ở mốc 4, cần nói thêm Võ Trinh là người cùng phe Nguyễn Văn Thành, hai ông cùng với Trần Hựu là những người soạn ra bộ Hoàng Việt luật lệ, sau này cả ba đều bị đục bỏ tên ghi trong bộ luật. Bởi Võ Trinh bênh vực Thành nên ông bị kết án trong vụ Trần Ngọc Ngữ tố cáo Nguyễn Trương Hiệu. Sự thực thì Hiệu với Nguyễn Hựu Nghi đúng là người cùng quận (Thực lục, đệ nhất kỷ, tháng Giêng 1815), nghĩa là mặc dù không có chứng cớ rằng Hiệu vu cáo, nhưng có ẩn tình trong đó. Sau khi bị đình thần “nghiêm tra”, Ngữ khai là Trinh và Ngoạn mớm lời, và kết quả là người ở bộ Hình bênh vực Nguyễn Văn Thành lập tức bị hạ ngục (sau đó bị khép tội chết). Vua Gia Long đã không hề công bằng trong tình huống này.
Ở mốc 5, có sự xuất hiện của nhân chứng Đỗ Văn Chương, nguyên là môn khách của Thuyên, ra làm chứng cho lời của Hiệu. Sự việc không có gì phải bàn, nhưng kỳ lạ ở chỗ xét án không giao cho bộ Hình hay Đại lý tự, mà vua lại chỉ định Lê Văn Duyệt tra hỏi. Kết quả là Thuyên phải nhận tội. Như trên đã nói, Duyệt chính người tố cáo Thuyên mưu phản lên vua. Để chính người tố cáo đi làm việc tra hỏi, không nói cũng biết ý vua Gia Long muốn khép tội cho Thuyên.
Sau khi Thuyên nhận tội, Thành sợ hãi xin chịu tội, nhưng tội ấy là gì? Xin thưa đó là “không biết dạy con”. Dĩ nhiên với tội tạo phản của Thuyên, có thể xử giết cả nhà, liên đới tới Thành, nhưng vua Gia Long sợ tai tiếng nên muốn ép cả Thành vào tội mưu phản. Đích thân ngài phán: “Văn Thành thân làm đại thần mà dung túng cho con kết nạp môn khách, là hiếu danh ư? Hay ý muốn làm gì? Có người tôi như thế xử trí thực khó. Nếu không bảo toàn được công thần thì cũng không phải là việc hay của trẫm, thế mới khó chứ!” (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1816).
Một câu “Hay ý muốn làm gì” quả là hiểm độc.
Nhưng rốt lại, Thuyên mưu phản với ai? Anh ta không nhận mình là Lương Vũ đế mà chỉ đóng vai Tể tướng trong núi. Tức là dẫu có ép để Thuyên nhận tội thì vẫn chỉ là “đề thơ phản nghịch” chứ chưa phải làm phản. Không thể giết cả nhà anh ta được. Liệt truyện chép rằng bấy giờ có “Tham tri bộ Lại là Trần Văn Tuân nói rằng Thành không biết dạy con tội nhẹ, Duy Hòa hạch đại thần tội nặng, vua nói rằng thế thì muốn khóa miệng người ta lại à, há chả phải bằng danh à?” Bởi vậy nên án cứ treo đó. Vua Gia Long cần tìm cho ra người đóng Lương Vũ đế, tức là biến tội “đề thơ phản nghịch” thành tội phản nghịch. Thậm chí vua Gia Long còn tính đem cả việc Nguyễn Văn Thành chọn đất tốt để táng mẹ cũng là toan tính mưu phản: “Văn Thành cầu lấy đất tốt sợ giàu sang không được thêm nữa à?” (Nguyên trước kia vua tìm đất làm sơn lăng, chọn được chỗ đào huyệt có đất ngũ sắc, Thành bảo: “Đất ấy chưa đủ làm tốt. Mộ mẹ thần cũng có đất ngũ sắc, mà sắc coi còn tươi nhuần, có thể tốt hơn đất này.” Lúc ấy vua im lặng nhưng ghi nhớ trong lòng).
Thật may cho toan tính của vua Gia Long là tháng Mười một năm 1816, hậu duệ của nhà Lê là Duy Hoán ở Thanh Hoa bị kết tội phản nghịch. Hoán bị bắt giải về kinh. Và mốc 7 hiện ra.
Ở mốc 7, Lê Duy Hoán dưới sự tra xét của bộ Hình liền khai thông mưu với Nguyễn Văn Thuyên. Nội thần là Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đình Đức đều nói: “Bọn kia ngầm mưu làm càn ngay từ ngày Văn Thành còn làm Tổng trấn Bắc Thành, chứ không phải đợi khi đã phải tội rồi sau mới gởi thư.” Tức là Thuyên chỉ còn là nhân vật phụ để bắc giữa kẻ làm phản Lê Duy Hoán với ông cựu Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành. Cái án mưu phản đã khoác thẳng lên người Thành. Đình thần nghị: “Xét lại lời cung của Duy Hoán thì tình trạng làm phản của cha con Văn Thành đã rõ. Xin trị tội.” Và vua Gia Long kết luận: “Trẫm đãi Văn Thành không bạc, nay hắn tự mình làm nên tội, thì phép công của triều đình trẫm cũng không thể làm của riêng được.” Chủ ý của vụ án đã lộ rõ ở câu này. Chính vì vậy mà Văn Thành mới than với Huỳnh Công Lý: “Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung.” Thậm chí sau khi Công Lý tâu việc lên vua, ngài còn đùng đùng nổi giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt.”
Tới khi Huỳnh Công Lý dâng di biểu của Thành, có câu “Sớm rèn tối đúc dật thành sự cực ác cho cha con tôi, không tố cáo vào đâu được chỉ chết đi mà thôi.” thì vua mới òa khóc. Huỳnh Công Lý về sau bị Lê Văn Duyệt xử chết vì tội tham ô, chẳng biết có phải vì trả thù cái tội dâng di biểu này không.
III. TIỂU KẾT
Trong hai năm trời, từng bước một, vua Gia Long đã thêu dệt lên cái án phản của Nguyễn Văn Thành, từ một câu thơ vu vơ của người con, kết nối tới một vụ phản loạn của hậu duệ nhà Lê, rồi kéo luôn Nguyễn Văn Thành vào với lý do mơ hồ, như từng có giao tiếp với Lê Duy Hoán khi còn ở Bắc Thành. Sự thực là năm 1803, Lê Duy Hoán từng bị Trần Văn An vu tội mưu phản nên báo với Thành. Thành tâu lên vua, vua dụ rằng “Đó chắc là tên An tạo ra để dọa người làm tiền, chứ con cháu nhà Lê hẳn không có việc ấy”. Sai bộ Hình bắt An trị tội.
Trong mỗi lần vụ án Nguyễn Văn Thuyên được lôi ra, chưa từng thấy vua Gia Long có lòng bao dung cho huân thần. Chẳng những không dẹp dứt điểm án kiện vì thiếu chứng cứ, mà ngược lại, ngài mớm cho đình thần những câu hóc hiểm như: “Văn Thành thân làm đại thần mà dung túng cho con kết nạp môn khách, là hiếu danh ư? Hay ý muốn làm gì?”; “Văn Thành [khi đó là quan lớn đầu triều] cầu lấy đất tốt sợ giàu sang không được thêm nữa à?”; “Ý thơ của văn Thuyên sao mà tiếm bội thế! Phàm có Lương Vũ đế làm vua rồi sau mới có tể tướng trong núi chứ. Văn Thuyên là người thế nào mà muốn được Tể tướng trong núi?”;...
Số phận gia tộc Nguyễn Văn Thành cũng bi thảm không kém. Do con Thành là Hàm theo Lê Văn Khôi tạo phản nên các con khác của ông là Thần, Nhâm, Chuân, Huyền, Hân đều bị xử tội chết cả. Phải tới năm Tự Đức thứ 1, theo lời tâu của Vũ Xuân Cẩn, vua mới ban chiếu rửa oan cho Thành, và cho một người cháu tên Loại làm Cai đội.
https://gockhuatsuky.blogspot.com/2021/04/vua-gia-long-va-nguyen-vanthanh-tien.html
Last updated
Was this helpful?