Vì sao Nguyễn Huệ diệt Vũ Văn Nhậm?
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
VÌ SAO NGUYỄN HUỆ DIỆT VŨ VĂN NHẬM
Sử nhà Nguyễn khi chép về Tây Sơn thường có xu hướng thêu dệt theo chiều hướng xấu. Tỷ như sự kiện Nguyễn Huệ [*] diệt Vũ Văn Nhậm năm 1788, Cương mục chép “Văn Huệ sai người trói Văn Nhậm ngay ở trước sân. Tra khảo, xét hỏi tuy không có chứng cứ thật sự nhưng Văn Huệ vẫn nói một cách quyết đoán rằng: ‘Không cần nói nhiều. Mày có tài trội hơn ta thì không phải là người mà ta dùng được.’”
Tuyên ngôn này giống như nhét chữ vào miệng người khác, vì nó không hợp lý.
Bên cạnh đó, cũng Cương mục (và Hoàng Lê nhất thống chí) cho rằng Nguyễn Huệ giết Vũ Văn Nhậm vì Nhậm là con rể của Nguyễn Nhạc. Bấy giờ Huệ và Nhạc mâu thuẫn nên Huệ diệt Nhậm để trừ vây cánh của ông anh. Giả thuyết này khá nặng ký, nhưng cũng không chính xác nốt.
I. VŨ VĂN NHẬM TỪNG LÀ TÂM PHÚC CỦA NGUYỄN HUỆ
Trước tiên, cần phải minh định rằng mối quan hệ cha vợ-con rể vốn vô cùng lỏng lẻo. Các thế lực quân sự và chính trị lấy vợ gả chồng là để tạo thành liên minh, và sẵn sàng phá vỡ liên minh khi hoàn cảnh không còn thuận lợi. Nếu quan hệ cha vợ và con rể là bền chặt thì lịch sử nước Việt đã chẳng phải chứng kiến không ít lần chàng rể cướp ngôi nhà vợ (Trần Thái tông, Lê Quý Ly, Trịnh Kiểm); thông gia cướp ngôi nhau (Triệu Đà, Hậu Lý Nam đế), cha kế đoạt ngôi con riêng vợ (Lê Đại Hành, Mạc Đăng Dung) [1]. Do vậy, lý do “là con rể đối thủ” không phải căn cứ để quy tội phản nghịch, mặc dù có thể nó là điểm cần đề phòng.
Xuất thân của Vũ Văn Nhậm không được sử sách ghi chép, lần đầu ông được nhắc tới là vào năm 1786, khi đó tranh thủ nhà Lê Trịnh suy yếu, Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên Tây Sơn đánh Thuận Hóa [2], Nguyễn Nhạc liền cho Huệ là nguyên soái, quân bên dưới chia làm ba đạo, Tả quân do Vũ Văn Nhậm chỉ huy, Hữu quân do Chỉnh lĩnh. Từ năm 1786 tới năm 1788, Nhậm luôn theo sát Huệ chứ không ở dưới trướng Nhạc.
Năm 1787, mâu thuẫn giữa anh em Tây Sơn nổ ra, đỉnh điểm là Nguyễn Huệ đem quân vây Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Bấy giờ Nhạc giữ từ Quảng Nam trở vào trong; tướng tâm phúc của Nhạc là Nguyễn Duệ giữ Nghệ An; Nguyễn Huệ giữ Thuận Hóa tức là bị kẹp ở giữa hai thế lực của Nhạc [3]. Trong tình huống ấy (và mặc dù biết ông anh mình tài hèn chí lớn) Nguyễn Huệ dám vây Quy Nhơn, đồng thời Vũ Văn Nhậm vẫn lĩnh Tả quân (không rõ có tham gia chiến dịch này không) mà không sợ bị ông ta làm nội ứng hoặc đánh úp, thì có thể thấy Nhậm được Huệ tin tưởng. Thế rồi ở Nghệ An, Nguyễn Duệ lo sợ do bị kẹp giữa quân Nguyễn Huệ và quân Lê Trịnh, liền bỏ thành trốn về Quy Nhơn. Người được Nguyễn Huệ sai tiếp quản Nghệ An chính là Vũ Văn Nhậm [4]. Và như chúng ta đã biết, sau này Nhậm được Huệ sai đem cầm quân đánh Nguyễn Hữu Chỉnh.
Trong khoảng thời gian ba năm này (1786-1788), các chỉ dấu trên cho thấy Nhậm là tâm phúc của Huệ, được cho cai trị cả trấn Nghệ An rộng lớn, được cho độc lập cầm quân chinh phạt. Không thể có chuyện Nguyễn Huệ tìm mọi cách diệt Vũ Văn Nhậm vì ghen tị với tài năng hoặc vì ông ta là con rể của Nguyễn Nhạc.
Vậy thì tại sao?
II. NGHỆ AN TRUNG HƯNG
Thực ra lý do rất đơn giản, bất kỳ ai chỉ cần suy nghĩ chút xíu cũng có thể hiểu. Đó là dù là Chỉnh hay Nhậm, nếu trong tay nắm giữ cả một dải đất từ Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh ngày nay) trở ra bắc thì thực lực sẽ rất nhanh trở nên mạnh mẽ, trở thành một “chúa Trịnh” thứ hai. Nghĩa là người Tây Sơn không bao giờ cho phép thế lực Bắc Hà một lần nữa thâu tóm Nghệ An, vì Nghệ An là cổ họng từ phía nam tiến ra phương bắc, là “đất phải chiếm”, với cả nhà Lê lẫn Tây Sơn.
Đây là lý do mà khi hay tin Nguyễn Huệ tạo mối quan hệ hữu hảo với Lê Hiển tông, thì từ phương nam xa xôi, Nguyễn Nhạc cấp tốc đem một nhánh thân binh xông thẳng tới Thăng Long điệu cổ người em về. Nguy cơ Nguyễn Huệ ở lại Bắc Hà, khiến nhà Lê sở hữu phần đất đang có, thêm cả lấy lại Nghệ An và Thuận Hóa, là mối nguy cơ cực kỳ lớn với Tây Sơn. Không thể để bất kỳ sơ xảy nào diễn ra.
Trong lần ra bắc ấy, vua Lê Chiêu Thống (mới lên ngôi thay Hiển tông) và Nguyễn Nhạc đã cùng nhau diễn một vở kịch “nâng lên đặt xuống”. Chiêu Thống “thong dong yên ủi tạ ơn xin cắt mấy quận ấp, khao thưởng tướng sĩ”; Nhạc đáp: “Vốn vì họ Trịnh chuyên chế, cho nên mới làm việc tôn vua phù nhà Lê này; nếu đất của họ Trịnh thì một tấc không để, đến như đất vua nhà Lê, một tấc cũng không dám lấy” [5]. Nhưng rốt cuộc khi trở về, Nhạc vẫn giữ Nghệ An không trả, hiển nhiên vì vị trí quá quan trọng của nó (xem thêm ở phần “Phụ - Nguyễn Huệ bắc tiến”).
Trở lại với thời điểm cuối năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh rời bỏ Nghệ An tới Thăng Long phò vua Lê đánh Trịnh Bồng, Tây Sơn không có bất kỳ phản ứng nào, dù là ủng hộ hay phản đối. Sang tới năm 1787, Chỉnh có ý nhòm ngó Nghệ An. Trước kia, khi Tây Sơn huynh đệ tương tàn, Nguyễn Duệ trấn thủ Nghệ An từng có ý đem dâng đất cho Nguyễn Hữu Chỉnh để nhà Lê chấp nhận cho Duệ về hàng, tuy nhiên Chỉnh không dám đối kháng trực diện với Tây Sơn nên “chần chừ không trả lời”. Nhưng ấy là Chỉnh không dám dùng vũ lực lấy Nghệ An chứ không phải từ bỏ tham vọng có đất ấy. Sau khi nội chiến Tây Sơn kết thúc, Chỉnh và triều đình nhà Lê tính lấy lại Nghệ An bằng con đường thương thảo. Nhà Lê cử Trần Công Thước (Cương mục chép là Trần Công Xán) tới xin lại Nghệ An với lý do “Nghệ An là đất căn bản thời Trung hưng, tướng mạnh binh tinh ở đấy, trung thần nghĩa sĩ ở đấy, nhà nước nuôi nấng vun trồng hơn 300 năm nay, một lúc đem bỏ ra ngoài, lòng cũng không nỡ. Xin trả lại đất ấy cho” [6].
Hành động mượn danh nghĩa nhà Lê đòi đất này khiến quan hệ giữa Chỉnh với Tây Sơn sụp đổ hoàn toàn, và dĩ nhiên mâu thuẫn giữa Chỉnh và Nhậm lại càng sâu sắc - Chỉnh đòi lấy thành trấn mà Nhậm đang cai trị. Cương mục không chép lý do mà tháng Chín năm 1788, Huệ sai Nhậm khởi binh đánh Chỉnh, dường như có ý để độc giả hiểu rằng Tây Sơn vô cớ xâm lược. Thực ra mọi việc đều có lý do cả, xuất quân chinh phạt không thể thiếu danh nghĩa. Lý do đó là: “Nguyễn Huệ cho triệu Nguyễn Chỉnh về thành Phú Xuân. Chỉnh từ chối lấy cớ rằng tứ trấn chưa yên không về. Huệ giận quá, sai Tiết chế Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc đánh” [7]. Công bằng mà nói lý do “đánh kẻ phản thần” này là không đủ chính đáng, nhưng cái ta cần đặt câu hỏi là: tại sao không triệu hoặc đánh Chỉnh sớm hơn mà lại chọn thời điểm Chỉnh hầu như đã dọn dẹp sạch sẽ các thế lực đối kháng ở Bắc Hà. Hiển nhiên đã có sự tính toán chu đáo ở phía Tây Sơn, bên cạnh đó là việc diệt từ trong trứng âm mưu lấy lại Nghệ An của nhà Lê.
Sự việc một năm sau diễn ra y hệt. Vũ Văn Nhậm đem quân Nghệ An đánh thốc ra bắc, tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Chiêu Thống thất tung. Nhẽ ra sau khi chiếm được Thăng Long, Nhậm phải báo với Nguyễn Huệ để cắt cử người tới cai trị. Nhưng rõ ràng miếng bánh quá lớn khiến Nhậm mờ mắt. Nhậm tự đúc ấn chương [8], lại “lấy nhiều dân đinh đắp thành Đại La” [9], hẳn là bắt đầu có ý củng cố phòng thủ, giữ đất xưng vương. Tình thế bấy giờ, Nguyễn Nhạc vẫn giữ từ Quy Nhơn trở vào Nam; Nguyễn Huệ giữ Quảng Nam và Thuận Hóa; Vũ Văn Nhậm chiếm từ Nghệ An trở ra bắc. Tình thế Huệ - Nhậm giống y hệt như chúa Nguyễn - chúa Trịnh hồi bắt đầu Nam Bắc phân tranh. Đó là lý do Nguyễn Huệ phải cấp tốc ra bắc, diệt Nhậm từ lúc chưa kịp củng cố thế lực, hoặc tệ hơn, đề phòng Nhậm tìm được Lê Chiêu Thống, đưa về Thăng Long để “phù Lê” và tái lập một “phủ chúa Vũ”.
III. PHỤ - NGUYỄN HUỆ BẮC TIẾN
Phần này được viết bổ sung, ngoài việc miêu tả lại một chiến dịch có quy mô lớn với nhiều trận đánh đẹp thì còn để làm rõ vị trí Nghệ An trong cuộc hành quân ra bắc của Nguyễn Huệ. Từ đó thấy được vì sao Nghệ An là “đất phải chiếm” của cả nhà Lê lẫn Tây Sơn.
--
[*] Giai đoạn này, Nguyễn Huệ chưa lên ngôi Hoàng đế, vì vậy trong bài viết sẽ không sử dụng danh hiệu Quang Trung khi nhắc tới ngài, mà chỉ dùng tên tục như cách gọi một viên tướng bình thường. Tương tự, Nguyễn Nhạc mặc dù xưng Hoàng đế nhưng không phải vua nước Việt, nên cũng dùng tên tục để gọi.
[1] Lê Quý Ly được Trần Nghệ tông gả em gái là công chúa Huy Ninh (con Minh tông).
Mạc Đăng Dung trước khi cướp ngôi nhà Lê đã lấy mẹ của Lê Chiêu tông (việc chép trong Minh sử - An Nam truyện; Việt kiệu thư).
[2] Mục tiêu ban đầu của chiến dịch chỉ là lấy Thuận Hóa. Sau vì quá thuận lợi nên Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên riêng Nguyễn Huệ đánh thẳng ra bắc. Việc này không nằm trong kế hoạch ban đầu của Nguyễn Nhạc.
[3] Đại Nam liệt truyện - Nguyễn Văn Nhạc truyện.
[4] Cương mục - quyển 47.
[5] Đại Nam liệt truyện - Nguyễn Văn Nhạc truyện.
[6] Đại Việt sử ký tục biên.
[7] Đại Việt sử ký tục biên.
[8] Cương mục - quyển 47.
[9] Đại Việt sử ký tục biên.
Nguồn bài viết : https://www.facebook.com/phamtonhu1999/posts/170368862264670