Đại chiến thành Bình Định
ĐẠI CHIẾN THÀNH BÌNH ĐỊNH
Tháng Sáu năm 1798, Nguyễn Phúc Ánh hạ thành Quy Nhơn của Tây Sơn, đổi tên thành Bình Định. Ngay lúc đó, Võ Tánh đã được cơ cấu làm vị tướng thủ thành, ông được giao biên hết hàng binh, voi ngựa vào quân bản bộ. Năm 1799, Nguyễn Phúc Ánh sai chở lương tới chứa trong thành, đồng thời đến tháng Bảy - hết một năm cai trị - triều đình bắt đầu đánh thuế dân Bình Định với chủ trương để Bình Định có thể tự túc tự cấp. Bắt đầu là thuế thị nạp (thuế phụ), tiến tới là thuế thân. Nhưng Đăng Đức Siêu can, với lý do muốn thu lòng dân, Ánh tạm đồng ý. Nhưng đến tháng Mười một thì vẫn triển khai thu thuế đinh. Có lẽ kinh tế triều đình Nguyễn Phúc Ánh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong chiến dịch tấn công chiến Quy Nhơn trước đó.
I. TRƯỚC CHIẾN DỊCH
Cuối năm đó, Nguyễn Phúc Ánh trở về nam, sai Võ Tánh giữ thành. Dưới trướng có dinh Hậu quân cùng một vài chi quân thuộc Hữu quân, Tiền quân, Tiền phong, năm đồn Ngự lâm quân, hai vệ Thiên Trường, Tín Trực và một vạn binh Xiêm.
Về phía triều đình Tây Sơn, lúc này, hai thế lực quân đội là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã giảng hòa và chia nhau nắm quyền lực. Hay tin Võ Tánh cô quân giữ Bình Định, hai người bàn nhau thủy bộ cùng tiến, bộ binh đánh thành, thủy binh chẹn cửa Thị Nại ngăn cứu viện.
Nguyễn Phúc Ánh hay tin Tây Sơn sắp khởi quân, nhưng cậy Bình Định tướng giỏi quân mạnh, lương thực đủ chi dùng một năm nên ung dung lệnh cho Võ Tánh thủ thành, chờ sang năm thuận gió sẽ tới cứu. Có thể thấy việc lưu viên đại tướng số một của mình cùng với quân đội và lương thảo ở Bình Định là kế hoạch được Nguyễn Phúc Ánh tính sẵn, nhằm thu hút binh lực của Tây Sơn cả vào đó.
Tuyến phòng thủ của quân Ánh bao gồm ba lớp, lần lượt từ bắc vào nam là Bình Định, Phú Yên và Diên Khánh (thuộc Khánh Hòa). Trong đó, trọng binh đóng ở Bình Định (Võ Tánh, Ngô Tòng Chu) và Diên Khánh (Nguyễn Văn Trương, Đặng Trần Thường). Phú Yên do Hiệu úy Trung quân Hồ Đức Vạn làm Lưu thủ. Tại Bình Định, Võ Tánh chia một cánh quân do Nguyễn Văn Biện lĩnh, đóng ở núi Thạch Tân bên ngoài thành làm thế ỷ giốc.
II. GIAI ĐOẠN ĐẦU - MẤT PHÚ YÊN
Có lẽ Nguyễn Phúc Ánh cũng không lường được sức mạnh của quân Tây Sơn. Khi mới nghe tin Diệu, Dũng chuẩn bị đánh Bình Định, Ánh còn mạnh miệng dụ cho Tánh: “Trong ngày xa giá trở về, ta đã cùng khanh căn dặn, nếu sau quân giặc có vào thì hai đồn Tả Hữu quân Ngự lâm nên trước sai qua núi đóng để cho gần với thành Diên Khánh. Giặc nay quả đã đến cho đó, khanh nên y theo kế ấy mà xử trí.”
Nhưng tháng Giêng năm 1800, đại quân Tây Sơn vây thành Bình Định, các đạo quân ngoại vi của Võ Tánh phải rút cả vào trong thành. Tây Sơn đắp lũy ngoài thành để tính kế lâu dài. Thế giặc quá lớn, Võ Tánh liền triệu hết binh ở Phú Yên dồn về Bình Định. Lúc này phát sinh biến cố: Trưởng hậu chi (đạo hậu quân) Nguyễn Văn Nguyện chở tiền lương đi trước, Trưởng tiền chi Thái Văn Long đi giữa, còn Lưu thủ Phú Yên Hồ Đức Vạn đi sau. Giữa đường, Phó tiền chi là Phạm Văn Điềm vốn là hàng tướng làm phản, đánh úp đạo quân của Hồ Đức Vạn. Vạn thua, mất tích, Long chạy được về Bình Định; các binh tướng ở phía sau chạy tản về cả Diên Khánh. Điềm chiếm Phú Yên rồi trở lại hàng Tây Sơn.

Như vậy, bước đầu Tây Sơn đã cô lập được thành Bình Định, quanh thành là các lũy do quân Diệu dựng nên, phía bắc là đất của nhà Tây Sơn, phía nam là Phú Yên có quân Điềm, mặt bể có thủy quân của Dũng. Đại quân của Nguyễn Văn Trương cách khá xa, lại ngăn cách bởi đạo quân Phú Yên.
Bấy giờ là đầu xuân, có gió bắc, quân Tây Sơn lợi gió nên có thể tiến sâu vào địa bàn do Nguyễn Phúc Ánh quản lý. Trước tình thế bắt đâu khó khăn, Nguyễn Văn Trương hiến kế: nếu ra sức đánh Phú Yên thì có nguy cơ bị thủy quân của Võ Văn Dũng đánh úp Diên Khánh, nên tốt nhất là mặc kệ Bình Định và Phú Yên, dồn sức thủ cho vững Diên Khánh. Nguyễn Phúc Ánh chấp thuận, đồng thời lệnh cho các đại tướng như Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hoàng Đức chia quân đóng ở các trọng trấn phía nam. Thậm chí tiền lương ở Bình Thuận cũng cho vận chuyển hết về Gia Định vì sợ quân Tây Sơn vào cướp.
Tháng Tư, hàng tướng là Võ Văn Sự và Nguyễn Bá Phong ở Bình Định làm phản, mở cửa phía bắc dâng thành. May là Võ Tánh kịp sai Ngô Văn Sở (không phải ông đại tướng cùng tên của nhà Tây Sơn nhé, ông này là võ quan cấp thấp của Tây Sơn, ra hàng chúa Nguyễn, sau là cha vợ của vua Minh Mệnh) chiếm lại được cửa thành, diệt được hết phản quân trong thành chưa kịp ra. Đây hiển nhiên không phải thông tin tốt, vì như ở trên đã nói, thành Bình Định có rất nhiều hàng binh hàng tướng. Có người thứ nhất phản thì sẽ có người thứ hai, thứ ba,... Khi nhận được tin do Diên Khánh chuyển về, Nguyễn Phúc Ánh liền quyết định khởi binh cứu viện.
III. GIAI ĐOẠN HAI - TRANH PHÚ YÊN
Mặc dù gió nam chưa thổi, nhưng tình hình Bình Định không cho phép Nguyễn Phúc Ánh chần chừ. Tháng Tư năm 1800, Ánh chia quân làm hai đạo thủy bộ, bộ quân do Nguyễn Đức Xuyên quản lĩnh, thủy quân do tự Ánh nắm, cùng nhắm tới Phú Yên. Bộ quân tới Diên Khánh thì thám tử báo về quân Tây Sơn đắp hơn chín chục bảo (thành đất) ở Phú Yên để phòng thủ. Xuyên thấy quân mình ít nên báo của Nguyễn Phúc Ánh xin lui chờ thủy quân. Ánh lệnh cho lui về Diên Khánh để cùng hội binh.
Trận này có thể nói Nguyễn Phúc Ánh dốc hết lực ra đánh, tướng lĩnh đầy đủ anh tài: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hoàng Đức, Trương Tiến Bửu, Lê Văn Duyệt, Lê Chất,... dưới là Tiền quân, quân Ngự lâm, Tả quân và một đạo quân Chân Lạp xin góp sức.
Giai đoạn đầu, quân Nguyễn Phúc Ánh thế như chẻ tre, liên tục đánh bại Đô đốc Tuấn, và Phạm Văn Điềm, chiếm được các thành bảo ở Phú Yên, bắt sống được Đại đô đốc Đào Công Giản. Sử nhà Nguyễn cho rằng các trận đánh tiếp theo đều đại thắng, nhưng lại nêu một sự thực là quân Ngự lâm nhiều người bỏ trốn, tới mức Lê Chất (vốn là hàng tướng) lấy làm lo lắng vì sợ bị nghi ngờ, Nguyễn Phúc Ánh phải an ủi cho yên lòng. Đỉnh điểm là tháng Bảy, Thống chế Hữu đồn quân Ngự lâm Từ Văn Chiêu làm phản, trở thành một lực lượng gây khó dễ không ít cho quân họ Nguyễn sau này. Ngoài ra, thuyền tiếp viện lương thực và thuốc súng nhiều lần bị giặc biển Tề Ngôi đánh cướp. Các sự kiện ấy chứng tỏ chiến dịch không thuận lợi như Thực lục ca ngợi.
Tây Sơn và Nguyễn giằng co nhau ở khoảng đèo Cù Mông (giữa Bình Định và Phú Yên).
Nguyễn Phúc Ánh sai Nguyễn Văn Thoại phối hợp cùng quân Vạn Tượng, theo đường thượng đạo (tức trên địa phận Lào) đánh đất căn bản của Tây Sơn là Nghệ An hòng buộc Diệu, Dũng phải quay về cứu. Diệu, Dũng lại bàn nhau đánh lớn một trận với quân Phú Yên rồi mới tính rút. Hai quân dùng dằng với nhau từ tháng Tám tới tháng Chín thì đến mùa gió bắc. Nguyễn Đức Xuyên dâng sớ xin lui binh vì nghịch gió đánh bất lợi, lại thêm quân sĩ ốm đau nhiều. Ánh không nghe.
Cuối năm đó, Nguyễn Phúc Ánh nhận thấy tình hình không thể dùng bộ binh vượt Cù Mông cứu Bình Định, liền cùng Nguyễn Văn Thành lên kết hoạch dùng hỏa công phá thủy quân Tây Sơn. Đó là trận thủy chiến cửa Thị Nại nổi tiếng trong lịch sử.
Từ việc lên kế hoạch tới việc hỏa công ngược gió, tất cả đều rất đậm màu sắc Tam quốc diễn nghĩa mà vua tôi Nguyễn Phúc Ánh, Nguyễn Văn Thành đang sắm vai Chu Du và Gia Cát Khổng Minh.
IV. GIAI ĐOẠN BA - CHIẾN THỊ NẠI
Thủy quân của Nguyễn Phúc Ánh từng có lần đánh hỏa công suýt tự giết luôn toàn quân. Năm 1783, khi đó thủy quân Tây Sơn do anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ tiến đánh Gia Định. Thủy quân Tây Sơn tiến vào từ cửa biển Cần Giờ, tức là ngược gió. Quân họ Nguyễn liền nhử Tây Sơn tiến sâu vào, rồi thả bè lửa định đốt thuyền Tây Sơn. Ai dè “gặp thủy triều dâng to, gió đông bắc thổi mạnh” bè lửa thuận dòng trôi ngược đốt cháy sạch hơn trăm thuyền họ Nguyễn. Quân Nguyễn Phúc Ánh tan vỡ, kẻ chết người trốn. Xét: bấy giờ là mùa xuân tháng Hai (hầu như cùng khoảng thời gian diễn ra trận Thị Nại sau này), gió đông bắc thổi xuống tây nam; thủy triều từ biển lại đẩy ngược từ nam lên bắc.
Như vậy có ba trường hợp xảy ra: Một là quân Nguyễn phóng hỏa xuôi chiều gió, nhưng vì thủy triều dâng mạnh nên bè lửa trôi ngược từ nam lên bắc. Hai là quân Nguyễn lừa thuyền Tây Sơn ruổi sâu lên phía bắc rồi muốn nhân thủy triều, thả bè lửa từ hướng nam lên để đốt thuyền phía bắc. Ai dè, gió đông bắc thổi mạnh nên bè lửa bị gió đẩy ngược hướng thủy triều mà đốt thuyền phía nam chăng? Ba là sử nhà Nguyễn chép nhầm, thực tế là gió từ biển thổi vào hướng từ nam lên bắc.
Dẫu sao thì trận thua này vẫn do tính toán sơ xảy, xứng đáng với lời Tào Tháo từng cười: “Phép đánh hỏa công phải nhờ sức gió. Đang mùa này, chỉ có gió tây bắc, làm gì có gió đông nam. Nếu nó dùng hỏa công tức là nó lại đốt quân nó, đây ta có sợ gì?”
Trở lại với trận Thị Nại, trước tiên phải nói rằng quyết định gạt bỏ lời tâu của Nguyễn Đức Xuyên là rất dũng cảm. Thủy quân họ Nguyễn chấp nhận nghịch phong để ăn thua với thủy quân Tây Sơn. Có thể Nguyễn Phúc Ánh đã lường được việc Dũng và Diệu bằng mặt mà không bằng lòng. Tuy hai người đã hòa giải nhưng vẫn còn khúc mắc. Diệu vây chặt Bình Định mà không công gắt để tổn hao binh lực, Dũng cũng sẽ không dám chơi tất tay với họ Nguyễn, vì nếu mất thủy quân, Dũng sẽ bị Diệu áp chế. Sự thực xảy ra đúng như Ánh tính toán, thủy quân Tây Sơn không xuất quân mà chỉ thủ chặt cửa Thị Nại. Nhưng cố thủ là đủ rồi, thành Bình Định sau hơn một năm bị vây chặt sẽ đến ngày cạn lương mà phải hàng. Tây Sơn không cần đánh, nhưng họ Nguyễn bắt buộc phải tấn công. Có lẽ Võ Văn Dũng khá chủ quan, không nghĩ họ Nguyễn dám bất chấp gió ngược mà tấn công đường thủy. Còn Nguyễn Phúc Ánh lại tính được sự chủ quan của Dũng. Tuy nhiên, Nguyễn Phúc Ánh và Nguyễn Văn Thành dựa vào cái gì để mưu tính đánh hỏa công cửa Thị Nại khi thủy quân họ Nguyễn đánh từ phía nam lên, tức là ngược chiều gió? Hẳn nhiên là phải lợi dụng thủy triều, hay nói cách khác là trận chiến năm 1783 đã trở thành bài học cho thủy quân họ Nguyễn. Đó là lý do mà Nguyễn Phúc Ánh chọn rằm tháng Giêng làm ngày tấn công - đó là ngày mà thủy triều lên xuống mạnh nhất.
Diễn biến của trận Thị Nại đã có nhiều bài viết (bản thân em cũng đã có một bài rồi), không nhắc lại nữa. Sau khi Lê Văn Duyệt phá được thủy quân của Võ Văn Dũng, ở mặt bộ, Nguyễn Văn Thành cũng xuất quân phá các đồn lân cận Thị Nại. Cả Bình Định chấn động. Võ Văn Dũng thu thập tàn quân về hội với Trần Quang Diệu. Tây Sơn chia quân đóng ở các trọng điểm quanh thành Bình Định, phao tin sẽ ra sức đánh thành.
Tây Sơn thiệt hại nặng nề, nhưng thủy quân của họ Nguyễn cũng không phải bảo tồn được thực lực. Bằng chứng là ngay sau trận Thị Nại, Nguyễn Phúc Ánh sắp xếp lại hầu như toàn bộ tướng lĩnh các đạo thủy quân. Đến tháng Hai năm đó, lại có đợt tuyển quân rất lớn ở Gia Định và Phú Yên. Trong khoảng thời gian này, hai bên diễn ra vài trận đánh lẻ tẻ tranh đoạt giằng co ở Phú Yên, chứng tỏ binh lực họ Nguyễn vẫn không quá nổi trội so với Tây Sơn. Khả năng dùng bộ binh giải cứu Bình Định là không khả quan.
Đây cũng là lúc Nguyễn Phúc Ánh có một quyết định có thể nói là xoay trục bản lề. Đó là không cứu viện Võ Tánh, bỏ qua Bình Đình, dùng ưu thế thủy quân để tấn công vào các trấn ở phía bắc. Rõ ràng chủ trương nay không phải chờ tới khi Võ Tánh tâu xin mới đưa ra, mà đã được thực hiện ngay giai đoạn ba này, với lời dụ của Nguyễn Phúc Ánh cho Lưu thủ Gia Định là Nguyễn Văn Nhân khi huy động hết binh lực vật lực từ Gia Định tới Thị Nại: “Tránh chỗ thực đánh chỗ hư, đó là mưu cao của binh gia. Nay giặc đem hết quân vây thành Bình Định, Phú Xuân đơn nhược, mà lương thực trong thành [Bình Định] thì còn đủ chi dùng năm, sáu tháng nữa, tướng sĩ đồng lòng cố giữ, có thể không lo. Ta chính đương sắp thừa cơ tiến đánh để khôi phục đất cũ, nên đặc mệnh vời quốc thúc [Tôn Thất Thăng] tới quân thứ để nghe lệnh.”
Liên tiếp sau đó là những chiến thắng của họ Nguyễn ở Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Last updated
Was this helpful?