HOÀNG TÔN DƯƠNG
HOÀNG TÔN DƯƠNG
Nguyễn Phúc Dương - một trong các nhân vật nổi bật cuối thời các chúa Nguyễn. Ông là con cả của Nguyễn Phúc Hạo - người từng được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát lập làm Đông cung thái tử. Có một thời gian, Hoàng tôn Dương được chúa Nguyễn Phúc Thuần lập làm Tân Chính vương - tức vị chúa nối dòng họ Nguyễn.
I. SỬ SÁCH CHÉP GÌ
Ghi chép về Hoàng tôn Dương không có nhiều, rải rác trong Thực lục và Liệt truyện. Có thể tóm lược giai đoạn ông bắt đầu tham gia chiến trường và chính trường như sau:
Chúa Thuần lên ngôi bằng cách không chính đáng [1], sau khi bị quân Lê Trịnh của Hoàng Ngũ Phúc đánh bật khỏi Phú Xuân, chúa chạy tới Quảng Nam, quan tướng hộ giá xin lập Hoàng tôn Dương làm Thế tử vì “vốn có đức hiền, trong ngoài đều trông mong”. Chúa Thuần nghe theo, lại cho Dương làm Trấn thủ Quảng Nam. Đó là tháng Giêng năm 1775.
Bị quân Lê Trịnh và Tây Sơn tiền hậu giáp công, chúa sai Dương ở lại giữ Cu Đê, còn chúa theo đường biển vào Gia Định chiêu binh.
Tháng Ba, tướng Tây Sơn là Lý Tài, Tập Đình bắt sống được Dương, Nguyễn Nhạc cho đưa về Hội An.
Tháng Năm, Tống Phúc Hiệp đánh Phú Yên, đòi Nguyễn Nhạc trả lại Hoàng tôn Dương. Nhạc sợ, dời Dương sang Hà Liêu, An Thái.
Nguyễn Nhạc mưu tôn Dương lên ngôi vương để thu phục lòng dân, nên gả con gái là Thọ Hương cho. Nhiều lần khuyên Dương lên ngôi, nhưng Dương không chịu.
Tháng Bảy, Nhạc vờ hòa với Tống Phúc Hiệp rồi đánh úp, phá tan quân Gia Định. Nhạc cho Lý Tài giữ Phú Yên.
Tháng Mười một, Lý Tài đầu hàng chúa Thuần, dâng đất Phú Yên.
Tháng Sáu năm 1776, Lý Tài mẫu thuẫn với đảng Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn, lại phản chúa Nguyễn, đóng quân riêng ở núi Chiêu Thái (Biên Hòa).
Tháng Mười, Hoàng tôn Dương bỏ trốn khỏi Quy Nhơn, vượt biển tới Gia Định.
Hoàng tôn Dương xin chúa Thuần chiêu dụ Lý Tài. Chúa sai Tham mưu Nguyễn Danh Khoáng tới dụ. Lý Tài giam Khoáng rồi kéo quân về Gia Định. Quân Đỗ Thanh Nhơn tan chạy. Hoàng tôn Dương sai dựng cờ hiệu “Đông cung phụng mệnh chiêu an”, Lý Tài liền hàng.
Tháng Mười một, Lý Tài rước Hoàng tôn Dương về Gia Định, chúa Thuần ở chùa Kim Chương (ngoại thành). Chúa nhường ngôi cho Dương. Dương xưng Tân Chính vương, tôn Nguyễn Phúc Thuần làm Thái thượng vương. Đỗ Thanh Nhơn vì mâu thuẫn với Lý Tài nên không tham dự triều đình mới.
Tháng Ba năm 1777, Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đánh Gia Định. Lý Tài chết, Hoàng tôn Dương lui giữ sông Tranh. Đỗ Thanh Nhơn quay lại giúp Nguyễn Phúc Thuần.
Tháng Tám, Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn đánh bại và giết.
Tháng Chín, Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn đánh bại và giết.
II. NHỮNG ĐIỂM BẤT HỢP LÝ
Thực lục và Liệt truyện - Hoàng tôn Dương truyện đều thống nhất về nội dung, nhưng liên quan tới Hoàng tôn Dương còn có Nguyễn Nhạc và ghi chép trong Liệt truyện - Nguyễn Văn Nhạc truyện thì có đôi chỗ không giống.
Trong lần nghị hòa với Tống Phúc Hợp (sử chép là Nhạc xin hàng, không hợp lý), sứ của Hợp tới, Nhạc “đặt sập rồng ở gian chính giữa, rước Đông cung [tức Hoàng tôn Dương] ngồi quay mặt hướng nam, bên tả thì bọn Nhạc đứng hầu, bên hữu thì bọn Tôn Thất Chất đứng hầu”. Rồi nói với sử giả rằng việc quân “do Điện hạ xử lý, chúng tôi xin theo mệnh lệnh thôi”. Khi đó Dương không phủ định mà bảo “Bọn ngươi điều độ thế nào cho khéo”.
Bên mình Hoàng tôn Dương vẫn luôn có nhân vật “mưu sĩ Giáo Quý”, chứng tỏ Dương tương đối được tự do, và việc kiếm thuyền bỏ trốn từ Quy Nhơn vào Gia Định khá dễ dàng củng cố thêm nhận định ấy.
Mối quan hệ của Hoàng tôn Dương và Lý Tài tương đối mập mờ. Tập Đình và Lý Tài cùng bắt được Dương, Tập nhiều lần muốn hại, nhưng Lý luôn can. Lý Tài vừa được cho giữ Phú Yên thì trở giáo xin hàng Tống Phúc Hiệp. Sau khi tới Gia Định, mâu thuẫn với Đỗ Thanh Nhơn nên tách ra riêng. Nhưng ngay khi Hoàng tôn Dương xuất hiện, Lý Tài lập tức xin hàng.
Vừa chiêu dụ xong Lý Tài thì diễn ra việc nhường ngôi.
Cái chết của Lý Tài không minh bạch. Lý Tài giao chiến với quân Tây Sơn, thua chạy. Trương Phúc Thận đem quân tới cứu. Lý Tài “ngờ là quân Đông Sơn đến đánh úp mình, tự rút quân về. Giặc thừa thế đuổi theo. Quân Lý Tài chạy rối loạn đến Tam Phụ, bị quân Đông Sơn giết hết”. Tam Phụ là đất căn bản của đảng Đông Sơn bọn Đỗ Thanh Nhơn, Võ Nhàn (anh của Võ Tánh), Đỗ Bảng. Ở trên thì nói Lý Tài nghi Đông Sơn đánh úp mình nên chạy lui, bên dưới lại nói Lý Tài chạy đến Tam Phụ rồi bị quân Đông Sơn giết.
Hịch văn Nguyễn Huệ kể tội Nguyễn Nhạc có câu “Tội không gì lớn hơn là giết vua, sao có thể một sớm khinh suất can không nghe thì đổi ngôi, thực quan hệ đến sự yên nguy muôn đời” [2]. Dịch giả Liệt truyện chú thích “giết vua” là chỉ việc Nguyễn Nhạc giết Nguyễn Phúc Thuần. Nhưng người cầm quân đánh Gia Định là Nguyễn Huệ cơ mà. Hơn nữa, Tây Sơn nổi dậy chống lại triều đình Nam Hà thì làm sao còn coi các chúa Nguyễn là vua của mình? Như vậy tội muốn “giết vua” và “đổi ngôi” phải là sự kiện khác.
III. DIỄN GIẢI LẠI SỰ VIỆC
Nếu tội thoán thí mà Nguyễn Huệ kể tội Nguyễn Nhạc không phải chỉ Nguyễn Phúc Thuần, thì chắc là ngài muốn nói tới Nguyễn Phúc Dương. Có nghĩa là Nguyễn Phúc Dương từng lên ngôi vương khi còn ở với Nguyễn Nhạc. Câu chuyện sẽ diễn ra như sau:
Lý Tài và Tập Đình bắt được Dương, do Lý có ơn bảo hộ nên phát sinh quan hệ giữa hai bên.
Nguyễn Nhạc gả con gái cho Dương và lập làm vương, Dương chịu nhận hoặc giả vờ chịu nhận. Việc này khế hợp với chuyện tiếp sứ giả của Tống Phúc Hợp cũng như việc Nguyễn Huệ kể tội Nguyễn Nhạc.
Lý Tài cấu kết với Hoàng tôn Dương. Khi Lý Tài được giao giữ Phú Yên, liền phản, đem quân bản bộ về Gia Định. Lý Tài mâu thuẫn với thuộc hạ của Nguyễn Phúc Thuần, nên tách riêng.
Hoàng tôn Dương trốn về Gia Định và gọi Lý Tài về. Lý Tài tấn công Đỗ Thanh Nhơn rồi ngay lập tức quy phục Hoàng tôn Dương chứng tỏ hai người đã câu kết với nhau từ trước. Thế lực Đông Sơn bị dẹp bỏ, Lý Tài có thực lực mạnh nhất nên phế luôn Nguyễn Phúc Thuần, để Hoàng tôn Dương lên làm Tân Chính vương. Cái danh hiệu Thái thượng vương của Thuần thực cũng giống như Thái thượng hoàng của Trần Ngỗi khi bị Trần Quý Khuếch bắt vậy.
Lý Tài đánh nhau với Tây Sơn bị thua, liền đó bị đảng Đông Sơn vây đánh và giết chết.
Mất Lý Tài, Tân Chính vương chỉ còn lực lượng quân sự mỏng, lại không đoàn kết với đạo quân của Nguyễn Phúc Thuần, dẫn tới bị quân Tây Sơn tiêu diệt.
Tựu trung, Nguyễn Phúc Dương có lẽ đã từng lên ngôi vương khi còn ở Quy Nhơn. Sau khi bỏ trốn khỏi vai trò bù nhìn, Nguyễn Phúc Dương tới Gia Định. Liên minh Nguyễn Phúc Dương - Lý Tài đã thắng liên minh Nguyễn Phúc Thuần - Đỗ Thanh Nhơn trong cuộc tranh giành quyền lực. Nhưng bởi nội bộ mâu thuẫn nên Tây Sơn dễ dàng bẻ gãy cả hai. Đó là cái họa nhưng cũng là cơ hội của Nguyễn Phúc Ánh.
[1] Thuần là con tư sinh của Võ vương với cô em họ (không được nạp vào hậu cung). Khi Võ vương chết, quyền thần Trương Phúc Loan bắt giam Thế tử Nguyễn Phúc Cốn (cha của Nguyễn Phúc Ánh) và lập Thuần lên làm chúa.
[2] Nguyên văn: "Tội mạc đại ư thí quân, ô khả nhất triêu khinh suất. Gián bất thính, tắc dịch vị, thực vạn thế an nguy.
Nguồn bài viết : https://www.facebook.com/phamtonhu1999/posts/168907822410774
Last updated
Was this helpful?