Phần 12-Quốc Tử Giám
XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÊ-NGUYỄN (TÁC GIẢ: LÊ NGUYỄN)
BÀI 12 - QUỐC TỬ GIÁM
Đây là bài viết thứ 19/30 trong sách, dài khoảng 7 trang viết. Nội dung mô tả sự ra đời và phát triển của Quốc tử giám từ thời Lý tới thời Nguyễn.
I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN
1. Chú thích dẫn nguồn
LN viết 12 dòng tóm tắt về sự thay đổi tên gọi và hoạt động của Quốc tử giám từ Lý tới Trần bao gồm các tên gọi: Quốc tử giám, Quốc tử viện, nhà Thái học, nhà Quốc học, và chú thích dẫn nguồn Tiền biên trang 248 và 339. Trang 248 là sự kiện thành lập Quốc tử giám năm 1076, còn trang 339 là sự kiện lập Quốc học viện. Cái tên Quốc học viện không hề được LN nêu (thực chất chính là nhà Quốc học). Như vậy, chú thích dẫn nguồn vừa sai vừa thiếu.
2. Chú thích sự kiện 1428
LN viết việc năm 1428, vua Lê Thái tổ lập trường học ở các lộ và chú thích nguồn là Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng sự thực là Toàn thư không hề chép việc này. Sử quan nhà Nguyễn khi chép bộ Cương mục còn cẩn thận ghi rõ: “Sự việc này, Sử cũ không chép. Nay theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì năm Thuận Thiên thứ 1 (1428) đời Lê Thái Tổ có lập trường học, lại theo bài Tiến sĩ đề danh bi của Thân Nhân Trung, thì Thái tổ khi đã dẹp yên cả nước, võ công đã hoàn thành, có hạ chiếu thiết lập trường học, gây dựng nhân tài. Và theo bài Tiến sĩ đề danh bi của Đỗ Nhuận, thì khi đặt niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433), bắt tay ngay vào công việc học chính. Vậy (nay căn cứ vào những tài liệu trên đây) xin bổ sung thêm” (Cương mục, 1428).
Vậy là LN đã chép ở đâu đó và dẫn nguồn sai.
II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG
1. Hoàng tử học ở Văn Miếu
LN viết: “Năm 1070, vua Lý Thánh tông sai dựng Văn miếu ở kinh đô Thăng Long thờ đức Khổng Tử cùng 72 vị tiên hiền và cho hoàng tử ra đấy học.”
Thông tin này không chính xác, các bộ sử đều chép là “Hoàng thái tử đến học ở đây” (Toàn thư, 1070; Cương mục, 1070). Nghĩa là chỉ có Hoàng thái tử mới được cho ra học ở Văn miếu. Tham khảo quy chế thời Trần thì mỗi hoàng tử đều có nhà học riêng chứ không học chung cùng nhau (Toàn thư, 1330).
2. Cử các quan đại thần giỏi văn học
LN viết: “Sáu năm sau (1076), vua Lý Nhân tông cho thiết lập phía sau nhà Văn miếu một trường học lấy tên Quốc tử giám, cử các quan đại thần giỏi văn học ra giảng dạy.”
Chi tiết này không chính xác, Toàn thư chỉ chép “Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám”, còn Cương mục chép: “tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó”. Không thấy nhắc tới quan đại thần nào cả. Mặc dù LN dẫn nguyên văn câu chép trong Toàn thư, nhưng không hiểu sao lại phía trước lại viết là quan đại thần.
3. Quốc tử giám và Quốc học viện
LN viết: “Suốt gần 900 năm, danh xưng của loại hình trường đại học này trải quan nhiều lần thay đổi, khi thì Quốc tử giám, khi thì Quốc tử viện, khi thì nhà Thái học, nhà Quốc học...”
Tức là tác giả cho rằng Quốc tử giám và nhà Quốc học (tức Quốc học viện) là một. Sự thực thì đây là hai nơi riêng biệt. Toàn thư chép sự kiện năm 1243 thời Trần: “đắp thành nội, gọi là thành Long Phượng và trùng tu Quốc tử giám” và sự kiện năm 1253: “lập Quốc học viện. Đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người hiền để thờ”. Rõ ràng nhà Trần đã lập thêm một nơi gọi là Quốc học viện hoạt động song song với Quốc tử giám.
4. Lệ cống sinh viên
LN viết: “Từ năm 1252 trở về sau, con em thường dân học giỏi được vào học chung với con các quan, số lượng này không nhiều: mỗi phủ một năm cử hai người, mỗi châu hai năm cử ba người, mỗi huyện một năm cử một người, những người này gọi là học trò tuế công, được vào học Quốc tử giám rồi bổ đi làm quan.”
Tôi thực sự sốc khi đọc câu này. Đây không phải thể lệ của các triều Lý, Trần, Lê mà thực ra là lệ bắt cống sinh viên của giặc Minh thời Minh thuộc, Quốc tử giám đó là ở bên Trung Quốc chứ không phải nước ta: “Nhà Minh định lệ mỗi năm cống các nho học, sinh viên sung vào Quốc tử giám; Nhà phủ học mỗi năm 2 tên, nhà châu học 2 năm 5 tên, nhà huyên học mỗi năm 1 tên. Sau lại quy định nhà phủ học mỗi năm 1 tên, nhà châu học 3 năm 2 tên, nhà huyện học 2 năm 1 tên” (Toàn thư, Minh thuộc, 1417).
5. Phụ trách Quốc tử giám
LN viết: “Vị học quan phụ trách trường Quốc tử giám hay Quốc tử viện vào thời kỳ này gọi là Đề điệu”. Không rõ “thời kỳ này” mà LN viết là chỉ thời kỳ nào? Nhưng ta biết chức đứng đầu Quốc tử giám trước giờ vẫn là chức Tế tửu. Đề điệu là chức quan phụ trách các kỳ thi. Ví dụ năm 1463 có thi Điện thì “Sai Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Nguyễn Lỗi và Nhập nội đô đốc đồng bình chương sự tri Đông đạo chư vệ quân dân Quốc tử giám tế tửu Lê Niệm làm Đề điệu” (Toàn thư, Lê kỷ, 1463); Năm 1466 có thi Điện thì “Sai Sùng tiến nhập nội tả đô đốc kiêm thái tử thiếu bảo Lê Cảnh Huy và quyền Chính sự viện thượng thư kiêm Cẩn Đức điện đại học sĩ thái tử tân khách Nguyễn Như Đổ làm Đề điệu” (Toàn thư, Lê kỷ, 1463)...
Các kỳ thi Hương, Hội về sau cho tới tận triều Nguyễn, viên quan phụ trách mỗi trường thi cũng gọi là Đề điệu.
6. Giám sinh học gì?
LN viết: “Đến năm 1253, tháng 9 AL, xuống chiếu cho nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng học Tứ thư, Lục kinh, là bộ sách học chính thức tại Quốc tử giám từ thời kỳ này đến ngày chấm dứt việc thi chữ Hán ở Việt Nam (1919)”
Thực ra thì học sinh thời trước không chỉ học Tứ thư, Lục kinh. Tỷ như thời vua Lê Thánh tông, “hằng năm sách công ban xuống cho các phủ ở ngoài như Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển, Cương mục, cùng các loại sách thuốc”, sách thuốc giao cho y quan, sách học giao cho học quan (Toàn thư, Lê kỷ, 1484).
Thời Lê Trung hưng, đề thi được lấy trong các sách: Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lý đại toàn, Thiếu vi thông giám, Đề cương, Ngốc trai, Tứ đạo trường sách, Nguyên lưu chí luận, Cương mục (Chu Hi), Tả truyện, Chu lễ quảng nghĩa và Đại học diễn nghĩa... (Kiến văn lục).
7. Nhà Đại học
LN viết: “trước nhà Đại học dựng điện Đại thánh để thờ Tiên thánh”.
Tôi cho rằng LN đã chép từ nguồn nào đó, và nguồn ấy đọc nhầm chữ Thái (太) thành chữ Đại (大). Ở đây là nhà Thái học.
8. Quốc tử giám thời vua Gia Long
LN viết: “Đến đời vua Minh Mạng, nhà Quốc học được đổi thành Quốc tử giám và tổ chức quy củ hơn.”
Thông tin này không đúng, ngay thời vua Gia Long đã gọi là Quốc tử giám rồi: “Dựng nhà đốc học ở Quốc tử giám” (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1803); “Cấp lương tháng cho các quan dạy học ở Quốc tử giám” (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1804). Đến thời Minh Mạng, vua còn dụ rằng: “Tiên đế bắt đầu đặt nhà Quốc tử giám, đặt học quan và định phép xét thi để gây dựng nhân tài cho nhà nước dùng” (Thực lục, đệ nhị kỷ, 1820).
Có lẽ LN nhầm với việc vua Minh Mạng đặt các chức Tế tửu, Tư nghiệp... trong khi thời vua Gia Long mới có các chức Chánh, phó Đốc học Quốc tử giám (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1804).
III. TIỂU KẾT
Quốc tử giám không phải một bài viết tốt vì quá vụn vặt và nhiều thông tin không chính xác. Rất nhiều chi tiết về Giám sinh không được kể tới, tỷ như phép tuyển giám sinh không được nhắc tới, lệ bổ dụng họ về các nha môn cũng không được tác giả đề cập.
Last updated
Was this helpful?