Phần 5 -Lễ bảo cử và hồi tỵ

TREO ĐẦU LÊ B.ÁN THỊT NGUYỄN

XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÊ-NGUYỄN (TÁC GIẢ - LÊ NGUYỄN)

#treo_đầu_Lê_ban_thịt_Nguyễn

#bác_X

BÀI 5 - LỆ BẢO CỬ VÀ HỒI TỴ

Bài thứ tư trong sách là Lễ Tế Giao, bởi đã trích đăng trên báo Thanh Niên nên đã có bài phân tích cái sai từ trước khi sách ra, xem ở đây:

https://www.facebook.com/tonhu1999/posts/726067621432577

Tương tự bài bóc trước, bố cục bài viết này vẫn chia làm hai phần: Những điều chưa ổn và Những điều chưa đúng. Bài Lệ bảo cử và hồi tỵ gồm bốn trang chữ và hai trang hình (vua Minh Mạng và Phan Thanh Giản), xét về số lượng chữ thì hơi ít, chắc độ 1.500 mà thôi.

I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN

1. Dẫn nguồn

Toàn bộ phần Lệ bảo cử thời Lý, Trần Lê không được chú thích dẫn thông tin từ đâu cả. Có vẻ LN khá tự tin những điều mình viết ra đều mặc nhiên đúng, bất khả tư nghị.

2. Ví dụ không chuẩn

LN viết: “Cũng có những người tuy giỏi, như Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, nhưng đường khoa hoạn luôn trắc trở, đi không lại trở về không.”

Cụ Tú Xương có thể giỏi làm thơ chứ khó mà nói là người giỏi được. Thơ không nằm trong nội dung thi cử thời Nguyễn.

3. Lệ rọc phách

LN viết: “Việc thi cử được các triều đại Lý-Trần đến Lê-Nguyễn tổ chức khá chu đáo, bài thi được rọc phách để tránh trường hợp quan trường lợi dụng cho điểm tốt đối vời bài làm của người thân hay học trò của mình”. Nhẽ ra tôi định đưa nó vào phần Những điều chưa đúng, nhưng thú thực là bản thân tôi cũng không thể nào tìm được thông tin chính xác về việc này. Thời Nguyễn thì có ghi chép cụ thể, ngược lên thời Lê sơ, tôi phải mất khá nhiều công phu mới tìm được thông tin về việc rọc phách trong thi Hương, Hội thời Hiến tông và trước đó là thi miễn tuyển thời Thánh tông (có thể suy luận rằng thời Lê sơ có rọc phách) bởi bản dịch Toàn thư và Cương mục dịch sai. Còn thời Lý, Trần tuyệt nhiên không thấy ghi chép nào cả.

4. Quá vắn tắt

Hơn 350 năm của nhà Lê được gói gọn trong mấy dòng, rồi nhảy thẳng sang thời Nguyễn.

5. Thời Gia Long thì sao?

Việc nhảy cóc từ Lê Trung hưng sang đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn là một điều khó chấp nhận được. Vua Gia Long và vua sáng nghiệp một triều đại. Trong thời gian trị vì của ông, các định lệ, hoạt động sẽ cho độc giả một cái nhìn quan trọng về nhà Nguyễn.

6. Thời Minh Mạng thì sao?

LN viết về quy định cụ thể năm 1832, nhưng lại quên mất (hoặc không biết) lần đầu tiên vua Minh Mạng ra quy định về bảo cử là năm 1823 (Thực lục - Đệ nhị kỷ).

7. Các lệ bảo cử

Có một số ngoại lệ về bảo cử mà nhẽ ra LN nên nêu ra (có lẽ do tác giả không biết chăng?). Ví dụ như một số chức quan không có lệ bảo cử (Hiến phó). Hoặc điều quan trọng nhất là quy trình bảo cử thì sách hoàn toàn không nhắc đến.

Tóm lại đọc xong bài Lệ bảo cử, người đọc hoàn toàn không hiểu bảo cử là gì, để làm gì, được thực hiện ra sao.

II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG

1. Bảo cử là gì?

LN viết: “Bảo cử là tiến cử kẻ hiền tài ra làm việc nước”. Bảo cử là Tiến cử chỉ đúng một phần, xét về mặt nghĩa thì ngoài cử (đề cử) còn có bảo (bảo đảm). Bảo cử không đơn thuần là tiến cử, mà người bảo cử còn phải chịu trách nhiệm về hành trạng của người mình đề cử. Bảo cử cũng không phải ai cũng được quyền, mà thường chỉ quan đại thần mới có đặc quyền cũng là nghĩa vụ này. Nếu Bảo cử là tiến cử thì các Phật môn thời Lê, Lý hay Thái ấp quý tộc thời Trần vẫn thường xuyên tiến cử học trò, môn khách của mình cho triều đình để làm quan

2. Thi cử thời Lý

LN viết: “Việc thi cử được các triều đại từ Lý-Trần đến Lê-Nguyễn tổ chức khá chu đáo”. Điều này khá sai lầm. Việc thi cử nước ta mở ra năm 1075 thời Lý, rồi từng bước mò mẫm mô phỏng các phép thì thời Đường, Tống bên Trung Quốc nên không thể nói là chu đáo ngay từ đầu được.

Đầu tiên là các khoa thi Minh kinh, Nho học, rồi thi Văn học, mãi tới năm 1152 thời Anh tông mới lần đầu có thi Điện. Sang thời Trần, nước ta vẫn loay hoay thay đổi giữa các kiểu thi Thái học sinh và thi Tiến sĩ, thời gian tổ chức các kỳ thi cũng không thống nhất, phép thi ở mỗi thời kỳ cũng có thay đổi nhất định (Về thi cử Lý-Trần, độc giả quan tâm có thể đọc trong Thương hải tang điền).

Phải sang tới thời Lê sơ thì quy cách thi Hương, thi Hội, thi Đình và định kỳ ba năm một lần mới được xác định và duy trì tương đối đều đặn.

3. Trước năm 1429

LN viết: “Ngay khi vừa phục hồi nền độc lập cho xứ sở, năm 1429, vua Lê Thái tổ đã xuống chiếu định rằng các đại thần từ tam phẩm trở lên có bổn phận tiến cử người hiền tài...”

Câu này không sai, nhưng nói lệ tiến cử của Lê Lợi thì phải nhắc mốc đầu tiên là năm 1427 (trước khi giành độc lập), Lê Lợi đã “Hạ lệnh cho các tướng hiệu, các quan lộ tìm hỏi những người có tài lược, trí dũng, làm nổi các chức quan trọng như Tư mã, Thượng tướng, mỗi viên tiến cử lấy một người.” Và cũng năm đó “Hạ lệnh cho các lộ tiến cử những người hiền tài, chính trực, trí dũng anh kiệt, cho gọi tới trả lời các câu hỏi, rồi cất nhắc sử dụng. Ai che giấu thì bị xử tội truất giáng.” (Toàn thư)

Nếu coi đó là lệ tiến cử không có bảo đảm thì liền đó lại có lệnh “cho các đại thần và các quan văn võ đều tiến cử người hiền lương phương chính, nếu tiến cử được người giỏi thì được thăng thưởng theo lệ tiến cử hiền thần, nếu vì tiền tài, vì thân quen, tiến cử người không tốt thì bị trị tội theo lệ tiến cử kẻ gian” (Toàn thư). Cử người giỏi được thưởng, cử người kém bị phạt, đó chính là bảo cử.

4. Hồi tỵ là gì?

LN viết: “Hồi tỵ là từ Hán Việt, có nghĩa là tránh đi, lệ được đặt ra để ngăn chặn tình trạng nhiều người trong một đại gia đình cùng làm việc trong cùng một đơn vị, cơ quan, dễ dẫn đến sự câu kết với nhau để tham ô và nhũng nhiều dẫn lành.” Sau đó dẫn thâm “Ở mỗi khoa thi, các quan chức được cử làm khảo quan mà có anh em hay con cháu dự kỳ thi đó thì cũng phải xin hồi tỵ.”

Không sai nhưng cũng không đúng. Hồi tỵ ý nghĩa nghĩa rộng hơn thế, bao gồm cả việc bảo cử (Thực lục - Đệ nhị kỷ - năm 1825), xét án kiện (Thực lục - Đệ nhị kỷ - năm 1825) và quan trọng hơn, là vấn đề quan phụ mẫu sở tại phải “hồi tỵ” một số phương diện.

Mặc dù phía dưới, LN có nhắc tới việc chức thông phán, kinh lịch không được lấy người bản trấn, nhưng nó chỉ chứng tỏ một điều là tác giả viết không có mạch, nhặt nhạnh vài tiểu tiết để ghép thành bài, đoạn dưới tự mâu thuẫn với đoạn trên.

5. Lệ Hồi tỵ thời Lê

Đầu tiên, phải nói luật Hồi tỵ đã được xác lập vào thời Lê, quy định trong bộ luật Hồng Đức, ví dụ điều 218 “Quan lấy đàn bà con gái trong hạt”. Chỉ cần google từ khóa “luật hồi tỵ” ta sẽ có kha khá kết quả.

6. Cứ phạm luật hồi tị là phải đổi công sở?

Thực ra có ngoại lệ, ví dụ năm 1834 có dụ về quan lại ở hạt chỉ có một phủ thì quan viên có quê ở đó không cần Hồi tỵ (bình thường phải đổi sang phủ khác).

7. Các con cụ Phan Thanh Giản

LN viết: Trường hợp cụ Phan Thanh Giản là một tiêu biểu cho tinh thần bất vị thân, khi cụ giữ chức Kinh lược sứ, hàm Hiệp biện Đại học sĩ, nhất phẩm triều đình, các con trai cụ là Phan Liêm và Phan Tôn dù tuổi đời đã trên dưới 30, vẫn không có một địa vị nào đáng kể trong xã hội.”

Trước tiên, Hiệp biện Đại học sĩ chỉ là Tòng nhất phẩm. Và ở tuổi trên dưới 30 không rõ Phan Liêm, Phan Tôn đang làm chức gì, có quá thấp hay quá cao so với những vị đồng lứa không, có khoa cử gì không? Thậm chí so với người cha là cụ Giản, thì cũng 30 tuổi cụ mới trúng Tiến sĩ và một năm sau bắt đầu với chức Hàn lâm viện Biên tu.

Đặt cạnh trường hợp ông Phan Huy Vịnh con của cụ Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực, thì khi cụ Thực còn làm quan, ông Vịnh đã lần lượt trải qua các chức Chủ sự bộ Binh, Viên ngoại lang (Đại Nam liệt truyện - Truyện Phan Huy Vịnh). Năm Thiệu Trị thứ nhất, cụ Thực ốm nên tạm nghỉ việc quan, ông Vịnh được bổ làm Lang trung bộ Lễ. Không thấy có lệ hồi tỵ cha làm quan to thì con không được làm quan to gì cả, chỉ có hồi tỵ việc cha con không cùng một nha môn mà thôi.

Về hai con cụ Giản, không rõ sĩ đồ cụ thể thế nào, chỉ biết cuối cùng Đại Nam liệt truyện chép “Con [Phan Thanh Giản] có 2 người: Thanh Liêm [tức Phan Liêm] làm quan đến Thượng thư; Thanh Tôn [tức Phan Tôn] làm quan đến Hồng lô tự thiếu khanh.”

8. Mượn mác học thuật

Sau khi ca ngợi trường hợp các con cụ Phan Thanh Giản, LN chuyển sang viết “miền Nam trước 1975, lệ hồi tỵ trong ngành tư pháp khác cụ thể và rõ ràng, viên chánh án một tỉnh thụ lý một vụ án mà nguyên cáo hay bị cáo, nguyên đơn hay bị đơn có quan hệ huyết thống hoặc mối thâm giao với mình, viên chức này sẽ xin hồi tỵ, cơ quan tư pháp trung ương sẽ cử một chánh án khác ở tỉnh gần đó sang xét xử nội vụ.”

Theo tôi biết thì đây là quy định chung của ngành tư pháp từ thời Pháp thuộc cho tới ngày nay chứ không riêng gì miền Nam hồi 54-75. Các độc giả công tác trong ngành luật hoặc từng học chuyên ngành Luật, xin cho tham vấn về việc này. Tôi tin rằng hiện nay, chủ tọa phiên tòa xét xử dân sự hoặc hình sự đều buộc phải không có quan hệ ruột thịt với bên nguyên hoặc bên bị.

Tôi không rõ thâm ý của LN là gì khi kéo dài nội dung xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn sang tận giai đoạn 54-75, rồi chêm thêm câu kết luận: “Tóm lại, vào thời nào hay ở đâu cũng vậy, những kẻ chỉ biết lạm dụng chức quyền, trọng dụng bọn dốt nát và xu nịnh, quay lưng ngoảnh mặt lại với người tài, sẽ mang trọng tội với Lịch sử.”

Tác giả đã đi quá xa, vượt ra ngoài khung học thuật thì phải.

III. TIỂU KẾT

Bài thứ năm của sách vẫn không hơn gì bốn bài trước, thậm chí kém đi rất nhiều vì nội dung tủn mủn, sơ sài, mượn mác học thuật để ám chỉ những việc khác.

Với góc nhìn hạn hẹp và tiểu tiết, LN chỉ chắp vá một vài sự kiện thời Nguyễn để cố tạo ra bài viết, nên không tránh được là độc giả (và chính bản thân tác giả) hiểu sai Bảo cử và Hồi tỵ. Ví dụ muốn hiểu về Bảo cử, độc giả phải đọc để rút ra kết luận rằng Bảo cử quan trọng nhất là chọn người xứng đáng vào đúng chức vụ, nghĩa là hầu hết (nhưng không phải 100%) các vị trí trong bộ máy cai trị của nhà Nguyễn thì đều cần sự bảo cử của các quan đại thần trong triều. Đó là cách triều đình xây dựng bộ máy hoạt động chứ không đơn giản là tiến cử để không bỏ sót người tài.

Và dĩ nhiên vẫn phải phê phán cách viết giấu giếm nguồn tư liệu, dẫn tới khó khăn rất lớn cho việc khảo chứng lại những điều tác giả nhận định. Nó giống và tương đương vô vàn các bài viết kém chất lượng trên facebook ngày nay mà thôi.

https://gockhuatsuky.blogspot.com/2021/04/treo-au-le-b.html

Last updated

Was this helpful?