Phần 11-Tôn Nhơn phủ Triều Nguyễn

BÀI 11 - TÔN NHƠN PHỦ TRIỀU NGUYỄN

Đây là bài viết thứ 18/30 trong sách, dài khoảng 7 trang viết. Nội dung tập trung gọn trong các vấn đề liên quan đến Hoàng tộc các triều đại. Mặc dù tiêu đề chỉ nói đến nhà Nguyễn, nhưng LN có nhắc qua về nhà Trần và Lê.

I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN

1. Tôn hay Tông

Với triều Nguyễn, do tỵ húy vua Thiệu Trị nên chữ Tông được đổi thành Tôn; Tông nhân phủ đổi thành Tôn nhân phủ. Nhưng các triều đại khác không hề kiêng chữ này, vậy thì những chữ như “Tông chính phủ”, “Đại tông chính”,... phải được giữ nguyên. Tương tự là trường hợp chữ Nhơn/Nhân khi nói đến ở triều Trần, Lê.

2. Nguồn thứ cấp

Trong một chú thích, LN chú: “Theo Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, dẫn theo BAVH, No2, 4-6/1918, tr. 102-105”. Chúng ta biết BAVH hay “Những người bạn cố đô Huế” là tạp chí được viết bằng tiếng Pháp, sau này được dịch ra tiếng Việt. Nghĩa là Hội điển nguyên bản được viết bằng tiếng Hán, qua một lần dịch Hán-Pháp, rồi tiếp một lần dịch Pháp-Việt mới thành những câu chữ mà LN trích dẫn. Vả lại, bài trong BAVH là nghiên cứu chứ không phải dịch thuật Hội điển, chúng ta không chắc có giữ được nguyên vẹn nội dung hay không. Trong khi đó, sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ đã có bản dịch thành sách đầy đủ bằng tiếng Việt, để tránh tam sao thất bản thì nên dẫn từ những bản dịch tài liệu gốc này.

3. Tông nhân lệnh đặt năm 1720?

LN viết: “Đến đời vua Lê Dụ tông, năm 1720, đặt ra chức Tôn nhơn [sic] lệnh đứng đầu Tôn nhơn phủ, có sự phụ giúp của hai vị Tả, Hữu tôn chánh [sic] và các Kiểm hiệu.”

Không rõ thông tin này tác giả lấy từ đâu. Theo Loại chí thì “Thời Trung hưng về sau, lại theo quan chế nhà Trần, đặt Tôn nhân phủ, có các chức tôn nhân lệnh, tả hữu tôn chính, kiểm hiệu, phẩm trật ở vào hàng chánh tam trở xuống.”

Không có thông tin đích xác nào về năm đặt chức Tông nhân lệnh, còn các chức Tả, hữu tông chính thì đã có từ thời Hồng Đức (Loại chí - Quan chức chí - Quan chế đời Hồng Đức). Có lẽ LN căn cứ vào mục Quan chế đời Bảo Thái trong Loại chí để kết luận. Loại chí chỉ liệt kê chứ không hề chép việc đặt chức.

4. Việc năm 1832

LN viết: “Năm 1832, vua Minh Mạng lại cử các hoàng tử thay mặt nhà vua trong các lễ mừng sinh nhật, kỵ giỗ các hoàng đế và hoàng hậu thời trước, lễ Thanh minh và lễ Tỉnh yết”. Thông tin này không được dẫn nguồn và tôi cũng không tìm được nó trong Thực lục.

5. Cấm quan hệ cá nhân với con cháu nhà vua

LN viết: “Năm 1816, vua Gia Long lại ra một chỉ dụ cấm chỉ tất cả văn võ quan có quan hệ cá nhân với con cháu nhà vua, dù với bất cứ lý do gì”.

Tôi thực sự không hiểu việc này liên quan gì tới Tôn nhân phủ, bởi đây là lệnh của vua Gia Long ban xuống cho bộ Hình (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1816).

II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG

1. Tôn nhân phủ thay mặt vua chủ tọa lễ

LN viết về nhiệm vụ của Tôn nhơn phủ triều Nguyễn “Thay mặt nhà vua trong các cuộc lễ quan trọng hàng năm”, các lễ này bao gồm Xuân hưởng, Hạ hưởng, Thu hưởng, Đông hưởng, dẫn theo dụ của vua Gia Long năm 1807.

Thực chất nội dung của chính dụ mà LN trích chỉ nhắc tới “các hoàng tử và hoàng tôn ai nấy theo thứ tự sung làm nhiếp tế và bồi tự” (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1807), không nhắc gì tới Tôn nhơn phủ.

2. Luân phiên chủ tọa?

LN viết: “các hoàng tử được chỉ định luân phiên nhau thay vua cha chủ tọa các lễ thường được tổ chức ở các đền miếu...” Vì trích dẫn không chuẩn từ nguồn không đáng tin (sẽ nói ở phần sau) nên LN đã nhầm việc các hoàng tử thay phiên nhau làm chủ tọa. Câu văn nguyên gốc cho thấy các hoàng tử và hoàng tôn đứng theo thứ tự, người lớn nhất được làm nhiếp tế. Thực chất thì liên tục các năm từ 1816 tới 1819, các lễ tế hưởng đều do hoàng tử thứ tư (sau được lập làm Hoàng thái tử, rồi lên ngôi vua - tức Minh Mạng) làm nhiếp tế cả.

Cũng không phải mọi lễ tế hưởng đều do hoàng tử thay mặt vua làm chủ tế. Thực lục chép sự kiện năm 1813, vua Gia Long thân tế Hạ hưởng và chép thêm rằng: “Từ mùa thu năm Tân Mùi [1812], vua có tang, lễ miếu hưởng đều sai hoàng tử hoàng thân tế thay. Đến nay vua mới thân đến làm lễ”. Như vậy ta biết hoàng tử chỉ nhiếp tế khi vua gặp việc không tự thân làm được (như tang, ốm, thời tiết xấu,...)

3. Miên Tông giữ chức Tả tôn chính?

LN viết: “Năm 1838, vua Minh Mạng chỉ định đích thân Hoàng trưởng tử Miên Tông, tước Trường Khánh công (vua Thiệu Trị sau này) kiêm giữ chức Tả tôn chánh trong Tôn nhơn phủ”. Thông tin này không chính xác. Tháng Bảy năm 1838, Miên Tông được cho “kiêm quyền chức Tả tôn chính” (Thực lục, đệ nhị kỷ, 1838), nghĩa là chỉ làm quyền Tả tôn chính chứ không phải thực thụ chức.

4. Nhất tự vương

LN viết: “Sau khi lên ngôi vào cuối tháng 7.1883, vua Hiệp Hòa thăng ông lên tước Tuy Lý vương” rồi chú thích “Nhất tự vương lớn hơn Quận vương”.

Ông LN đã không hiểu khái niệm Nhất tự vương và Nhị tự vương. Nhất tự, nhị tự là phân biệt ở tên hiệu của vương (vương hiệu), tỷ như Tuy Lý vương thì Tuy Lý là vương hiệu. Mặc dù vậy, thời Nguyễn không dùng Nhất tự, nhị tự để phân định cấp bậc của vương mà dùng Thân vương và Quận vương. Ví dụ ngài Miên Định là Thọ Xuân Thân vương, ngài Miên Trinh là Tuy Lý Thân vương, gọi tắt là Tuy Lý vương.

5. Tam ban triều điển

LN viết: “Chiều ngày 29.11.1883, vua Hiệp Hòa bị thí theo lệ ‘tam ban triều điển’”.

Tam ban triều điển là lệ ép vua hoặc quan đại thần phải tự sát bằng một trong ba món: rượu độc, dao hoặc dải lụa (thắt cổ). Nhưng Thực lục chỉ chép: “Khi đến đấy, Ích Khiêm, Văn Đễ cho thuốc độc vào nước chè dâng lên, vua không chịu uống. Văn Đễ ra lạy khóc khuyên rằng: ‘Vua tôi đến lúc biến không thể làm thế nào được.’ Vua nói rằng: ‘Ta lại không được bằng Thuỵ quốc công à?’ Còn lần chần không uống. ích Khiêm bèn đem nước chè ấy đổ vào miệng vua. Lập tức phát lên như người phải gió.” Như vậy vua Hiệp Hòa bị ép uống thuốc độc chứ không được lựa chọn tam ban triều điển.

6. Liên quan tới bài viết Tôn nhân phủ trong B.A.V.H

Trong tập san Những người bạn cố đô Huế in năm 1918 có bài viết “Tôn nhân phủ” của tác giả Ưng Gia (Học chính Quốc tử giám). Bài Tôn nhơn phủ triều Nguyễn của tác giả LN giống bài trên một cách kỳ lạ, có thể liệt kê ra như sau:

- Miêu tả về bề ngoài của tòa Tôn nhân phủ: nền cao 0,95m, dài 19m rộng 18m, vách có trổ nhiều cửa lớn và cửa sổ, nóc nhà có đắp lưỡng long triều nguyệt.

- Nhà chia làm ba gian, trên vách trang trí câu đối của các hoàng thân và quan lớn. Nội dung cầu mong sao cho triều đại đương quyền được trị vì bình yên muôn dân qua nhiều thế kỷ.

- Hai lần tu sửa vào năm 1890, 1903, xây mới vào năm 1909.

- Chiếu chỉ của vua Gia Long năm 1807 (nội dung đều không chuẩn như đã nói mục II.1)

- Chỉ dụ của vua Minh Mạng năm 1832 (nội dung đều không chuẩn như đã nói mục II.2)

- Chỉ dụ của vua Minh Mạng năm 1836 về luân phiên kiểm tra đồ cúng.

- Chỉ dụ của vua Minh Mạng cũng năm 1836 về quan chức gác miếu thay thế từng năm một.

- Nghị định của vua Gia Long năm 1816 (như mục I.5).

- Quy định của vua Minh Mạng hạn chế quan viên cấp thấp của Tôn nhân phủ qua lại với cấp trên.

Mặc dù ai đó có thể biện minh rằng, có khả năng hai người cùng sưu tầm các chi tiết liên quan tới Tôn nhân phủ để viết nên bài của mỗi người. Nhưng sự thực là độ trùng hợp thực khiến người đọc phải ngạc nhiên. Có thể nói, bài viết của LN phần Tôn nhân phủ triều Nguyễn đã lấy toàn bộ sườn bài và thông tin của tác giả Ưng Gia trong B.A.V.H, ông thay đổi câu chữ và bổ sung thêm vài giải thích đơn giản (như các lễ hưởng là gì). Có lẽ chỉ có mục Tôn nhân phủ và những câu chuyện đáng nhớ là LN tự xây dựng và viết.

III. TIỂU KẾT

Công bằng mà nói, đây là bài viết khá của LN (nếu không tính tới việc dựa trên sườn và toàn bộ thông tin của tác giả Ưng Gia). Một số sai lệch ở mức có thể chấp nhận được. Mặc dầu vậy, bài viết của Ưng Gia viết từ một thế kỷ trước, cách thực hiện không chuẩn chỉ khoa học như hiện nay, các thông tin chỉ đưa ra mà không dẫn nguồn. Điều ấy gây khó khăn cho việc kiểm chứng. Rất tiếc, bài viết của LN không làm sáng tỏ thêm chút nào các điểm mờ ấy, có lẽ ông chỉ chép lại từ tác giả Ưng Gia mà thôi chứ không có đào sâu thêm chút nào.

https://gockhuatsuky.blogspot.com/2021/04/bai-11-ton-nhon-phu-trieu-nguyen-ayla.html

Last updated

Was this helpful?