Phần 2-Binh chế trong lịch sử
XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÊ-NGUYỄN (TÁC GIẢ - LÊ NGUYỄN)
BÀI 2 - BINH CHẾ TRONG LỊCH SỬ
#sử_siếc #bác_X
I. ĐÔI LỜI MỞ ĐẦU
Gọi là bài 2 nhưng thực ra là bài đầu tiên viết về cuốn sách này khi đã có sách trên tay. Sách khổ to, dày 350 trang, dá 179 ca, gồm 30 bài của tác giả Lê Nguyễn (từ đây trở xuống viết tắt là LN). Bài đầu trong sách là Hình luật Việt Nam qua các chặng đường lịch sử, bài được trích đăng trên báo Thanh Niên, nội dung bài viết có nhiều sai lầm do tác giả không khảo cứu kỹ lịch sử hình pháp thời Lê và Nguyễn, đã phân tích trước đây
Trước khi vào bài 2, cũng phải trình bày qua loa một chút. Cuốn sách này đặt tựa rất kêu, viết về Xã hội Việt Nam (LN còn có một cuốn sách khác đặt tựa tương tự: Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc), tựa sách này khiến tôi liên tưởng tới cuốn khảo cứu nổi tiếng Xã hội Việt Nam của cố tác giả Lương Đức Thiệp, ra đời năm 194x, đó là một tác phẩm bao quát cả lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, gồm cả phong tục tập quán, kiến trúc, tiếng nói... Vì vậy tôi có chút sốc khi đọc mục lục (in đầu sách), bởi tiêu đề của các bài viết hầu như chẳng liên quan gì tới xã hội rộng cả, có chăng là chút ít pháp luật, một chút về học hành thi cử, một chút về đê điều, một chút về khai khoáng. Tóm lại, đây là một cách đặt tựa đề khống, chắc là để thu hút (lừa) độc giả.
Trong lời nói đầu của LN, tôi lại sốc lần 2 khi tác giả nhấn mạnh: “Bên cạnh những tìm tòi và trình bày các điều mới lạ trong tư liệu lịch sử, tập sách này còn chú trọng đến sự dẫn nguồn các tư liệu tham khảo - một yếu tố không thể thiếu trong thể loại biên khảo...” Xin lỗi tác giả, viết như vậy có phải là các cuốn khảo cứu trước của LN không hề có dẫn nguồn tư liệu? Từ khi nào một việc quá bình thường trong việc viết lách như “dẫn nguồn” lại được nhấn mạnh như một sự mới mẻ và cố gắng của người viết vậy? Và khi đọc xong cuốn sách, thì hóa ra chính vấn đề này lại sẽ trở thành một vấn nạn đối với tác giả và cuốn sách, sẽ có bài viết sau.
Giờ theo thứ tự, tới bài thứ 2 trong sách đã: “Binh chế trong lịch sử” - một bài viết tệ.
II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN
1. Tựa sách
Đầu tiên, vẫn là cái tựa của cuốn sách: Khoảng thời gian đề cập tới là Lê-Nguyễn, bao gồm (Hậu) Lê sơ 1428-1527, Lê Trung hưng (1533-1789) và Nguyễn (1802-1945), với nhà Lê hơn 350 năm, và nhà Nguyễn 143 năm. Thời gian trị vì của nhà Lê dài hơn gấp đôi nhà Nguyễn, nhưng nội dung bài viết thì chỉ có 18 DÒNG dành cho nhà Lê sơ, cũng từng đó dành cho thời Lê Trung hưng (bao gồm các Đàng Trong), còn lại 10 TRANG viết về nhà Nguyễn (thực ra nói thế cũng hơi điêu, rải rác trong 10 trang này có vài chỗ nói qua loa về nhà Lê như các chức võ quan, thi võ... nhưng chỉ vài dòng). Một sự mất cân bằng trầm trọng, cũng chứng tỏ tác giả chủ định lấy nhà Lê làm nền để viết chủ đạo về Binh chế nhà Nguyễn. Điều ấy không ổn, ít ra là với độc giả kỳ vọng tìm được chút thông tin nào đó về nhà Lê.
2. Sự chuyển tiếp
Điều chưa ổn thứ hai, LN mở đầu binh chế bằng thời Đinh Tiên Hoàng (tổ chức Thập đạo), rồi nhảy thẳng sang thời điểm 1428 (Lê Thái tổ) mà không hề nhắc tới Binh chế Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ. Dĩ nhiên các triều đại đó không nằm trong tựa đề của cuốn sách, nhưng sự nhảy cóc này khiến độc giả hụt hẫng, chẳng thà đừng nhắc tới thời Đinh mà đi luôn vào thời Lê thì hơn.
3. Nguồn thứ cấp
Điều chưa ổn thứ ba, đó là LN trích nguồn tư liệu từ Lịch triều hiến chương loại chí (Loại chí). Cách làm này không sai, nhưng các thông tin mà LN trích từ Loại chí thì chúng ta có thể dễ dàng tìm được trong Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư), nghĩa là Toàn thư là nguồn đầu tiên còn Loại chí là nguồn thứ cấp. Một thông tin đơn giả mà bỏ qua nguồn đầu để sử dụng nguồn thứ cấp (dù nội dung không có gì khác biệt) là cách làm không hay, nó khiến độc giả nảy sinh nghi ngờ là tác giả chưa đọc (kỹ) Toàn thư. Mà cũng vì thông tin từ nguồn thứ cấp thì đôi khi sẽ có xuất nhập so với ghi chép trong chính sử, hay tôi hay dùng chữ “đạp đinh”.
4. Thiếu chiều rộng và chiều sâu
Điều không ổn thứ tư, LN không hiểu nghĩa của chữ “Binh chế” (Chế độ về binh bị quốc phòng, tổ chức quân đội) nên nội dung của phần Binh chế nhà Lê, ngoài vỏn vẹn mấy chữ “chia làm 5 đạo: Đông-Tây-Nam-Bắc đạo và Hải Tây đạo”, thì toàn bộ hơn 10 dòng còn lại chỉ dành viết về mỗi cách tuyển binh. Trong khi đó, Binh chế quan trọng nhất là quy mô quân đội (thay đổi qua các thời kỳ), cách tổ chức quân đội, các đơn vị quân đội, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động,... Qua các thông tin căn bản này, chúng ta sẽ có hình dung trong đầu về tổ chức quân sự của một triều đại, và các thông tin này dễ dàng tìm được trong Toàn thư và Loại chí. Thậm chí trang wiki còn có nhiều thông tin hơn bài viết của tác giả. (keyword: Quân đội nhà Lê Sơ)
III VÀ NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG
Đương nhiên do tác giả LN không đọc kỹ lịch sử cổ trung đại nên ngoài sự sơ sài của “bài viết”, thì sự sai lệch thông tin là khó tránh khỏi. Xin phân tích vài (trong vô vàn) ví dụ dưới đây.
1. Quân số nghĩa quân Lam Sơn
LN viết “Năm 1428, sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, trong 25 vạn quân đã kháng chiến gian khổ, Bình Định vương Lê Lợi cho 15 vạn người về làm ruộng, giữ lại 10 vạn quân...”
Thông tin được dẫn nguồn là Loại chí. Tôi chưa có thời gian để tìm đọc bản gốc của Loại chí để coi cái sai này là từ gốc hay bản dịch, nhưng Toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) chép rõ quân số của nghĩa quân Lam Sơn là 35 vạn và Lê Thái tổ giải giáp 25 vạn, giữ lại 10 vạn: “Hiện kim tam thập ngũ vạn đãi phá Đông Quan thành, phóng nhị thập ngũ vạn quy nông, lưu thập vạn vi quân phòng ngự quốc sự” (Hiện nay có 35 vạn. Đợi khi phá được thành Đông Quan, sẽ cho 25 vạn người về nhà làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn làm quân để đề phòng việc nước).
Ngoài ra có thể nói thêm là câu chữ trong bài của LN không phải trích nguyên văn Loại chí mà chỉ dùng thông tin của Loại chí để viết lại theo ý chủ quan của tác giả, nên lại dẫn tới sai lầm. Sau khi đánh đuổi xong giặc Minh thì Lê Lợi đã lên ngôi vua, không thể dùng Bình Định vương để chỉ ngài nữa.
2. Điều lệ luân phiên
LN viết: “Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đặt ra hai thứ quân: Ưu binh ở kinh thành, canh giữ cung vua, phủ chúa, và nhất binh ở các trấn, chia thành nhiều cơ, cứ mỗi cơ 200 người và 100 người tại ngũ, 100 người về làm ruộng, lần lượt luân phiên nhau như thế.”
Đoạn này được LN ghi là dẫn từ Việt Nam sử lược (VNSL), và nó không đúng. Bắt đầu thời Lê Trung hưng, Nhất binh chỉ đặt ra ngạch chứ chưa thực sự tuyển binh.
Cương mục chép sự kiện năm 1724 rằng: “Hồi đầu triều Lê, binh lính ở tứ trấn đều đặt các vệ, các sở. Đến lúc trung hưng, chuyên dùng lính Thanh, Nghệ làm ưu binh, còn lính ở tứ trấn chỉ giữ có ngạch hão mà thôi. Khoảng năm Bảo Thái (1720-1728), Nguyễn Công Hãng làm tướng lại tuyển lính tứ trấn, phân phối bổ vào đội ngũ, chưa bao lâu Công Hãng mất chức, phép ấy bèn bãi bỏ, đến nay, vì phải dùng lính đi đánh dẹp, không đủ lính để điều động sai phái, bèn tuyển dân tứ trấn, cứ 5 suất đinh lấy một người, được số lính 11.465 người, phỏng theo phép phủ vệ nhà Đường, chia làm 20 vệ, ở vệ đặt chức tuần phủ và tuần thủ, chọn viên quan có tài cán mưu mô về hàng văn và hàng võ mỗi hàng một người để giữ các chức ấy, còn thuộc viên về hàng văn, hàng võ thì giữ chức phó nhị. Mỗi vệ đều chia thành hai phiên, hàng tháng thay đổi nhau để thường trực. Bình thường cứ cho một nửa số lính về nhà làm ruộng, người nào ở trong quân ngũ, quan sẽ cấp cho lương ăn hàng tháng. Lúc có việc phải tập hợp để điều động, thì sự sai phái đều tùy theo viên quan mà binh lính thuộc quyền (các tùy sở lệ sai bát), xong việc lại trã về vệ cũ.”
Ghi chép rất chi tiết này cho thấy lính tứ trấn trước thời điểm này chỉ đặt tên hão, định sẵn phép chứ chưa thực hiện. Tới tháng Mười năm 1724 mới tuyển lính tứ trấn và phân bổ luân phiên. Phép đặt cơ 200 người phải 20 năm sau mới thành lệ và được chép trong Cương mục năm 1748: “Triều đình bèn hạ lệnh cho vệ binh đều lệ thuộc vào trấn, chia đặt từng cơ, từng đội, cứ 200 người làm một cơ, cho phép một nửa ở quân ngũ, một nửa về làm ruộng, thay đổi lẫn nhau.”
3. Quân chúa Nguyễn có 5 cơ?
LN viết: “Quân đội thời các chúa Nguyễn có khoảng 30 ngàn quân, chia thành 5 cơ: Trung cơ, Tả cơ, Hữu cơ, Tiền cơ và Hậu cơ”.
Đây là sai lầm căn bản vì “cơ” không phải đơn vị quân sự lớn nhất ở Đàng Trong, một cơ chỉ có vài trăm người mà thôi (Thực lục tiền biên - năm Quý Tỵ 1653). Quân đội ở Đàng Trong chia làm 5 dinh (doanh) quân chứ không phải cơ. Thực lục tiền biên chép: “Năm dinh Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Hậu quân, Tiên phong, mỗi dinh đều là 5 chi, mỗi chi 5 hiệu, mỗi hiệu 3 đội, mỗi đội 4 thập.” Đây cũng là cơ cấu cốt yếu của binh chế Đàng Trong, rất tiếc tác giả không nắm được để ghi lại.
4. Đô thống Chưởng phủ sự
LN viết: “...người đứng đầu mỗi đạo là quan Đô thống Chưởng phủ sự”. Viết như vậy không chính xác. Ngay tên gọi Chưởng phủ đã cho thấy viên tướng đó quản lý một phủ. Như vậy tên gọi đầy đủ của chức danh là Đô thống phủ Chưởng phủ sự. mặc dù vậy, tôi cho rằng chức danh đúng của viên quan đứng đầu mỗi dinh là Đô đốc cơ, tức là Đô đốc phủ Chưởng phủ sự. Chức danh này được ghi chép phổ biến hơn trong Thực lục tiền biên.
5. Hoạn quan và giám ban
LN viết: “Một điểm đặc biệt trong thời Lê-Trịnh là giới nội giám (hoạn quan) rất được tin dùng, nên trong triều, ngoài hai ban văn và võ còn có giám ban, quyền hành thực tế rất lớn.”
Điểm sai căn bản do không biết Thái giám là một chức võ quan triều Lê sơ đã thể hiện rõ trong câu này. Bởi cuốn sách còn có một chương riêng (và lặp lại sai lầm cực lớn này) mà tôi đã có bài viết phân tích riêng, nên không nhắc lại ở đây nữa.
6. Xử phạt việc mướn người đi lính
LN viết: “Năm 1728, chúa Trịnh Cương định rõ biện pháp tróc nã những ai mướn người đi lính thay. Người mướn hay người đi thay đều bị xử tội đồ, tức bị đày đo lính phương xa để làm những việc hạ tiện như chăn voi, chăn ngựa...”
Đoạn này tác giả không dẫn nguồn nên không biết tự sai hay do chép sách nào sai. Nếu chép từ Loại chí, thì việc này Loại chí phân biệt rõ tội mướn người và tội đào ngũ, trong đó mướn người chỉ bị trượng và vẫn giữ trong quân ngũ, chỉ đào ngũ mới phải tội đồ: “Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 9 [1728], chuẩn định rằng binh lính mượn người thay thế thì bị 60 trượng và vẫn sung vào đội ngũ, người thay thế cũng bị 30 trượng. Binh lính chưa đến niên hạn mà viện lây khoán ước riêng để tự tiện bỏ về thì xử theo tội đồ.”
Các ghi chép khác trong Cương mục (năm 1741) và Loại chí (năm 1730) đều khá rõ ràng ở điểm không có phạt tội đồ với người mướn kẻ đi lính thay. Hình phạt đó chỉ dành cho kẻ đào ngũ.
7. Khoa thi võ đầu tiên
LN viết: “Mãi đến năm 1721, chúa Trịnh Cương mới mở trường dạy võ đầu tiên trong cả nước. Theo sách ĐVSKTT, tháng 8 AL năm 1721, đời vua Lê Dụ tông, triều đình họp bàn việc mở trường dạy võ và tổ chức thi võ để tuyển người tài.”
Thực ra khoa Võ cử đầu tiên đã được tổ chức từ thời Lê sơ rồi. Mạc Đăng Dung xuất thân từ chức võ cử ấy. Toàn thư chép: “Đăng Dung hữu dũng lực, dĩ vũ cử nhập Túc vệ, chí thị nãi bái thị chức” (Đăng Dung có sức khoẻ, vì đỗ võ cử, được sung vào quân túc vệ, đến đây phong cho chức này). Loại chí ghi nhận “Phép thi các quân, buổi Lê sơ có lệ đô thí, chỉ thi cung tên, kiếm, mộc, thi nhau để định hơn kém, phép thi chưa được kỹ càng.” Tuy sơ sài nhưng đó mới là những kỳ thi võ đầu tiên của nhà Lê.
8. Thi võ như thế nào?
LN viết: “Trong những kỳ thi võ đầu tiên, thí sinh được hỏi về những điều cốt yếu trong sách Tôn tử binh pháp, ai thông hiểu thì cho vào thi võ nghệ gồm các môn: thứ nhất là cưỡi ngựa múa thanh mâu dài, thứ 2 là đánh kiếm có múa khiên, thứ 3 là múa đao. Cuối cùng là thi về phương lược quân sự. Thí sinh nào trùng cách sẽ được hướng dẫn vào sân phủ chúa để thi phúc hạch, tùy vào thứ hạng cao thấp mà được bổ dụng”.
Thực ra chỉ có duy nhất kỳ thi năm 1721 là thi như trên, tới năm 1724 thì Võ cử đã phân thành hai vòng: Sơ cử và Bác cử. Trong đó Sơ cử trước hết hỏi qua loa về Võ kinh, rồi ba kỳ sau thi võ nghệ. Rồi hỏi về mưu lược dùng binh.
Thí sinh nào trúng cách thì được tham dự kỳ thi Bác cử vào năm sau. Ở kỳ thi Bác cử này, cũng diễn ra trường nhất là ý nghĩa Võ kinh thất thư (không phải riêng Tôn tử binh pháp), trường nhì là đấu võ, Cương mục dẫn Kiến văn tiểu lục của cụ Lê Quý Đôn mô tả đấu sức gồm cưỡi ngựa múa mâu, đấu siêu đao, lăn khiên và múa gươm giáo (khác kỳ Sơ cử trường ba hỏi về văn sách, các phép thao luyện và bày trận. Ai trúng thì được xuất thân Tạo sĩ. Tạo sĩ tương đương với Tiến sĩ bên văn. Nên nếu nói về thi võ thì phải xét quy cách từ năm 1724 trở về sau mới đúng.
IV. TIỂU KẾT
Qua hơn mười trang viết về Binh chế chí, tôi khẳng định rằng bất kỳ một ai, chỉ cần dựa vào đề mục mà tác giả dựng ra, rồi mở wiki ra chép, thì cũng có thể tạo được một bài viết chính xác và đầy đủ hơn bài viết trong sách. Dĩ nhiên nó không đạt tiêu chuẩn sách khoa học, không đáng gọi là nghiên cứu. Thậm chí không đạt chuẩn một bài viết facebook bởi sự thiếu hệ thống.
Viết về Binh chế không hề dễ, cần phải có một hình dung chi tiết, từ việc phân cấp các đơn vị quân đội ra sao, hệ thống chức danh từ cao tới thấp thế nào. Ngạch quân, tuyển quân, cử tướng ra làm sao, và kèm theo đó là các chế độ lương bổng, luyện tập, điều lệ... Và quan trọng hơn hết là sự biến động cơ chế trong cùng một triều đại. Không thể viết chung Binh chế Lê sơ với Lê Trung hưng được, thậm chí đời vua Thái tổ và Thánh tông đã khác nhau hoàn toàn.
Binh chế trong lịch sử của Xã hội Việt Nam thời Lê- Nguyễn không làm được điều ấy. Nó thiếu khuyết hầu như hoàn toàn các thông tin về thời Lê, một số thông tin lắt nhắt dẫn ra thì hoặc sơ sài hoặc sai, thậm chí có những cái sai cơ bản.
Thực chất thì muốn làm tốt (tốt hơn), chỉ việc mở Loại chí ra chép lại từ đầu chí cuối, chúng ta sẽ có một bài rộng hơn, sâu hơn rất nhiều so với nội dung của sách. Tức là LN chẳng những không tạo ra được những điểm mới trong sách của ông, mà nội dung sách còn thua xa các thông tin đã cũ và đã có sẵn thành hệ thống.
Cũng cần nói thêm rằng, tuy lời nói đầu, LN có nhắc tới việc dẫn nguồn tư liệu trong sách, đúng là ở một số đoạn tác giả có dẫn nguồn, nhưng các phần còn lại (chiếm 70-80% nội dung sách mà tôi tin chắc rằng tác giả chép lại ý từ Loại chí, Việt Nam sử lược,...) đã không được dẫn nguồn tử tế. Điều này gây khó khăn không ít trong việc kiểm chứng số liệu và thông tin trong bài. Điểm này tôi nhấn mạnh rằng với bài viết tiêu chuẩn (không phải status facebook) thì mọi thông tin nêu ra, nhất là sự kiện và số liệu, BẮT BUỘC phải dẫn nguồn. Những thứ không dẫn nguồn mặc định hiểu là các lập luận, suy diễn riêng của tác giả (có lẽ tôi hơi khó tính chăng?).
Tuy nhiên, nếu mọi thông tin trong bài mà LN dám dẫn nguồn đầy đủ, thì tất lẽ dĩ ngẫu, độc giả sẽ thấy được cả bài này chỉ là từng đoạn từng đoạn chép lại từ các sách khác (lấy ý và viết lại nội dung) mà thôi. Nó hoàn toàn không xứng là một bài nghiên cứu. Có lẽ chỉ nên gọi là bài TỔNG HỢP THÔNG TIN thiếu chiều sâu của một người nắm không quá vững về lịch sử.
https://gockhuatsuky.blogspot.com/2021/04/xa-hoi-viet-nam-thoi-le-nguyen-tac-gia.html
Last updated
Was this helpful?