Phần 8-Hoạn quan ở các cung đình xưa
XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÊ-NGUYỄN (TÁC GIẢ - LÊ NGUYỄN)
BÀI 8 - HOẠN QUAN Ở CÁC CUNG ĐÌNH XƯA
Nghiên cứu về Hoạn quan là bài thứ 13/30 trong sách. Tương tự bài bóc trước, bố cục bài viết này ngoài hai phần: Những điều chưa ổn và Những điều chưa đúng, tôi bổ sung thêm một phần “Nếu là tôi”, nghĩa là nếu thực hiện nghiên cứu/viết bài về chủ đề này thì bản thân tôi sẽ viết những gì và dựa vào đâu. Phần này chỉ là ý tưởng khung, nhưng tôi nghĩ là nó có ích cho độc giả hoặc những người muốn thử sức viết lách.
Chủ đề Hoạn quan được tác giả viết khá dài, gần 8 trang viết và có vẻ công phu, nhưng thật tiếc đây lại là một trong những bài dở nhất của LN. Bởi vì nó đầy rẫy các sai lầm từ sơ đẳng cho tới phức tạp. Thậm chí sai hết tất cả các định nghĩa và tên gọi.
I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN
1. Kết cấu của bài viết
Chủ đề là Hoạn quan trong sách Xã hội Việt Nam, nhưng bài viết dành 8 dòng cho Lịch sử hoạn quan Trung Quốc và 8 dòng để nói về lược sử hoạn quan nước ta tới hết thời Lê sơ. Tiếp đó là khoảng một trang về thời Lê Trung hưng. Còn lại thuộc về triều Nguyễn.
2. Dẫn nguồn
Với tám trang viết và chỉ có bảy cước chú dẫn nguồn thông tin thì không thể gọi là một bài viết tử tế được, chúng ta sẽ quay lại vấn đề này ở mục sau.
II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG
1. Hoạn quan thời Tiên Tần
LN viết: “Ở Trung Quốc, nghề Hoạn quan được đề cập đến từ đời nhà Chu (năm 1122 đến năm 256 TCN). Theo sách Chu lễ, hoạn quan thời này được gọi là Tử nhân hay yêm doãn, được tuyển vào cung để làm một số việc cần như: truyền chỉ của nhà vua đến các quan lại khác, canh giữ hậu cung, quét dọn đường ốc, liên lạc giữa nhà vua với các cung phi...”
Mặc dù thông tin được dẫn nguồn (BAVN), nhưng đây là kiến thức sai. Tỷ như Yêm doãn không phải dùng để chỉ hoạn quan nói chung mà là chức quan đứng đầu các hoạn quan. Và đặc biệt hơn, trước thời nhà Hán, Hoạn quan không hoàn toàn dùng để chỉ những người bị thiến, mà dùng để chỉ những người hầu cận vua, hoàng đế.
Hoạn Giả là tên một cụm bốn ngôi sao (sau tăng thêm 1) thuộc chòm Thiên Thị viên. Thiên Thị viên (còn gọi là Thiên Phủ, Trường Thành) ý nghĩa như tên gọi, biểu thị chợ trên trời, là nơi bách tính tập trung, phồn hoa đô thị. Trong đó có sao Đế Tòa biểu thị cho Hoàng đế, và bên cạnh đó có Hoạn Giả là những người hầu cận.
Ý nghĩa ban đầu của Hoạn không phải người bị thiến như sau này, mà chỉ là người làm việc, hầu hạ ở công phủ, tư phủ. Thời Chiến Quốc, quý tộc nuôi nhiều Tân khách (môn khách) nên Hoạn mang ý nghĩa là người tiếp đón hầu hạ môn khách. Hơn nữa, không chỉ nhà quý tộc nuôi Tân khách mà cả vua cũng có Tân khách riêng. Những người chuyên tiếp đón phục dịch Tân khách của vua thì gọi là Hoạn quan. Như vậy, người phục dịch nhà quý tộc thì gọi là Hoạn giả (hoặc Hoạn nhân), còn phục vụ vua thì gọi là Hoạn quan.
Thời đó, Hoạn giả hay Hoạn quan hoàn toàn không phải người bị thiến, mà là chỉ những người tùy tùng, hầu cận của nhà vua. Triệu Cao nước Tần là một nhân vật như vậy. Lý Tư liệt truyện chép Cao là “Hoạn nhân”, là người đánh xe cho Tần Thủy Hoàng (tức bộ mặt của vua mỗi khi ra ngoài), bản thân Cao lại có con gái gả cho Diêm Nhạc, lại chép Triệu Cao sao khi giết Hồ Hợi từng muốn tự thân lên làm vua, chừng ấy đủ để nói Triệu Cao hoàn toàn không phải người bị thiến.
Hậu Hán thư - Hoạn giả truyện viết: “Trung hưng chi sơ, Hoạn quan tất dụng yêm nhân” - Thời đầu Trung hưng (tức Đông Hán), hoạn quan tất dùng người bị thiến. Câu này chứng tỏ từ Tây Hán trở về trước, không phải 100% Hoạn quan đều là người bị thiến. Chỉ tới thời Quang Vũ đế, do Hoạn quan thường được tự tiện ra vào nội cung nên mới quy định chỉ lấy người bị thiến làm Hoạn quan, trở thành lệ từ đó trở về sau.
2. Thường thị là gì?
LN viết: “Đời Hán, hoạn quan được gọi là Thường thị”. Đây là kiến thức sai căn bản. Thường thị là tên chức quan, viết tắt của Trung thường thị. Thời Tây Hán, Hoàng đế đặt ra chức quan này dành cho các cận thần, phụ trách việc cố vấn, ứng đối, trật Thiên thạch, sau tăng lên Tỷ nhị thiên thạch. Có thể kể đến hai vị Trung thường thị là anh em họ Ban nổi tiếng là Ban Bá và Ban Trĩ (cha của Ban Bưu, ông nội của Ban Cố).
Sang thời Đông Hán, chức Trung thường thị do Hoàng đế thường lấy Hoạn quan đảm nhiệm. Do ảnh hưởng lớn của Thập thường thị trong Tam quốc diễn nghĩa, nên một số người cho rằng cứ Hoạn quan là Thường thị, hoặc nghĩ Thường thị là quan danh của Hoạn quan. Rất sai lầm.
Thường thị đôi khi được sử dụng như một dạng tôn xưng để tỏ ý cung kính với Hoạn quan, giống như các chức võ quan cao cấp thời Tống (Đô chỉ huy sứ) thường được tôn xưng thành Thái úy [2].
Sang thời Ngụy, chức Thường thị được gộp với chức Tán kỵ, trở thành Tán kỵ thường thị, không còn do Hoạn quan riêng đảm nhiệm nữa.
Như vậy, Thường thị là chức quan, có thể dùng hoạn quan hoặc người thường chứ không phải cứ Thường thị là hoạn quan, càng không phải cứ hoạn quan là Thường thị.
3. Trung quan được dùng bắt đầu từ thời Đường?
Và bởi Hoạn quan chủ yếu ở trong nội cung, nên để phân biệt với các quan trên triều thì Hoạn quan còn được gọi là Nội cung quan (tức Nội quan), hay Trung cung quan (tức Trung quan), không phải tới triều nhà Đường thì mới gọi là Trung quan.
4. Hoạn môn chi hầu là chức gì?
LN viết: “...các vua Đại Việt cũng tuyển vào cùng các hoạn quan với nhiều chức danh khác nhau, tùy từng thời kỳ: đời Lý gọi là Hoạn môn chi hầu”. Đây là thông tin sai tới mức không thể sai hơn.
- Thứ nhất: Không có chức “chi hầu” mà chỉ có “chi hậu” (như Chi hậu nội nhân Đỗ Thích, Chi hậu Đào Cam Mộc, Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông...)
- Thứ hai: Không có chức Hoạn môn chi hầu hay Hoạn môn chi hậu gì cả. LN đã chép (và không dẫn nguồn) cái sai này từ bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính[1]. Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Duy Chính nhầm từ chức danh của Lý Thường Kiệt: Hoàng môn chi hậu. Thực chất thì thời Lý, hoạn quan được gọi với cái tên: Hoạn quan và Yêm tự. Sử sách nhiều lần nhắc tới hai chữ này: “duy cung nữ, hoạn quan kiến chi” (Toàn thư - Nhân tông - Ất Tỵ, 1125); “Chiếu yêm tự bất đắc thiện nhập cung” (Toàn thư - Anh tông - Canh Ngọ, 1150); “Hoạn quan Phạm Bỉnh Di chi ngôn” (Toàn thư - Cao tông - Quý Hợi, 1203); “Hoạn quan phụng ngự Phạm Bỉnh Di” (Cương mục - Mậu Thìn, 1208).
Tựu trung, Hoàng môn chi hậu là một chức quan, nhưng không phải hoạn quan nào cũng là Hoang môn chi hậu.
5. Nội thị
LN viết: “[...các vua Đại Việt cũng tuyển vào cùng các hoạn quan với nhiều chức danh khác nhau, tùy từng thời kỳ]... thời Trần gọi là Nội thị”.
Một lần nữa, LN đã chép (và không dẫn nguồn) cái sai này từ bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính[2]. Thời nhà Trần có một cơ quan rất quan trọng gọi là Nội thị sảnh học theo mô hình bên Trung Quốc, người trong Nội thị sảnh gọi là quan Nội thị, gồm cả hoạn quan và sĩ nhân.
Người nổi tiếng đầu tiên trong Nội thị sảnh phải kể tới Lý Nhân Nghĩa. Thời Lý Thái tổ, ông từng đảm nhậm chức Viên ngoại lang đi sứ nhà Tống năm Thuận Thiên thứ 2 [1011] (Toàn thư - Lý kỷ). Việc mang chức danh Viên ngoại lang (chức chuyên về ngoại giao) cho thấy rất có thể ông không phải Hoạn quan. Đến đầu thời Thái tông, Nhân Nghĩa là quan Nội thị. Đây là chức quan được đặt cùng lúc với các chức Tả hữu Khu mật, Tả hữu Tham tri chính sự, Tả hữu Gián nghị, Trung thư thị lang, cùng các chức Uy nghi thượng tướng, Định thắng thượng tướng, Tả hữu phúc tâm, Nội thị, Đô thống đại nguyên soái (Lịch triều hiến chương loại chí). Có thể giả định rằng khi Thái tông lên ngôi, ông xếp đặt lại cơ cấu triều đình, đặt Khu mật viện, Trung thư sảnh và Nội thị sảnh. Nội thị sảnh còn gắn liền với vị Hoạn quan nổi tiếng thời Lý: Lý Thường Kiệt. Ông xuất thân từ chức Hoàng môn chi hậu rồi lên Nội thị sảnh Đô tri, rồi Nội thị Phán thủ Đô áp nha - các chức danh thể hiện vai trò đứng đầu Nội thị sảnh.
Mặc dù vậy, có thể khẳng định Nội thị sảnh không phải cơ quan chuyên dành cho Hoạn quan. Cuối thời Lý, Trần Thừa (tức Trần Thái tổ) từng được phong Nội thị Phán thủ, và Trần Cảnh (tức Trần Thái tông) từng giữ chức Nội thị Chính thủ (Cương mục - quyển 5).
Nội thị sảnh tồn tại cả ở thời Lê sơ, và cũng không phải cơ quan dành riêng cho Hoạn quan. Cương mục quyển 20 chép “Theo chế độ cũ, Nội thị sảnh có cục Thân tùy, bổ dụng con quan viên từ lục phẩm trở lên đến tam phẩm; đến nay thăng cục ấy làm Điện Tiền tả hữu Vũ Lâm quân.” Vũ Lâm quân là thân quân của Hoàng đế, có thể thấy Nội thị sảnh tuyển con em quan viên vào làm việc hầu hạ và bảo vệ Hoàng đế, hoàn toàn không phải Hoạn quan.
Tựu trung, Nội thị hoàn toàn không phải cách gọi hoạn quan ở thời Trần. Sử sách nước ta khi chép về hoạn quan thời Trần có dùng các chữ “nội nhân” (Toàn thư - Thánh tông, 1267), “hoạn thị [nội thần]” (Toàn thư - Nhân tông, 1280; Nhân tông, 1288); “trung quan” (Toàn thư - Nhân tông, 1288; Anh tông, 1303); “thụ tử” (Toàn thư - Giản Định đế, 1409).
6. Thái giám thời Lê
LN viết: “[...các vua Đại Việt cũng tuyển vào cùng các hoạn quan với nhiều chức danh khác nhau, tùy từng thời kỳ]... đến đời Lê đổi thành Tả hữu Thái giám. Từ thái giám xuất hiện vào thời này và về sau, nhiều người vẫn ngộ nhận khi đồng hóa nghề hoạn quan với chức danh thái giám.”
Một lần nữa, LN đã chép (và không dẫn nguồn) cái sai này từ bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính[3]. Thái giám hoàn toàn không liên quan tới Hoạn quan thời Lê (sẽ viết kỹ ở phần Nếu là tôi). Điển hình như niên hiệu Vĩnh Tộ, có lệnh tập ấm cho các quan viên, trong đó “Các chức Tổng thái giám, Đô thái giám, Tham chưởng giám thuộc nội giám thì được quan viên tử 4 người, quan viên tôn 2 người. Các chức Thái giám, Tham tri giám sự, Đồng tri giám sự, đuợc quan viên tử 3 người, quan viên tôn 2 người. Các chức Thiếu giám, Tả Hữu giám thừa, Đề điểm, được quan viên tử 2 người, quan viên tôn 2 người” (Loại chí - Quan chức chí). Nếu là hoạn quan thì con nào được tập ấm?
Sai lầm căn bản về chức quan Thái giám (hoàn toàn không phải để chỉ hoạn quan) dẫn tới toàn bộ bài viết của LN sụp đổ. Cách gọi Hoạn quan ở thời Lê cũng tương tự như các triều đại trước, đó là hoạn quan, trung quan,... mà thôi.
7. Giám ban đặt vào thời nào?
LN viết: “Thời vua Lê Ý tông, niên hiệu Vĩnh Hữu (1735-1740), trong hàng quan lại, ngoài Văn ban và Võ ban, năm 1739, chúa Trịnh Khương (Giang) còn đặt thêm một ban thứ ba là Giám ban với các chức danh có phẩm hàm cao chưa từng thấy trong hàng hoạn quan trước đó...”
Đây là một sai lầm nhưng tôi không coi là lỗi của LN (trừ việc không dẫn nguồn tư liệu). Các nguồn Tục biên, Cương mục đều cho rằng ở năm 1739, chúa Trịnh Giang lập Giám ban và tới năm 1740 thì bãi bỏ. Tuy nhiên, sự thực là Giám ban đã tồn tại trước đó (sẽ nói ở phần Nếu là tôi). Công việc mà Trịnh Giang thực hiện là cho thi tuyển hoạn quan vào Giám ban, tức là Giám ban trước kia dùng quan viên bình thường và không định thành ngạch riêng ngang với Văn ban và Võ ban. Bởi chuyên dùng hoạn quan vào Giám ban nên “Các quan lấy thế làm hổ thẹn, nhưng không ai dám nói” (Cương mục quyển 38).
8. Đàng Trong thì sao?
Quan chức Đàng Trong kế tục rất nhiều chức danh của thời Lê (vì bản chất các chúa Nguyễn vẫn xưng là thần tử của nhà Lê). Chức Thái giám do vậy đôi lần được nhắc tới, tỷ như Nguyễn Đình Quý là Chưởng Thái giám (sau được phong làm công thần bậc nhì, cao hơn các vị Thiếu sư Tôn Thất Diễn, Chưởng dinh Tôn Thất Tráng, Chưởng cơ Tống Phước Đào), Mai Phước Hòa (sau được phong Tổng đốc); Ngô Tân, Nguyễn Tăng Tri (sau được phong Tổng đốc), Nguyễn Văn Lạo (sau được thăng Tổng đốc kiêm Cai cơ, coi quân các thuyền Nội phủ); Mai Văn Hoan; Chử Đức. Tôi không nghĩ tất cả các vị trên đều là hoạn quan, đặc biệt các vị được phong Tổng đốc, Cai cơ.
Triều Nguyễn ban đầu thường dùng chữ “Nội giám” để gọi hoạn quan, phải tới thời Minh Mạng mới chuyên dùng chữ “Thái giám”.
9. Quan viên tự thiến để tỏ lòng trung?
LN viết: “Riêng triều Lý, các quan lại có lệ tự thiến để toàn tâm toàn ý lo việc nước và chứng tỏ lòng trung thành, tận tụy với nhà vua. Tiêu biểu cho trường hợp này là hai anh em Lý Thường Kiệt, Lý Thường Hiến đã lập nên công trạng hiển hách trong lịch sử.”
Tôi không biết LN đã khảo sát bao nhiêu văn võ đại thần nhà Lý để kết luận “các quan lại có lệ tự thiến để toàn tâm toàn ý lo việc nước và chứng tỏ lòng trung thành, tận tụy với nhà vua”? Những người không tự thiến như Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành,... có trung thành tận tụy với nhà vua hay không? Ở đây ta phải hiểu rằng thời Lý (và Trần) có lệ tuyển người vào nội cung làm quan. Do được tùy tiện ra vào cấm cung nên mới phải chịu thiến. Như Lý Thường Kiệt sau khi tự hoạn thì làm Hoàng môn chi hậu rồi từ từ thăng tới Thái úy.
10. May mắn của Lê Văn Duyệt
LN kể về việc vua Gia Long gả bà Đỗ Thị Phẫn nguyên là cung nữ làm phu nhân Lê Văn Duyệt và nhận định: “Tuy nhiên, không phải thái giám nào cũng có may mắn như vị Tả quân họ Lê. Phần lớn họ sống đơn độc đến cuối đời.”
Thực ra LN đã không hiểu rằng từ sau khi làm Thuộc nội Cai đội rồi từ từ thăng lên các chức Vệ úy vệ Điều Vũ, Thần Sách quân Tả đồn chánh thống, rồi Khâm sai chưởng Tả quân doanh Bình Tây tướng quân, Gia Định tổng trấn (Đại Nam liệt truyện, quyển 22) thì Lê Văn Duyệt đã không còn là Thái giám mà là một vị quan của triều đình. Việc ông ta có vợ (dù là người khuyết tật về mặt thể chất) là bình thường. Nghĩa là bài viết của LN rất ngớ ngẩn khi so sánh một viên hoạn quan sống trong cung với một vị đại thần từng là hoạn quan và đang là quan Tổng trấn ở tận Gia Định, sự khác biệt như trời với đất vậy.
11. Đạo văn
Vấn đề này khá nghiêm trọng. Nếu như ở các bài trước, LN thường không dẫn nguồn các tài liệu, và chúng ta tạm coi lỗi ấy là do thói viết ẩu hoặc muốn giấu giếm tài liệu nguồn, dẫu sao việc đưa lại thông tin từ các bộ sử đã phổ biến thì cũng chấp nhận được. Nhưng trong bài Hoạn quan ở các cung đình xưa, toàn bộ phần đầu hầu như chép lại nguyên từ bài nghiên cứu “Hoạn quan” của Nguyễn Duy Chính. Bởi hai bài đều sai y hết nhau trong toàn bộ các nhận định về hoạn quan từ Lý đến Lê nên rất dễ nhận ra người nọ đã chép lại bài của người kia. Bài của Nguyễn Duy Chính mà tôi đã dẫn link có từ tháng Hai năm 2009 (có thể còn sớm hơn nữa), tồn tại trước rất nhiều bài viết của LN. Dĩ nhiên cũng có thể LN chép lại từ một nguồn thứ cấp bài viết của Nguyễn Duy Chính. Bất kể nội dung bài Hoạn quan đúng hay sai thì đây cũng là kết quả nghiên cứu của một người khác. LN chép lại mà không dẫn nguồn tức là đạo văn.
III. NẾU LÀ TÔI
Nói một cách khách quan thì thông tin về hoạn quan trong thư tịch nước ta không có nhiều, nhất là giai đoạn nhà Lê trở về trước. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ không cố viết về chủ đề mà mình không có đủ thông tin. Tuy nhiên nếu bắt buộc phải viết, tôi sẽ gạn lọc các thông tin và cố gắng né tránh những điểm chưa minh bạch hoặc không phải trong tầm hiểu biết. Ví dụ như LN không biết tiếng Trung và không đọc sử Tàu, thì không nên cố đưa các thông tin lượm lặt được về hoạn quan Trung Quốc, sai lầm sẽ khó tránh khỏi.
Tôi sẽ tuyệt đối không dùng sườn bài viết của ông Nguyễn Duy Chính vì các thông tin trong bài không được dẫn nguồn, và thật không may là hầu hết không đúng.
Như vậy, có lẽ nội dung này chỉ nên thu gọn về hoạn quan thời Nguyễn mà thôi, cụ thể là đời Minh Mạng trở về sau. Tôi nghĩ hai trang cuối trong bài của LN với nội dung này là tạm ổn, nhưng vì không dẫn nguồn nên khó mà khảo sát được đúng hay sai, tác giả tự điều nghiên hay chép từ nguồn khác.
Hoặc có thể mở rộng thêm một chút về sự bành trướng thế lực của các hoạn quan thời Lê. Bắt đầu từ Đinh Phúc, Đinh Thắng thời Lê Thái tông, rồi sang thời Lê Trung hưng xuất hiện các vị hoạn quan hay xuất thân hoạn quan, được phong tước, lên tới Quận công (Hiệp quận công Hoàng Công Phụ, Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc...)
Về Giám ban mà tôi nhắc ở trên, Loại chí đã ghi nhận sự tồn tại của nó ở niên hiệu Bảo Thái (1720) ở mục Ngụ lộc của các và chép quan chức đời Bảo Thái. Nó lại được nhắc tiếp ở niên hiệu Vĩnh Khánh (1732) trong lệ cấp tuất. Các chức danh trong Giám ban còn tồn tại sau năm 1740 rất lâu, ví dụ Tả hữu Thiếu giám được nhắc ở năm 1750. Các thông tin này cho phép tôi đưa ra kết luận là Cương mục và Tục biên đã chép không rõ ràng sự kiện thành lập và giải thể Giám ban năm 1739 và 1740, việc ấy dẫn tới nhiều hệ lụy sau này. Như đã trình bày về suy nghĩ của tôi, năm 1739 là cho hoạn quan thi để bổ vào Giám ban (đã tồn tại trước đó rất nhiều), đồng thời tách Giám ban thành ngạch riêng, nâng ngang hàng với hai ban Văn, Võ. Năm 1740, thay vì giải thể Giám ban thì chúa Trịnh Doanh “Khôi phục hai ban văn vũ theo chế độ cũ” (Cương mục, quyển 38). Nghĩa là trả các quan thuộc Giám ban về vị trí trong ban Văn như cũ.
IV. TIỂU KẾT
Hoạn quan ở các cung đình xưa là một bài viết thuộc loại kém nhất trong sách Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn. Trong đó, tác giả bộc lộ toàn bộ điểm yếu của mình, như: không biết Hán văn mà lại sính chữ (nên sai rất ngô nghê); không có hiểu biết về lịch sử Trung Quốc mà lại thích “chém gió”; không hiểu lịch sử Việt Nam cổ trung đại, hiểu sai danh hiệu Thái giám, đạo văn trắng trợn,... Tôi hơi ngạc nhiên vì nội dung bài viết được đăng khá nhiều nơi, kể cả trên báo Thanh Niên, và mặc dù tôi đã cố lên tiếng trước khi quyển sách ra đời, nhưng không có mấy ai để ý. Tôi lưu lại link bài viết ngày 2/3/2021 ở đây, như một cảnh báo về sự tắc trách.
https://www.facebook.com/tonhu1999/posts/725577304814942
V. PHỤ LỤC
Về chức Thái giám thời Lê, như đã nói trên, tôi có bài viết trong sách Ngàn dặm quan san, nay trích lục lại để độc giả tham khảo.
Nhắc đến Thái giám (太監) thì độc giả luôn xuất hiện ý nghĩ trong đầu là chúng ta đang nói đến Hoạn quan. Quả vậy, thời nhà Đường bên Trung Quốc lập ra Trung ngự phủ, sung Hoạn quan làm các chức Thái giám, Thiếu giám. Từ đó về sau, Hoạn quan cao cấp trong cung thường được xưng là Thái giám. Tới đời nhà Minh, lập ra Thập nhị giám trong cung, đứng đầu mỗi giám là Thái giám, thuộc hạ bên dưới vẫn gọi là Hoạn quan. Phải sang đời nhà Thanh thì Thái giám và Hoạn quan mới đồng nhất danh xưng là một.
(...)
Phải sang tới thời nhà Lê, ta mới thực sự bất ngờ vì số lượng cực lớn các quan Thái giám mà con đàn cháu đống đề huề.
Bởi họ là Thái giám nhưng không phải Hoạn quan.
1. Những vị Thái giám không phải Hoạn quan
Toàn thư chép về các viên tướng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, có nhắc nhiều tới chức danh Thái giám:
“Mùa thu, tháng Tám, vua cho là quân tinh nhuệ của giặc đều ở Nghệ An cả, các xứ Đông Đô của chúng nhất định suy yếu, bèn tăng thêm binh tượng, sai bọn Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo, Thái úy Lê Triện, Thái giám Lê Khả , Á hầu Lê Như Huân, Lê Bí đem hơn 3.000 quân một thớt voi đi tuần các xứ Thiên Quan, Quảng Oai, Quốc Oai, Gia Hưng, Quy Hóa, Đà Giang, Tam Đới, Tuyên Quang để cắt đứt đường viện binh của giặc từ Vân Nam sang; bọn Thái úy Lê Bị, Thái giám Lê Khuyển đem 2.000 quân và một thớt voi đánh ra các xứ Khoái Châu, Bắc Giang, Lạng Giang để chặn viện binh từ Lưỡng Quảng tới...”
Trong đoạn này, ta thấy có hai viên Thái giám là Trịnh Khả và Lê Khuyển.
“Bọn Thiếu úy Lê Khả giữ cửa đông, Tư đồ Lê Lễ giữ cửa nam, Thái giám Lê Chửng đem hai vệ Thiết đột là bọn Nghi Phúc giữ cửa tây...”
Tới đây Lê Khả đã thành Thiếu úy, mà lại xuất hiện thêm Thái giám Lê Chửng.
“Thiếu úy Lê Bị, Thái giám Lê Nguyễn, Chấp lệnh Lê Chửng đem ba vệ Thiết đột đóng ở cửa tây.”
Lê Chửng đổi thành Chấp lệnh, và xuất hiện thêm Thái giám Lê Nguyễn.
Ta biết rằng Lê Lợi bấy giờ còn chưa lên ngôi vua, chưa thiết lập triều đình, hậu cung, vậy thì lấy đâu ra nhiều Hoạn quan tới vậy? Bởi Hoạn quan là những người bị thiến, đưa vào cung cấm để hầu hạ. Mà thêm nữa ở đây toàn Hoạn quan cầm quân đánh giặc. Cho nên bắt buộc ta phải nghi ngờ rằng chức Thái giám không liên quan gì tới Hoạn quan cả.
Chép về Trịnh Khả, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có câu: “Tháng Chín năm thứ chín [1451], có kẻ gièm rằng cha con ông kết đảng, Thái hậu cả giận, nên sau đó ông cùng con trai là Trịnh Bá Quát bị hại.”
Vậy là Trịnh Khả có con trai là Trịnh Bá Quát. Không những vậy, Trịnh Khả còn “có mười ba người con trai: con cả bị hại, thứ đến Trịnh Công Lộ, Công Đán, Công Ngô trở xuống mười người; có người làm Thượng thư, người Đô đốc, người Quận công đều hiển đạt.”
Về Lê Khuyển, Toàn thư - Bản kỷ chép: “Lê Quán Chi, con trai Đại đô đốc Lê Khuyển đang đêm tụ tập đánh giết người ở giữa chợ...”
Vậy là Lê Khuyển cũng có con trai. Ta có thể kết luận luôn Thái giám bấy giờ hoàn toàn không phải dùng để chỉ Hoạn quan.
2. Thái giám là chức quan thế nào?
Chữ giám (監) có nghĩa là giám thị, giám sát. Sau khi triều nhà Lê lập quốc, Toàn thư - Bản kỷ liền chép sự tình rõ ràng hơn:
“Lấy Lê Khuyển làm Nhập nội Thiếu úy, Tham tri Hải Tây đạo chư vệ quân sự Thái giám như cũ...”
Lê Khuyển ở đây chức vụ là Giám sát việc quân sự ở Hải Tây đạo.
Tương tự như vậy, Trịnh Khả cũng được phong: “Hành quân tổng quản tri Xa kỵ vệ chư quân sự, Quản lĩnh Thiết đột hậu dực, Thánh quân Thái giám Ngự tiền lục quân, Tri ngự tiền võ sĩ ngự tiền trung quân chư đội.”
Chức trách của Trịnh Khả là Giám sát ngự tiền lục quân.
Toàn thư lại chép một đoạn rất ý nghĩa về chức quan này: “Đinh Tỵ [1437]... Ra chỉ dụ cho các Đại thần, Thái giám và hình quan rằng: Những người xử án, phải căn cứ vào các điều chính trong luật mà xét xử, còn căn cứ vào điều nào để xử một tội nào thì phải tham khảo luật hình rồi trình cho Đại thần, Thái giám, đài quan và năm đạo cùng nhau xem xét, nếu các quan ấy đều cho là phải thì sau mới quyết định. Đó là vì việc kiện tụng có thể có oan khuất, cho nên phải xét lại cho rõ ràng, không được như bọn Lê Sát trước đây, chỉ xét xử theo lối thiên vị hối lộ.”
Khá rõ ràng, khi xét án, phải tham khảo luật rồi trình lên Thái giám, Ngự sử đài và Năm đạo (có lẽ là Hành khiển năm đạo) để xem xét. Chức năng giám sát được thể hiện qua đó.
Tới đời Lê Thánh tông, có chép về Đồng Thái giám Nguyễn Đảm trong chiến dịch đánh Chiêm Thành năm 1471: “Sai Đồng thái giám Nguyễn Đảm dụ các tướng sĩ ở các doanh rằng...” (Toàn thư - Bản kỷ)
Tới đời Tương Dực đế, có Tổng thái giám Lê Văn Huy “đem lực sĩ của hai ty Hải Thanh và Hà Thanh chèo hai chiếc thuyền nhẹ ra xứ Từ Liêm để dò xét tình hình quân giặc [Trần Tuân].” (Toàn thư - Bản kỷ)
Niên hiệu Cảnh Trị lại có “[thăng] Thiêm thái giám Tài Kiêm hầu Đặng Sĩ Vinh làm Thái giám.” (Toàn thư - Bản kỷ)
Vậy là triều nhà Lê có cả một hệ thống Thái giám chứ không chỉ là một chức quan riêng lẻ, ta đã thấy Tổng Thái giám, Thái giám, Thiêm Thái giám.
Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết: “Thái tổ bản triều lúc mới dấy quân, xưng Bình Định vương có đặt các chức: Thái úy, Thiếu úy, Thiếu bảo, Tư đồ, Tư không, Tư mã, Bình chương sự, Thượng tướng quân, Tả hữu Bộc xạ, lục bộ Thượng thư, Hàn lâm thừa chỉ, Nhập nội hành khiển, Khu mật đại sứ và Thái giám...”
Vậy thì Thái giám chắc chắn là một chức quan được đặt ra từ khi Lê Lợi mới bắt đầu khởi nghĩa.
Lịch triều hiến chương loại chí viết khá kỹ về chức quan này.
“Buổi đầu thời Trung Hưng, tên quan văn võ đại lược đặt theo quan chế cũ, duy về văn ban thì thêm các chức Tư lễ, Thái giám, Hàn lâm viện tri chế cáo, Ngự dinh ký lục, Đô sử xá nhân...”
Nghĩa là sau khi dẹp yên nhà Mạc thì nhà Lê Trung Hưng đặt thêm chức quan văn võ, trong đó có chức Thái giám thuộc văn ban. Chức quan Thái giám này có hoàn toàn tương đồng với chức Thái giám đời Lê Thái tổ hay không thì chúng ta khó lòng khảo xét được. Nhưng xét về tên gọi chức trách thì có lẽ không quá khác biệt.
(Ngàn Dặm Quan San, NXB Hội Nhà văn, 2019)
https://gockhuatsuky.blogspot.com/2021/04/xa-hoi-viet-nam-thoi-le-nguyen-tac-gia_10.html
Last updated
Was this helpful?