Phần 6-Cách trọng dụng nhân tài của người xưa

XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÊ-NGUYỄN (TÁC GIẢ - LÊ NGUYỄN) - Bài 6

BÀI 6 - CÁCH TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI CỦA NGƯỜI XƯA

#sử_siếc #bác_X

Tương tự bài bóc trước, bố cục bài viết này vẫn chia làm hai phần: Những điều chưa ổn và Những điều chưa đúng. Bài Cách trọng dụng nhân tài của người xưa dài khoảng 6 trang, kèm thêm 3 ảnh chụp tượng đài các cụ Tô Hiến Thành, Nguyễn Thiếp, Võ Trường Toản.

I. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ỔN

1. Dẫn nguồn

Câu chuyện Tô Hiến Thành được LN ghi nguồn là Đại Việt sử ký tiền biên. Nhưng rõ ràng tích truyện này có trong Toàn thư, việc LN bỏ qua tài liệu nguồn để sử dụng nguồn thứ cấp là việc khá dở.

2. Không có thông tin gì về Lê sơ

Quả thực LN đã bỏ qua việc các đời vua nhà Lê sơ từ Lê Thái tổ trở xuống sử dụng nhân tài như thế nào.

3. Trùng lặp nội dung với các bài trước

Một số nội dung trong bài lặp lại ý trong bài Lệ Bảo cử. Việc này khó tránh khỏi bởi Bảo cử và Dùng người luôn liên quan mật thiết với nhau. Tuy vậy, bởi nội dung cả hai bài đều sơ sài nên độ trùng lặp là quá lớn và dễ nhận ra.

4. Chỉ đi vào tiểu tiết mà thiếu đại cục

Nội dung bài viết chỉ dẫn được vài ví dụ không mang tính phổ quát, tỷ như về vua Quang Trung chỉ nói việc Nguyễn Thiếp, vua Gia Long chỉ nói Võ Trường Toản, rồi đoạn sau chỉ thêm 2 ví dụ về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát. Nhân tài nước ta đâu chỉ có vài người.

II. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG

1. Trọng dụng nhân tài là gì?

Điều cơ bản mà ai cũng biết là chọn lọc người hiền ra làm quan. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu mà thôi, như viên gạch đầu tiên dựng nền móng. Quan trọng hơn là đặt đúng người hiền vào vị trí hợp với khả năng của họ. Điều này rất tiếc là LN không viết đến, đúng hơn là có viết nhưng viết chệch. Điểm này cũng là khiếm khuyết của bài Bảo cử. Bảo cử chính là trọng dụng nhân tài, dùng đúng người, đúng chức. Thay vì lý giải cách thức xây dựng bộ máy quan lại để thể hiện việc dùng người, thì LN lại chỉ lấy ví dụ về việc bảo cử rồi bị phạt vì kẻ được tiến cử phạm pháp (trường hợp Nguyễn Công Trứ bảo cử Phi Quý Trại).

2. Câu chuyện Tô Hiến Thành là bài học về dụng nhân?

Mở đầu bài viết, LN kể lại tích truyện Tô Hiến Thành khi sắp mất thì tiến cử Trần Trung Tá thay vì Vũ Tán Đường và kết luận “Câu chuyện trên đã trở thành bài học sâu sắc về cách sử dụng nhân tài của người xưa”.

Rất tiếc là LN không đọc cổ sử nên chẳng biết rằng sau khi Tô Hiến Thành mất thì cả Trần Trung Tá lẫn Vũ Tán Đường đều không được dùng lại quan Tể tướng thay họ Tô. Toàn thư chép: “Thái hậu khen là trung, nhưng cũng không dùng lời ấy”. Người được bổ làm quan phụ chính là Đỗ An Di. Tích truyện Tô Hiến Thành tiến hiền chỉ là để ca ngợi tấm lòng trung của họ Tô chứ hoàn toàn không liên quan, nếu không muốn nói là phản ví dụ, về sự dùng người của triều đình xưa.

3. Tú tài thời Trần-Lê?

Trước khi viết sang thời Lê-Trịnh, LN bàn về thi cử trước đó: “Từ đó, các điều kiện khoa cử ngày một hoàn thiện, tiến đến việc tổ chức ba khoa thi liên tiếp liền nhau là thi Hương để lấy Cử nhân và Tú tài, thi Hội để lấy Tiến sĩ (và Phó bảng vào thời nhà Nguyễn), và thi Đình để xếp hạng Tiến sĩ.”

Rất tiếc là không có Tú tài nào ở thời Lê cả. Phải sang tới năm 1823 đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn thì danh xưng Tú tài mới ra đời. Trước đó, thời Lê gọi là Sinh đồ.

4. Vua đích thân ra đề?

LN viết: “Thời Lê-Trịnh, buổi đầu thi có sự hiện diện của cả vua Lê, chúa Trịnh. Đề bài do nhà vua đích thân ra...”

Câu này viết quá chung chung, không rõ kỳ thi Hương, Hội hay Đình? Nếu là thi Hương thì trước vốn do quan trường tự ra, nhưng tới năm 1720, chúa Trịnh Cương quyết định tự thân ra đề (Cương mục). Còn nếu nói là thi Đình thì... từ xưa tới nay vốn đều do nhà vua tự thân ra đề cả, không riêng gì thời Lê Trung hưng.

5. Vụ án Cao Bá Quát

LN viết: “Năm 1841, với chức danh Hành tẩu bộ Lễ, họ Cao được bổ làm Sơ khảo trường thi Hương Thừa Thiên, ông cùng một Sơ khảo khác là Phan Nhạ thấy có mấy quyển bài thi viết rất hay mà tiếc tthay người sĩ tử sơ suất để phạm trường quy, bài sẽ phải bị loại, chưa kể tác giả của nó còn có thể bị tội hình. Thương cho học trò có tài nhưng không may, Cao Bá Quát quyết liều cứu họ...”

Đây là LN đọc wiki để viết bài ngôn tình. Wikipedia mục Cao Bá Quát viết rằng: “Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng Tám năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại.”

Vụ án năm Tân Sử (1841) được sử nhà Nguyễn ghi lại khá chi tiết, cả trong Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện. Xin trích lại nguyên văn: “Có hai viên sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa văn bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 tên (...) Bọn Bá Quát thú nhận là sính bút làm càn, chứ không có ai dặn dò gửi gắm gì cả.”

Đọc qua thì có thể ta sẽ hiểu giống như trang wiki đã viết, rằng hai quan Sơ khảo Quát, Nhạ chỉ sửa đôi ba chữ để tránh cho 24 khảo sinh khỏi phạm quy. Nhưng sau đó còn có dụ của vua Thiệu Trị về vụ án: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát lại dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ : bọn Quát chữa văn đến 24 quyển, tự mình hoặc phê lấy đỗ, hoặc phê bỏ đi, cũng có chỗ câu văn chữa vào lại không bằng câu văn của người làm trước, hoặc giả là do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Vậy đều cho đổi làm giảo giam hậu” (Thực lục - Đệ tam kỷ).

Có thể thấy Cao Bá Quát không chỉ sửa vài chữ để tránh cho khảo sinh phạm quy, mà còn thay đổi cả câu chữ trong bài thi. Có những câu Quát cho rằng dở mà sửa lại theo ý riêng của mình, dẫn tới vua phán “cũng có chỗ câu văn chữa vào lại không bằng câu văn của người làm trước”. Đây không phải vì thương sĩ tử sơ ý mà là hành động chơi ngông, ỷ mình văn tài hơn đời nên cố ý sửa bài thi của người khác.

Một điểm nữa là với chức vụ rất thấp của Cao Bá Quát, ông không có khả năng và địa vị để “trọng dụng nhân tài”. Việc lấy đỗ rồi tuyển bổ là việc của triều đình và các quan đại thần. LN đã nhầm lẫn việc “có lòng thương người” với “trọng dụng nhân tài”.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng trường thi Thừa Thiên mà Quát, Nhạ làm Sơ khảo có ngạch đỗ là 38 người (sau vua Thiệu Tri gia ân lên 45 người), nghĩa là nếu hai vị khảo quan sửa bài mà thành công cả thì 24 người đáng trượt lại đỗ kia sẽ chiếm tới 2/3 số lượng thí sinh được vào vòng sau. Một tỷ lệ cao khủng khiếp.

Phép tuyển người làm quan thời xưa, chủ yếu trông vào kết quả thi cử. Dĩ nhiên đó là một phép tuyển cử lạc hậu và chưa đầy bất công, nhưng dẫu sao đó cũng là một hệ thống tiêu chuyển dùng để sàng lọc nhân tài, và không có nghĩa rằng người ta được phép dùng một hành động sai trái (sửa bài thi dẫn tới sai lệch kết quả chấm, người đáng đỗ thì trượt, người đáng trượt lại đỗ) để phản kháng lại pháp luật. Một người làm văn không đủ giỏi để đỗ, không thuộc phép tỵ húy đã ban hành, liệu có chắc anh ta là nhân tài cần trọng dụng không?

Cao Bá Quát có thể tự phụ mình tài giỏi, có thể u uất vì cảm giác bất phùng thời, nhưng hành động sửa văn thi của ông không đáng được ca ngợi, bởi nó không hề xuất phát từ ý tưởng nghĩa hiệp hay muốn nhân tài được trọng dụng. Chỉ là sự ngông cuồng của cá nhân mà thôi.

III. TIỂU KẾT

Muốn viết về đề tài Trọng dụng nhân tài của người xưa, thì tốt nhất nên gộp chung với đề tài Bảo cử thì mới không bị trùng lặp. Mặc dù vậy, phép dùng người của cổ nhân không phải chỉ là cứ người giỏi thì mời ra làm quan, mà phải là đặt người đúng vị trí tài năng của họ, để họ phát huy được tài năng, ra công gắng sức phục vụ cho đất nước, cho triều đình, đó mới là trọng dụng. Bên cạnh đó là hệ thống đánh giá năng lực của quan lại để qua đó quyết định sự thăng/giáng của người giỏi/dở sau một khoảng thời gian nhất định.

Một đề tài rất hay như vậy về bộ máy cai trị phong kiến mà đã bị LN phá nát bằng mấy ví dụ sai lầm hoặc tủn mủn, người đọc khó mà tưởng tượng ra sự sáng suốt và tài tình của các bậc minh quân thuở xưa.

https://gockhuatsuky.blogspot.com/2021/04/xahoi-viet-nam-thoi-le-nguyen-tac-gia.html

Last updated

Was this helpful?