Sài Gòn ơi bao giờ người trở lại?
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Sài Gòn ơi bao giờ người trở lại?
Nhìn tấm hình Sài Gòn xưa yên ả và nhẹ nhàng quá. Dân không quá đông, thành phố không bị phì, cây xanh nhiều mà xây dựng ít, toàn nhà thấp tầng, dân không tập trung ra đường trong giờ hành chánh.
Nhắc lại lịch sử Sài Gòn một chút.
Vào năm 1698 Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vô Nam theo lịnh chúa Nguyễn Phướcc Chu. Chưởng Cơ chia đất Giản Phố ra làm dinh, huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt ra hai dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định).
Trấn là canh giữ, ám chỉ đồn quân sự, xứ chưa ổn định nên cho quan vào cai trị. Trấn Biên là canh giữ xứ biên giới. Phiên Trấn, Phiên là vùng rào dậu, biên giới.
Thuở ban đầu Sài Gòn là huyện Tân Bình, lị sở đặt ở làng Tân Khai, cũng là thủ phủ của dinh Phiên Trấn, là khu trung tâm quận 1 ngày nay.
Trương Vĩnh Ký trong “Souvenirs historiques” liệt kê những làng đầu tiên chung quanh Sài Gòn xưa là: Hòa Mỹ, Tân Khai, Long Điền, Mỹ Hội, Nam Chơn, Long Hưng, Cầu Kho, Chợ Quán, Tân Kiểng, An Bình, Hòa Nghĩa…, có hết thảy chừng 40 làng.
Làng Hòa Mỹ tức xóm Thủy Trại ở khu đường Cường Để Ba Son kéo dài tới cột cờ Thủ Ngữ. Làng Tân Khai ở khu Cầu Mống. Còn khu Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối…là làng Nhơn Hòa.
Bài Gia Định phú tả cảnh Sài Gòn Gia Định giàu sang, sung túc với câu:
"Đông đảo thay phường Mỹ Hội
Sum nghiêm bấy làng Tân Khai
Ngói liễn đuôi lân, phố thương khánh toà ngang toà dọc
Hiên sè cánh én, nhà quan dân hàng vắn hàng dài
Gái nha nhuốc tay vòng tay niểng
Trai xênh xang chơn hớn chơn hài…"
Đọc câu thơ, ta sẽ hiểu đệ nhứt là làng Mỹ Hội, đệ nhị là làng Tân Khai. Làng Mỹ Hội có sông Sài Gòn một mé, có đường Catinat sang trọng, có dinh Xã Tây.
Làng Tân Khai có chợ Sài Gòn Mới. Làng Tân Khai là làng gốc xứ Sài Gòn song đã bị khai tử từ cuối thế kỷ XIX do trung tâm Sài Gòn dần mở rộng. Đình làng Tân Khai ở gần chợ Bến Thành bị dời vô tới làng Bình Trị nay là Bình Trị Đông mé Bình Tân.
Năm 1788 chúa Nguyễn Phước Ánh chiếm lại đất Gia Định và làm Gia Định kinh. Năm Canh Tuất 1790 chúa xây đắp lại một thành đồn cũ ở làng Tân Khai cho rộng thêm. Đồn nầy còn có tên là đồn Nghi Giang (Rạch Thị Nghè) hay còn gọi là Đồn Đất. Cái Đồn Đất này là tiền thân của thành Bát Quái sau này.
Đồn Đất là một địa danh cổ của Sài Gòn. Thời Pháp thì Đồn Đất là tên của nhà thương Grall ( Nhi Đồng 2). Cái Đồn Đất mé bịnh viện Grall này là của Pháp, vì sau 1859 Pháp xây một cái đồn đất ở khu vực này, sau này bị phá, nhưng dân Sài Gòn vẫn quen miệng.
Có một cái lộ 320m kéo dài từ Cường Để tới Gia Long tên là Đồn Đất vốn là đường cổ.
Xin nói chuyện này để mọi người thấy sự tùy tiện của chánh quyền Tp HCM. Sau 1975 vì dốt văn hóa nên xóa hết tên danh nhơn Tây, thí dụ Pasteur và Alexandre de Rhode. Sau 1975, đường Pasteur đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai, còn đường Alexandre de Rhode thành đường Thái Văn Lung. Chánh quyền nói Alexandre de Rhode chính là LM Bá Đa Lộc đi xâm ..lược.
Sau đó đường Nguyễn Thị Minh Khai bị cắt đôi, khúc đầu ở quận 1 vẫn là Nguyễn Thị Minh Khai, còn đoạn thuộc quận 3 mà cuối đường có viện Pasteur mang lại tên Pasteur. Rồi vài năm con đường Pasteur được trả tên hết, còn tên Nguyễn Thị Minh Khai được chuyển sang đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khúc quận 1 (Hồng Thập Tự cũ).
Còn đường Alexandre de Rhode sau hơn 20 năm đổi sang tên Thái Văn Lung, đến năm 1996 đã được phục hồi tên cũ Alexandre de Rhode và tên Thái Văn Lung thì chuyển qua thay đường Đồn Đất trước nhà thương Grall.
Vậy là đường Đồn Đất bị xóa sổ từ đây, một địa danh cổ gắn liền với lịch sử Sài Gòn Gia Định.
Sài Gòn còn bị xoá tên thẳng tay ở đó cái tên Đồn Đất? Chúng mày giỡn bố mày hả? Mà kêu Sài Gòn rồi có bị gì không ta?
Sài Gòn thương quài nè!
Em nhắc lại lần đầu gặp nhau là ở Sài Gòn, em từ nhà chạy lên Sài Gòn hơn 70 cây số, em nói em nhớ Sài Gòn!
Trời ơi! Khi rời xa cái gì thân quen mới thấy nhớ.
Nhớ cái quán cơm tấm sườn bì chả 20.000 đồng, nhớ quán sinh tố, nhớ tùm lum, thậm chí nhớ luôn cái bà chủ mập thù lù lúc nào cũng cười ha hả kiểu bà Tư Xả Láng.
Ngộ lắm! khi xa Sài Gòn nhiều người cứ hỏi “Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng?” dù trong lòng họ biết Sài Gòn chỉ có nắng và mưa, không mưa thì nắng.
Mưa thì ào ào rồi nín khe trong phút lát, bận áo mưa vô rồi cởi ra, lại mặc vô bực mình bực mẩy. Rồi nắng Sài Gòn táp da đen thùi lùi, che kín mít mà nhiều đứa còn sợ đen.
Rồi đi Sài Gòn hoài đó chớ, nhưng cứ la lên “Tui nhớ Sài Gòn”. Có khi là nhớ cái xưa xưa, khi đó có một người thương còn hiện hữu.
Bây giờ có về, có đứng lóng ngóng như thằng khùng, đâu còn ai nữa đâu, đường còn đó mà hơi hám em mất tiêu rồi. Có ai hiểu nỗi lòng của kẻ tha nhơn!
“Qua thương thương bậu quá
Buổi sáng chờ buổi trưa
Buổi chiều đợi buổi tối
Ngày tháng không nhốt vừa.”
Người Sài Gòn dễ thương lắm!
Khi nhắc và nói về quá khứ ai cũng yêu Sài Gòn hết, đó là xương, là máu, là cố gắng của bao thế hệ Nam Kỳ.
"Ăn quận Năm
Nằm quận Ba
Múa ca quận Một
Trấn lột quận Tư."
Thương sớm mơi Sài Gòn, thương trưa Sài Gòn, chiều và cả lúc đã lên đèn, thương Sài Gòn!
Thương cái giọng nói của bà chủ quán:
-Chèng đéc ơi! mấy năm rồi con mới ghé quán cô!
-Mèn ơi ! Cô còn nhớ con sao? Con đâu còn ở Sài Gòn nữa.
-Nhớ hết, mày đi đâu tao cũng nhớ, cái thằng khỉ khọn, khách quen sao lại quên?
-Lóng rày bán buôn sao cô?
-Ế nhệ mày ơi! kinh tế lóng rày te tua lắm, chắc tao trụ hết nổi quá!
Sài Gòn giờ lạ lắm ai oi! đi đâu cũng nghe người ta rên, thành phố rên, những hàng quán rên, chợ càng lớn càng nghe rên nhiều.
Có cái nào đau đớn hơn khi nhìn Sài Gòn ngày càng biến mất, nó bị tẩy một cách dã man.
“Sài Gòn ơi!
Đâu những ngày mưa mùa khoác đi
Đâu cuội hoa quán nhặt đêm về.”
Buồn buồn! Buồn chết mẹ!
Xưa Sài Gòn như cô gái mới lớn, mặt mày tươi rói, tay chưn dịu nhỉu ra dáng thanh xuân. Nay thì Tp như cô gái già nua, teo tóp giãy đành đạch, tay chưn bất lực, xụi lơ cán cuốc, mặt mày chảy rét, hết còn hy vọng.
Nhắc cái xưa lại cho nhớ, cho thương những gì vốn là đặc điểm của dân Nam Kỳ dân Sài Gòn chúng ta.
Lịch sử vô tình đã làm phai nó đi ít nhiều. Nhưng chúng ta vẫn cố mà nhớ mà giữ, vì nó là cái riêng của chúng ta.
Sài Gòn phải sống và chúng ta phải sống.
“Những con đường thèm đôi chân vui
Đã bao lâu chờ đợi
Đường im nghe quá khứ trong sâu
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi canh thâu".
Bạn thân mến!
Nhìn tấm hình chụp khu chợ Sài Gòn những năm 1930 bạn sẽ biết người Pháp đã thiết kế Sài Gòn ngăn nắp như thế nào. Vậy danh xưng Sài Gòn Hòn ngọc Viễn Đông không phải là tự huyễn hoặc mà là sự thực.
Nhìn hình sẽ thấy Sài Gòn khi đó đáng sống và diễm lệ vô cùng. Cái câu “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!” hoàn toàn xứng đáng.
Ta biết được vì sao nhiều người cố cựu họ thương Sài Gòn nhiều như vậy.
Xin đừng so sánh với ngày nay nha bạn hiền! Bạn mà so sánh là bị thụt lưỡi đó!