Người Miền Nam không ai kêu người làm đ-ĩ là gái bán hoa hay gái bán bông
Người Miền Nam không ai kêu người làm đ-ĩ là gái bán hoa hay gái bán bông
Thành ra không được đặt ra một cái so sánh hay lật ra trường hợp cụ thể để dẫn chứng, vì trong ngôn ngữ Miền Nam người ta không có mặc định ra kiểu nói như vậy bao giờ.
-Những cô làm nghề bán thân, người Miền Nam xưa kêu thẳng là làm đ-ĩ:
Hồ Biểu Chánh viết trong Ông Cử:
"Hai Cao giận đỏ mặt, hất tay con Lãnh mà nói rằng: "Mầy muốn làm phách với tao hả? Tao ch-ẻ đầu mầy cho mầy coi. Thứ đồ đ-ĩ thúi!...
Con Lãnh nhảy dựng mắng rằng: "Mẹ mầy con đ-ĩ, bà nội mầy con đ-ĩ, chớ ai đ-ĩ. Ðây, mầy giỏi ch-ẻ đâu tao thì ch-ẻ thử coi. Mầy ch-ẻ không được thì tao ch-ẻ đâu mầy lại“.
Ba Cam, là chồng con Lãnh, làm thợ nguội ở sở Ba-Son nóng lòng nên bước lại xô Hai Cao mà hỏi rằng: "Cao, sao mầy dám kêu vợ tao là con đ-ĩ. Nó làm đ-ĩ hồi nào mầy phảỉ chỉ ra. Mầy ăn thua với đàn-bà có giỏi gì đâu. Như mầy là anh-hùng, thì bước ra cho khỏi quán chị Năm, rồi nói chuyện với tao“.
Trong Nợ Đời, Hồ Biểu Chánh tả:
“Hả! Mày nói sao? Cái l-éo mẹ tiên tổ mày, mày hư, mày thúi, mày làm đ-ĩ lấy trai ở đâu cho có chửa, bụng thè lè, rồi bây giờ mày nói xán xã cho cháu tao hả? Cháu tao như rồng như phụng, còn mày là quân ăn mày, mày rửa đ-ít cho nó cũng chưa được, sao mày dám nói như vậy?"
Người Miền Nam hời xưa, nguyên bổn không kêu gái làm nghề ở xóm Bình Khang Cây Điệp là "bán hoa" hay "bán bông", họ kêu thẳng là làm đ-ĩ.
Còn bán bông là những cô gái bán bông chưng Tết, bán bông vạn thọ, bông cúc, bán hàng bông là lagim rau củ các loại. Nam Kỳ nào cũng có khu chợ hàng bông, tại Mỹ Tho có chợ Hàng Bông rất lớn.
Chữ hoa trong văn hoá Miền Nam là chữ kị huý, phần đông tất cả đều đổi ra bông hết, đó là sự thiệt. Chuyện kị húy chữ Hoa là có thực,không thể nào phủ nhận nó đặng.
Các bạn nào lỡ đọc sách của Nguyễn Chương Mt mà bị ông này lái câu chuyện lịch sử sai lệch theo sự kém hiểu biết của ông này, theo kiểu người Bắc của ổng, thì các bạn phải coi lại, nói ra bị cười chết!
Nguyễn Chương lấy cớ chữ hoa là chữ Hán Việt, chữ bông nói theo âm Việt (thuần Việt) rồi lớn tiếng phủ nhận chữ hoa thành bông không phải chữ kị húy là nói không đúng. Cố tình lập lờ. Và làm vậy là cố tình làm giảm nhẹ sự thách thức trong kị húy nhà Nguyễn của một số người Miền Bắc.
Kị húy chữ hoa, không phải chỉ thế bằng chữ bông, mà còn thế hoa bằng huê, ba.
Trước tiên ai cũng biết chữ Hoa là chữ kỵ húy sau cái chết của bà Hồ Thị Hoa (1791-1807), bà sanh ra vua Thiệu Trị thì chết sớm, lịnh kị húy ban ra. Văn bản cho thấy là vua Thiệu Trị ban lịnh kị húy chữ Hoa cho mẹ mình.
Ngay trong năm Thiệu Trị thứ nhứt, năm 1841, vua Thiệu Trị ban lịnh kiêng húy tới 2 lần kiêng chữ Hoa (và Thật) cho tên đất, người. Khi viết phải chệch âm chữ Hoa.
Lịnh kiêng húy lần thứ 7 năm Thiệu Trị thứ 4 năm 11844 viết chệch hai chữ Hoa và Thật, tên người và đất cấm xài. Lịnh kị húy chữ Hoa là khi đọc phải kiêng âm, tên người, tên đất cấm dùng chữ Hoa 華, Thật 實.
Chợ Đông Ba, ngôi chợ lớn nhứt trong các chợ ở Huế, vốn có tên thiệt là chợ Đông Hoa. Hoa Hạ thành Huê Hạ.
Hà Nội có đường Yên Phụ và phường Yên Phụ. Khu này sát Hồ Tây và đê sông Hồng:
"Trên đê Cố Ngự,nhớ chữ đồng tâm
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua."
Yên Phụ là một địa danh của Hà Nội bị đổi tên do kị húy chữ Hoa. Làng Yên Phụ xưa có tên là Yên Hoa thuộc Tổng Thượng, Vĩnh Thuận. Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) vì kị húy tên mẹ vua Thiệu Trị là Hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên làng phải đổi tên thành Yên Phụ.
Ngày nay Hà Nội có phố Yên Phụ song cũng có một con đường nhỏ bọc quanh Hồ Tây nhỏ được đặt tên là Yên Hoa.
-Phủ Hà Hoa Hà Tĩnh sửa thành phủ Hà Thanh, huyện Kỳ Hoa làm huyện Kỳ Anh, huyện Hoa Xuyên làm huyện Cẩm Xuyên.
-Tỉnh Thanh Hoa phải thành tỉnh Thanh Hóa.
-Xứ Hoa Phong ở Quảng Nam thành Ba Phong.
-Phủ Thăng Hoa ở Quảng Nam đổi thành Thăng Bình.
-Huyện Mộ Hoa Quảng Ngãi thành huyện Mộ Đức.
-Hoa Lư đổi thành Lư Ngư.
-Chùa Hoa Nghiêm Gia Định thành Huê Nghiêm.
-Cầu Hoa ở khu Lăng Ông thành Cầu Bông.
Cầu Bông được xây dựng từ thế kỷ 18, lúc đầu đặt tên là cầu Cao Miên. Một thời gian sau, cầu Cao Miên đổi tên là Cầu Hoa, vì ở chân cầu lúc đó có trồng nhiều hoa kiểng.
-Phàn Lê Hoa thành Phàn Lê Huê.
Hán Việt chữ hoa có nhiều nghĩa, cái âm hoa ở Miền Nam hầu như đổi sang bông và huê hết.
Tức chữ hoa thành biến âm ra thành ba, huê, bông. Nhà thơ hoàng tộc Ưng Bình Thúc Giạ tuân thủ nghiêm ngặt cái kị húy này.
Ông viết:
"Dở khóc, dở cười trên sân khấu
Khi nở, khi tàn mấy cụm bông."
Ông biến chữ phồn hoa thành phiền ba:
"Cứ loanh quanh mãi cuộc phiền ba
Tuổi tám mươi tư cũng đã già."
Nhưng xin thưa, kị húy thì kị húy ,không phải lúc nào hoa cũng sẽ là ba, huê, bông. Chính Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng như nhiều người khác, có lúc không biến âm được, thí dụ trong khúc thơ sau:
"Soi gương trí tuệ đỡ cho mình
Là quyển Liên Hoa gợi tánh linh
Triêu mộ thường nghe chuông bát nhã
Phong ba khỏi lụy kiếp phù sinh.”
(Đọc báo Liên Hoa)
Ông vẫn kêu là Liên Hoa chứ không biến ra thành Liên Ba hay Liên Huê.
Và thực tế trong xã hội Nam Kỳ chúng ta cũng vậy, không phải lúc nào cũng tuân thủ 100% chuyện kỵ húy chữ hoa đó.
Sài Gòn là phố thị phồn hoa, không bao giờ Sài Gòn phiền ba hay phồn bông, mà phiền hoa thì có. Gia Định phong cảnh quốc âm ca vịnh là một tác phẩm bằng thơ vào tk 19 được học giả Trương Vĩnh Ký phiên âm từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ in trong quyển Saigon d’aujourd’hui (Nét đẹp Sài Gòn) do nhà hàng C.Guilland et Martion, Saigon, ấn hành năm 1882. Tìm được câu thơ rất vui:
"Đổi dời là máy hóa công
Mở đường tang hải kết vòng phiền hoa."
Hồ Biểu Chánh là nhà văn rặc Nam Kỳ từ đầu tới tóc, đọc văn của ông vẫn thấy chữ hoa, có lúc ông viết cả bông hoa luôn.
Bằng chứng là hai cuốn "Lá rụng hoa rơi "và "Đóa hoa tàn". "Nhơn tình ấm lạnh"của Hồ Biểu Chánh tả những cây bông:
"Ở ngoài đi vô khỏi cửa ngỏ rồi tẻ ra hai đường vô nhà. Dọc theo hai đường ấy đã trồng bông đủ thứ, bông vàng xen bông trắng, lá đỏ lộn lá xanh, hai bên lại đương dọn hai cái bồn, tính để trồng cây coi cho đẹp."
Cư kỉnh thì có bông có hoa luôn:
“Cách Châu Thành Ô Môn chừng vài trăm thuớc, có một tòa nhà nguy nga, nền đúc đá, cửa cuốn gạch, tường trắng toát, nóc đỏ lòm, trước nhà có một cái sân lớn chứa kiểng vật tốt tươi, bông hoa đủ sắc còn hai bên và phía sau nhà, thì vườn tược sởn sơ rậm rạp.”
U tình lục (1913) của Hồ Biểu Chánh thì hoa không, đọc đi sẽ thấy ông tả hoa:
"Diệu-dàng tơ liểu thớt tha
Cao tường kính cổng, nguyệt hoa trối người."
Rồi:
"Thông minh nhan sắc phi thường
Mặt như mảng nguyệt, miệng dường đào hoa."
Và:
"Như hoa trên gấm, như son thết vàng ."
Chúng ta đọc nhiều thư tịch, hiểu một điều, có những từ mà đảo qua chữ trệch kiểu kị húy thì sẽ không hay, nó nhìn dị hợm, thành ra người Nam Kỳ vẫn xài và không đổi.
Thí dụ cụ thể là "gấm hoa", "đào hoa", "nguyệt hoa", "phồn hoa", "Liên Hoa"...
Bạn nghĩ bạn sẽ tả tuổi hoa niên ra làm sao, thành tuổi "bông niên", tuổi "huê niên" à ?
Nhà văn Hồ Trường An, một ông nhà văn gốc Vĩnh Long cũng rặc Nam Kỳ viết rõ ràng là: "Tuổi hoa niên của Quân bắt đầu từ năm 1938. Lúc đó đất nước nằm trong tình trạng khủng hoảng kinh tế. Hàng hóa nhập cảng rất nhiều mà dân chúng không có tiền mua..."
Tui nhớ tới một tấm tranh thêu cổ treo ở giữa nhà xưa, hình một người mẹ đang chỉ con cầm cái bàn thêu tay, có bốn câu thơ được thêu kế bên:
“Con ơi coi mẹ làm gương
Đường kim mũi chỉ là phương đờn bà
Trổ tài dệt gấm thêu hoa
Làm cho rỡ rạng đờn bà nước Nam.“
Ông soạn giả Viễn Châu phải viết:
"Khi bức màn buông, danh vọng hết
Người về lòng rũ sạch sầu thương
Người vào cởi áo lau son phấn
Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường..."
Mộng Hoa Vương là tuồng cải lương nổi tiếng của cố soạn giả Trần Hữu Trang vào năm 1948 tại Sài Gòn.
Truyện Kiều hai câu:
"Dưới trăng, quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông."
Nhưng xin dẫn chứng Kiều bằng hai câu cho thấy vẫn có chữ hoa:
"Buồng the phải buổi thong dong
Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa."
Bà Hồ Xuân Hương (1772-1822) làm thơ có bông, có hoa đủ hết. Thí dụ bài:
"Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Năm thì mười họa, nên chăng chớ
Một tháng đôi lần, có cũng không."
Nhưng trong bài Độ Hoa Phong 渡華封 (Qua vũng Hoa Phong) bà xài chữ hoa:
"Phiến phàm vô cấp độ Hoa Phong
Tiễu bích đan nhai xuất thuỷ trung
Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa Phong
Đá dựng bờ son mọc giữa dòng."
Vũng Hoa Phong là tên cũ của vịnh Hạ Long mà năm 1847 đổi làm Nghiêu Phong vì kiêng húy. Ngày nay Tp Hạ Long còn đường Nghiêu Phong.
Cái kiểu trệch âm cũng là khẩu âm kiểu người Miền Trung di dân vào Nam, thí dụ thủ thành biến ra thủ thiềng, quan thành quơn, thuyền thành thoàng.
Nhiều chữ trệch âm thì nghe vui vui, nó thành đặc trưng, tuy nhiên không phải tất cả trệch âm, biến âm mà hay.
Như chữ hoa, dù Nam Kỳ đã thành bông, thành huê nhưng chữ hoa vẫn sẽ còn đâu đó trong văn hóa Nam Kỳ.
Người Nam Kỳ có thể kêu Mỹ là Huê Kỳ chứ thành phố Washington phải đọc là Hoa Thạnh Đốn, chẳng ai viết là Bông Thạnh Đốn hay Huê Thạnh Đốn.
Còn chữ người Hoa ở đâu ra?
Miền Nam mình hồi trước 1975 kêu người Tàu, Khách Trú, Cắc Chú, Các Chú, Chú Chệc, Chệch Khách, Lai Chệc.
Người Hoa là cách gọi đã có từ thời VNCH nhưng không phổ biến do ảnh hưởng người Bắc 54, sau 1975 thì xài người Hoa chánh thức.
Sau 1975 tự dưng lòi đâu ra người Kinh và "đồng bào dân tộc". Rồi khẳng định chữ Miên, Chàm, Tàu là "xúc phạm", phải nói Khmer, Hoa và Chăm đặng "tôn trọng" đồng bào "dân tộc"??
Người Miền Nam xưa cũng có ai viết Tàu là "Trung Huê" đâu?. Tàu là Huê Hạ.
Miền Nam xưa viết là Trung Hoa, nhưng không kêu người Hoa vì nó như người Bông. Bằng chứng là trong "U tình lục"(1913) của Hồ Biểu Chánh nè:
"Trải qua mấy cuộc đoạn trường
Việt Nam hiếm kẽ chi nhường Trung Hoa."
Vậy viết "Nước Trung Huê và Nhựt Bổn" và hỏi xài Trung Huê đúng hay sai?
Trả lời viết Nhựt Bổn là đúng, viết Trung Huê là sai.
Cái chữ "gái bán hoa" cũng của người Bắc đem vào Miền Nam. Dân Nam Kỳ kêu thẳng là làm đ-ĩ mà!
Có những chữ kiêng húy, kị húy là do dân Miền Nam tự ý kiêng mà thành thói quen, triều đình không hề cấm.
Như Nguyễn Hữu Cảnh (Nguyễn Hữu Kính) được dân Nam Kỳ thương đọc trại thành kiếng.
Có những thứ thuộc về vùng miền, giữa Nam và Bắc khác nhau. Thí như Bắc Kỳ gọi "ở góa” thì Nam Kỳ đọc thành ra ở giá. Dân Nam gọi Sinh hay Sanh, Lệnh hay Lịnh, Lại hay Lợi, Quế hay Quới đều đồng nghĩa.
Vì sao người Miền Nam kiêng kị húy nhà Nguyễn rất nhiều, như kêu tôn, võ, phước, bông, huê...nhưng người Bắc coi mòi luông tuồng khi vẫn vũ, phúc, tông?
Bắc cứng đầu, thách thức từ trong máu, thích ta đây anh cả dẫn dắt chúng sanh. Cỡ như Nguyễn Chương Mt ở trong Nam nhưng vẫn cố tình phủ nhận kị huý chữ hoa.
Có một số người ghét nhà Nguyễn. Nhứt là dân Bắc thời kỳ sau 1945 và sau 1954. Người Miền Bắc thời cs không ưa nhà Nguyễn.
Thí dụ như ông Hoàng Thúc Trâm (1902 - 1977) là nhà văn tôn Tây Sơn tuyệt đỉnh, ông có bút hiệu là Hoa Bằng. Tên khai sanh người ta là Phan Châu Trinh mà tên đường ở HN viết thành Phan Chu Trinh thỉ đủ hiểu.
Sài Gòn có đường Lê Thánh Tôn thì Hà Nội cứ Lê Thánh Tông.
Kết luận:
Miền Nam gọi gái làm đ-ĩ, không có gái bán bông hay gái bán hoa gì hết. Thành ra khỏi mập mờ léo lắt dài dòng.
Nói thêm về gái bán hoa của người Bắc. Chữ bán hoa trong chữ hoa tình. Hoa tình là chuyện lẳng lơ giữa trai và gái.
Nhưng đã nói ở trên, Miền Nam chỉ có huê tình, điệu hò huê tình luôn là đối đáp giữa trai gái.
"Ghe anh lui về Gia Định
Em thọ bịnh đau liền
Không tin anh hỏi lại xóm giềng có không?
Đất Châu Thành anh ở
Xứ Cần Thơ nọ em về
Bấy lâu sông cận biển kề
Bớ anh ôi!
Phân tay mai trước (trúc), dầm dề hột châu."
Người Bắc Kỳ gọi là hoa tình, gái bán hoa, nên họ kêu bịnh xã hội là bịnh hoa liễu, sau 1975 kêu bịnh da liễu là tầm bậy. Người Miền Nam xưa kêu là bịnh Tiêm La xì, kêu thẳng là bịnh lậu hoặc giang mai.
Last updated
Was this helpful?