Phú Nhuận đăt tên phường Phú Nhuận và Xã Tài là hay nhứt
Phú Nhuận đăt tên phường Phú Nhuận và Xã Tài là hay nhứt
Thấy quận Phú Nhuận dự định tách ra 2 phường mang tên Phú Nhuận và Đức Nhuận. Họ lý giải từ câu thơ Hán (??)
Người ta hay gán một câu trong sách Đại Học giải thích địa danh này, câu là: 雨 潤 物 , 富 潤 屋 , 德 潤 身 võ nhuận vật; phú nhuận ốc; đức nhuận thân.
Nghĩa là: Mưa thấm đẫm mọi vật; giàu có thấm đẫm nhà cửa; đạo đức thấm đẫm tấm thân.
Tăng Tử nói rõ hơn khái niệm này của người quân tử như sau:
”所謂誠其意者,毋自欺也。如惡惡臭,如好好 Phú nhuận ốc, đức nhuận thân; tâm quảng, thể bàn. Cố quân tử tất thành kỳ ý.”
Nghĩa là: Giàu thì hiển hiện ra ở nhà, có đức tốt thì hiển hiện ra ở người, trong bụng rộng rãi thì thân thể có vẻ ung dung thơ thới. Bởi thế người quân tử phải giữ cái ý của mình cho thành thật. Cái ý ở trong mà thành thật thì cái đức hiển hiện ra ngoài thân thể.
Phú Nhuận 富 潤 là kho để của ăn. Nhuận: kho của. Phú: giàu có. Một mong ước của người xưa.
Thiệt ra câu chữ Nho kia cũng chỉ là một giả thuyết thôi, chưa có chứng cứ cho cái tên Phú Nhuận ở Gia Định là từ câu thơ này.
Nhìn sơ sịa, thực ra không riêng Sài Gòn mới có xã Phú Nhuận. Ta thấy Bến Tre, Cai Lậy cũng có xã Phú Nhuận. Tại Bắc Giang, Lào Cai, Thanh Hóa cũng có Phú Nhuận. Kinh đô Huế cũng có Phú Nhuận.
Ông bà mình chỉ đặt tên Phú Nhuận mà không có Đức Nhuận ở Gia Định. Vậy nên không được tự ý đặt ra cái tên Đức Nhuận trên đất Phú Nhuận.
Bỏ cái ý tưởng Đức Nhuận đi mấy tám!
Thôn Phú Nhuận thời Nguyễn là một xứ sình lầy ở rìa thành Gia Định. Phú Nhuận trên giấy tờ thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.
Phú Nhuận thời Pháp vẫn thuộc tỉnh Gia Định, có lúc là một xã thuộc quận Gò Vắp, có lúc thuộc quận Tân Bình. Thời này vẫn là nơi nửa tỉnh nửa quê, xã rìa của dân lao động nghèo sanh sống.
Xứ này hẹp té, rộng không quá 4,9 ha, có nhiều lăng mộ của những nhơn vật nổi tiếng xưa như Võ Tánh, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy.
Hồi xưa đất Phú Nhuận tuy sát thành Sài Gòn nhưng dân bổn xứ ít có ở lắm. Đây là xứ của dân nhập cư, nhứt là từ Bắc Kỳ vô.
Cái vùng dân tụ hội đầu tiên là mé Cầu Kiệu, ông Xã Tài là một người Bắc di cư vào thời Tự Đức. Ông này quy tụ dân lập thôn Phú Nhuận, ông làm thôn trưởng, rồi xã trưởng.
Xã Tài dựng một cái chợ tre lá trên đất điền của nhà ông, tục kêu chợ Xã Tài (Nay là chợ Phú Nhuận).
Cái chợ này nằm trên một con rạch nhỏ. Con rạch nối từ chưn cầu Kiệu lấy nước kinh Nhiêu Lộc vô chợ Xã Tài. Ngày nay con rạch đã bị lấp rồi.
Từ thuở ban sơ, Phú Nhuận đã là xứ Bắc Kỳ rồi. Như vậy có thể hình dung, người Bắc có thể mang địa danh Phú Nhuận từ quê vô xứ mới và đặt tên luôn.
Chợ Xã Tài là cái chợ xã, lèo tèo leo teo, không phát triển, bán buôn èo uột. Trong lịch sử Sài Gòn chợ Phú Nhuận không bằng cái gót chưn của Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bến Thành, Chợ Lớn....
Có thể vì con đường thiên lý qua Cam Bốt xưa là đi theo đường Lê Văn Duyệt qua Bà Quẹo, không đi theo đường Võ Di Nguy, và xế cầu Kiệu lại có chợ Tân Định trên Đất Hộ rồi. Hai cái này làm chợ Phú Nhuận mãi mãi ì ạch.
Coi ông Hồ Biểu Chánh tả cái chợ Xã Tài xưa thiệt rầu:
(Trích cuốn “Ông Cử”):
“Mấy mươi năm về trước thì Phú Nhuận bất quá là một làng trộng trộng của tỉnh Gia Định vậy thôi. Trong làng có một cái chợ kêu là chợ Xã Tài ở dựa bên đường xuống cầu Kiệu, song cái chợ ấy leo heo, mỗi buổi sớm mai, bạn hàng nhóm thưa thớt một lát, mà bán cá tôm, rau thịt sơ sịa cho bình dân ở chung quanh dùng hàng ngày, chớ không có món chi ngon, không có đồ chi quý giá
… Dọc đường xuống cầu Kiệu, thì có năm ba tòa nhà ngói, nền đúc, rào sắt coi sạch sẽ, mỗi chặng, xa xa có một tiệm Chệt bán đồ tạp hóa giống như các tiệm ở theo mấy chợ nhà quê, còn bao nhiêu thì là nhà lá, hoặc phố ngói mà vách ván cũ mèm, cất chen lộn với nhau, coi dơ dáy mà lại không thứ tự..”
Cái đất sát nách thành Sài Gòn này có lịch sử ngộ kỳ dữ lắm. Ngày nay ai muốn ăn món Bắc cứ chạy qua Phú Nhuận và Tân Bình.
Khu trung tâm Phú Nhuận là ngã tư cùng tên của hai đại lộ Võ Di Nguy và Võ Tánh.
Phú Nhuận có 8 ấp: Đông Nhứt, Đông Nhì, Đông Ba, Tây Nhứt, Tây Nhì, Tây Ba, Trung Nhứt và Trung Nhì.
Đại lộ sầm uất nhứt, phồn thịnh nhứt ở Phú Nhuận là Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng). Trên đại lộ Võ Di Nguy có nhà việc, trụ sở xã Phú Nhuận, có chợ Xã Tài kế bên Cầu Kiệu.
Từ Võ Di Nguy cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận có một ngã ba là đường Nguyễn Minh Chiếu.
Thời Pháp là đường Martin Pellier và sau 1975 là Nguyễn Trọng Tuyển. Ngay ngã ba này có xóm Lò Đúc. Xóm Lò Đúc thuộc Ấp Đông Nhứt.
Trong hồi ký của Sơn Nam có nhắc tới đường Nguyễn Minh Chiếu những năm thời Pháp:
"Đường Nguyễn Minh Chiếu thuở ấy, nay là Nguyễn Trọng Tuyển, còn bé bỏng, tráng đá, bên đường rải rác nhiều lùm tre già và chuối, nhà lợp lá, lợp tôn xen kẽ, mua bán vặt cho dân trong xóm, thấy có nơi đặt máy dệt tơ lụa, bán thủ công.
Xa xa, phía sân bay Tân Sơn Nhứt quá trống trải, vài nơi trồng bông lài chờ bán cho giới ướp trà. Rải rác vài cô gái đang sử dụng kiểu cần giộc để kéo nước từ đáy giếng quá sâu."
Nhắc tới đường Nguyễn Minh Chiếu (Nguyễn Trọng Tuyển) sẽ nhớ tới cái nhà lầu ở gần ngã ba Nguyễn Minh Chiếu-Cách Mạng 1/11 (Nguyễn Trọng Tuyển-Nguyễn Văn Trỗi), đó là nhà của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chủ hãng dĩa hát Continental.
Nhắc Phú Nhuận phải nhớ tới 3 nhơn vật có tiếng, gắn bó với xứ này:
- Ông chủ chợ Xã Tài Lê Tự Tài tức Xã Tài.
Ông Xã Tài có công tạo lập chợ Cầu Mới, sau gọi là chợ Xã Tài, Pháp xây lại lớn hơn, lúc đầu kêu là “Marché de Xã Tài”, sau đó thay bằng “Marché de Phú Nhuận"
-Ông Cả Đành:
Ông này là Hương cả làng Phú Nhuận. Tên thiệt là Louis Vidal, xuất thân là người Pháp đi lính lê dương hải quân, sau qua làm nhà dây hép, hồi hưu thì đổi tánh chọn Phú Nhuận cắm dùi.
Cả Đành nói tiếng Việt, đổi qua tên Việt là Nguyễn Văn Đành, mặc áo dài khăn đóng, đi guốc vông, cưới vợ Việt, ăn mắm, ăn trầu, ăn cơm bằng đũa, ghiền trà, mê đi cúng đình, đi chùa lạy Phật và làm việc thiện.
Ông Cả Đành tánh bình dân, hịch hạp, dễ gần nên bà con Phú Nhuận thương. Ông được bầu làm hương cả làng Phú Nhuận.
Bà hương cả Đành cũng nổi tiếng hiền lành, mê làm từ thiện.
Ông Louis Vidal làm Hương Cả từ năm 1946 đến năm 1953 thì qua đời. Đám ma linh đình, có nhạc lễ, có thầy chùa tụng kinh siêu độ, có chạy kim đàng, có nhà đòn khiêng, có hò đưa linh.
-Ông Đội Có:
Tên thiệt là Nguyễn Văn Có. Là một tỷ phú xứ Phú Nhuận xuất thân làm mã tà.
Ông Có xuất thân là ma tà tức cảnh sát xã Phú Nhuận, sau lên đội ở bót quận Tân Bình nên có tên Đội Có.
Đội Có phụ trách trật tự chợ Phú Nhuận, trong thời gian này ông cũng bốc hốt, phạt vạ, lường lậu, tích góp rồi cho vay nên có vốn liếng kha khá.
Sau đó về nhà cho vay, cho thuê bán nhà đất nằm dọc hai bên đường Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng), kinh doanh xe đò tuyến Sài Gòn-Đà Lạt, xây rạp hát cho thuê, xây biệt thự ở Đà Lạt làm du lịch, nuôi ngựa đua, cờ bạc, đĩ đ-iếm hút chích..
Đội Có hùn vốn với ông Nguyễn Tấn Đời mở Tín Nghĩa Ngân hàng.
Phú Nhuận hồi xưa có một con rạch nhỏ là một nhánh của kinh Nhiêu Lộc được gọi là mương Ông Tiêu, hai nhánh rạch ôm lấy một cù lao sình lầy giữa kinh Nhiêu Lộc, trên cù lao có một cái miễu nhỏ thờ ngũ hành nên dân gọi cù lao là Miễu Nổi, mương Ông Tiêu được đặt tên là Rạch Miễu.
Nhìn không ảnh thì Phú Nhuận những năm 1965 đã có nhiều nhà cửa, khu Miễu Nổi thì sình lầy nước đọng do sát kinh Nhiêu Lộc, nhìn hình ta vẫn thấy cái miễu nhỏ.
Sau 1975 người ta làm khu Phan Xích Long ,cái miễu không còn,nhưng từ Miễu Nổi đã bị biến thành Miếu Nổi rồi.
Phú Nhuận ngày nay là quận nhà giàu đất chật người đông. Người ta đi sân bay là phải chạy ngang Phú Nhuận.
Nhưng phải công nhận Phú Nhuận bán đồ ăn nhiều, món nào cũng có, quán cafe cũng nhiều nên lâu lâu chạy lên Phú Nhuận lạng qua lạng lại cũng vui.
Tóm lại đề nghị:
Đặt tên phường Phú Nhuận và phường Xã Tài. Không đặt tên Đức Nhuận.
Xin gợi ý ba cái tên của Phú Nhuận để đặt tên phường:
-Phú Nhuận
-Xã Tài
-Miễu Nổi.
Last updated
Was this helpful?