Quận 5 nên có phường Chợ Lớn và phường Đồng Khánh
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Quận 5 nên có phường Chợ Lớn và phường Đồng Khánh
Từng sống ở ở quận 5 gần 8 năm nên tôi hiểu từng hơi thở của China town Chợ Lớn này.
Thuật ngữ Chinatown (Phố Tàu ) là từ tiếng Anh bên Huê Kỳ xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 chỉ một khu phố dân Trung Quốc ở nước ngoài. Khắp nơi có đầy Chinatown, bên Mỹ, Canada, Úc, thậm chí Singapore nơi người Tàu cầm quyền cũng có Chinatown.
Khi nói chuyện với ngoại quốc bạn có khi chỉ khu Chợ Lớn nói là Chinatown của chúng tôi, nhưng thực ra trong văn hóa Việt thuật ngữ này không có. Cả một thành phố mang hơi hám người Tàu là Chợ Lớn, có cả một thành phố chứ không chỉ một khu China town.
Người Nam Kỳ hay nói "xuống quận 5 ăn mì Tàu ngon nhứt" là hiểu rằng khu Chợ Lớn nhiều người Tàu, nhưng không nghĩ rằng nó biệt lập trong lòng xã hội Việt kiểu Chinatown, nhứt là sau 1975 cấu trúc này đã bị phá sạch, Chợ Lớn cũng như Sài Gòn, là Việt hết rồi.
Nam Kỳ trong lịch sử đã có vai trò của người Tàu trong hình thành, yếu tố này rất đậm, đó là Minh Hương và Thanh Hà.
Khái niệm Minh Hương xuất hiện rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, Minh Hương chỉ có ở Đàng Trong thôi, ngoài Bắc không có.
Có lẽ trước tháng 6/1645 khi đó ở Tàu còn nhà Minh, tại vùng Thuận Hóa của Đàng Trong, người Tàu di cư qua sanh sống ở những khu mà họ kêu là 大 明 客 鋪 (Đại Minh Khách Phố). Sau đó nhà Minh bị Lý Tự Thành diệt, Mãn Thanh nhập quan thì có một số đông người Tàu chạy trốn di cư qua Đàng Trong.
Chữ Minh Hương xuất hiện thay thế cho Đại Minh Khách Phố. Minh Hương 明香 có nghĩa là giữ gìn hương hỏa nhà Minh.
Sau khi nhà Thanh lên thống trị nước Tàu thì có nhiều người Tàu di cư qua Đàng Trong nữa. Cái tên青 河(Thanh Hà) xuất hiện.
Những khu phố chợ sầm uất của người Tàu của nhóm này có tên là Thanh Hà Phố. Thanh Hà Phố là phố của người nước Thanh.
Như vậy hiểu là dân Minh Hương là phản Thanh phục Minh, còn dân Thanh Hà thì thần phục nhà Thanh.
Thuận Hóa, Quảng Nam, Hội An đều có Minh Hương xã 明 香 社 và Thanh Hà phố 青 河 鋪. Ngày nay Hội An còn vết tích xã Thanh Hà.
Những người Tàu bắt đầu di chuyển vô Nam Kỳ. Sự kiện năm 1679 hai tổng binh Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch dong thuyền ôm theo 3.000 binh lính trên 50 chiến thuyền vào Huế xin tị nạn và chúa Nguyễn với tầm nhìn rộng rãi đã chỉ định cho hai ông vô định cư ở Biên Hòa và Mỹ Tho.
Mọi người đừng nghĩ vậy là xong, chúa Nguyễn vẫn dòm và bảo kê cho hai ông này trên vùng đất mới. Chỉ khi Tây Sơn rộ lên, cũng là lúc Tây Sơn thảm sát Cù lao Phố, phá nát Mỹ Tho Đại Phố, thì Chợ Lớn xuất hiện.
Làng Minh Hương và làng Thanh Hà trên đất Nam Kỳ.
Đặc biệt làng Minh Hương đã ăn vô huyết thống của người Nam Kỳ vì có nhiều người xuất thân cộng đồng này đã làm quan,hiệp cùng dân Nam Kỳ trị an, phát triển và giữ đất mới.
Minh Hương sau này là những người cha Tàu mẹ Việt, theo phò chúa Nguyễn Ánh trung hưng nhà Nguyễn. Năm 1827, chữ Minh Hương biến đổi.
Để giữ hòa hiếu với nhà Thanh, tháng 7/1827 triều đình thay chữ Hương 香 (bộ hương) nghĩa hương hỏa bằng chữ Hương 鄉 (bộ ấp), nghĩa quê hương, làng xóm.
Minh Hương không còn giữ hương hỏa nhà Minh nữa, biến ra làng của người gốc Minh và cũng hiểu là làng sáng sủa, giàu có,văn minh, tươm tấc.
“Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng
Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương.”
Vào năm 1863 vua Tự Đức ban tặng làng Minh Hương Chợ Lớn tấm biển khắc 4 chữ “Thiên tục khả phong”.
Minh Hương là một làng bán buôn, được ưu đãi của trào đình, dân biết chữ Nho, đình làng miếu mạo bề thế nên sung tức dữ lắm!
Lúc này thời chúa Nguyễn trong các làng Minh Hương và Thanh Hà chưa có bang hội. Bang hội chỉ có sau thời vua Gia Long, tại vì Tàu lớp sau di cư, ra vô buôn bán nườm nượp không ai quản xuể nên sanh ra bang hội, trào đình nắm đầu ông bang chủ.
Bang hội là một kiểu quản lý hành chánh, thâu thuế của nhà Nguyễn với người Tàu. Bang trưởng hay bang chủ là người đứng đầu bang. Ông này phải được trào đình công nhận. Bang trưởng chưa bao giờ có lương bổng gì.
Bang bên Tàu khác bang bên Việt Nam.
Xem phim Tàu thấy bang trưởng như vua ,nhưng thực tế bên VN thì bang và bang chủ không có quyền xét xử tư pháp đối với các thành viên,việc này của quan nhà Nguyễn.
Chúng ta đọc ra có ngũ bang Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hải Nam, Hẹ (Khách Gia).
Bang hội Tàu ở Nam Kỳ là một dạng tập đoàn kinh tế.
Ngày nay làng Minh Hương không còn chút dấu vết ở Nam Kỳ, nó chỉ còn trong lịch sử mà bằng chứng là cái đình Minh Hương Gia Thạnh có tên Tàu là 明鄉嘉盛會館 Minh Hương Gia Thạnh Hội Quán trên đường Trần Hưng Đạo quận 5. Đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Thượng Đẳng Thần Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, Thượng Đẳng Thần Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhơn Tịnh.
Là vì Minh Hương hay Thanh Hà đều đã thành Việt ráo trọi. Người Việt là tổ sư của sự đồng hóa,Tàu không thoát.
Chúng ta không chừng có máu Minh Hương hay Thanh Hà.
Tàu Chợ Lớn sau này là Tàu di cư qua những năm thời Pháp.
"Thành thị chỗ nào cũng xí xô xí xào khách trú
Em ăn cơm bảy phủ, dạo đủ khắp nơi
Bán buôn một vốn ba bốn tiền lời
Chê anh dân ruộng, chơn mốc cời quanh năm."
Việt kêu Tàu mới qua xì xồ là khách trú, nhưng rồi khách trú cũng lấy vợ Việt, qua hai đời thành người Việt hết rồi!
Thời Việt Nam Cộng Hòa thì Chợ Lớn có sự cách biệt, biệt lập, bang hội Tàu ngăn con cháu lấy Việt, nhứt là Tàu giàu giàu, nhưng sau 1975 thời thế đưa đẩy, rồi bị đánh tư sản, vượt biên khi nhà cửa bị tịch thâu, người Bắc xen vào Chợ Lớn, hậu quả ngày nay Việt xen Tàu, lấy tùm lum, Chợ Lớn hết còn Tàu rặc.
Thành ra trong lòng người Sài Gòn khái niệm Chinatown không có tồn tại.
Xuống Chợ Lớn chơi không phải là qua tô giới Tàu hay nước Tàu, nó thân thiết dữ lắm, qua quận 5 vẫn nghe mùi mắm kho, nước mắm thơm lừng, nghe Tàu chửi lộn bằng tiếng Việt nhiều hơn tiếng Tàu, người trẻ gốc Tàu cưới vợ gả chồng cho con vẫn mặc áo dài trang nghiêm kính cẩn .
Khái niệm Chinatown Chợ Lớn để nói chuyện với Tây cho vui, trong lòng người Sài Gòn không hề nghĩ là có khái niệm đó. Chúng ta có dính líu của nhau về huyết thống, là một.
Không đâu như Miền Nam mình, chúng ta hàng ngày vẫn xài những từ ngữ mà bảo đảm ngoài Bắc không có, những sở hụi, banh chành, dụ khị, cà na xí muội, cú xí mứng, xí lắt léo..
Nghe nào là A Chảy rồi A Chẩy, A Bửng, A Nủi…..Tàu hay thêm chữ A vô trước, thí dụ kêu A Ché , A Mủi, A Quàng, A Cẩu, A Chẩy, A Muối, A Bửng ...
Cải lương thì nghe Văn Thiên Tường, Lý Sâm Thương, Xang Xừ Líu, Ánh Nắng, Ánh Trăng…Ăn thì vịt quay, heo quay, pía, bánh củ cải, bánh hẹ, mì vàng, hủ tíu ở những quán mang tên Chuyên Ký, Tuyền Ký, Triều Ký...
Uống cafe thì có ly xây chừng, ly tài phé, bạc tẩy xíu phé...
Quận 5 là quận nhỏ nhưng rất giàu có, quận rất đông người, nhà cửa cũ kỹ chật chội, người người chen nhau trong những không gian hẹp rất bức bối.
Nói về người gốc Hoa là một sự huyền bí, họ cười cũng huyền bí, rất lạ, da họ trắng sáng, mắt mí lót, lưỡng quyền cao.
"Gió đưa nhỏng nhảnh trái gòn
Cô kia da trắng mặt tròn dễ hun".
Tàu lai còn ngộ dữ nữa! Jimmy Nguyễn hát vầy: "Thằng bạn mình mẹ người Hoa, bố nó ta, thằng Tàu lai rất bô trai".
Chúng ta đọc sử hiểu rằng, cái tên Sài Gòn và Chợ Lớn là tên Việt, tên của người Việt đặt.
Sài Gòn mà người Tàu đọc là Xây-cóon, Xi-cóon, Tai-Ngon, Đề Ngạn, Tây Cống rồi Rai Gon, Thai Gone.
Thiệt ra Sài Gòn ban đầu là ám chỉ thành phố Chợ Lớn ngày nay, cùng hết những cái tên Xây-cóon, Xi-cóon, Tai-Ngon, Đề Ngạn, Tây Cống.
Người Quảng Đông gọi Sài Gòn là Xấy Cung (Tây Cống) và Chợ Lớn là Thày Ngòn (Đề Ngạn).
Chính Tả Quân Lê Văn Duyệt đã đặt tên Chợ Lớn.
Chợ Lớn là trung tâm thương mại lớn nhứt Nam Kỳ lục tỉnh, là khu của người Tàu nhưng mang tên Chợ Lớn là kiểu người Việt.
Chúng ta phải khâm phục cho ai nghĩ ra chữ Chợ Lớn, là vì trong thư tịch của người ngoại quốc lúc bấy giờ đều viết về Đề Ngạn với những hơi hám liên quan tới Trung Hoa.
Cái chữ Chợ Lớn dân dã, yêu thương hoàn toàn Việt đã đi vào lịch sử từ ngày 20-10-1879 khi Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers ra Nghị định thành lập TP Chợ Lớn mà tên Tiếng Pháp là: Municipalité de Chợ Lớn.
“Đường Sài Gòn ổ gà đi xóc
Đường Chợ Lớn đi xóc ổ gà.”
“Đường Sài Gòn cây to bóng mát,
Đường Chợ Lớn hột cát nhỏ dễ đi.”
Trên đường Nguyễn Trãi ngày nay còn chợ Xã Tây. Vị trí là góc Nguyễn Trãi và Tản Đà chổ Đại Học Y Dược ngày nay xưa là Dinh Xã Tây, là trụ sở hành chánh tỉnh Chợ Lớn.
Chợ Lớn, cách Sài Gòn chừng sáu ky lô mếch, thời Nguyễn đã phồn vinh rồi. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí viết như sau:
“Phố chợ Sài Gòn
(Ông gọi Chợ Lớn là Sài Gòn như đã giải thích ở trên)
Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường đó đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có : gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có.
Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán : Phước Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu ; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu.
Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án, tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn.
Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán. ”
Vào 1940 dân số thành phố Chợ Lớn vào khoảng 200.000 người, đông hơn Hà Nội và chỉ sau Sài Gòn.
Có một tỉnh Chợ Lớn có tỉnh lị là thành phố Chợ Lớn, tỉnh Chợ Lớn gồm các quân Trung Quận (Bình Chánh và Bến Lức), Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa.
Thủ phủ tỉnh Chợ Lớn là thành phố Chợ Lớn.
Thời đệ nhứt VNCH 1956, TT Ngô Đình Diệm đã xóa sổ tỉnh Chợ Lớn. Chính TT Ngô Đình Diệm cũng lẫn lộn chữ Chợ Lớn khi ông nghĩ rằng nó là của người Tàu nên ông cũng kị nó.
Nghị định số 110-NV ngày 27 tháng 3 năm 1959 của Tổng thống Ngô Đình Diệm, từ 6 quận, Sài Gòn được chia thành 8 quận với tổng cộng 41 phường sáp nhập vào nhau. Đến năm 1956, tên gọi kép Sài Gòn - Chợ Lớn bị bãi bỏ. Toàn bộ khu vực Chợ Lớn chánh thức thuộc về đô thành Sài Gòn. Có hơn 3/4 đất tỉnh Chợ Lớn gồm Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa thuộc tỉnh mới có tên là tỉnh Long An.
Quận 5 lập phường Đồng Khánh là hợp nhơn tâm, hợp luật lề.
Chợ Lớn 堤岸 xưa có Boulevard Đồng Khánh (Đại Lộ Đồng Khánh) rất sầm uất, hoa lệ. Có phường Đồng Khánh.
Boulevard Đồng Khánh là tên do người Quốc Gia đặt sau 1952, trước đó Pháp đặt là Rue des Marins.
Vua Đồng Khánh (1885-1888) là hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn.
Vua Tự Đức không con, ông nhận 3 người cháu gọi bằng chú làm con nuôi là: Nguyễn Phước Ưng Chân (Dục Đức); Nguyễn Phước Ưng Đường (Đồng Khánh); Nguyễn Phước Ưng Đăng (Kiến Phúc).
Sau khi Tự Đức qua đời thì Ưng Chân lên ngôi, nhưng sau đó do có suy nghĩ làm quen với Pháp nên bị hai quyền thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường bỏ đói chết trong nhà Dục Đức chỉ 3 ngày lên ngôi, khi chưa có miếu hiệu.
Vua Dục Đức bị phế, hoàng tử Hồng Dật được đưa lên ngai vàng lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Do có ý nói chuyện với Pháp, vua Hiệp Hòa lên ngôi chưa được bao lâu thì bị hai ông Tường, Thuyết phế bỏ và buộc uống thuốc độc, đánh c-hết vào ngày 29-11-1883.
Sau khi vua Hiệp Hòa bị phế truất, hoàng tử Ưng Đăng (15 tuổi) được đưa lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Kiến Phúc. Vua Kiến Phúc ở ngôi được 8 tháng thì mất vào ngày 10 tháng 6 năm Giáp Thân (31-7-1884) lúc mới 16 tuổi.
Sau khi vua Kiến Phúc mất, ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (2-8-1884) hoàng tử Ưng Lịch được hai quyền thần đưa lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Hàm Nghi lúc mới 14 tuổi.
Binh biến năm Ất Dậu (5-7-1885) xảy ra, vua Hàm Nghi cùng quần thần ra Tân Sở, phát hịch Cần Vương, phát động phong trào kháng Pháp trên toàn quốc.
Hoàng tử Chánh Mông lên làm vua (19/9/1885), lấy hiệu là Đồng Khánh.
"Một nhà sanh đặng ba vua
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài."
Đồng Khánh là người hiền lành, thích đọc Kinh Dịch và bói toán. Ông vua này thuộc phe hòa của bà Thái Hậu Từ Dũ.
Lần này lập vua là Khâm Trú Sứ Pháp De Champeaux yết kiến Đức Từ Dũ để xin lập Ưng Kỷ là người của phe bà lên làm vua.
Đồng Khánh là ông vua đầu tiên của triều Nguyễn thừa nhận nền bảo hộ của Pháp, tiếp xúc với nền văn minh Tây Phương, cho Pháp đi cửa giữa Ngọ Môn, trò chuyện đàng hoàng với người Pháp, mang huy chương Bắc Đẩu bội tinh.
Đồng Khánh là vua đầu tiên chụp hình chân dung mình tặng Tổng Thống Pháp.
Đồng Khánh là ông vua rất thương bà Từ Dũ và nghe lời bà răm rắp. Ngay trong năm đầu làm vua, tháng 8 năm Ất Dậu (1885), Đồng Khánh ban chiếu tấn tôn Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ thêm hai chữ là Bác, Huệ.
Chiếu viết:
“Kính nghĩ đức Thánh Tổ mẫu triều ta, tính giản dị, nết trinh thuận, đức hóa thấm rộng khắp nước nhà, phúc trạch để lại cho con cháu, thực xứng là bậc Nghiêu Thuấn trong giới phụ nữ như người xưa từng gọi, kể cũng không có gì là quá.
Vua cha ta ở ngôi 36 năm, được bà một lòng chăm sóc dạy dỗ trước sau không một chút ngưng nghỉ, nghĩ đến đức độc cao cả của bà cũng đã muốn biểu dương tôn hiệu nhưng chưa kịp làm được. Vào năm Kiến Phúc tuân theo di chiếu dâng tôn hiệu là Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu.
Trẫm nay đức mọn mà tiếp nhận cơ đồ lớn lao, kế thừa chưa được bao lâu, lòng vẫn nghĩ sâu sắc rằng phải lấy đức hiếu để trị thiên hạ. Việc vinh danh hiển hiệu để tôn xưng đời nào cũng có, hợp kính đồng tôn vừa là tình cũng vừa là lễ.
Mới rồi các tôn nhân, đình thần có xin tấn phong gia tôn hiệu, trẫm đã thân sang cung Gia Thọ tấu xin ý chỉ, được thánh dụ rằng: “Nay bốn phương vừa mới yên, thân già này đã có gì báo đáp xã tắc mà đáng được nhận sự tôn vinh hết mực như vậy, lòng ta thực không thể yên.
Cháu nên bảo cho bá quan biết như thế để tuân theo”. Trẫm kính cẩn được nghe lời ấy, thực càng thấy rõ đức khiêm nhường hết mực của Thánh tổ mẫu, thầm nghĩ không dám vượt qua khuôn phép. Hôm khác lại đến vái lạy tâu xin rằng:
“Việc an dưỡng tôn vinh là phép thường đời thịnh, thực không thể trì hoãn được. Vả lại niềm tôn thân là tình cảm hết mực của kẻ bề tôi và lòng tôn kính hết mực của cả thiên hạ đang ngày ngày mong ngóng trông chờ”.
Trẫm 2, 3 lần tâu xin, cuối cùng may được bà y cho. Nghĩ lại những ngày kinh thành thất thủ, xa giá phải chạy ra ngoài. May nhờ Thánh tổ mẫu biết lấy xã tắc làm trọng mà quay xe trở về, đất nước đang cơn nguy biến chuyển thành bình yên.
Sau đó, bà lại lo lắng dân lành không thể không có chủ, nên đã giáng chỉ dụ bảo trẫm lên ngôi kế vị, khiến cho thần dân thiên hạ đang lìa tan trở thành tụ họp trở lại. Đúng chỉ là người có đức lượng rộng lớn mới có thể bao dung đến thế, há chẳng phải là “Bác” hay sao?
Chỉ người mang tấm lòng nhân ái mới có thể thương xót được rộng khắp như vậy, há chẳng phải là “Huệ” hay sao? Vậy nay nghĩ tấn phong gia tôn hiệu cho Thánh tổ mẫu là Từ Dũ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu để bày tỏ sự tôn sùng đặc biệt và thể hiện đạo hiếu trị”.
Lên ngôi chưa lâu, vào tháng 9 năm Ất Dậu (1885), vua Đồng Khánh vào hỏi thăm sức khỏe bà Từ Dũ, bà đã có lời căn dặn cháu rằng:
“Cái học của bậc đế vương là cốt để làm nên thiên hạ, biết bao đạo lý về tu thân, đãi nhân, dùng hiền tài, quản lý chính sự đều đã được giảng giải kỹ trong sách vở chứ đâu chỉ hạn hẹp ở trong phạm vi bút mực, chỉ cần biết lượm lặt khái quát những cái hay cái tốt, tích lũy mỗi ngày mỗi tháng thêm dày, quang minh sáng suốt đều từ cái nền móng đó mà ra.
Đức Phu tử (Khổng Tử) từng dạy rằng:“Ta từng suốt ngày quên ăn, thâu đêm không ngủ để suy nghĩ, nhưng thật là vô ích, chẳng bằng học tập”. Thánh nhân còn vậy huống chi là người thường. Nhà vua mà biết trước sau như một, chăm chỉ thận trọng giữ đạo trung dung thì thật là phúc lớn cho nước nhà.”
Người Quốc Gia đặt tên đường cho vua Đồng Khánh vì ông là vua hiền, làm vua giữa thời kỳ rối ren .
Tuy nhiên đã không đánh thắng Pháp được thì phải quan hệ trong điều kiện ở mức giao tình, thành ra Đồng Khánh vun bồi cho quan hệ giữa hai nước .
Xin đừng gọi Đồng Khánh là vua bù nhìn, ông cũng có chánh kiến, tầm nhìn và suy nghĩ của riêng ông làm sao có lợi cho san hà xã tắc trong điều kiện cụ thể.
Lịch sử nó vốn công bằng.
Đại Lộ Đồng Khánh là đại lộ dài nhứt khu Chợ Lớn nối Chợ Lớn với Sài Gòn bắt đầu từ thành Ô Ma tới nhà thờ Cha Tam. Đại Lộ Đồng Khánh phồn hoa đô hội, tưng bừng náo nhiệt.
Đại Lộ Đồng Khánh sau 1975 bị xóa sổ, kéo ông Trần Hưng Đạo qua học hệ B thành Trần Hưng Đạo B. Tuy nhiên dân vẫn quen kêu là đường Đồng Khánh, ở đó có Đại Thế Giới, bịnh viện Sùng Chính, nhà hàng Đồng Khánh, nhà hàng Thiên Hồng, có nhà hàng Ái Huê, khu đèn năm ngọn nổi tiếng.
Tóm lại:
Đề nghị đặt tên phường ở quận 5 là:
Phường Chợ Lớn cho khúc bưu điện quận 5, Phường Đồng Khánh cho khúc còn lại.