Nam Phương hoàng hậu quê ở Gò Công nhưng là Gò Công ở Thủ Đức
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Nam Phương hoàng hậu quê ở Gò Công nhưng là Gò Công ở Thủ Đức
Hầu như tài liệu nào cũng ghi bà Nam Phương hoàng hậu quê ở Đồng Sơn, Gò Công, còn khẳng định gia đình cha bà là ông Nguyễn Hữu Hào quê ở đây
Nhưng nói thiệt, xứ này không có một hoài niệm nào về bà, Đồng Sơn Gò Công không có một vết tích nào của gia đình bà, hỏi chẳng ai biết bà
Đồng Sơn là làng khai phá sớm nhứt nhì ở tỉnh Gò Công,có thể sớm hơn cả làng Thuận Tắc,Thuận Ngãi mà sau nầy hợp lại làm làng Thành Phố, tiền thân thị xã Gò Công ngày nay, một thời Đồng Sơn là xứ nhà giàu , đất trung tâm của Gò Công
Nhưng tiếc thay! Đồng Sơn không phải là quê nhà của bà Nam Phương Hoàng Hậu tên Lan
1. Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào tức Nguyễn Thị Lan sanh ngày 14.11.1913 tai Sài Gòn, là con gái thứ hai của ông Pierre Nguyễn Hữu Hào và bà Maria Lê Thị Bình, đều là dân Công giáo dòng
Tên thánh của cô Lan là Marie-Thérèse Nguyễn Thị Lan. Cha đỡ đầu là Jean-Baptiste Lê Phát Thanh, mẹ đỡ đầu là Agnès Huỳnh Thị Tài. Tức là cậu ruột và bà ngoại làm mẹ đỡ đầu
Ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt sanh được 4 đứa con. Con trai trưởng là Denis Lê Phát An, kế là trưởng nữ duy nhứt Lê Thị Bình, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Thanh
Ông Lê Phát Đạt đã phất lên, làm giàu từ đầu tư đất tỉnh Tân An, thành ra ông đặt tên cho con gái đầu là Bình để ghi nhớ chữ làng Bình Lập của xứ Tân An (Long An)
Bà Bình là con gái của ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt lập thất với ông Nguyễn Hữu Hào là người quê "Gò Công", hai vợ chồng sống tại một biệt thự Montjoye (Lạc Sơn) ở số 37 đường Tabert Sài Gòn sau là Nguyễn Du khúc Tao Đàn, nay là tòa lãnh sự quán Đại Hàn. Ông bà có một biệt thự nữa ở Đà Lạt mà nay là nhà bảo tàng Đà Lạt
Năm 1934 Nguyễn Thị Lan được gả cho Nguyễn Phước Vĩnh Thụy tức hoàng đế Bảo Đại nên bà được sắc phong là Nam Phương hoàng hậu
Denis Lê Phát An tặng cho cháu gái một triệu đồng tiền mặt làm của hồi môn
Ông Vương Hồng Sển bàn vụ một triệu này như sau:
"... Bà Nam Phương đem tiền hồi môn về là một triệu đồng bạc mặt, do cậu ruột là ông Lê Phát An dâng tặng cho cháu gái. Số tiền này thuở đó là khổng lồ, nếu so sánh với bạc hiện nay, thì số tỷ vẫn chưa vừa, vì tỷ phú ngày nay có hiếm, chớ như hồi năm một ngàn chín trăm hai mươi ngoài, đầu thế kỷ hai mươi, tờ giấy xăng (100$) có người trọn đời chưa từng thấy, và giàu bạc muôn, tức trong nhà có được mười ngàn, đã là giàu bạc nứt đố đổ vách..”
Cha mẹ Nam Phương có 1.000 mẫu ruộng tại xứ Long Mỹ của tỉnh Rạch Giá nên ngày 30 tháng 8 năm 1937, hoàng đế Bảo Đại sắc phong cho cha vợ Nguyễn Hữu Hào làm quận công thì ông Hào lấy hiệu là Long Mỹ quận công, Bà Lê Thị Bình được phong Nhứt phẩm phu nhơn
Ông Nguyễn Hữu Hào từ trần ngày 13-9-1937 tại Đà Lạt, vài năm sau bà Bình mới từ trần, lăng mộ xây trên đồi cao tại khu suối Cam Ly
2. Ông Nguyễn Hữu Hào quê ở đâu?
Pierre Nguyễn Hữu Hào là con út trong bảy anh em sanh ngày 1.7.1870 tại Gò Công Thủ Đức, cha là Nguyễn Văn Cường, mẹ là Lê Thị Thương
Bà Lê Thị Bình sanh 27-2-1879 tại Sài Gòn
Ở Nam Kỳ Lục Tỉnh có hai xứ Gò Công lận nha quý vị bà con cô bác!
Trong Lục Tỉnh Nam Kỳ xưa thì Nam Kỳ có vùng Gò Công ở Thủ Đức và tỉnh Gò Công
3.Tỉnh Gò Công
Xứ Gò Công tên gốc Khmer là Koh Kong tức cái cù lao gì đó. Người Việt kêu Koh Kong ra Gò Công rồi "áp” vô họ Phạm của bà thái hậu Từ Dũ rằng có cái gò nào đó có con chim công nó xòe đuôi tốt cho phong thủy
Đất Gò Công xưa là đất Lôi Lạp-đạo Kiến Hòa rồi huyện Tân Hòa trong thư tịch nhà Nguyễn
Tân Hòa nằm dọc sông Tiền theo một bề với Mỹ Tho Định Tường, thành thử ra thời vua Gia Long Tân Hòa lúc dó tên Kiến Hòa thuộc trấn Định Tường, nhưng qua thời Thiệu Trị thì Tân Hòa lên huyện lại thuộc tỉnh Gia Định
Do vua Thiệu Trị lấy bà Từ Dũ là rể điên điển của đất Gò Công nên ông muốn xứ này thuộc Gia Định cho nó "tân thời"
Huyện Tân Hòa lúc này có 4 tổng là Hòa Đồng Thượng, Hòa Đồng Hạ, Hòa Lạc Thượng và Hòa Lạc Hạ
Tân Hòa thuộc Gia Định cho tới trào Tự Đức, năm 1862 khi Pháp nuốt 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ Biên Hòa-Gia Định-Định Tường trong đó có Tân Hòa là niềm đau của vua Tự Đức, nhà vua ngủ không ngon, ăn không yên, thất sơ thất sở vì quê ngoại trong tay giặc, nhà vua sai phái đoàn Phan Thanh Giản qua chuộc lại đất 3 tỉnh miền đông cũng vì lý do này
Năm 1876 Pháp lập các hạt tham biện ở Nam Kỳ trong đó có hạt tham biện Gò Công, từ đây địa danh Gò Công xuất hiện chánh thức trong giấy tờ hành chánh thay cho Tân Hòa
Năm 1899, đổi tên hạt thành tỉnh (province), Nam Kỳ có 20 tỉnh trong đó có tỉnh Gò Công
Tỉnh Gò Công là quê hương bà Thái Hậu Từ Dũ, là quê nhà dòng họ Phạm Đăng mà nay dưới mé cầu Sơn Qui còn cái Lăng Hoàng Gia sừng sững
4.Gò Công Thủ Đức
Trong Đại Nam Nhất thống chí của nhà Nguyễn ở phần tỉnh Biên Hòa có chép địa danh Gò Công như sau:
"Gò Khổng Tước (Gò Công): Ở phía tây huyện Long Thành 19 dặm, núi này có nhiều đá ong, người ta trồng dưa đậu dầu hiệp thổ nghi, tọa lạc giáp giới các thôn Phước Chánh, Nghĩa Chánh, Mỹ An, Long Thành"
Hoàng Việt nhứt thống dư địa chí (皇越一統輿地志) viết năm 1806 thời Gia Long của ông Lê Quang Định có ghi vùng này như sau:
" Từ sông nhỏ gọi là vàm Cái Tắt Thượng đi 430 tầm, hai bên đều có cây liễu nước (cây bần) xanh tốt, phía sau đó là ruộng cấy lúa, đến rạch Gò Công (塸䲲瀝), rạch ở bên bờ nam rộng 15 tầm, khi nước lên sâu 2 tầm, nước xuống sâu 1 tầm, từ đó đi tiếp 560 tầm thì có một gò đất, tục gọi là giồng Gò Công, dài 1.675 tầm, bề ngang là 985 tầm, ở về phía bờ tây, bốn phía đều có dân cư nhưng thưa thớt, ruộng vườn ở đây trồng nhiều thuốc lá và dưa hấu…"
Từ ngã tư Thủ Đức quẹo vào đường Lê Văn Việt, qua đường Lã Xuân Oai, vô đường Nguyễn Xiển thuộc quận 9 thì sẽ gặp 2 cầu Gò Công và Trao Trảo, bắc qua 2 con rạch cùng tên
Gò Công Thủ Đức nằm bên hữu ngạn sông Đồng Nai xưa thuộc dinh Trấn Biên rồi tỉnh Biên Hòa. Sau Pháp cắt Thủ Đức về cho Gia Định, thành ra nay nó thuộc quận 9 cũ của Thủ Đức
Cái tên Gò Công cũng từ một con rạch, có hình dáng con chim công và cũng có đất giồng
Tuy nhiên Gò Công ở đây chưa từng có tên trên hành chánh, nó chỉ là tên tục dân gian gọi
Thời Minh Mạng đất này chia ra Long Thạnh Tây thôn (xứ Trao Trảo) và Long Thạnh Đông thôn (xứ Gò Công)
Đến thời Thiệu Trị, Tự Đức, xứ Gò Công Trao Trảo được triều đình lập thành 2 đồn điền: Long Thạnh Đông (Gò Công) chuyển thành đồn điền Chí Thạnh và Long Thạnh Tây (Trao Trảo) thành đồn điền Ích Thạnh
Không ai nhắc tới Gò Công (quận 9) nếu không có sự kiện Thánh Lê Văn Gẫm bên Công giáo
-Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm (1813-1847)
Trước sân nhà thờ Huyện Sĩ ở trung tâm Sài Gòn là bức tượng một người đàn ông mặc áo dài khăn đóng. Người đó không phải Huyện Sĩ, đó là Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm
Nhà thờ Huyện Sĩ được người giàu nhứt Việt Nam lúc đó là ông Huyện Sĩ hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng, tính theo thời giá 1902 là khoảng trên 30 ngàn đồng bạc Đông Dương
Ông Matthêu Lê Văn Gẫm vốn là giáo dân làm nghề thương gia đường sông, là người Long Đại, Gò Công Thủ Đức tham gia che giấu các cố đạo Tây Dương bị xử trảm ngày 11 tháng 5 năm 1847 tại Chợ Ðũi dưới đời vua Thiệu Trị tại pháp trường Cây Da Còm tức là ngay nhà thờ Huyện Sĩ bây giờ
Hình như ông Huyện Sĩ có bà con với Thánh Gẫm? Có tài liệu nói là không có bà con gì
Huyện Sĩ tên thực là Lê Phát Đạt (1841-1900), sanh ở làng Bình Lập Tân An Long An. Nhà rất nghèo, lớn lên đi học nhờ các cố đạo nhà thờ Bình Lập chu cấp
Các cố đạo đã gửi Lê Phát Đạt đi học bên đại chủng viện Penang. Nhưng tu trì không duyên nên sau ông Đạt về Tân An làm thông ngôn cho Pháp ở toà bố tỉnh này
Lúc này Pháp mới qua nên đất đai ruộng vườn ở Nam Kỳ bị dân chạy giặc bỏ hoang khá nhiều, ông Lê Phát An đã vay mượn tiền mua lại rất rẻ, sau vài vụ trúng mùa lúa đã phát tài giàu xụ, giàu nhứt Nam Kỳ, mua huyện hàm nên dân gian gọi là ông Huyện Sĩ
Phú quí sanh lễ nghĩa. Huyện Sĩ bỏ tiền mua miếng đất ở Cây Da Còm nơi tử đạo của Thánh Gẫm, bỏ 1/7 gia tài xây lên ngôi nhà thờ, lúc đầu mang tên nhà thờ Chợ Đũi do nhà thờ chịu cai quản của giáo xứ Chợ Đũi
Và do tên thánh ông Huyện Sĩ là Philípphê Lê Phát Đạt nên còn được gọi là Nhà thờ Thánh Philípphê, dân gian gọi là Nhà thờ Huyện Sĩ
Ông Huyện Sĩ còn vận động Tòa Thánh Vatican xem xét lại cái chết tử đạo của Matthêu Lê Văn Gẫm
Ngày 27/5/1900 Đức Giáo hoàng Lêo XIII suy tôn ông Matthêu Lê Văn Gẫm lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh
Nhà thờ Huyện Sĩ xây từ năm 1902 tới 1905.Trước đó năm 1900 ông Huyện Sĩ qua đời. Năm 1920 vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài (1845-1920) qua đời, con cháu đã đem hai ông bà vào chôn sau cung thánh của nhà thờ
Tại Gò Công quận 9 cũng có Giáo Xứ Thánh Gẫm
Bà Nam Phương Hoàng Hậu cũng có liên qua tới Thánh Gẫm
Nhóm Hội quán Các Bà Mẹ, Tiến sĩ Vĩnh Đào và Thanh Thuý đã truy gia phả Thánh Gẫm và phát hiện Pierre Nguyễn Hữu Hào sanh ngày 1.7.1870 tại Gò Công Thủ Đức trong một gia đình Công Giáo nghèo có cha là Nguyễn Văn Cường, mẹ là Lê Thị Thương
Ông Nguyễn Văn Cường là con trai của bà Tám, Bà Tám là em gái ruột của Maria Nguyễn Thị Nhiệm là mẹ Thánh Gẫm
Như vậy là ông nội bà Nam Phương có quan hệ bạn dì với Thánh Gẫm
Ông Nguyễn Hữu Hào nhà nghèo đi làm thơ ký, sau làm kế toán cho Huyện Sĩ, thấy ông này ngoan đạo dễ thương, nhanh nhẹn nên ông Huyện Sĩ gã con gái cho ông Hào
Như vậy là giàu lên nhờ lấy con gái Huyện Sĩ
Trong anh em ông Nguyễn Hữu Hào có một người anh làm linh mục tên là LM Nguyễn Linh Dược, một người chị làm nữ tu mẹ bề trên ở Chợ Quán tên là Nguyễn Thị Gương
Gia đình ông Nguyễn Hữu Hào năm 1860 đã dọn về Xóm Chiếu sanh sống rồi
Trong lịch sử Nam Kỳ Lục Tỉnh phải nói là giáo dân Công Giáo không nhiều, mà Công Giáo Nam Kỳ khác Công Giáo Bắc Kỳ dữ lắm
Người Công Giáo Nam Kỳ sống xen kẽ với người các tôn giáo khác, rất vui vẻ hòa đồng, Nam Kỳ không có kiểu dân giáo xứ sống khép kín tập trung từng khu cách biệt như tiểu quốc như người Bắc
Người Nam Kỳ theo Tam Giáo nhiều, thành ra sự cởi mở giữa cộng đồng gắn kết sâu nặng. Người Nam rất ôn hòa, tính cách lưu dân
Gò Công Thủ Đức đúng là một cái nôi Công Giáo của Sài Gòn
Trong 118 thánh tử đạo Việt Nam của Công Giáo có Thánh Gẫm đứng ở số 65
Có một Thánh dân Sài Gòn Gia Định gốc, là một vị tử đạo duy nhứt của họ đạo Sài Gòn, đó là Phaolô Lê Văn Lộc
Phaolô Lê Văn Lộc sanh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Ðịnh, du học Penang Mã Lai, là linh mục, giám đốc tiểu chủng viện Thị Nghè
Ông bị xử trảm chém đầu ngày 13/02/1859 tại Trường Thi tức là góc nhà văn hóa thanh niên Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng ngày nay, thời này của vua Tự Đức
Sài Gòn Gia Định là trung tâm Nam Kỳ, là thành phố lớn, có nhiều chủng viện, nhà thờ cổ, tuy nhiên nhìn lại số giáo dân lại không có đông. Năm 1928 thời Pháp thuộc, Sài Gòn chỉ có 89.250 người theo đạo Công giáo
Kết luận:
Có những nghiên cứu rõ hơn về bà Nam Phương Hoàng Hậu, giải thích vì sao nói Đồng Sơn Gò Công là quê quán bà nhưng không có vết tích nào của gia tộc bà
Thực tế bà Hoàng Hậu cũng không có vết tích nào ở Sài Gòn, thậm chí mọi người mù mờ về gia đình bà
Bà Hoàng Hậu có tiếng không có miếng ở đất Nam Kỳ
Đơn giản vì người Miền Nam không để ý, Nam Phương là hoàng hậu của An Nam (Huế) , mà khi đó Nam Kỳ và An Nam là hai nước khác nhau, Nam Kỳ là thuộc địa, An Nam là bảo hộ
Nam Kỳ từ 1867 trở thành thuộc địa tức lãnh thổ của Pháp ,triều đình Huế ở An Nam (Đại Nam) không còn vai trò gì ở xứ này
Các vua Thành Thái, Duy Tân, Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại không phải vua của Nam Kỳ
Còn nhớ năm 1898 vua Thành Thái thăm Sài Gòn, quan toàn quyền Paul Doumer đón vua như đón một nguyên thủ thăm nước Nam Kỳ
Trong dịp 1898 vua Thành Thái cũng về Gò Công thăm lăng mộ họ Phạm ở gò Sơn Qui. Lúc này vua Thành Thái mới 19 tuổi ,đi theo lịnh của Hoàng thái hậu Từ Dũ 79 tuổi
“Mỹ Lợi thẳng đến Gò Công
Tam quan tám cửa, Khánh môn nối liền
Lọng tán cờ biển hoan nghinh
Hội tề khăn áo rộng xanh đứng chờ...”
Ngày 19/11/1942, Hoàng đế Bảo Đại và bà Nam Phương công du Sài Gòn như nguyên thủ thăm Nam Kỳ. Hoàng đế Bảo Đại lái xe hơi cũng theo đường quốc lộ 50 chở Hoàng hậu Nam Phương từ Sài Gòn chạy thẳng xuống Gò Công bái lạy tổ tiên họ Phạm
Và trong dòng đời Nam Kỳ không có vết tích nào của bà Nam Phương để lại.