Chúng ta học hỏi được ở nhạc sĩ Lam Phương về tình yêu người, yêu quê hương Miền Nam
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Chúng ta học hỏi được ở nhạc sĩ Lam Phương về tình yêu người, yêu quê hương Miền Nam
Lam Phương là một nhạc sĩ Miền Nam rặc ròng trăm phần trăm, ai đó đã nhận xét về ông bằng một câu ngắn gọn:
"Lam Phương được biết đến như một người nhạc sĩ tài hoa, hiền hòa, nhiều tình cảm, bình dị, có sức chịu đựng, tinh thần phấn đấu và có đức tính khiêm tốn dễ mến."
Người Miền Nam thẳng thắn, chân thật, Lam Phương hiếm hoi, quý giá như hột xoàn kim cương.
Tôi thích nhạc Lam Phương lắm! Là vì dễ hiểu, giai điệu nhẹ nhàng, ca từ đơn giản không rối nhưng sang trọng, mượt mà và rất đời thường.
Cuộc đời của chúng ta là gì? là đời vui rồi đời buồn, chuyện tình cảm, chuyện yêu thương, chuyện cơm áo, đủ thứ cái cần lo. Đời thường của chúng ta. Chúng ta ai cũng từng cười, từng khóc, từng hài lòng và thất vọng, từng hy vọng rồi thất vọng.
Mọi thứ ngọt ngào và cay đắng trong đời thường này nó ám ảnh mãi đời chúng ta.
Những phút thăng hoa với người thương, những ánh mắt, cử chỉ, lời yêu thương, mùi da thịt, lời ve vuốt, sự quyến luyến. Rồi cũng có lúc chia tay ai về nhà nấy, đưa người ta về tới nhà thì có người giữa đêm khuya lầm lủi chạy xe về một mình.
Càng đi qua nhiều lần nếm vui buồn, ngọt bùi cuộc đời càng thích những câu nhạc của nhạc sĩ Lam Phương đã viết trước và sau năm 1975. Nó hay mà nó thấm, nó làm mình rợn tóc gáy mỗi khi nghe lại.
Tôi ám ảnh hai câu sau đây:
"Dù đời mình còn dài nhưng ngày vui chóng tàn
Ta thương nhau đi thôi cho mộng không vỡ thành đôi."
Vì đời dài mà ngày vui chóng tàn, nên chúng ta phải quí những gì mình đang có.
Chúng ta hiểu đạo, nên cám ơn cuộc đời này khi ta còn thở, còn ý nghĩ, còn biết được mọi thứ đúng sai, còn có cơ hội sửa sai. Miền an nhiên trong mơ ước của chúng ta là nơi có cuộc sống thực sự bình thường nhứt, tức là cũng như khi còn sống con người có cảm giác mọi thứ rất bình thường.
Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời nhau hết, sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do sâu xa của nó hết, đó là cái duyên cái nợ. Tất cả những cuộc gặp gỡ trong đời đều là nhân duyên, duyên mang người ta đến bên nhau, nợ khiến ta vì nhau mà quyến luyến.
Duyên nợ là thứ có thể mang hai con người hoàn toàn xa lạ, tưởng như không có một chút tương đồng nào đến với nhau. Nhưng yêu nhau là vậy, thương nhau là vậy, nước mắt có thể trào ra khi nghĩ tới nhau, cả lòng dạ này có thể tràn trề tình yêu vì nhau.
Nhưng rốt cuộc lại không thể cùng nhau đi tiếp, không thể ở bên nhau đời đời kiếp kiếp ta gọi là chưa đủ duyên.
"Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau
Bên tiếng ca, tiếng đàn vượt trời cao
Lời vui thắm thiết đưa trao như khi mới gặp nhau
Nhưng anh ơi ngày mai ta cách xa.
Anh kinh đô, tôi phải về miền xa."
Người đi qua đời nhau và có nhiều người như vậy, có thể gần nhau một giờ, một ngày, một bữa, nhưng rồi vội vã quay quắt ra đi, chẳng thể nào có thêm một cơ hội nào nữa trong đời.
Thành ra tôi thích hun! Cứ gặp rồi hun, là hun cho đã thèm. Ủa? mùi người ta thương mà! Đâu còn con nít mà cứ bị đè hun miết, ai biểu thơm làm chi!
Ông bà ta nói "Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi". Nó thương biết chừng nào! Giữa trăm ngàn người mà chỉ có hai người không bao giờ lộn nhau đặng là vì mùi của nhau, họ quá quen hơi nhau rồi!
Ta kêu đó là "mùi thương" mà không có nhãn hàng nước hoa hiệu nào có thể chế ra đặng. Cái mùi thơm của người thương, khẳng định là thơm phứt. Nó không hỗn như mùi dầu thơm Chanel No 5, Dior, Gucci, CK, Versace. Nhưng nghe mùi nó ta có thể nghĩ ra là em vừa đi vườn về, hoặc là mùi sả mùi gừng, mùi lá dứa, mùi bông bưởi, bông chanh, và mùi nắng.
Tôi mê mùi quyến luyến trên người tôi thương dữ lắm! Nó quyện trên tóc, trên da, trên môi, trên măt.
Khi ôm hun nhẹ người tình, tay xiết tay, vai kề vai, thương nhiều hơn vì mùi nắng trên da trên tóc, nó phớt nhẹ làm lòng ấm áp lạ lùng. Người đi rồi mà mùi hương còn phảng phất đâu đây trong căn phòng này, trên chiếu, trên giường và cả cánh tay anh mà em vẫn thường nằm thút thít trên đó.
Em dù có đi xa đằng nào mà nghe một thoáng mùi là anh sẽ nhận ra em liền. Những lúc mình mặn nồng, những lúc mình giận nhau rồi xa nhau, cái mùi đó vẫn đậm mãi trong lòng.
Tôi vốn lãng mạn, rất nhẹ nhàng.
Thành ra cuôc đời này tôi tránh "say" và "lầm" mà Lam Phương đã viết ra. Buồn thì sẽ cho qua từ từ, không bao giờ đụng giọt rượu, không bao giờ nói mình lầm. Thì cứ cho mình sĩ diện đi!
Không phải ai cũng cảm hai câu này:
"Kỷ niệm xưa muốn chôn vùi đi tan tành
Cho nhớ thương vơi rồi cũng đành."
Một đời tan vỡ hay nhứt khúc này:
"Tình một đời thì mang lừa dối
Còn tình một đêm sớm bỏ ra đi
Trở về tìm đường xưa chung lối
Chỉ gây khổ thêm mà thôi
Cả cuộc đời như con nước đưa bèo trôi
Đến lúc có lúc không cũng vậy thôi
Từ đây sẽ vắng câu mộng mơ xa vời
Đây đó cho qua một kiếp người."
Kiếp người là câu ta thán của chúng ta mỗi khi nhín ngó lại bản thân mình trong suốt cuộc đời này.
Khi mới yêu, mới quen thì cho là duyên nợ, là hương lửa ba sinh. Thành ngữ tam sinh hương lửa hay hương lửa ba sinh để chỉ lời nguyện có hiệu lực đến ba kiếp, ba đời người.
Rồi khi tàn cuộc vui chúng ta chỉ đó, rằng cho qua kiếp người. Kiếp người là những gì buồn vui, khó chịu, hài lòng của một người khi họ nhận thức được cuộc sống tới khi chết. Vì ai cũng nói kiếp người coi vậy mà ngắn ngủi lắm.
Thành ra ông bà khuyên chúng ta hãy nhẹ nhàng lại, nhẹ nhàng cư xử với nhau, nhẹ nhàng trong thân tâm của chính ta, nếu đủ duyên gặp nhau thì trong giai đoạn còn gần gủi đó hãy hành xử đẹp, chừng mực, hoà dịu, nhịn nhục, nói những lời đẹp lòng nhau, trao nhau cảm giác an vui trước khi tạm biệt rời xa nhau.
Mà có u sầu, thất vọng, khó chịu thì mọi thứ cũng đang trôi qua, đi trước mắt chúng ta đó thôi. Ai khóc, ai than, ai sầu, ai nấc nó sẽ đi, song những kỷ niệm lại phân ra đẹp và không đẹp lai đeo mang cả đời.
"Bây giờ mình đã xa nhau
Thương em nước mắt tuôn trào
Mười năm yêu đó
Như cơn mưa rào
Như giấc chiêm bao".
Một người nghệ sĩ huy hoàng trên sân khấu, vai diễn thành công, ánh đèn và tiếng vỗ tay, những lời khen, ánh mắt trầm trồ. Rồi khi màn nhung khép lại nửa khuya, khi về lại căn phòng trọ thì người nghệ sĩ đó đối diện với chính mình trong bốn bức tường giữa đời thường.
Chúng ta không là nghệ sĩ, nhưng cũng phải đối diện với bản thân mình khi còn lại một mình. Mọi thứ công bằng và rõ ràng.
Yêu thì được gì? Xã hội này có bao nhiêu người yêu trọn vẹn?
Trong đời bạn sẽ yêu nhiều và buồn nhiều. Có những mối tình nó như một trò chơi, game over chỉ một thời ngắn mà đau thấu tâm can.
Tự nhiên nghe bài "Chờ người" rồi cười một mình. Thương mà có thuộc về nhau không? Khó lắm!
Đôi lúc thân xác và hồn vía nó không ở chung nhau trong cái nhà tên là tình yêu. Người Nam Kỳ xưa cứ buồn yêu là vô chùa đi tu. Đôi lúc nghĩ sao người xưa đơn giản vậy?
Mà thôi! Ta sống thực dụng, sống bình thản, nhẹ nhàng với cảm xúc đi! Giống như Lam Phương đó! người nhạc sĩ yêu đời, yêu người, yêu nước.
"Có ai về xin nhắn dùm người
Tình âm thầm theo gió về khơi
Có mấy ai vui trọn vẹn trên đời
Cuộc tình đau đã tìm nơi ẩn náu
Ngày tháng buồn trôi lặng lẽ theo dòng đời."
Sáng thức dậy, còn mở mắt nhìn thấy bầu trời, ôm được những người thân yêu, là một phép màu. Được sống là một điều đáng quý.
Vậy nên cứ an nhiên mà sống, điều gì đến sẽ đến, cứ coi như những bài học mới thôi mà!
"Bồ đề diệu pháp biến trang nghiêm
Tùy sở trụ xứ thường an lạc".