Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Duy-ma-cật sở thuyết kinh (Vimalakirtinirdesa sutra)
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Duy-ma-cật sở thuyết kinh (Vimalakirtinirdesa sutra)
“(Vimalakirtinirdesa sutra), thường gọi tắt là Duy-ma-cật kinh, là một tác phẩm quan trọng của Phật giáo Đại thừa, xuất hiện vào khoảng thế kỷ II Công nguyên, ngày nay không còn nguyên bản Phạn ngữ mà chỉ còn bản chữ Hán và Tạng. Kinh này mang tên Duy-ma-cật (Vimalakirti), một cư sĩ giàu có, sống một cuộc đời thế tục, nhưng vẫn đi trên con đường bồ tát. Nhờ kinh này mà người ta có thể xem cư sĩ và tăng sĩ có một mục đích như nhau trên con đường tiến đến giác ngộ. Quan niệm trọng yếu của kinh này là tính Không (sunyata) của tất cả các pháp. Trong tính Không này thì cả hữu lẫn vô đều được hợp nhất. Bất nhị là nền tảng giáo lý trong kinh này, thế nhưng bất nhị rất khó diễn bày. 32 vị bồ tát đểu không trình bày trọn vẹn. Ngay cả Văn Thù sư lị (Manjusri) – hiện thân của trí huệ siêu việt – cũng không giải thích nổi bởi vì ngôn ngữ không thể diễn bày pháp môn bất nhị này. Chỉ có Duy-ma-cật giãi bày bằng sự im lặng – một sự im lặng sấm sét. Im lặng ở đây không phải là không hiểu, không diễn bày, mà chính là ngôn ngữ tuyệt đỉnh, ngôn ngữ duy nhất có thể trình bày cái bất khả tư nghị. Kinh này minh họa cách sống của người Phật tử để nhắm đến giải thoát và cách áp dụng tri kiến về tính Không trong cuộc sống hàng ngày, rất được hâm mộ trong Thiền tông.
Kinh này thuật lại câu chuyện của Duy-ma-cật, một trưởng giả giàu có đang mắc bệnh tại nhà. Đức Phật cử nhiều đại đệ tử đi đến nhà ông hỏi thăm, nhưng tất cả đều cáo từ. Cách hiểu sai lầm của họ về giáo lý đã được Duy-ma-cật chỉnh lại và vì thế họ hổ thẹn, không dám thay mặt Đức Phật đến hỏi thăm…” (Từ điển Phật học, Đạo Uyển, tr. 159, 160)
Năm 2007, hoà thượng Thích Tuệ Sỹ đã cho ấn hành 2 tập “Huyền thoại Duy Ma Cật” và “Duy Ma Cật sở thuyết” (nxb Phương Đông).
Link “Huyền thoại Duy Ma Cật”: https://thuvienhoasen.org/a22645/huyen-thoai-duy-ma-cat
Link “Duy Ma Cật sở thuyết”: https://thuvienhoasen.org/a1638/kinh-duy-ma-cat-so-thuyet
Điển tích “Nàng thiên nữ từ cõi bồng lai đến…”
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã viết về nàng Triêu Vân, thiếp của nhà thơ Tô Đông Pha: “Năm 59 tuổi (1094), khi đang giữ chức Đoan minh điện kiêm Thị độc học sĩ ở Định Châu, nhà thơ Tô Đông Pha (1037 - 1101) đời Tống bị giáng chức, đày đi đảo Hải Nam. Theo lời ông kể, “người thiếp duy nhất đi theo ông là nàng Triêu Vân nhỏ hơn ông 27 tuổi: "Nhà tôi có vài thị thiếp; 4, 5 năm đã nối nhau bỏ đi; chỉ một mình Triêu Vân theo tôi đày sang Nam”.
Chẳng bao lâu, Triêu Vân bệnh và mất. Triêu Vân mất tháng 7. Tháng 10 năm đó, hoa mai nở rộ nơi đất Huệ Châu. Ông làm bài thơ truy điệu và tự viết lời dẫn:
"Thiệu thánh nguyên tiêu (1094), tháng 11, làm bài thơ đùa Triêu Vân. Năm Thiệu thánh thứ 3, tháng 7, ngày 5, Triêu Vân mất vì bệnh ở Huệ Châu, táng phía Đông Nam trong rừng thông chùa Thê Hiền, kề tháp Đại Thánh. Tôi làm bài Minh khắc lên mộ nàng; nay làm bài thơ họa vận bài trước.
"Ban đầu, Triêu Vân không biết chữ. Lớn tuổi, bỗng học viết; viết hơi có ngay ngắn. Lại thường theo bà tì khưu ni Nghĩa Xung ở Tứ thượng học Phật pháp, cũng có biết sơ qua đại nghĩa. Lúc chết, tụng 4 câu kệ trong kinh Kim cương rồi tuyệt".
Triêu Vân mất tháng 7. Tháng 10 năm đó, hoa mai nở rộ nơi đất Huệ Châu, ông làm bài từ theo điệu Tây giang nguyệt như âm thầm hoài vọng Triêu Vân, nàng thiên nữ từ cõi Bồng lai đến*…” (Tô Đông Pha và những phương trời viễn mộng – Tuệ Sỹ).
*”Nàng thiên nữ từ cõi bồng lai đến” mà Tô Đông Pha ví với nàng Triêu Vân là nàng thiên nữ trong câu chuyện được chép trong kinh Duy-ma-cật. Nhà văn Lâm Ngữ Đường đã viết về nàng Triêu Vân: “Triêu Vân (Chaoyun) là người phụ nữ mà đứa con trai nhỏ chết sớm làm cho chuyến trở về sau lần đi đày thứ nhất của Tô Đông Pha thật buồn thảm, và nàng cũng là người đã sống với ông và đi theo ông trong cuộc sống lưu đày. Bài thơ của Chin Kuan viết tặng nàng có nói rằng nhan sắc của nàng giống như một khu vườn vào mùa xuân và đôi mắt của nàng giống như ánh nắng buổi ban mai. Nàng hãy còn trẻ, chỉ mới 31 tuổi khi đến Hàng Châu, còn Tô Đông Pha đã 57 tuổi, nhưng sự chênh lệch tuổi tác khá lớn không phải là một trở ngại cho tình yêu của hai người. Nàng thông minh, vui tính, năng động và tinh tế. Trong tất cả những người phụ nữ trong đời Tô Đông Pha, nàng là người hiểu ông nhất. Nàng ngưỡng mộ tài làm thơ của ông và cố gắng vươn tới tầm cao trí tuệ của ông. Tô Đông Pha không chỉ biết ơn người phụ nữ đã chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống lưu đày của ông trong tuổi già, mà còn ca ngợi nàng qua những bài thơ đã nâng tình yêu của hai người lên thành một tình bạn cao cả và bất tử. Ông thường ví nàng với nàng thiên nữ trên trời được nhắc tới trong kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti sutra). Kinh Duy Ma Cật có kể rằng một ngày kia, khi Phật mang nhục thân cúa một nhà hiền triết ngồi trong một khu rừng tranh luận với các đệ tử, từ trên trời bỗng dưng có một nàng trinh nữ rải những cánh hoa xuống. Tất cả những cánh hoa rơi trúng thân thể của các đệ tử đều rơi xuống đất, duy chỉ có những cánh hoa rơi trúng thân thể của nhà hiền triết còn vương lại trên áo của ông, dù các đệ tử có cố gắng cách mấy cũng không gỡ ra được. Nàng thiên nữ hỏi khi thấy các đệ tử của ông tìm cách gỡ những cánh hoa ra khỏi áo của ông: “Vì sao lại tìm cách gỡ những cánh hoa này? Những cánh hoa này không phải ngẫu nhiên mà vương lại trên áo của ông mà có chủ đích hẳn hoi. Đó là vì bản thân ông” (The Gay Genius: The life and times of Su Tungpo, Lin Yutang tr. 312)
Kinh Duy-ma-cật chép có khác một chút: “Lúc ấy, nơi thất của Duy-ma-cật có một vị thiên nữ, thấy chư thiên và mọi người nghe thuyết pháp, bèn hiện hình ra, dùng hoa trời rảy lên cúng dường chư bồ tát và các đại đệ tử. Những đóa hoa chạm đến chư bồ tát đều rơi xuống hết, nhưng chạm đến các vị đại đệ tử thì dính chắc vào người chẳng rơi. Tất cả các vị đại đệ tử đều dùng sức mà gỡ hoa ra, nhưng chẳng thể gỡ được.
Lúc ấy, thiên nữ hỏi ông Xá-lỵ-phất (Sariputra): “Tại sao ông gỡ hoa?”
Đáp rằng: “Cài hoa này chẳng đúng theo pháp nên tôi gỡ bỏ.”
Thiên nữ nói: “Đừng bảo rằng hoa này chẳng đúng theo pháp. Hoa này vốn không có chỗ phân biệt, tự ngài khởi lên tư tưởng phân biệt. Người xuất gia theo Phật mà có tư tưởng phân biệt là không đúng như pháp. Nếu không có chỗ phân biệt, đó là đúng với pháp. Hãy nhìn các vị bồ tát kia, hoa chẳng dính vào thân, là vì các ngài đã đoạn tuyệt với tất cả những tư tưởng phân biệt. Tỷ như người ta đương cơn sợ sệt, thời loài phi nhân dễ bề làm hại. Cũng như vậy, vị đệ tử nào sợ sệt cuộc sinh tử, thời hình sắc, âm thanh, hương vị, cảm xúc sẽ dễ bề làm hại. Tự mình lìa khỏi sợ sệt, tất cả năm dục chẳng làm gì mình được. Phiền não trói buộc chưa hết thì hoa kia còn dính mắc vào thân. Như phiền não trói buộc đã hết, hoa ấy chẳng dính được vào”.
Ảnh: Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chân dung Duy-ma-cật (tranh thế kỷ VIII ở Đôn Hoàng) và tác phẩm về Duy-ma.cật
Last updated
Was this helpful?