Chúa Nguyễn Hoàng và sự thành lập Dinh Quảng Nam (1602)
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Chúa Nguyễn Hoàng và sự thành lập Dinh Quảng Nam (1602)
Sử gia K.W.Taylor của Đại học Cornell, Hoa Kỳ kể: “Năm 1602, Nguyễn Hoàng vào thăm Quảng Nam lần đầu tiên. Ông rất thích thú khi nhìn thấy bờ biển phía Nam từ trên đèo Hải Vân. Ông cho xây lỵ sở tại Điện Bàn ở giao điểm của những thủy lộ kết nối vịnh Đà Nẵng với sông Thu Bồn để cai quản vùng đất phương Nam. Cảng Hội An gần cửa sông Thu Bồn thu hút nhiều thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản, Bồ Đào Nha. Ông cho xây một kho lương thực và một ngôi chùa tại Điện Bàn và cử con trai thứ 6 của ông là Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ. Trong chuyến tuần du Quảng Nam vào năm 1602 ấy, Nguyễn Hoàng đã gặp Trần Đức Hoà, quan Khám lý phủ Hoài Nhơn (Bình Định).
Trần Đức Hoà (về sau là cha vợ của Đào Duy Từ) nổi tiếng là một vị quan có học thức, có tài lãnh đạo và rất trung thành với chúa Nguyễn. Nguyễn Hoàng càng lúc càng quan tâm tới vùng đất phương Nam. Năm 1604, ông cho xây lỵ sở ở Quảng Nam và năm 1607 cho xây một ngôi chùa tại Trà Kiệu, kinh đô cũ của Champa. Năm 1611, khi hay tin có rối ren tại biên giới Đại Việt - Champa, ông cho một đạo quân tiến chiếm lưu vực sông Đà Rằng thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay, tổ chức lỵ sở cho cư dân Việt định cư tại đó, nới rộng biên giới Đại Việt từ đèo Cù Mông tới đèo Cả…” (A History of the Vietnamese, tr. 267)
Sử gia Tim Doling cho biết chi tiết về việc thành lập Dinh Quảng Nam: “Thuế đánh trên các thuyền buôn ghé qua Thuận Quảng rất đáng kể và linh mục Christoforo Borri kể rằng “thuế đánh trên các thuyền buôn của nước ngoài đã mang lại một nguồn lợi rất lớn cho xứ sở”. Nguồn thu rất lớn này cho phép các chúa Nguyễn xây dựng quốc gia mới của mình, mua sắm vũ khí và tiến hành những chiến dịch quân sự ở phía Nam và phía Bắc. Điều cần thiết nhất đối với các chúa Nguyễn là kiểm soát chặt chẽ những người Nhật điều hành cảng Faifo (Hội An) để điều khiển hoạt động của họ, ngăn ngừa nạn trộm cắp, những hành vi gian lận và trốn thuế, giữ gìn luật pháp và trật tự trị an.
Trước năm 1602, thủ phủ của các chúa Nguyễn ở tỉnh Quảng Trị ngày nay có bộ máy hành chánh đặt tại phủ Triệu Phong, gồm 6 huyện trải dài từ Cửa Việt (phía Bắc Quảng Trị) cho đến Điện Bàn. Xung quanh thủ phủ này là một vùng rộng lớn gọi là Đạo Thừa tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: phủ Thăng Hoa (Quảng Nam ngày nay), phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay) và phủ Hoài Nhơn (Bình Định ngày nay) giáp giới với tỉnh Phú Yên ngày nay. Chúa Nguyễn Hoàng dựa vào một nhóm nhỏ quan lại địa phương để kiểm soát Đạo Thừa tuyên Quảng Nam, nhưng một khi những vấn đề nghiêm trọng phát sinh, ông phải mất 3 ngày mới đem quân được từ thủ phủ ở Quảng Trị tới Đạo Thừa tuyên Quảng Nam.
“Đại Nam nhất thống chí” cho biết rằng vào năm 1602 (Nhâm Dần), để khắc phục điều bất tiện này, chúa Nguyễn Hoàng đã lập ra một dinh trấn ở Điện Bàn, đặt tên là Dinh Quảng Nam, với một quan trấn thủ và những quan chức thuộc quyền. “Đại Nam Thực Lục” cho biết chi tiết hơn, nói thêm rằng dinh trấn được đặt tại xã Cần Húc (Thanh Chiêm) và chính con trai thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên được giao chức trấn thủ: “Nguyễn Hoàng chỉ định con trai thứ 6 của ngài làm trấn thủ.
Vùng đất Quảng Nam rất tốt đẹp, dân cư đông đúc, có nhiều sản vật và thuế thu được nhiều hơn Thuận Hóa (tức Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế), nhưng chỉ có phân nửa số binh lính. Chúa hay nghĩ tới vùng đất này. Khi đến đây, đi qua đèo Hải Vân, ngài nhìn thấy một dãy núi cao trải dài nhiều trăm lý (1 lý: 0,5 km) chạy dọc theo bờ biển. Ngài nói: “Vùng đất này là Thuận Quảng. Chúng ta đi qua những ngọn núi, nhìn phong cảnh, xây một đồn binh ở xã Cần Húc (huyện Duy Xuyên ngày nay), một kho lương thực và phái con trai thứ 6 của ta đến làm trấn thủ”.
Dinh Quảng Nam quản lý hoàn toàn về mặt hành chánh toàn bộ Đạo Thừa tuyên Quảng Nam với 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Thế nhưng Thanh Chiêm lại ở Điện Bàn vào thời kỳ lập ra Dinh Quảng Nam, hãy còn là huyện ở cực Nam của phủ Triệu Phong. Vào năm 1604, để giải quyết tình trạng bất thường này về phương diện hành chánh, Nguyễn Hoàng đã tách huyện Điện Bàn ra khỏi phủ Triệu Phong, nâng nó lên thành phủ và gắn kết nó với Dinh Quảng Nam với tính cách là phủ thứ 4…” (Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ, Tim Doling, tr. 30, 31, 32)
Ảnh: Chúa Nguyễn Hoàng và tỉnh Quảng Nam ngày nay
https://www.facebook.com/loc.huynhduy/posts/6748594278529634