Qui Nhơn, Bình Định: nguồn gốc và tên gọi
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Qui Nhơn, Bình Định: nguồn gốc và tên gọi
UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa có tờ trình Sở Nội vụ tỉnh Bình Định về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn với 2 phương án sáp nhập xã, phường. Đáng chú ý, theo phương án sáp nhập mới, TP Quy Nhơn không còn là thành phố trực thuộc tỉnh mà sẽ trở thành 1 phường.
Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban ở Nha Trang cho biết: “Đời Lê, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Champa là Trà Toàn đem quân ra đánh phá Hóa Châu. Vua Lê Thánh Tôn đánh dẹp lấy 2 thành Đồ Bàn (Vijaya) và Thị Nại của Champa, mở đất đến núi Thạch Bi (nay thuộc tỉnh Phú Yên), chia làm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn và đặt phủ Hoài Nhơn thuộc thừa tuyên Quảng Nam”.
Georges Maspero đã ghi chép về chiến dịch quân sự năm 1471 của vua Lê Thánh Tông: “Vua Champa Bàn La Trà Toàn (1460-1471) ngay từ khi mới lên ngôi đã gặp khó khăn với Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông có ý đồ coi Champa là một nước chư hầu và yêu sách phải cống voi trắng. Trà Toàn được triều Minh của Trung Quốc công nhận, xin vua Minh cử một vị quan đến để phân định biên giới được hai nước công nhận. Vua Minh là Hiến Tông mới lên ngôi nghe lời quần thần khuyên không nên dàn hòa hai nước đã thù địch nhau từ lâu. Bị bỏ rơi, phải trông cậy vào thực lực của mình mà ông cho là không đủ, Trà Toàn quyết định gởi lời chúc tụng Thánh Tông vào năm 1467. Thánh Tông vẫn giữ ý kiến đòi hỏi Champa phải coi mình ngang hàng với vua Minh, đòi thêm cống phẩm (tê giác, voi, đồ vật quý), Trà Toàn từ chối và báo cho Hiến Tông biết những yêu sách mới đó. Cương quyết giữ cho nước mình được độc lập, Trà Toàn thấy cần phải dùng đến vũ lực để giải quyết việc này. Tháng 3 âm lịch năm 1469, ông dùng thủy quân đánh Hóa Châu, rồi đến tháng 8 âm lịch năm sau, ông dẫn một đoàn quân hơn 10 vạn người gồm có một đội kỵ binh rất mạnh và nhiều voi, đích thân đánh chiếm Hóa Châu. Phạm Văn Hiển chỉ huy đoàn quân phòng thủ Hóa Châu, thấy mình quá yếu, không chống cự được, bèn rút lui, ẩn sau tường lũy của trị sở và báo cho vua Lê biết ông đang lâm nguy.
Thánh Tông chỉ chờ cơ hội đó, liền chuẩn bị mọi thứ đi viễn chinh… Ngày 16 tháng 11 âm lịch, ông lên đường như đã báo trước. Ngày 6 tháng 12, ông đến núi Thiết, hạm đội tiên phong sẽ phải đến theo ông ở đó. Ngày 18, thủy quân tiến vào hải phận Champa. Ngày mùng 2 Tết năm 1471, ông ra lệnh tiến quân. Quân đến cửa Tân Áp và Cựu Tọa, một số quan lại Champa đầu hàng. Trà Toàn từ trước đến lúc đó vẫn chờ đợi, ủy cho người em đem 5.000 quân cưỡi voi đánh úp doanh trại của Thánh Tông. Thánh Tông được báo trước việc đó, sai tả tướng Lê Hy Cát và các tướng tiền quân là Lê Thế và Trịnh Lục Sái đổ bộ lên cửa Sa Kỳ, phục ở đó để cắt đường rút của địch. Đích thân Thánh Tông cho đổ bộ 7 vạn quân tinh nhuệ lên Tân Áp, Cựu Tọa; ông dẫn đầu, trống rong, cờ mở, còn Nguyễn Đức Trung thì đem bộ binh đi chiếm giữ đường mạn thượng du. Bị đánh bất ngờ tứ phía, quân Champa rối loạn, chạy về Vijaya, nhưng đến núi Mộ Nô ở phía Tây cửa Sa Kỳ, họ gặp phải quân của Lê Hy Cát. Hoảng sợ, họ chạy vào núi, để lại nhiều người trên cánh đồng; tại đây, họ cũng gặp quân Đại Việt; họ mất một tướng và tan rã nhanh chóng. Họ bị chính vua Thánh Tông đánh tan ở gần cửa biển Thế Cần.
Được tin đại bại, Trà Toàn hoảng sợ, sai một người trong gia đình đến xin hàng. Thánh Tông vẫn tiếp tục đánh. Ngày 27, ông đến Cri Vini và hạ được thành này. 2 hôm sau, ông đến Vijaya, bao vây thành. Ông sai làm thang. Ngày hôm sau, ông tập hợp các tướng, cho họ biết khi lấy được thành, ông cấm không được đốt phá kho tàng, chỉ bắt sống lấy vua mà không được giết. Một lúc sau, lệnh chiếm thành được ban ra. Cửa Đông bị phá, quân Đại Việt vào thành, quân Champa bị giết 6 vạn, 3 vạn bị bắt làm tù binh. 50 người trong hoàng gia rơi vào tay kẻ chiến thắng cùng ấn tín của nhà vua. Cả Trà Toàn cũng bị bắt, dẫn đến trước vua Thánh Tông. Thánh Tông thấy Trà Toàn quỳ, đầu cúi xuống, bèn nói: “Có phải ngươi là vua Champa không?” . “Chính tôi”. “Ngươi đoán ta là ai không?”. “Trông thấy mặt ngài, tôi biết ngay ngài là vua”. “Ngươi có bao nhiêu con?” . “Hơn 10 con”. Thánh Tông tha không giết và lệnh làm một ngôi lều nhỏ cho Trà Toàn ở gần đó. Tiếp kiến xong, lính gác đẩy Trà Toàn đi, Thánh Tông ra lệnh phải nhẹ nhàng hơn và nói: “Ông ta là vua xứ này, không nên đối xử như vậy”. Trà Toàn sau đó không sống được bao lâu. Bị mọi người bỏ rơi, đến vua Hiến Tông cũng không dám xin thả ông, sợ gây thù oán với Đại Việt. Toàn bộ phụ nữ bị đưa đi hết, chỉ giữ lại cho Trà Toàn 2 người vợ, không có người hầu cận. Ông bệnh rồi chết trên một chiếc thuyền khi đi đến hải phận Nghệ An. Xác ông được thiêu, tro xương ném ra gió, đầu bị chặt và cắm ở đầu thuyền cùng với một lá cờ trắng viết mấy chữ: “Đây là thủ cấp của Trà Toàn, vua Champa cũ”. Về đến kinh đô, Thánh Tông mang thủ cấp Trà Toàn dâng lên đền thờ tổ tiên…
Toàn bộ miền Avarati – người Chàm nhường lần đầu vào năm 1402 rồi họ lấy lại vào năm 1407 – và đất Vijaya – chưa bị nhượng bao giờ - trở thành những tỉnh của Đại Việt. Từ đó, Champa chỉ còn đất Kauthara và đất Panduraga, nghĩa là chỉ bằng 1/5 diện tích của 80 năm về trước, dưới thời Chế Bồng Nga. Thánh Tông chia đất mới chiếm làm 3 quận: Champa hay Đại Chiêm, Hoa Anh và Nam Bàn mà 3 tháng sau, ông đổi thành các phủ Thăng Hoa (Nam Quảng Nam ngày nay), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay) và Hoài Nhơn (Bình Định ngày nay), gộp thành một đạo duy nhất đặt tên là Quảng Nam. Lịch sử Champa đến đó là hết…” (Vương quốc Champa, Georges Maspero, chương cuối)
Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban, “năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Qui Nhơn (tên Qui Nhơn xuất hiện từ đây), đặt chức tuần phủ khám lý, nhưng vẫn thuộc dinh Quảng Nam. Năm Tân Mão (1651), chúa Nguyễn Phúc Tần đổi tên phủ Qui Nhơn thành phủ Qui Ninh. Năm Nhâm Tuất (1742), chúa Nguyễn Phúc Khoát khôi phục lại tên cũ là Qui Nhơn vì kỵ húy. Năm Quý Tỵ (1773), đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, anh em Nguyễn Nhạc chiếm cứ, xây dựng thành Hoàng Đế trên nền cũ di tích thành Đồ Bàn xưa của Chămpa. Mùa hạ năm Kỷ Mùi (1797), tức là năm Cảnh Thịnh thứ 7 đời Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Ánh đánh lấy thành này, năm 1799 đổi tên thành Hoàng Đế với tên gọi mới là thành Bình Định (tên Bình Định bắt đầu từ đây)…
Năm 1795, bằng mưu lược và sự táo bạo, Tả quân Lê Văn Duyệt đã cùng Nguyễn Đức Xuyên thành công trong việc đánh tan quân của Trần Quang Diệu đang vây thành Diên Khánh ở Nha Trang do Võ Tánh trấn giữ. Năm 1801, Lê Văn Duyệt lập được công lớn trong trận phá tan thủy quân Tây Sơn tại đầm Thị Nại.
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long, Bình Định thành dinh Bình Định, đặt quan cai trị, gọi là lưu thủ, cai bạ và ký lục. Năm Gia Long thứ 7 (1808), đổi dinh Bình Định thành trấn Bình Định… Năm Minh Mạng thứ 12, lại đổi phủ Qui Nhơn thành phủ Hoài Nhơn. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chia đặt các tỉnh, đổi trấn thành tỉnh, tỉnh Bình Định là tỉnh hình thành từ đây…” (Bình Định, những địa danh ghi dấu qua ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian vùng đất võ trời văn, Ngô Văn Ban, tr. 28, 29)
Video clip về Qui Nhơn:
Ảnh: Thành phố Qui Nhơn, Bình Định và đầm Thị Nại, nơi diễn ra trận thủy chiến giữa quân Tây Sơn và quân của Lê Văn Duyệt