Nguồn gốc của danh xưng Tourane (Đà Nẵng)

Nguồn gốc của danh xưng Tourane (Đà Nẵng)

Ngày 24.5.1889, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Tourane (Đà Nẵng) thuộc tỉnh Quảng Nam rồi hơn 10 năm sau, vào ngày 19.9.1905, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định tách thành phố Tourane khỏi tỉnh Quảng Nam. Từ những năm 1860-1888, người Pháp đã gọi Đà Nẵng là Tourane nhưng danh xưng Tourane chỉ quen thuộc với người Pháp và những quan chức làm việc cho Pháp, còn dân chúng vẫn gọi là Đà Nẵng hoặc Cửa Hàn, đất Hàn (địa danh Hàn có nguồn gốc từ Tu Tấn Hàn, tên một cửa biển ở Thanh Hoá). Chúng ta còn có thể thấy tên Tourane trong các ghi chép của các thừa sai hoặc các thương nhân đến Đà Nẵng trước thời Pháp thuộc. Do đâu Đà Nẵng được người Pháp gọi là Tourane? Các sử liệu còn lại cho đến nay cho biết ít nhiều về xuất xứ của tên Tourane.

Giáo sĩ Cristoforo Borri đến Đại Việt vào năm 1616, khi viết hồi ký về xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, đã gọi Đà Nẵng là “Turon”. Sau đó, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến xứ Đàng Trong vào năm 1624, từng lui tới Đà Nẵng nhiều lần, đã gọi Đà Nẵng là “Toron”. Từ đó, có thể suy đoán người Pháp đã phiên âm “Turon” hay “Toron” thành “Tourane”.

Cristoforo Borri sinh ra trong một gia đình danh giá tại thành phố Milan của Ý. Ngày 16 tháng 9 năm 1601, ông gia nhập Dòng Tên. Năm 1616, từ Macau, ông được Đức Giáo hoàng Urbain VIII phái đi truyền giáo tại Đàng Trong cùng với linh mục Pedro Marques. Hai người đi thuyền vào năm 1618 và cùng với hai linh mục Francisco de Pina và Francesco Buzomi đến lập cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn. Cristoforo Borri ở Hội An từ năm 1618 đến năm 1622. Năm 1631, khi về Roma, ông cho xuất bản “Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina” (Tường thuật về sứ mạng mới của các linh mục Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong), cuốn sách viết bằng tiếng Ý bao gồm những ghi chép về Đàng Trong, không lâu sau được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng La tinh, tiếng Đức và tiếng Anh. Trong tác phẩm này, Cristoforo Borri đã gọi thành phố ở vịnh Đà Nẵng là Turon.

Ở chương 1 của phần II “Về sự xâm nhập của các linh mục Dòng Tên vào Vương quốc An Nam và về 2 nhà thờ được xây dựng tại Turon và Cacciam”, Cristoforo Borri đã nói về công việc truyền giáo của linh mục Buzome: “Không chỉ ở Turon, nơi ông thường trú mà còn ở những nơi khác, ông truyền bá tiếng tốt về công việc bác ái và về lòng thành nóng bỏng của mình cho các tâm linh, nỗ lực hướng dẫn ở khắp mọi nơi để biến cải, để sắp xếp các thánh lễ rửa tội cho mọi người với biết bao lòng nhiệt thành và kết quả tốt đẹp, và trong một thời gian ngắn, các tín đồ Thiên Chúa giáo mới này xây dựng một nhà thờ ở Turon rất lớn, tổ chức thánh lễ một cách công khai và là nơi rao giảng và dạy dỗ giáo lý Thiên Chúa qua các thông dịch viên được đào tạo chu đáo…”

Còn do đâu thành phố ở vịnh Đà Nẵng có tên Turon? “Turon” là phiên âm theo tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ý của từ “Đồng Long”, tên gọi còn thấy trong một bài thơ vua Lê Thánh Tông sáng tác khi dừng chân nghỉ lại trên đèo Hải Vân vào một đêm trăng sáng hơn 550 năm về trước (năm 1471).

Sách “Thiên Nam Dư Hạ Tập” chép: “(Đầu năm Tân Mão - 1471), vua Lê Thánh Tông đi đánh Champa, đóng quân ở Hải Vân Quan, từ cửa biển Hải Vân nhìn vũng Đồng Long trong đêm khuya thanh vắng dưới ánh trăng vằng vặc, đã vẽ ra một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp trong bài thơ “Tư Dung hải môn lữ thứ”:

Hỗn nhất xa thư cộng bức viên,

Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên.

Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt,

Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền.

Di lạc phụng tham kỳ khoản tái,

Khổn thần ái quốc xảo trù biên.

Thử thân na đắc sinh hoàn hạnh,

Cảm vọng Ban Siêu đáo Tửu Tuyền

Dịch thơ:

Cõi chung một mối cơ đồ,

Hải Vân địa giới giăng cờ trời Nam.

Đồng Long trăng tĩnh ba canh,

Lộ Hạc năm tiếng trống lành thuyền đi.

Khoản nộp đất ải man di,

Biên quan yêu nước trị vì lo xong.

Thân kia may mạng khỏi vong,

Ban Siêu vọng tưởng đến trong Tửu Tuyền.

Trong đó 2 câu thơ nhắc tới vũng Đồng Long:

“Tam canh dạ tĩnh Ðồng Long nguyệt

Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”

(Canh ba đêm vắng, mảnh trăng Đồng Long vằng vặc

Trống canh năm, gió mát, con thuyền Lộ Hạc dập dềnh)

Vũng Đồng Long, còn gọi là vũng Thùng, là vũng Sơn Trà. Sách “Ðại Nam Nhất Thống Chí” (q.VII- tỉnh Quảng Nam) chép: “Vũng Sơn Trà (tức vũng Thùng) ở phía Bắc huyện Hòa Vang, lại có tên là vũng Ðà Nẵng. Phía Đông là núi Trà Sơn (Sơn Trà), phía Bắc là núi Hải Vân, phía Tây là tấn Cu Ðê, dài rộng ước 25 dặm linh (có lẻ), phía Đông Nam là vũng Trà Sơn (tức vịnh Hàn) là vùng biển lớn, vừa rộng vừa sâu, có thể chứa được hàng ngàn thuyền ghe, phía ngoài có núi che, không phải lo về sóng gió; tàu thuyền đi lại gặp lúc chưa tiện gió, phần nhiều đỗ tại đây”.

Ảnh: Bản đồ cổ với thành phố Tourane thời Pháp thuộc và bản đồ Đà Nẵng hiện nay

Last updated

Was this helpful?