Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và buổi đầu mở cõi
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và buổi đầu mở cõi
Bài trên Trí Việt News: https://triviet.news/.../k-w-taylor-va-ghi-chep-ve-chua.../?
“Ở Nguyễn Hoàng, chúng ta thấy sự khởi đầu của việc làm người Việt theo kiểu phương Nam. Quyết định vào Nam của Nguyễn Hoàng vào năm 1600 là ẩn dụ về việc quyết định vào phương Nam sẽ làm cho, chỉ đơn giản bằng cách từ bỏ công thức truyền thống về “người Việt thiện lương”, người ta có được nhiều chọn lựa để trở thành một “người Việt thiện lương”. Kỷ luật xã hội cần phải tuân thủ để tồn tại gần biên giới Trung Quốc đã giãn bớt. Tài năng và năng lực có vai trò quan trọng hơn gia thế và địa vị”. (K.W.Taylor)
Nguyễn Hoàng sinh ngày 28.8.1525 (ngày 10 tháng 8 năm Ất Dậu), là con trai thứ của Nguyễn Kim (“Nguyễn Phúc tộc thế phả” chép là Nguyễn Cam) và bà chính thất Nguyễn Thị Mai, con gái của Đặc tiến quốc thượng tướng quân Nguyễn Minh Biện. “Đại Nam thực lục tiền biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn đã chép về Nguyễn Hoàng: “Gia dụ hoàng đế, họ Nguyễn, húy Hoàng, người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa (vì kỵ húy nên về sau Thanh Hoa đọc trại thành Thanh Hóa). Sinh ngày Bính Dần, tháng 8, mùa thu, năm Ất Dậu, là con trai thứ hai của Triệu tổ Tĩnh hoàng đế ; mẹ là Tĩnh hoàng hậu Nguyễn thị (con gái Nguyễn Minh Biện, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân thự vệ sự ở triều Lê). Tổ tiên trước là một họ có danh vọng ở Thanh Hóa…”.
Ông nội ông là Trừng quốc công Nguyễn Văn Lưu đã về Thanh Hóa lập tôn thất nhà Lê là Lê Oanh lên làm vua, tức vua Lê Tương Dực, khi vua Lê Uy Mục làm mất lòng dân. Năm 1527, khi Nguyễn Hoàng mới 3 tuổi, Mạc Đăng Dung đã cướp ngôi vua của vua Lê Cung Hoàng, cha ông là Nguyễn Kim đã sang Ai Lao, xây dựng lực lượng để khôi phục nhà Lê. Năm 1533, Nguyễn Kim đón con trai của Lê Chiêu Tông là Lê Ninh, lập làm vua, tức vua Lê Trang Tông; nhờ công ấy, ông được phong làm Thượng phụ thái sư Hưng quốc công chưởng nội ngoại sự. Lúc bấy giờ, có một người ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa tên Trịnh Kiểm đến yết kiến, Nguyễn Kim biết là người có tài, đem con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo gả cho và cho làm tướng quân. Năm 1540, Nguyễn Kim dẫn vua Lê Trang Tông về Nghệ An, hào kiệt theo rất nhiều; năm 1543, lại dẫn quân về lấy đất Thanh Hóa. Năm 1545, Nguyễn Kim từ trần vì bị hàng tướng Dương Chấp Nhất đầu độc, được phong làm Chiêu huân tĩnh công. Trong những năm cha rong ruổi, gầy dựng lực lượng để khôi phục nhà Lê, Nguyễn Hoàng được giao cho người anh của mẹ là Nguyễn Ư Dị nuôi dưỡng, khi lớn lên làm quan cho vua Lê, được phong làm Hạ khê hầu. Ông đem quân đánh Mạc Phúc Hải, con trưởng của Mạc Đăng Doanh, chém được tướng của họ Mạc là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, khi khải hoàn được vua Lê Trang Tông khen là “hổ phụ sinh hổ tử”.
Ngay sau khi cha ông từ trần, Trịnh Kiểm, anh rể của ông, nắm hết binh quyền. Anh cả của ông là Nguyễn Uông đang làm Tả tướng, Lãng quận công đã bị Trịnh Kiểm giết chết. Ông đã lập được nhiều chiến công, được vua Lê phong làm Đoan quận công.
Trong tác phẩm “A history of the Vietnamese”, GS K. W. Taylor kể về buổi đầu mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng: “Việc tham khảo ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được đưa ra như một lý do để lý giải việc giải quyết một vấn đề triều đại. Mẹ Nguyễn Hoàng là người ở vùng gần quê hương của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo câu chuyện này, vì lo cho tương lai của con trai, bà sai người đến tham khảo ý kiến của Nguyễn Bỉnh Khiêm và ông đã khuyên con trai bà nên vượt qua Đèo Ngang, đi về phương Nam. Vào năm 1558, chị của Nguyễn Hoàng là Ngọc Bảo thuyết phục chồng bà là Trịnh Kiểm phong Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên sau này. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa cùng với người cậu và cũng là quân sư của ông là Nguyễn Ư Dĩ cùng với nhiều người trong gia tộc và thuộc hạ, lập dinh trấn gần tỉnh Quảng Trị ngày nay, khởi sự cơ đồ của dòng họ ông ở phương Nam. Trong thực tế, việc Trịnh Kiểm xin vua Lê phong cho Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa là một giải pháp hiển nhiên cho vấn đề khó xử đối với ông là phải làm gì với người em vợ của mình. Nguyễn Hoàng là người đứng đầu gia tộc họ Nguyễn, có được sự trung thành của nhiều người ở Thanh Hóa. Hơn nữa, dư đảng của nhà Mạc ngày càng quấy phá duyên hải phía Nam và Nguyễn Hoàng có thể giữ được phần lãnh thổ này cho vua Lê. Suốt những thập niên sau đó, cán cân lực lượng lúc thì nghiêng về phía Trịnh Kiểm, lúc thì nghiêng về phía Mạc Kính Điển…
Khi hay tin Trịnh Kiểm đau yếu, vào năm 1569, Nguyễn Hoàng đã đi từ Thuận Hóa ra Thanh Hóa để bày tỏ lòng trung thành với chúa Trịnh và tái khẳng định sự liên minh chống nhà Mạc. Theo lời tường thuật của những người đương thời, em vợ và anh rể đã vui vẻ khi gặp lại nhau. Trước khi trở về phương Nam vào đầu năm 1570, Nguyễn Hoàng được phong thêm chức trấn thủ Quảng Nam, từ đó có được quyền hạn trên toàn bộ lãnh thổ phía Nam. Trịnh Kiểm từ trần chỉ vài ngày sau khi Nguyễn Hoàng rời Thanh Hóa…
Khi Trịnh Tùng, con trai Trịnh Kiểm, loan báo việc khôi phục nhà Lê ở Đông Đô (Thăng Long) vào mùa hè năm 1593, Nguyễn Hoàng phải ra Đông Đô để bày tỏ lòng trung thành với vua Lê, và ông cũng mang theo binh lính để giữ vững sự ổn định ở đồng bằng sông Hồng. Ông dẫn quân lính tham gia các trận chiến, cho các khẩu đại bác phá tan tường thành của quân nhà Mạc và giành nhiều chiến thắng, buộc Mạc Kính Cung phải rời khỏi vùng đồng bằng Bắc bộ để ẩn náu ở vùng rừng núi Lạng Sơn...
Một vấn đề lại đặt ra với Trịnh Tùng là phải làm gì với người cậu của mình và lãnh thổ của ông ở phương Nam. Trịnh Tùng muốn giữ Nguyễn Hoàng ở gần mình để dễ giám sát và kiểm soát lãnh thổ phía Nam. Tuy nhiên Nguyễn Hoàng lại nôn nóng muốn trở về phương Nam mà không làm đổ vỡ quan hệ với cháu ông. Giữa mùa hè năm 1600, 3 vị tướng của Trịnh Tùng ở hạ lưu sông Hồng, phía Nam Đông Đô đã khởi loạn. Nguyễn Hoàng đã xin vua Lê cho ông đem quân đi đánh dẹp quân khởi loạn và vua Lê đã chấp thuận ngay. Nguyễn Hoàng cho đốt doanh trại của mình, vượt qua hàng ngũ của những kẻ khởi loạn, ra bờ biển, lên thuyền trở về Thuận Hóa. Các nhà viết sử của họ Trịnh tin rằng Nguyễn Hoàng đã xúi giục các tướng của Trịnh Tùng khởi loạn để ông có cớ trở về Thuận Hóa. Không có bằng chứng rõ ràng nào về việc này nhưng chắc chắn là ông đã có liên lạc với những tướng khởi loạn vì họ đóng quân đúng trên con đường ông cần đi qua để rời đồng bằng sông Hồng, trở về Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng cũng làm nhiều việc để quan hệ giữa ông và cháu ông không đổ vỡ. Ông để lại Đông Đô một người con trai và một người cháu nội làm con tin và gả một người con gái cho Trịnh Tráng, con trai của Trịnh Tùng. Cả Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng đều không muốn gây chiến với nhau. Trịnh Tùng còn phải đối phó với quân Mạc, còn Nguyễn Hoàng cần có thời gian để tổ chức lãnh thổ của ông ở phương Nam trước khi từ trần…” (A history of the Vietnamese, tr. 414, 415, 419, 420)
Phim tài liệu về chúa Tiên Nguyễn Hoàng:
Video clip lăng Trường Cơ: