Quách Tấn và “Xứ trầm hương”
Quách Tấn và “Xứ trầm hương”
Quách Tấn tên thật là Quách Tấn, tự Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1910 tại Bình Định. Trong nhóm thơ Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu (4 người bạn thơ ở thành Đồ Bàn), ông cao niên hơn cả, hơn Hàn Mặc Tử 2 tuổi, hơn Yến Lan 5 tuổi, hơn Chế Lan Viên 10 tuổi... Các bạn thơ đó của ông là những cây bút kiệt xuất của phong trào Thơ Mới, nhưng Quách Tấn lại làm thơ theo lối cũ là thơ Đường luật. Người ta coi Hàn Mặc Tử là rồng, Chế Lan Viên là phượng, Yến Lan là lân, cả 3 tượng trưng cho tung hoành, đĩnh đạc thì ông tự nhận mình là rùa, tượng trưng cho chậm chạp và vất vả cho đủ long, ly, quy, phụng. Hai tập thơ đầu Quách Tấn xuất bản lúc Thơ Mới đang thắng thế hầu hết là thơ thất ngôn bát cú hoặc thơ tứ tuyệt.
Thơ Đường của Quách Tấn hàm súc và khá cầu kỳ. Trong tập thơ đầu “Một tấm lòng” (1939) do chính Hàn Mặc Tử đề tựa, Quách Tấn có cái phóng túng trong cảm hứng rất mới ngay lúc lạc hồn vào cõi xưa:
“Giấc mộng nghìn xưa đang mải mê
Vùng nghe cảm hứng báo thơ về”.
Tập thơ “Mùa cổ điển" (1941) cũng là một tập thơ Đường có những bài thơ đối ứng nghiêm túc và đài các như thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
“Gió vàng cợt sóng sông chau mặt
Mây trắng vờn cây núi bạc đầu”.
Quách Tấn từ trần ngày 21.12.1992.
Các tác phẩm:
- Xứ trầm hương (viết về Khánh Hòa - Nha Trang, quê hương thứ hai của ông)
- Nước non Bình Định
- Bước lãng du
- Bóng ngày qua (Hồi ký)
- Trường Xuyên thi thoại: Những bài thơ kỷ niệm
- Một tấm lòng
- Trăng ma lầu Việt
- Mùa cổ điển
-Đọng bóng chiều
- Những tấm gương xưa
- Lữ Đường Thi: Lữ Đường Di cảo thi tập
- Tố Như thi (dịch thơ Nguyễn Du)
“Nước non Bình Định” là tác phẩm khảo cứu về Bình Định, quê hương ông.
Tác phẩm “Nước non Bình Định”:
Con trai ông lả Quách Giao đã dựa theo những tài liệu ông đã sưu tầm về Nguyễn Huệ, người anh hùng đất võ Bình Định, để chấp bút tác phẩm “Nhà Tây Sơn”.
Tác phẩm “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn & Quách Giao:
“Xứ trầm hương”, ấn hành lần đầu năm 1969, là tác phẩm viết về Nha Trang – Khánh Hòa, quê hương thứ hai của Quách Tấn, như lời thổ lộ của ông: “Viết ‘Xứ trầm hương’, tôi chỉ làm một việc mà nhiều người có thể làm được, nếu muốn, là ghi chép lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa”.
Quách Tấn cho biết Nha Trang được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt từ khi nào: “Theo những sử liệu hiện hữu thì tỉnh Khánh Hòa ngày nay là phần đất của nước Tây Đồ Di thuở trước, sau khi bị nước Chiêm Thành thôn tính và đổi thành châu Kauthara. Tên “Cù Huân” cổ nhân dùng để gọi Khánh Hòa có lẽ do tiếng Kauthara đọc trại. Tại Nha Trang hiện còn một vùng gọi là Hà Ra. Như vậy, tiếng Kaut người Chàm ngày xưa chắc đọc na ná như tiếng Cù Huân hoặc Kaut đọc là Cù, còn Huân là tiếng người Việt thêm sau cho đẹp lời.
Tây Đồ Di bị Chiêm Thành đánh lấy lúc nào không rõ vì sách không thấy chép, còn Kauthara trở thành đất nước ta thì giữa thế kỷ thứ XVIII, thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Sử chép rằng: “Năm Quý Tỵ (1653), vua Chiêm Thành là Bà Tranh đem quân sang cướp phá đất Phú Yên. Chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần sai Hùng Lộc cử binh vào đánh dẹp. Bà Tranh đại bại, dâng thư xin hàng. Chúa để phần đất từ sông Phiên Lang, tức Phan Rang, trở vào cho vua Chiêm, còn từ Phiên Lang trở ra đến Phú Yên thì chiếm cứ, lập ra hai phủ là Diên Ninh và Thái Khang, và 5 huyện là Phước Điền, Hòa Châu, Vĩnh Xương thuộc phủ Diên Ninh, và Tân Định, Quảng Phước thuộc phủ Thái Khang. Hùng Lộc được bổ làm Thái Thú cai trị hai phủ. Dinh đóng tại Thái Khang.
Năm Canh Ngọ (1690), chúa Nguyễn Phúc Trăn đổi tên phủ Thái Khang thành Bình Khang. Nǎm Nhâm Tuất (1742), chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi tên Diên Ninh thành Diên Khánh. Từ khi Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp chúa cho đến đời Nguyễn Phúc Khoát, trải trên 150 năm, tuy làm chúa một phương, chúa Nguyễn vẫn dùng niên hiệu nhà Lê và theo chế độ phương Bắc. Năm Giáp Tý (1744), chúa Nguyễn Phúc Khoát mới xưng vương hiệu, sửa chế độ, định triều nghi, biệt lập thành một nước tự chủ. Nước tuy độc lập nhưng chưa có quốc hiệu. Người ngoại bang thường gọi là Quảng Nam Quốc.
Xứ Kauthara từ khi sát nhập vào địa đồ nước ta cho đến khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương đổi thành dinh Bình Khang, trải gần 100 năm, không xảy ra một biến cố gì quan trọng. Nhưng sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát mất (năm 1765), Định Vương Nguyễn Phúc Thuần kế nghiệp, thì trong nước sinh loạn lạc. Nhân dân phần bị bọn tham quan ô lại bóc lột, phần bị giặc cướp quấy nhiễu, không ăn yên, ở yên, nơi nơi đồ thán.
Năm Tân Mão (1711), tam kiệt đất Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy nghĩa binh đánh chúa Nguyễn. Lòng người chán nhà Nguyễn Phúc hăng hái theo về nhà Tây Sơn. Nhờ vậy, không mấy lúc, nhà Tây Sơn đã dựng nên nghiệp lớn. Năm Giáp Ngọ (1774), chúa Nguyễn bỏ thành Phú Xuân chạy vào Gia Định. Những đất đai từ Quảng Nam đến Bình Thuận đều lọt vào tay nhà Tây Sơn. Nhưng liền đó, tướng nhà Nguyễn là Tống Phúc Hạp từ đất Long Hồ kéo quân ra đánh lấy lại được dinh Bình Thuận và phủ Diên Khánh. Nguyễn Huệ hay tin cử binh vào đánh Tống Phúc Hạp. Phúc Hạp không đương nổi. Diên Khánh và Bình Thuận trở về nhà Tây Sơn.
Hai năm sau (1776), Nguyễn Huệ đem binh vào lấy thành Gia Định. Định vương Nguyễn Phúc Thuần bị giết. Nhà Tây Sơn làm chúa toàn cõi lãnh thổ của nhà Nguyễn. Gần 20 năm trời, dinh Bình Khang dưới quyền cai trị nhà Tây Sơn, được yên ổn. Nhân dân an cư lạc nghiệp. Nhưng sau khi Nguyễn Phúc Ánh được người Pháp giúp đỡ lấy lại được Gia Định rồi thì can qua nổi dậy.
Năm Quý Sửu (1793), binh Nguyễn Ánh kéo ra đánh nhà Tây Sơn, Nguyễn Văn Thành cùng Tôn Thất Hội, Nguyễn Hoàng Đức (Nguyễn Huỳnh Đức) kéo đại binh đi đường bộ, Nguyễn Phúc Ánh đem chiến thuyền đi đường thủy, kéo vào Bình Khang. Bộ binh bị chặn ở Bình Thuận. Thủy binh vào cửa Nha Trang, đánh lên Diên Khánh. Quân Tây Sơn chặn lại tại bến sông Trường Cá (tức là Phương Sài hiện thời). Hai bên kịch chiến. Người chết thuyền chìm đầy cả khúc sông. Cuối cùng, quân Tây Sơn thất bại phải bỏ Diên Khánh và Bình Khang.
Chiếm được dinh Bình Khang, Nguyễn Phúc Ánh lo việc phòng thủ. Nhận thấy đại thế phủ Diên Khánh hiểm trở, bèn cho xây thành, đào hào tại phủ lỵ để làm tổng hành dinh, và cất trại lập xưởng ở dãy núi gần bến Trường Cá ở Nha Trang để đóng tàu bè và giữ mặt biển. Thành Diên Khánh đắp xong, Nguyễn Phúc Ánh giao cho Nguyễn Văn Thành trấn thủ. Sau cho hoàng tử Cảnh lại ra thay.
Thành đắp kiên cố, phòng thủ cẩn mật. Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu kéo quân vào đánh hai lần, năm Giáp Dần (1794) và năm Ất Mão (1795), mà không hạ được. Vì vậy, từ khi Nguyễn Phúc Ánh đắp thành Diên Khánh thì dinh Bình Khang vĩnh viễn thuộc về nhà Nguyễn…” (phần thứ nhất: Lịch sử)
Quách Tấn cũng cho biết tên gọi Nha Trang từ đâu mà có: “Khánh Hòa có nhiều sông. Có hai con sông đáng kể, từ Bắc vào Nam, là sông Dinh và sông Cù.
Sông Dinh: Trong “Ðại Nam Nhất Thống Chí” ghi là sông Vĩnh Phú nên gọi là Vĩnh An. Ðó là con sông chảy ngang qua quận lỵ Ninh Hòa nên cũng thường gọi là sông Ninh Hòa. Vĩnh An, Vĩnh Phú, Vĩnh Hòa là tên đất mượn đặt cho sông vì sông chạy qua địa phận. Còn tên sông Dinh do đâu mà ra? Nguyên từ khi đất Kauthara của Chiêm Thành về ta, cơ quan cai trị đều đóng tại Bình Khang, cho đến đời nhà Nguyễn Trung hưng mới dời vào Diên Khánh. Dinh quan trấn thủ đóng trong vùng Ninh Hòa hiện tại. Nhân sông chạy qua trước Dinh, người địa phương mới gọi là sông Dinh cho gọn.
Sông Cù: Tức là sông Nha Trang. “Ðại Nam Nhất Thống Chí” chép là sông Phú Lộc. Sông dài chừng 60 cây số, chảy qua hai quận Diên Khánh và Vĩnh Xương. Sông có nhiều nguồn. Nguồn thì chính Tây chảy xuống, như nguồn Gia Lai, nguồn từ sông Máu. Nguồn từ Tây Bắc chảy vô như nguồn Gia Toui. Nguồn thì Tây Nam chảy ra như nguồn Gia Lê, v.v. Các nguồn hầu hết đều gặp nhau tại Thạch Trại, quận Diên Khánh. Hình giống như một cây quạt sè. Tại Thạch Trại, nước các nguồn nhập lại, chảy về Ðông, thành con sông Cái, từ sông Cù, tức sông Nha Trang…
Từ Ngọc Hội trở lên là trung lưu sông Nha Trang. Từ Ngọc Hội trở xuống là hạ lưu. Tên Nha Trang, trên thực tế, chỉ dùng để gọi khúc sông từ Ngọc Hội chảy xuống biển. Sông qua thôn nào thì mang tên thôn ấy. Nhưng trong sách xưa như “Ðại Nam Nhất Thống Chí”, thường gọi là sông Phú Lộc vì sông chảy qua làng Phú Lộc, mà làng Phú Lộc trước kia là một làng có nhiều nhân vật hữu danh và thịnh vượng nhất vùng Vĩnh Xương Diên Khánh. Sách địa lý ngày nay thường dùng tên Nha Trang mà gọi sông. Anh chị em bình dân thì gọi là sông Cái. Còn khách hàn mặc thì gọi là Cù Giang, tức sông Cù. Theo các vị cố lão ở Khánh Hòa thì Nha Trang là tên kỳ cựu của con sông. Nha Trang do tiếng thổ âm của người Chiêm Thành mà đọc trại ra. Tiếng đó là Ea Tran hay Yjatran. Ea hay Yja là nước, là sông. Tran là lau lách. Gọi như vậy là vì xưa kia, hai bên sông lau lách mọc đầy… Nha Trang vốn là tên con sông. Khi người Pháp đánh chiếm Khánh Hòa xong, mới lấy làm tên thành phố hiện tại. Nói tóm lại, dùng tên Nha Trang làm tên chính thức để gọi con sông Cù, tưởng đích đáng hơn tên nào hết…” (Xứ trầm hương, tr. 98-106)
Tác phẩm “Xứ trầm hương”:
Ảnh: Nhà thơ Quách Tấn và tác phẩm “Xứ trầm hương”
Last updated
Was this helpful?