Tả quân Lê Văn Duyệt và “Trung hưng đệ nhất võ công | Huỳnh Duy Lộc
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Tả quân Lê Văn Duyệt và “Trung hưng đệ nhất võ công | Huỳnh Duy Lộc
Sử gia K. W. Taylor đã viết về Tả quân Lê Văn Duyệt: “Nguyễn Ánh có nhiều vị tướng tài ba, nhưng không có ai ở lại với ông lâu bằng Lê Văn Duyệt (1764-1832). Lê Văn Duyệt quê gốc ở Quảng Ngãi, nơi Nguyễn Cư Trinh phục vụ chúa Nguyễn vào thập niên 1750, một vùng đất nổi tiếng vì tình trạng nghèo khó và vô pháp. Tương truyền, khi sinh ra, ông không có tinh hoàn và đã có thời gian làm thái giám tại Gia Định. Ông xuất hiện lần đầu tiên trong hàng ngũ của Nguyễn Ánh vào thập niên 1770, trong những năm chiến đấu và chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn ở Gia Định. Ông nổi tiếng là người khắc khổ, không có óc khôi hài và dễ nóng giận với các bạn đồng liêu và rất nghiêm khắc với thuộc cấp. Tuy nhiên, qua nhiều năm, ông tập hợp được một “gia đình” gồm những người có tài ông nhận làm con nuôi và ông rất mực trung thành với Nguyễn Ánh. Dù đã tham gia nhiều chiến dịch quân sự những năm trước đó, đến năm 1799, ông mới nổi lên như là một vị tướng chỉ huy có tài mà Nguyễn Ánh rất trông cậy trong những năm cuối cùng của cuộc chiến với Tây Sơn
Mùa xuân năm 1799, Nguyễn Ánh cho đội chiến thuyền và các thuyền hậu cần tiến ra Nha Trang. Sau khi tham khảo ý kiến của hoàng tử Cảnh khi ấy đang ở Nha Trang, ông ra lệnh cho binh lính trên bộ tiến ra Phú Yên và Chà Bàn. Ông đi thuyền ra chiếm cảng Qui Nhơn và sai Lê Văn Duyệt ra phía Bắc Bình Định (Chà Bàn) để ngăn quân Tây Sơn tiến về phía Nam. Lê Văn Duyệt liên kết được với các thủ lĩnh Ede và họ giúp ông chặn các đường đèo giữa Quảng Ngãi và Bình Định. Quân Tây Sơn đi thành hai hàng qua đèo. Một hàng quân Tây Sơn đã kinh hoảng khi những người lính đi đầu kêu lên “Nai” khi nhìn thấy một đàn nai. “Nai” vừa là từ chỉ con nai, vừa là tiếng lóng để chỉ quân Gia Định ở Đồng Nai. Mấy tiếng “nai, nai” lan truyền làm cho quân Tây Sơn kinh hãi tháo chạy…” ( A History of the Vietnamese, tr. 391)
Võ công oanh liệt nhất của Lê Văn Duyệt là trận thuỷ chiến ở đầm Thị Nại (Qui Nhơn). Năm 1801, Lê Văn Duyệt lập được công lớn trong trận phá tan thủy quân Tây Sơn tại đầm Thị Nại, một trận đánh quyết định, được nhà Nguyễn xếp vào loại “Trung hưng đệ nhất võ công”.
Trận Thị Nại (1801) là trận thủy chiến ác liệt nhất, trận thư hùng quyết định trong cuộc chiến giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh (1787-1802). Tại đây thủy quân Gia Định do chúa Nguyễn Ánh trực tiếp chỉ huy đã đánh tan hạm đội Tây Sơn do Tư đồ Vũ Văn Dũng chỉ huy. Trận đánh được sử sách nhà Nguyễn coi là “võ công đệ nhất” trong thời Trung hưng của nhà Nguyễn.
Sách “Đại Nam Thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Thủy quân cả phá quân giặc ở cửa Thị Nại. Trước là Tư đồ giặc Võ Văn Dũng dùng hai chiếc thuyền đại hiệu Định quốc và hơn trăm chiếc thuyền chiến chặn đóng ngang cửa biển, lại dựng hai bảo ở bãi Nhạn Châu bên tả và ở núi Tam Tòa bên hữu cửa biển, đặt nhiều súng lớn, dựa thế cao chẹn chỗ hiểm để chống quân ta. Đến đây các quân làm xong chiến cụ hỏa công, vua mật định đêm hôm 16 cất quân đánh úp. Sai Tiền chi Hoàng Văn Khánh đem bộ binh lẻn xuống Da Áo [Vũng Dừa], chờ khi hiệu lửa ở Tiêu Cơ phát thì đánh hãm lũy giặc, đặt mai phục ở sau núi để ngăn giặc. Lưu Phạm Văn Nhân giữ Cù Mông. Vua bèn thân đem thủy quân tiến phát. Trống canh ba qua Tiêu Cơ, bắt được lính đi tuần của giặc, biết được khẩu hiệu, tức thì sai Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương dùng thuyền nhỏ lẻn trước vào Hổ Cơ đốt đồn thủy của giặc. Lại sai Võ Di Nguy đi thuyền chấp lệnh thẳng tiến, Lê Văn Duyệt đốc quân tiếp theo. Giặc giữ bảo cự chiến, từ giờ Dần đến giờ Ngọ, tiếng súng vang trời, đạn bay như mưa. Di Nguy bị bắn chết. Duyệt cứ mặc kệ, càng thúc đánh hăng. Vua thấy sĩ tốt nhiều người tử thương, cho tiểu sai đến dụ cho tam lui. Duyệt thề chết, vẫy quân xông lên, giờ thân vào được cửa biển, dùng đuốc hỏa chiến thừa chiều gió phóng đánh thuyền đại hiệu của giặc. Quân Tây Sơn cả vỡ, chết rất nhiều. Dũng thua chạy. Thuyền Tây Sơn bị đốt cháy gần hết. Quân ta bèn giữ cửa Thị Nại. Người ta khen trận này là võ công to lớn nhất”.
Sử gia Tạ Chí Đại Trường mô tả:
“Chiến trận xảy ra vào đêm 16 tháng giêng Tân Dậu (28-2-1801). Tiền chi Hoàng Văn Khánh đem bộ binh lén đến Vũng Dừa đợi ở Tiêu Cơ lửa cháy thì tiến lên công hãm trại giặc và đi vòng núi mai phục để cản tiếp viện (theo vùng đèo Son bây giờ?). Quân Nguyễn qua Tiêu Cơ bắt được thuyền tuần Tây Sơn, truy ra khẩu hiệu. Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương bèn đem thuyền nhỏ nhắm Hổ Cơ xông vào, đốt thiêu thủy đồn làm hiệu.
Và trận tấn công bắt đầu. Theo Le Labousse, quân Nguyễn chỉ dùng có 4.000 người trên 26 ghe chiến và 100 thuyền nhỏ. Lúc đó quân Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương đã đổ bộ rồi. Các ghe chiến còn lại chở ông Tổng thủy “to họng” Võ Di Nguy đi trước.
Quân lính “thừa đêm tối và gió xuôi, tiến vào tàu thứ nhất, nhảy lên đốt phá. Họ xông vào cửa biển, ném vung các bó đuốc và đổ dẫn hỏa ra”. Thế rồi trận đánh trở nên dữ dội. Quân Tây Sơn từ trên núi và từ các tàu bắn vãi đến. Hà tiện lời như sử quan mà cũng tả ra là “tiếng súng vang trời, đạn bay như mưa”. Võ Di Nguy trúng đạn ngã lăn ra chết. Lê Văn Duyệt không quay đầu lại, đánh mạnh hơn đến Nguyễn Ánh bảo lùi cũng không chịu. Đám sĩ quan Tây phương: Chaigneau, Vannier, de Forçan đưa các ghe chiến vào rồi quay lại bảo vệ Nguyễn Ánh khi trận chiến xảy ra. Nhưng nóng lòng, sốt ruột, máu chiến sĩ nổi lên, de Forçan lẻn đi trong đêm tối, tự mình đốt được 7 ghe chiến địch. Chiến trận kéo dài 3 giờ sáng đến đứng trưa 1-3-1801 (“Dần tới Ngọ” của Thực lục). Thuyền Tây Sơn cháy tan, nhưng họ còn cố chống giữ trong các giàn súng tới khi cuối cùng đám cháy lan đến các thùng thuốc súng làm nổ tung hết lên. Như lời Chaigneau báo cho Barizy biết chiến thắng, “ta đốt hết cả thủy quân giặc, không sót một chiếc thuyền nhỏ nào”.
Ông thấy rằng “người Nam chưa bao giờ phải đánh trận dữ dội như vậy” và sử quan cũng không quên kết luận: “Người ta gọi trận này là đệ nhất võ công”.
HUỲNH DUY LỘC