Khánh Ly và “Tình yêu như bóng mây”
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Khánh Ly và “Tình yêu như bóng mây”
Năm 1954, khi mới lên 9 tuổi, Khánh Ly theo mẹ di cư vào Nam và bắt đầu sự nghiệp ca hát khi mới 17 tuổi. Từ năm 1962, cô hát cho phòng trà Anh Vũ tại Sài gòn rồi từ tháng 11 năm 1962 lên Đà Lạt hát cho một night club (hộp đêm) ở đầu con dốc dẫn vào Trại Hầm. Cô đã ở Đà Lạt suốt 5 năm và có rất nhiều kỷ niệm với thành phố cao nguyên này:
“Đà Lạt không xa lạ lắm với tôi, năm 1956, bố tôi làm việc tại thành phố này, từ khu Chi Lăng, mỗi ngày tôi đi bộ đến trường Phan Chu Trinh nằm ngay ngã tư đường Nguyễn Du và Trần Hưng Đạo. Trò chơi thuở nhỏ của tôi là chui vào những bụi rậm hái hoa hoặc men theo ven hồ Chi Lăng mò ốc. Về đến nhà thì chui vào cái rãnh nhỏ quanh nhà, đắp đất trồng rau. Tôi không có búp bê, không có những cuốn sách hình, không có bạn. Tôi sống lủi thủi một mình, lủi thủi chơi một mình. Đầy mặc cảm ở cái tuổi 12. Gia đình tôi ở Đà Lạt một năm, lại trở lại Sài gòn. Nhưng cái thành phố núi đồi trùng điệp, những buổi sáng sương mù rét mướt lội bộ đến trường, co ro trong chiếc áo len, đã nằm gọn trong khối óc bé nhỏ của tôi. Do đó, khi bà chủ Night Club Đà Lạt về Sài gòn tìm ca sĩ lên hát cho nhà hàng của bà, tôi đã không ngần ngại nhận lời.
Một ngày tháng 11 năm 1962, tôi rời Sài gòn. Chiếc xe đò Minh Trung đưa tôi lên vùng cao nguyên Đà Lạt thơ mộng, nơi mà mọi người vẫn xưng tụng là Hoàng triều cương thổ. Cùng đi với tôi là nữ ca sĩ Ngân Hà và bà chủ Night Club Đà Lạt. Năm đó, tôi 17 tuổi.
Đến Đà Lạt rồi tôi không còn nhìn thấy chỗ nào đáng yêu bằng, dù sau đó tôi phải rời xa. Cho nên bạn tôi, ông Kiêm Thêm, cổ thụ Đà Lạt, thường nói đó là thiên đường lỡ”.
Cô đã sống ở Đà Lạt suốt 5 năm và có nhiều kỷ niệm với thành phố cao nguyên này như lời kể của cô: “Tôi nhớ cái dốc cao từ Nhà thờ Chánh tòa dẫn xuống hồ Xuân Hương. Những con đường nhỏ ở cái thành phố có những cô gái má hồng như màu hoa đào. Thành phố có những cơn mưa bụi bất ngờ chưa bao giờ làm bước chân tôi nhanh hơn và tôi tìm cho mình một chỗ ngồi nhàn nhã nhìn cà phê nhỏ từng giọt, nhàn nhã nhìn mọi người bước đi trên hè phố. Không ai vội vã cả…” (Bài tình ca nhỏ)
Cô còn kể: “Lúc đó, tôi ở Đà Lạt hay đi hát cho vũ trường. Bà chủ vũ trường mướn thêm một căn nhà để các chị vũ nữ ở. Nhiều người từ các tỉnh khác lên Đà Lạt làm việc, không có chỗ ở thì bà chủ mướn một căn cho họ.
Nhiều khi tôi hát xong cũng ngủ lại đó, tôi sống với các chị vũ nữ cũng nhiều lắm và học được rất nhiều ở các chị.
Ở Đà Lạt hồi đó cũng có dân anh chị, nhưng không phải giang hồ như bây giờ. Mấy anh chị đó rất thương, quý ca sĩ, vũ nữ. Họ gần như bảo vệ ca sĩ chúng tôi. Ví dụ, chúng tôi đi hát mà gặp khách say rượu làm càn hay có chuyện gì xảy ra thì mấy anh chị đó nhảy vào cứu giai nhân liền. Đối với tôi, họ là những người rất dễ thương.
Những người giang hồ thời đó sống với chúng tôi có cái tình, bảo vệ chúng tôi mà không bao giờ đòi hỏi cái gì. Họ có thể mời mình một tô phở nhưng không bao giờ để mình phải mời lại họ.
Đà Lạt hay lắm, tôi có nhiều kỷ niệm đẹp tại đây. Con người Đà Lạt hiền lành, thương nhau, bảo vệ nhau”.
Với nhiều kỷ niệm về Đà Lạt với những nơi chốn quen thuộc như Nhà thờ Con gà (Nhà thờ Chánh tòa) hay quán cà phê Tùng - nơi cô “nhàn nhã nhìn cà phê nhỏ từng giọt, nhàn nhã nhìn mọi người bước đi trên hè phố” - cô đã có nhiều cảm xúc để thể hiện ca khúc “Tình yêu như bóng mây” của nhạc sĩ Song Ngọc.
Song Ngọc đã viết một ca khúc về một mối tình nhẹ nhàng như sương khói giữa một chàng trai ở Đà Lạt và một cô gái đến từ một thành phố ở đồng bằng. Có sự thay đổi chủ thể trữ tình trong ca khúc này: người nói lên tâm tình khi xa rời thành phố sương mù là cô gái chứ không phải chàng trai, tức tác giả Song Ngọc trong đời thật. Theo lời kể của Song Ngọc, ca khúc này có những giọt nước mắt của chính ông: “Khi đó (năm 1971-1972), tôi đi học và ở trọ nhà của thiếu tá, thi sĩ Tô Kiều Ngân. Tôi viết 2 bài, ‘Tình yêu như bóng mây’ và ‘Chẳng làm sao’ phổ thơ của Phan Khôi. ‘Tình yêu như bóng mây’ có những chi tiết là thật. Ví dụ như cái nhà thờ mà ‘tôi cúi đầu từ giã Đà Lạt ơi’ là nhà thờ Con gà tại Đà Lạt. Bài này thật sự có nước mắt của tôi…”
Lời của ca khúc “Tình yêu như bóng mây” là tâm tình của một cô gái phải giã từ thành phố sương mù thân thuộc với “ngàn thông buồn”, “ngôi giáo đường lặng đứng suy tư” và hình ảnh lãng đãng chưa phai mờ của hai người yêu nắm tay nhau đi trên những con đường mù sương trong những buổi sớm mai hay những lúc chiều tà. Một mai kia, khi đã về một phương trời khác, cô sẽ nhớ khôn nguôi hình ảnh đã xa mờ của một người còn ở lại thành phố sương mù và xót xa với biết bao kỷ niệm của một tình yêu thoáng qua như bóng mây:
Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Thành phố này xin trả lại cho anh
Ngàn thông buồn chiều nay im tiếng
Ngôi giáo đường lặng đứng suy tư
Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Đồi núi buồn xin gởi lại cho anh
Và con đường mù sương giăng mắc
Hai đứa hôm nào lạnh buốt trong tình yêu
Rồi mai tôi sẽ xa
Tình yêu như bóng mây
Tình yêu cơn gió bay hương thời gian phai
Rồi mai tôi cố quên
Người đi như bóng chim
Người đi đâu dễ quên kỷ niệm đau thương
Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Thành phố chiều sương khói buồn riêng em
Còn bao điều sao anh không nói
Tôi cúi đầu từ giã Đà Lạt ơi...
Ca khúc "Tình yêu như bóng mây” với giọng ca Khánh Ly:
Ca khúc “Tình yêu như bóng mây” với giọng ca Khánh Ly: