Khánh Ly và “Ai lên xứ hoa đào”
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Khánh Ly và “Ai lên xứ hoa đào”
Ca sĩ Khánh Ly về nước thực hiện chương trình biểu diễn xuyên Việt, show diễn ở Đà Lạt vào ngày 25.6.2022 sẽ là show mở màn vì nơi đây, cô đã gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (năm 1965), từ đó được đông đảo công chúng biết đến. Đêm nhạc còn có sự góp mặt của ca sĩ khách mời Mỹ Linh và MC Trác Thúy Miêu, MC Tùng Leo.
Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh năm 1945 tại Hà Nội. Khi còn ở Hà Nội, dù chưa tới 9 tuổi, cô đã tham dự một cuộc thi hát với bài “Thơ ngây" của nhạc sĩ Anh Việt, nhưng không được giải. Năm 1954, cô theo mẹ di cư vào Nam và bắt đầu sự nghiệp ca hát, hát cho phòng trà Anh Vũ tại Sài gòn rồi từ tháng 11 năm 1962 lên Đà Lạt hát cho night club (hộp đêm) Hôtel du Parc. Cô đã ở Đà Lạt suốt 5 năm - từ năm 1962 tới năm 1967 - và có rất nhiều kỷ niệm với thành phố này: “Tôi nhớ cái dốc cao từ Nhà thờ Chánh toà (Nhà thờ Con gà) dẫn xuống hồ Xuân Hương. Những con đường nhỏ ở cái thành phố có những cô gái má hồng như màu hoa đào. Thành phố có những cơn mưa bụi bất ngờ chưa bao giờ làm bước chân tôi nhanh hơn và tôi tìm cho mình một chỗ ngồi nhàn nhã nhìn cà phê nhỏ từng giọt, nhàn nhã nhìn mọi người bước đi trên hè phố. Không ai vội vã cả…” (Bài tình ca nhỏ) hay “Đáng yêu biết bao những ngày tháng sống lãng đãng như mây trời, biển khơi. Phà khói thuốc vào sương mù Đà Lạt. Buổi sáng thức dậy ngửi mùi thơm của thông. Nghe thông reo nhè nhẹ. Mặc áo len cổ tròn, quàng cổ, quần jean, thế là xuống phố. Xe đò, xe lam từ hướng Chi Lăng chạy ra. Bước lên xe ngồi xuống. Bao giờ tôi cũng ngồi ngoái lại trường tiểu học Phan Chu Trinh nằm bên kia đường. Tôi đã học ở đây năm 1956. Xe qua nhà vãng lai dành cho các sĩ quan Không quân nghỉ mát. Qua ga xe lửa. Đổ một con dốc. Rồi một con dốc nhỏ nữa, qua nhà thương Soyer, trường Yersin. Xe cứ chạy. Bên trái là sân vận động, sân tennis. Khách sạn Palace. Đường rẽ lên Nhà thờ chánh tòa Đà Lạt. Bên phải là hồ Xuân Hương. Vòng theo một bùng binh. Ngang qua khu quân vụ thị trấn, xe đò lên dốc. Vào bến đậu ngay cạnh café Tùng. Vào làm một ly đã. Mọi chuyện tính sau. Ngày nào cũng thế, năm nào cũng thế. Không thay đổi…” (Đằng sau những nụ cười).
Năm 1965, cô gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại hộp đêm Hôtel du Parc ở Đà Lạt; anh mời cô về Sài gòn đi hát với anh, nhưng cô đã từ chối vì không muốn rời xa Đà Lạt. Năm 1967, cô tình cờ gặp lại anh trên đường Lê Thánh Tôn tại Sài gòn và từ đó, cô cùng anh trở thành một hiện tượng của nền tân nhạc Việt Nam. Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã có những buổi trình diễn ngoài trời cho sinh viên tại quán Văn trên bãi đất rộng sau Trường Đại học Văn khoa Sài gòn. Hai người lại tiếp tục trình diễn khắp nơi, trên sân cỏ của những trường đại học và Khánh Ly đã được mệnh danh là "Nữ hoàng chân đất". Từ năm 1967 đến năm 1975, cô thu âm nhiều bài hát trong các dĩa nhạc của các hãng dĩa như Việt Nam, Sóng Nhạc, Tình Ca Quê Hương, Dư Âm, Nhạc Ngày Xanh, Continental và những chương trình nhạc Phạm Mạnh Cương, Trường Sơn, Sơn Ca, Họa Mi, Jo Marcel.... Năm 1970, chiến tranh lan rộng, Trịnh Công Sơn viết nhiều ca khúc phản chiến được cô hát trong những cuốn băng “Hát cho quê hương Việt Nam”.
Sau năm 1975, cô rời Việt Nam, định cư tại Cerritos, California (Mỹ). Năm 1985, cô cùng chồng là nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan mở hãng băng dĩa Khánh Ly Productions. Trong gần 30 năm, Khánh Ly Productions đã cho ra mắt hơn 30 album ca nhạc (hơn 30 băng nhạc hay CD), trong đó có 12 album nhạc Trịnh Công Sơn (8 album theo chủ đề và 4 album “Ca khúc da vàng”) gồm những ca khúc của Trịnh Công Sơn thu âm lại với cách hòa âm mới của nhạc sư Lê Văn Thiện và nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.
Băng video “Một đời Việt Nam” kể về hành trình âm nhạc của Khánh Ly, cho thấy hình ảnh của Đà Lạt:
Khánh Ly đã trình bày 5 ca khúc về Đà Lạt là “Nhớ về Đà Lạt” của Hoàng Trọng, “Thung lũng hồng” của Phạm Mạnh Cương, “Còn nắng trên đồi" của Lê Uyên Phương, "Tình yêu như bóng mây” của Song Ngọc và "Ai lên xứ hoa đào" của Hoàng Nguyên.
“Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên là ca khúc thể hiện trọn vẹn nhất tình yêu dành cho Đà Lạt của một người đã thật sự gắn bó với phố núi có sương mù và sắc thắm của hoa đào, lời ca là lời nhắn nhủ khách phương xa mới đặt chân đến đây lần đầu:
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôị
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thợ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân aị
Ðường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nàọ
Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,
Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
Mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng dụ
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
Ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” với giọng ca Khánh Ly (trong album "Thành phố buồn" của Ngọc Minh, video clip của anh N Duy Nguyên Saigon):