Người Hoa tại Việt Nam và tương quan Hoa–Việt | Trần Giao Thủy
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Người Hoa tại Việt Nam và tương quan Hoa–Việt
Người Trung Quốc là giống dân đã có lịch sử di cư lâu đời. Họ di cư đi sinh sống tại nhiều nơi, từ các quốc gia gần Trung Quốc ở vùng Đông Nam châu Á đến các nước Tây Âu, Bắc và Nam Mỹ và châu Phi. Tại Nga cũng có một số không nhỏ người Hoa.
Không như ở các quốc gia khác trên thế giới hay cả với những nước trong vùng Đông Nam châu Á, tại Việt Nam, vì hoàn cảnh địa chính trị − sông núi và biển liền với Trung Quốc, cùng với lịch sử ngàn năm phải tìm cách sống chung hay đem máu xương giữ gìn độc lập với láng giềng khổng lồ phương Bắc ‒ cộng đồng sắc tộc Việt gốc Hoa, người Hoa, và Hoa kiều đã là một nhân tố phức tạp có ảnh hưởng không nhỏ trong tiến trình xây dựng đất nước.
Đã có rất nhiều người Trung Quốc tị nạn chính trị trong vùng miền Bắc Việt Nam vào năm 214 trước công nguyên, khi nhà Tần đánh bại Bách Việt (Hundred Yue) và lập 3 Châu ở phương Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, và Bắc Việt Nam. Nhà Tần kéo dài được 1/2 thế kỷ. Trong thời loạn ở phương Bắc Trung Quốc, Triệu Đà (Zhao Tuo) một viên tướng nhà Tần từ tỉnh Hà Bắc (Hebei) được cử xuống cai quản 3 quận ở phương nam (1). Triệu Đà dùng kế (chuyện Trọng Thủy‒Mỵ Châu), đánh chiếm Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán, rồi xưng là Triệu Vũ Vương và đặt tên nước là Nam Việt gồm hai quận Cửu Chân và Giao Chỉ. Kể từ đó, nhiều làn sóng người Trung Quốc, gồm nhiều thành phần từ lính, quan, dân, tội phạm… đã đến sinh sống, kết hôn với người Việt và con cháu họ trở thành người Việt Nam.
Luong Nhi Ky trong luận án Tiến sĩ, không xuất bản, tại University of Michigan, 1963, Người Hoa tại Việt Nam, cho biết dân số người Hoa tăng gấp đôi trong 17 năm, 1889-1906, lên đến 120.000 người ở Nam Kỳ (Cochinchina) và có gần 1,2 triệu người Hoa di cư sang Việt Nam, cùng lúc khoảng 850.000 người Hoa hồi cư về lại Trung Quốc. Cũng theo thống kê của Ky Luong Nhi, dân số người Hoa tại Việt Nam tăng từ 100.000 đến 1 triệu người trong khoảng từ 1910 đến 1950. Năm 1952 có khoảng 1,5 triệu người Hoa trong tổng số 25 triệu người trên toàn quốc, 6% (2).
Số người Hoa vào Việt Nam nhiều nhất trong khoảng 1935 đến 1950, thời Trung Quốc loạn lạc vì chính biến. Vì hoàn cảnh địa lý, người Hoa ở Việt Nam và đất Việt đã là lực lượng trừ bị và căn cứ của Trung Quốc trong phong trào chống nhà Mãn Thanh ở đầu thế kỷ thứ 20 cũng như những cuộc nổi dậy thất bại chống lại quân Nhật của Bác sĩ Tôn Dật Tiên, trước năm 1911, đã có rất nhiều người Việt gốc Hoa tham dự và căn cứ nằm trong nội địa Việt Nam. Người Hoa tại Việt Nam đã góp nhân lực và vật lực vào suốt cuộc chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc. Tại Đà Nẵng, La Hối (La Doãn Chánh, Lou Yunzheng) là người đứng đầu một nhóm Hoa kiều theo Trùng Khánh trong Trung Hoa Quốc Dân Đảng. La Hối và 9 nghĩa sĩ khác đã bị quân Nhật xử tử tại chân núi Phước Tường ngày 2 tháng 4, năm 1945 (3).
Nhiều nguồn thống kê khác nhau cho thấy khoảng 400.000 người, 1/3 số người Hoa ở Việt Nam trong thập niên 1950, là người Hoa sinh ở nước ngoài.
Đến thập niên 1970, thống kê về số người Hoa ước lượng khoảng là 1,55 triệu người tại Việt Nam, 360.000 người ở Cambodia và hơn 100.000 người ở Laos. Theo thống kê của Zhang Wenhe, Liang Ming, Cai Tian, Overseas Chinese Yearbook 1972, Overseas Chinese Economy Yearbook 1975-1976, William E. Wilmott, dân số người Hoa phân loại theo tiếng nói theo bảng sau đây (4).
Bang hội của người Hoa đã có ở Việt Nam từ đời nhà Minh (1368–1644). Khi nhà Minh sụp đổ những người Hoa không thần phục nhà Thanh (1644–1912) bỏ quê hương di cư đi sinh sống ở xứ khác kể cả Việt Nam. Dấu tích văn hóa người Hoa tại Đà Nẵng, điển hình là cái hội quán của những bang người Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ và Hải Nam. Trong Nam, chùa Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Miếu) ở Chợ Lớn, bên cạnh Tuệ Thành Hội Quán (huiguan) của người Hoa gốc Quảng Đông, được xây cất từ khoảng 1760.
Ít nhất từ thời Vua Gia Long, người Hoa di cư ở Việt Nam đã tổ chức thành bang, theo ngôn ngữ nói, như Hoa kiều ở Singapore ở thế kỷ thứ 19. Những cơ sở của bang là những hội quán và hội đoàn sinh hoạt theo nguồn gốc, quan hệ gia đình hay ngành nghề. Hội quán và bang là hai nhóm chữ đồng nghĩa.
Một trong những sinh hoạt phổ quát nhất tại các bang/hội quán người Hoa là lớp dạy tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến, Hẹ, Triều Châu hay Hải Nam và tổ chức thờ cúng tưởng nhớ Bà Thiên Hậu, Quan Công, Ông Phước Đức, cúng cô hồn, cúng ông Táo, ông Lộc, ông Thổ Địa, Trung Thu và Tết Nguyên Đán.
Trong quá khứ bang/hội quán là phương tiện giúp di dân người Hoa rút ngắn đoạn đường nhiều trở ngại để hội nhập vào xã hội Việt Nam. Bang cũng còn là nơi cho nhóm di dân mới nương tựa, tương trợ lẫn nhau về mặt tinh thần và an sinh xã hội. Ngày nay những người gốc Hoa (ở Hội An) là người Việt tại một xứ sở đã chuyển minh thay đổi ở mặt kinh tế − từ một thành phố cảng trở thành một địa danh nổi tiếng với du khách thế giới − và ở mặt chính trị xuyên qua các thời quân chủ, thuộc địa, và thay đổi ý thức hệ. Thay đổi những nối kết về văn hóa và tôn giáo, xã hội và tài chính đã thích ứng với thay đổi của xã hội địa phương. Hội quán tiếp tục là nơi giữ mối liên hệ sinh quán (tổ tiên) của người Việt gốc Hoa tại Việt Nam − cùng lúc phát triển quan hệ gần gũi hơn với cộng đồng người Việt Nam nói chung và giữ mối thâm tình trong cộng đồng người Việt gốc Hoa, và cũng là giây liên lạc giữa cộng đồng này với cộng đồng người Hoa khắp nơi trên thế giới. (5)
Tư cách pháp nhân
Cộng đồng người nói tiếng Hoa tại Việt Nam là những ai? Họ là dân Việt gốc Hoa hay Hoa kiều? Theo định nghĩa Hoa kiều là những người Trung Quốc và con cháu của họ đang sống ngoài sự quản lý của hai nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC, Trung Quốc) và nước Cộng hòa Trung Hoa (ROC, Taiwan).
Ở Việt Nam danh xưng và tính pháp nhân của người Hoa phức tạp hơn. thay đổi theo lịch sử phát triển và nhiều nguyên nhân khác. Trước năm 1975, Người Hoa ở hai miền Nam Bắc Việt Nam với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) theo chủ nghĩa Marxist như Trung Quốc. Tại miền Nam, người Hoa sống trong một chế độ Cộng hòa, tương tự như tại Taiwan.
Trước 1954
Ngược dòng lịch sử, năm 1671, Mạc Cửu và gia đình đến khai khẩn, phát triển vùng đất Mang Khảm − Hà Tiên ngày nay (lúc đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của vương quốc Khmer) thành một khu vực buôn bán giàu có. Mạc Cửu mở rộng quyền kiểm soát ra các vùng lân cận, và quy thuận chúa Nguyễn.
Năm Kỷ Mùi 1679 Tổng binh thành Long Môn tỉnh Quảng Tây tên là Dương Ngạn Địch, Phó tướng Huỳnh Tấn (Hoàng Tiến) và Tổng binh châu Cao, châu Lôi và châu Liêm tỉnh Quảng Đông là Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình cử binh chống đánh nhà Thanh nhằm khôi phục nhà Minh (bị nhà Thanh tiêu diệt hoàn toàn vào năm 1766) không địch nổi, hai Tổng binh đem tướng sỹ xuống thuyền chạy sang hải phận nước Nam, ban đầu cầu cứu Chúa Trịnh, sau đó dẫn tuỳ tùng quân lính theo đường thuỷ đến Đà Nẵng đầu hàng Chúa Nguyễn và xin Chúa Nguyễn nhận làm dân Việt. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần cho họ vào miền Nam khai khẩn đất hoang Dương Ngạn Địch và Huỳnh Tấn theo dòng sông Cửu Long dựng doanh trại ở Định Tường (Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang), Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ ngược dòng sông Đồng Nai cắm trại ở đất Ban Lân Cù Lao Phố (Biên Hòa), và Đông Phố (Gia Định) chuyên lo việc thương mãi và canh nông. (Trích Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia).
Tháng Năm 1782 quân Tây Sơn dưới sự điều khiển của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đưa 100 chiến thuyền tấn công Cần Giờ, ngược dòng sông vào đánh đuổi Nguyễn Ánh và chiếm Sài Gòn. Tại Chợ Lớn, khu phố người Hoa gầy dựng từ 1778, quân Tây Sơn đã thiêu hủy, san bằng khu thương mại và giết hơn 10.000 người Hoa tại đây. Có ba giả thuyết về cuộc thảm sát này. Thứ nhất, theo Lê Thanh Khôi, để xóa bỏ độc quyền thương mại của Hoa kiều tại Việt Nam; thứ hai, theo Phan Huy Lê, để trả thù người Hoa vì Lý Tài, một thương gia kiêm hải tặc người Hoa đồng thời cũng là 1 chỉ huy trong lực lượng Hải quân Tây Sơn, đã tham gia đảo chính Tây Sơn tại Phú Xuân, thất bại bỏ vào Nam theo Nguyễn Ánh; Thứ ba theo Đai Nam Thực Lục, Nguyễn Nhạc trả thù cho cận tướng bị quân người Hoa của Nguyễn Ánh giết (6).
Trước thời Pháp thuộc tư cách pháp nhân của người Hoa không phải là quan tâm của các vương triều Việt Nam. Khái niệm và quốc tịch trong phạm vi pháp luật chưa rõ ràng và việc quản lý kiều dân chưa trở thành hệ thống. Quan hệ giữa người Hoa và nhà cầm quyền Việt Nam thời đó đặt trên thế lưỡng lợi; Người Hoa phát triển thương mại, vua chúa Việt Nam thu lợi nhưng luôn quan tâm về lòng trung thành của Hoa Kiều; người Hoa sống sung túc nhưng vẫn phân biệt và bị phân biệt với người Việt Nam (7).
Đến thời Pháp thuộc (1862-1954) người Hoa ở Việt Nam đã tạo nên tảng vững chắc như một tầng lớp thương nhân. Vai trò này đã lu mờ tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau năm 1954 vì chế độ chủ nghĩa xã hội không phải là môi trường thuận lợi để phát triển kinh doanh tự do; đa số người Hoa miền Bắc là ngư dân và công nhân nhà máy. Ngược lại, ở nước Việt Nam Cộng hòa sau năm 1954, người Hoa chiếm ưu thế và chi phối sinh hoạt thương mại và kinh tế miền Nam.
Trong thời chiến tranh khi Việt Nam chia đôi ở vĩ tuyến 17, đại đa số người Hoa không tham gia vào cuộc nội chiến dù có đóng góp tài vật hay qua những hình thức khác vì tình trạng quốc tịch của họ sau năm 1954.
Trở lại thời Việt Nam còn bị thực dân đô hộ, người Pháp đã ký kết với Trung Quốc các Hòa ước Thiên Tân (Tianjin, 06/09/1885), Hiệp định Thương mại 1886, Hiệp định Nam Kinh (Nanjing 1930), Hòa ước Trùng Khánh (Chongqing, 28/02/1946) hứa bảo vệ cho người Hoa ở Việt Nam quyền cư trú, di chuyển, quyền tham gia sinh hoạt thương mại, kỹ nghệ, quyền sở hữu đất đai và các tài sản khác, quyền mở trường học, không bị đàn áp, không bị phân biệt đối xử về mặt tài chánh, hay bị đánh thuế nặng (8). Với Hòa ước Trùng Khánh, người Hoa còn được đặc quyền và miễn trừ y như dân Pháp, hơn hẳn người Việt Nam sở tại, như miễn quân dịch, không phải bị kiểm tra di dân(9).
Hơn thế nữa Hòa ước Trùng Khánh còn cho phép Trung Quốc quyền phế bỏ những ngưỡi lãnh đạo các bang người Hoa tại Việt Nam − một hình thức cánh tay nối dài từ Beijing đến Chợ Lớn của chính quyền Trung Quốc. Điều này đã gây anh hưởng bất lợi cho Việt Nam, lòng tự hào về Trung Quốc của người Hoa tại Việt Nam tăng cao cùng với sự xúc phạm đến tự ái dân tộc của người Việt.
Theo Edgar Wickberg (10), Luật Quốc tịch Trung Quốc năm 1909 đặt trên nguyên tắc huyết thống (jus sanguinis) con của đàn ông người Hoa là công dân Trung Quốc bất kể quốc tịch khác đương sự có ở nước ngoài − biến tất cả Hoa kiều trên thế giới thành công dân Trung Quốc. Chính sách này áp dụng tại Trung Hoa lục địa đến thập niên 1950 và vẫn hiện nay còn hiệu lực tại Taiwan.
Pháp đã giữ luật công dân có từ đời nhà Nguyễn (Triều Minh Mạng, 1830) cho đến năm 1933. Theo sắc luật này con trai của người Hoa có vợ Việt gọi là người Minh Hương, được hưởng, về thuế khóa và công dân, quyền hạn đặc biệt ở giữa người khách trú (foreign Asians) và dân đinh Việt Nam. Người Minh Hương và mẹ Việt Nam phải mặc quần áo Việt, và không được rời khỏi Việt Nam. Con của đàn ông Minh Hương và phụ nữ Việt được xem là công dân Việt Nam hoàn toàn hội nhập và có trách nhiệm về thuế khóa, quân dịch và được rời khỏi Việt Nam (một quyền tự nhiên của người nước ngoài). Theo chính sách này con cháu đời thứ ba của người Hoa có vợ Việt sẽ hoàn toàn là người Việt Nam.
Trong giai đoạn này người Triều Châu, thiên về canh tác, được tiếp đón niềm nở hơn so với những di dân người Hoa gốc Quảng Đông và Phúc Kiến vì họ hay quần tụ làm ăn, buôn bán, làm thủ công nghệ, mở nhà băng ở các khu “phố Tàu” (11).
Sau năm 1933, người Minh Hương được xem là người Việt Nam, được quyền xin quốc tịch khác nếu sinh trong khoảng 1883 và 1933 và đã có quốc tịch nước ngoài. Đây là kết quả của thỏa thuận Pháp−Hoa trong Hiệp định Nam Kinh (1930): Beijing muốn người Minh Hương mang Hoa tịch và Pháp muốn người Minh Hương có quốc tịch Việt Nam.
Tóm lại, cả hai chính sách của chính phủ thuộc địa cũng như của như triều đình Việt Nam trước đó chỉ nhằm kiểm soát di trú của người Hoa chứ không có mục đích can thiệp vào sinh hoạt văn hóa hay cản trở đời sống kinh tế của họ. Trong thời Pháp thuộc người Hoa ở Việt Nam được tự do hơn bao giờ hết. Bang hội người Hoa được quyền xây dựng và quản lý trường học, đền chùa, bệnh viện, nghĩa trang riêng. Những hoạt động với hình thức này càng đưa khối người Hoa vào cuộc sống cách biệt với người Việt Nam địa phương.
Đến cuối thế kỷ 19, sinh hoạt thương mại của người Hoa đã trở nên một thành tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định đời sống kinh tế Việt Nam. Trong thập niên 1880, chính phủ thuộc địa Pháp đã thất bại trong việc đánh thuế nặng nề vào các sinh hoạt thương mại của người Hoa: kinh tế khủng hoảng vì người Hoa đã đồng loạt bỏ Việt Nam đi nơi khác (12).
1954−1975
Ngay sau khi thoát khỏi chế độ thuộc địa, cả hai chính quyền nước VNDCCH và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đều quan tâm đến sự có mặt của người Hoa, ảnh hưởng chính trị và sức mạnh kinh tế của họ tại Việt Nam. Với nguồn tài lực lớn mạnh, một hệ thống quản lý gần như riêng biệt, và quan điểm xa lạ, cộng đồng người Hoa không khác gì “một quốc gia trong một quốc gia” tại Việt Nam. Hoàn toàn hội nhập khối người Hoa vào cộng đồng dân tộc Việt là yêu cầu bức thiết của chính phủ hai miền Nam Bắc. Thực tế lại càng phức tạp hơn khi hai chính quyền đối nghịch ở Việt Nam là đồng minh của hai chế độ đối đầu ở Trung Quốc và Taiwan. Vì thế bất kỳ động thái áp lực nào với người Hoa đều có thể đưa đến phản đối từ cả hai chính phủ ở Beijing và Taipei, chưa kể đến phản đối ngay từ cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, có khả năng đưa đến xáo trộn sinh hoạt kinh tế một lần nữa.
Thật ra quan ngại về vấn đề Hoa kiều nghiêm trọng hơn cho chính quyền VNCH đơn giản vì khoảng 85% của 1,2 triệu người Hoa sinh sống ở miền Nam. Theo Pao-min Chang, dựa trên nguồn Việt Nam (13) và thông tin của The Straits Times ngày 10 tháng Năm 1978, có khoảng 1,5 triệu người gốc Hoa trên đất Việt vào năm 1978, và có khoảng 250.000 người sinh sống ở miền Bắc. Dựa trên những số liệu này người ta ước tính dân số Việt gốc Hoa vào thập niên 1950 khoảng từ 1 đến 1,2 triệu và có từ 100.000 đến 150.000 người sống ở miền Bắc.
Năm 1955 hai đảng Cộng sản ở Beijing và Hà Nội đã có những đồng thuận căn bản để giải quyết vấn đề người Hoa. Hai bên thỏa thuận để người Hoa sinh sống tại miền Bắc dưới sự quản lý của Hà Nội, được hưởng mọi quyền hạn như người Việt Nam, và người Hoa có thể tự do nhập Việt tịch sau một thời gian “được kiên nhẫn thuyết phục và được giáo dục về ý thức hệ.” (14). Hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung quốc hoãn giải quyết vấn đề quốc tịch của người Hoa ở miền Nam đến sau “giải phóng” (15).
Tại miền Nam, cũng trong năm 1955 chính phủ bắt đầu dùng luật quốc gia để hội nhập người Hoa vào cộng đồng người Việt. Sắc luật này dùng cách giải quyết của triều đình Việt Nam trước thời Pháp thuộc, xác định tất cả con trẻ của các cuộc hôn nhân Hoa Việt đều là người Việt, và không có quyền từ bỏ quốc tịch Việt Nam. (16).
Sắc luật tổng thống (Số 48) ngày 21 tháng Tám, 1956 đi một bước gay hơn nữa. Tất cả người Hoa sinh tại Việt Nam đều là người Việt Nam (jus soli) bất kể nguồn gốc của cha mẹ và ý muốn của chính đương sự. Sắc luật 48 còn có giá trị hồi tố. Tất cả những người Hoa, khách trú khác, phải làm đơn xin thường trú tại Việt Nam theo kỳ hạn, phải đóng thuế cư trú cao để được quyền sinh sống tại Việt Nam (17). Một sắc luật bổ túc (Số 52) ban hành ngày 29 tháng Tám, 1956 đòi hỏi tất cả công dân Việt Nam phải lấy tên tiếng Việt trong thời hạn 6 tháng nếu không sẽ bị phạt vạ. Ngày 6 tháng Chín chính phủ VNCH lại ban hành sắc luật Số 53 cấm người nước ngoài hoạt động trong 11 ngành nghề, kể cả buôn gạo và bán hàng tạp hóa, mà người Hoa chiếm ưu thế. Những người Hoa đang hoạt động trong khu vực kinh tế bị kiểm soát có 6 tháng đến 1 năm để bán hay sang nhượng lại thương nghiệp cho công dân Việt Nam nếu không sẽ có thể bị trục xuất hay phạt 5 triệu đồng Việt Nam (18).
Cùng lúc, chính phủ Ngô Đình Diệm cũng bắt đầu chương trình Việt Nam hóa các trường học của người Hoa trong vùng Sài Gòn − Chợ Lớn bằng những yêu cầu như dùng tiếng Việt trong giảng dạy và bổ nhiệm Hiệu trưởng người Việt Nam.
Đây là những chính sách khắt khe nhất so với tất cả các quốc gia trong vùng để hội nhập người thiểu số nước ngoài. Nhằm thẳng vào khối người Hoa, những biện pháp vừa kể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và mức an sinh của gần 1 triệu người thuộc dân tộc Hoa sinh sống ở miền Nam (19).
Trả lời cho những lời cầu cứu từ khối lãnh đạo người Hoa ở Việt Nam, chính phủ Taiwan đã lên tiến can thiệp vào tháng Chín, 1956, phản đối quyết định của chính phủ VNCH và hứa sẽ cố gắng tìm mọi cách giúp khối người Hoa ở Việt Nam. Mọi cố gắng hiệp thương của Taipei đều không có hiệu quả. Chính phủ Ngô Đình Diệm cho đây là chuyện nội bộ giữa người Việt Nam; ngày 17 tháng Tư, 1957 chính phủ Sài Gòn ra lệnh hủy bỏ tất cả thẻ thường trú nhân đã cấp cho con cái người Hoa đã sinh tại Việt Nam và yêu cầu họ lấy thẻ căn cước Việt Nam trễ nhất là ngày 9 tháng Năm, 1957. Cũng trong năm 1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm tuyên bố, “Dòng máu của người Hoa luân chuyển trong huyết quản của dân Việt, và người Việt cùng người Hoa gần như có cùng quan niệm về đạo đức và văn hóa.” (20)
Ngày 3 tháng Năm , 1957, chính phủ Cộng hòa Trung Hoa tuyên bố giúp tái định cư tại Taiwan tất cả người Hoa không muốn nhập tịch Việt Nam. Giữa tháng Bẩy, 1957, chính phủ Việt Nam ngưng chương trình ghi danh cho Hoa kiều muốn hồi hương. Sau cùng chỉ có khoảng 3.000 Hoa kiều trong số 52.144 người đã ghi danh được phép quay về sinh sống tại Taiwan (21).
Ngày 20 tháng Năm, Trung Quốc lên tiếng phản đối VNCH không tôn trọng quyền tự do lựa chọn của người Hoa; Quyết định của chính phủ VNCH là “đơn phương và không hợp lý, không phải chỉ là một xâm phạm thô bạo đến các quyền hợp pháp của người Hoa ở nước ngoài tại Nam Việt Nam, mà còn là một hành động vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật quốc tế.” Để bày tỏ sự hỗ trợ với Hoa kiều ở Việt Nam, nhà nước CHNDTH gởi 10.000 đô-la sang giúp. Tờ Nhân Dân ở Hà Nội đăng nguyên văn lời phản đối của Beijing vào này 23 tháng Năm và ngày hôm sau tuyên bố ủng hộ quan điểm của chính phủ CHNDTH (22).
Sau khi thành hình, Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) cũng ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong những văn bản ấn hành năm 1960, 64, 65 và 1968 (23).
Suốt khoảng thời gian 1955-1957, nhất là khi có lời hứa giúp đỡ từ chính phủ Taiwan, người Hoa ở Việt Nam tương đối đã giữ bình tĩnh; đến mùa xuân 1957, hạn đổi quốc tịch và quốc hữu hóa hoạt động kinh tế đã gần kề nhưng cuộc hiệp thương Sài Gòn-Taipei vẫn không có kết quả cụ thể, người Hoa xuống đường gây bạo động, phản đối chính sách của chính phủ VNCH và sự bất lực của Taiwan. Đến mùa hè 1957, người Hoa đóng cửa gần hết trường học, hoạt động thương mại, và rút tiền ra khỏi ngân hàng. Khi khoảng 800 triệu đến 1,5 tỉ đồng Việt Nam − gần 17% tiền tệ đang lưu hành − biến mất khỏi thị trường sinh hoạt thương mại bất chợt ngưng trệ, đồng bạc Việt Nam mất giá nặng nề trên thị trường hối đoái tự do. Richard Lindholm ghi lại trong cuốn Vietnam: The first five years (1959) cũng như tin của tờ Zhongyang Ribao ngày 21 tháng Năm 1957, theo ước tính từ Taipei, đến khoảng giữa tháng 5, 1957, có khoảng 6000 cửa hàng của người Hoa đã phải đóng cửa, 200.000 người mất công ăn việc làm. Nền kinh tế miền Nam Việt Nam gần như sụp đổ.
Lịch sử lập lại một lần nữa xác minh ảnh hưởng và đóng góp quan trọng, không thể không có, của người Hoa trong nền kinh tế, thương mại Việt Nam. Chính phủ Ngô Đình Diệm nhượng bộ. Cuối tháng Bẩy 1957, người Hoa được quyền ghi danh cửa hàng bằng tên của bà con sinh tại Việt Nam, hoặc nhập tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản. Hiệu trưởng các trường học chỉ cần là người Hoa sinh tại Việt Nam. Tiếng Hoa được sử dụng lại trong trường học trừ các môn sử ký, địa lý và Việt văn. Cùng lúc chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy lùi ngày hết hạn ghi danh cho người Hoa sinh tại Việt Nam và bỏ hẳn yêu cầu này sau tháng 9, 1957. Đến tháng 8, 1958, chính phủ VNCH tiếp tục nới lỏng chương trình quốc hữu hóa kinh tế, chỉ đòi 51% trị giá thương mại của các doanh nghiệp của người Hoa − sắc luật số 53 trước kia đã giới hạn thuộc quyền người Việt − thuộc sở hữu của người Việt Nam. Người Hoa cũng được đối xử mềm mỏng khi áp dụng luật thi hành quân dịch.
Tính đến 15 tháng 6, 1957 chỉ có 3.500 trên khoảng 500.000 người Hoa sinh tại Việt Nam lấy thẻ căn cước Việt Nam theo luật định với hạn chót là 09/05/1957. Cuối năm 1957, theo tài liệu của Viện Thống kê Sài Gòn 1960, trang 21, chính phủ VNCH vẫn công nhận đến 400.000 Hoa kiều cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau cùng, gần như hầu hết những Hoa kiều (sinh ngoài Việt Nam) này đều nhập tịch Việt Nam vì lý do thực dụng.
Ước tính, đến 1961, 80% vốn đầu tư trong các dịch vụ buôn bán lẻ và khoảng 75% sinh hoạt thương mãi trong nền kinh tế VNCH do người Hoa kiểm soát (24).
Suốt 15 năm tiếp theo, người Hoa được thảnh thơi sinh sống, tự trị tự quản về nhiều mặt, ngay trên đất nước Việt Nam; Cùng lúc chiến tranh leo thang, người Hoa đã góp phần không nhỏ vào tình trạng tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn quân dịch gây bất ổn định chính trị trong xã hội dưới quyền lãnh đạo của các chính phủ quân nhân sau đó.
Kết quả sau cùng, đến ngày 30 tháng 4, 1975 người Hoa tại Việt Nam vẫn là vấn đề chưa có giải pháp dứt điểm.
Sự có mặt cùng với những ảnh hưởng, cả hai mặt tích cực và tiêu cực, của người Hoa trên đất nước Việt Nam là thực tế lịch sử. Nếu không có thành phần dân tộc Việt gốc Hoa, miền Nam Việt Nam không thể là miền Nam Việt Nam như đã thấy. Có rất nhiều người Việt miền Nam mang dòng máu Trung Hoa trong huyết quản, có ngoại hình như tổ tiên họ ở Phúc Kiến, Quảng Đông. Họ là con cháu những dòng họ Châu, Giang, Ông, Quách, Mã, Mao, Tào, Thẩm, Vưu…, những dòng họ khó tìm thấy trong cộng đồng người Việt Nam ở bắc vĩ tuyến 17 (25).
Trong lịch sử cận đại, người Hoa ở Việt Nam, cũng như tại các quốc gia khác trong vùng Đông Nam châu Á, đã phát triển một vài nét đặc thù của cộng đồng này.
Thứ nhất, có khuynh hướng thích làm thương mại và khả năng làm việc cần cù, người Hoa đã tạo được vị trí và ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Đa số người Hoa thường gởi tiền về giúp gia tộc ở lục địa.
Thứ hai, người Hoa gìn giữ văn hoá gốc và tương trợ đồng hương bằng cách mở trường học, bệnh viện, câu lạc bộ thể thao và làm báo. Theo tài liệu của Chan Wen-ho (26) và ban biên tập “Kỷ yếu Thương mại của người Hoa tại Việt Nam”, trước năm 1975, năm bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ và Hải Nam tại vùng Sài Gòn – Chợ lớn có tất cả 11 tờ báo, 166 trường học. Ngoài bệnh viện Sùng Chính phục vụ tất cả cộng đồng Hoa kiều, người Hoa còn có 5 bệnh viện khác phục vụ người của năm bang chính, lớn nhất là bệnh viện bang Quảng Đông, 912 giường, và nhỏ nhất là bệnh viện cho Hoa kiều bang Hải Nam, 40 giường.
Thứ ba, người Hoa thường chọn lập gia đình với người Hoa.
Thứ tư, không có nhiều người Hoa trong bộ máy quyền lực một phần vị họ không có người làm chính trị, phần khác họ thuộc nhóm ít người. Quốc hội VNCH có 5 nghị viên người gốc Hoa nhưng không thực sự có ảnh hưởng. Theo King C. Chen, giáo sư Khoa học Chính trị và Chính trị châu Á ở đại học Rutgers (New Jersey), người gốc Hoa cũng không đào tạo tướng lãnh. Khái niệm cổ của văn hoá Trung Quốc cho rằng “Hảo tử bất tòng binh” (con trai có hiếu không nhập ngũ) và nếu phải thi hành quân dịch ở Việt Nam họ thường chạy chọt, hối lộ để trốn tránh hay chỉ làm lính kiểng, không tham chiến. Một điểm cần ghi ở đây, người gốc Hoa ở miền Nam đã tham gia và lãnh vai trò chỉ huy, tuy không nhiều, trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Điển hình là Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hải Quân (1975) và Thiếu Tướng Chương Dzềnh Quay, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn IV (1975).
Về mặt chính trị, tỉ số người Hoa ủng hộ chính phủ VNCH tăng vụt sau 1965. Trước đó, khoảng 50% của gần 1,3 triệu người Hoa ủng hộ chính phủ Sài Gòn. Sau 1965, nhất là sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, số người Hoa chống cộng tăng lên mức 75-80% (27). Lý do cho thay đổi này khá đơn giản. Người Hoa, cũng như người miền Nam Việt Nam, trong khoảng thời gian 1965-1968, đã có nhiều cơ hội quan sát và trải nghiệm thế nào là chính sách của cộng sản.
Dù là một cộng đồng thiểu số có tổ chức chặt chẽ về mặt văn hoá, xã hội nhưng người Hoa chủ trưởng thuyết phục thay vì kiểm soát ứng xử, quan điểm chính trị của người cùng bang. Do đó, ngoài đại đa số ủng hộ chính phủ VNCH, trong cộng đồng người Hoa, nhất là ở khối thanh niên, một thiểu số vẫn theo cộng sản, tham gia vào các vụ ám sát, hù doạ, và chiến tranh du kích trong nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn.
Sau 1975
Ngày 30 tháng tư, 1975, khi miền Bắc vào tới Chợ Lớn, đường phố ở đây rợp bóng cờ đỏ sao vàng – năm sao vàng – chào đón đoàn quân đầu tiên của Cộng sản Việt Nam. Người Hoa cũng đem hình Chủ tịch ra chào đón đoàn quân chiến thắng. Trong rừng cờ đỏ năm sao vàng là những bức chân dung nhưng không phải của Hồ Chủ tịch. Họ trương hình Chủ tịch Mao Trạch Đông (Mao Zedong) đón quân đội Nhân dân Việt Nam. Chính quyền Cộng sản Việt nam sẽ một lần nữa thấy mức độ đồng cảm của người Hoa vào năm sau đó.
Một trong những việc đảng Cộng sản Việt Nam đặt ưu tiên thực hiện sau tháng Tư 1975 là chuyển đổi nền kinh tế tư bản và gia tăng sản xuất nông nghiệp. Đời sống và ảnh hưởng kinh tế của người Hoa đương nhiên nằm trong tầm ngắm của chính quyền Hà Nội. Việc đảng Cộng sản Việt Nam thanh toán khối tài sản đáng kể và đổi thân phận, địa vị xã hội của người Hoa là điều không thể không xảy ra. Tiên đoán được thái độ của chính quyền Hà Nội, một số ít người Hoa đã cùng đoàn người có phương tiện đã di tản ra nước ngoài trước ngày 30 tháng Tư, 1975.
Chiến dịch Đánh Tư sản Mại bản
Chuẩn bị thanh toán tài sản của người Hoa ở Việt Nam ngay sau khi vào tới Sài Gòn, chính quyền, vào tháng Bẩy, tháng Tám 1975, đã quy tụ khoảng vài trăm thanh niên, kể cả sinh viên người Hoa để huấn luyện về lý thuyết đấu tranh giai cấp nhằm mục đích thanh lý tài sản của người giàu, bóc lột, phản động tiểu tư sản mại bản. Tất cả những cự phú người Hoa đều được CSVN xếp vào loại này và phải ghi danh với chính quyền địa phương. Cuộc đấu tố người Hoa bắt đầu ngày 5 tháng Chín tại Sài Gòn – Chợ Lớn và nhiều tỉnh thành khác tại miền Nam. Những cuộc biểu tình và họp dân phố, do chính quyền tổ chức, và báo chí nhà nước, trong năm ngày liên tiếp, triền miên lên án tư sản mại bản đầu cơ tích trữ, buôn lậu vàng và đô-la. Cuộc tấn công giới tư sản người Hoa có hai hiệu quả rõ rệt; một là gây sợ hãi cho những người Hoa giàu có và hai là gây ấn tượng trong giới thanh niên về tương lai của một xã hội cộng sản huy hoàng.
Cuộc đấu tố ngưng để cuộc tổng tấn công chiếm đoạt tài sản người Hoa bắt đầu lúc 10 giờ đêm ngày 9 tháng Chín. Từng đoàn công an cảnh sát võ trang và thanh niên đến chiếm đóng công xưởng, cơ sở thương mại và nhà riêng của những thương gia người Hoa trong vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Thanh niên người Hoa trong đoàn đánh tư sản giữ trách nhiệm nhận diện và thông dịch. Họ kiểm kê không để sót “một cái kim sợi chỉ”, từ đô-la, vàng lá, kim cương, ô tô, tủ lạnh, và cả quạt máy tới bàn tủ. Thương nhân người Hoa hoặc bị bắt đi hay bị tạm giữ một hai ngày.
Sáng ngày 10 tháng Chín, 1975, chính quyền ra bản tuyên bố 14 điểm về cuộc “bố ráp” đêm hôm trước. Đó là bản cáo trạng lên án người Hoa, bọn tiểu tư sản mại bản “lũng đoạn kinh tế, độc chiếm thị trường, làm giầu trên xương máu của đồng bào ta.” Bản tuyên bố cũng ghi thêm nhân dân đòi nhà nước phải thẳng tay trừng trị bọn tiểu tư sản mại bản này. (30)
Hai điều 4 và 5 trong bản Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (CPCMLTMNVN) cho thấy ý định muốn tịch thu tài sản, vốn đầu tư và cơ sở thương mại của người Hoa.
4. Nhà nước sẽ cố gắng hết sức để khuyến khích và giúp giới tư sản đóng góp vốn, kỹ năng và trí tuệ tham gia vào công cuộc xây dựng khu kinh tế mới.
5. Cũng có những trường hợp đặc biệt nhiều nhà tiểu tư sản muốn bán sản phẩm và cơ sở kinh doanh lại cho nhà nước… Nhà nước sẽ nghiên cứu và xét riêng từng tương hơp.
Cùng ngày, người phát ngôn của Uỷ ban Quân quản Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố nhà nước đã ra lệnh bắt giam một số tư sản mại bản “có tội với nhân dân”. Mục xã luận trên tờ Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) ngày 10 tháng Chín tuyên bố:
Bọn tư sản mại bản đã cấu kết với quân xâm lược Mỹ và chính quyền bù nhìn. Máu đồng bào ta đổ càng nhiều thì chúng càng giàu thêm. Chúng đã thành những “ông vua,” như vua gạo, vua giây kẽm gai, vua vải, vua cà phê, vua sắt thép. Tội của chúng lớn tầy đình và không thể nào tha thứ được. Chúng phải “nhất định bị tiêu diệt.” (31)
Ngày 12 tháng Chín lại thêm nhiều thương gia người Hoa bi bắt giam ở Sài Gòn – Chợ Lớn và những tỉnh khác. Tờ SGGP tiếp tục loạt tấn công người Hoa trên báo, đồng thời Đài Hà Nội cũng loan tin người Hoa hân hoan đón chào phong trào đánh tư sản mại bản. (32)
Chiến dịch này ngưng vào đầu tháng Mười, kéo dài gần một tháng. Trên nguyên tắc cả người Việt và người hoa giới tiểu tư sản đều là đích nhắm của cuộc tấn công vừa kể. Trên thực tế, người Hoa chịu nhiều thiệt hại hơn. Chính quyền Trung Quốc chưa khi nào công bố chính xác con số người Hoa bị bắt, bị tịch biên tài sản. Theo Ou Ch’ing-ho (33), trong cuốn The Fall of Saigon (Hsi-kung Lung-wang Chi) xuất bản ở Taipei năm 1979, cho biết nội trong đêm 9 tháng Chín, ít nhất 100 công xưởng của người Hoa đã bị kiểm kê, 250 thương gia người Hoa bị bắt trong chiến dịch đánh tư sản, vài người đã tự tử. Tài sản của những người Hoa không có mặt tại chỗ (đã bỏ đi tị nạn) bị tịch thu tức thời. Những người bị bắt là chủ nhân hay Tổng giám đốc các công ty chế bột ngọt, đồ sắt, bột mì, rạp chiếu bóng, xuất nhập cảng, vải may mặc, giấy, nhà hàng. Đa số những người này đã được phóng thích trước năm 1997 sau khi đã “hiến dâng” tài sản và cơ ngơi.
Một số giới lãnh đạo người Hoa đã rời khỏi Việt Nam vào tháng Tư 1975. Phần còn lại cũng lần lượt ra đi sau tháng Năm 1975. Từ đó khối lãnh đạo người Hoa ở Việt Nam xem như không còn hiện hữu. Chính quyền cộng sản chiếm cứ cơ sở tổng hội quán người Hoa, đóng cửa 11 tờ báo Hoa ngữ, tiếp thu bệnh viện Sùng Chính (đầu năm 1976) và 5 bệnh viện khác của 5 bang vào tháng Giêng 1978.
Đợt đổi tiền đầu tiên vào tháng Chín 1975 chỉ xẩy ra ở miền Nam. Lần thứ nhì, vào tháng Năm 1978, nhà nước cộng sản đổi tiền trên toàn quốc.
4 giờ sáng ngày 21 tháng Chín, 1975, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, qua đài phát thanh, thông báo cho dân thành phố phải trở về nhà trước 11 giờ khuya (giới nghiêm từ 11:00 g khuya đến 5:00 g sáng) để chờ thông tin quan trọng của chính phủ. Suốt ngày hôm đó, một số vợ con của cán bộ miền Bắc hối hả đi mua sắm quần áo, thực phẩm, rượu nước ngoài và những hàng tạp hoá khác.
Sau 11 giờ khuya, đài phát thanh công bố giới nghiêm sẽ kéo dài thêm 6 tiếng – đến 11 giờ sáng ngày 22 tháng Chín. Vào lúc 2 giờ sáng ngày 22/09, CPCMLT tuyên bố đổi tiền và sau đó Uỷ ban Quân quản Tp HCM (UBQQTPHCM) giải thích việc tăng giờ giới nghiêm để dân chúng có thời gian chuẩn bị đổi tiền [sic] (34)
Sáng 22 tháng Chín, Ngân hàng Việt Nam tại Tp HCM ra thông cáo đổi tiền nội dung tóm lược như sau:
1. 500 đồng cũ lấy 1 đồng mới.
2. Mỗi gia đình được đổi 100.000 đồng cũ (200 đồng mới) cho tiêu dùng hàng ngày.
3. Những gia đìng có buôn bán được phép làm đơn xin đổi thêm 100.000 đồng cũ
4. Những nhà buôn lớn có thể làm đơn xin đổi thêm tiền từ 100.000 đến 500.000 (tối đa) đồng cũ nếu có nhu cầu thực sự.
5. Tất cả số tiền còn lại từ 100.000 đế 1 triệu đồng cũ phải đến nhà băng đổi và gởi vào trương mục.
6. Cuộc đổi tiền sẽ chấm dứt vào 11 giờ đêm ngày 22 tháng Chín.
7. Vi phạm những điều nêu trên sẽ bị truy tố trước pháp luật. (35)
Chiến dịch đánh tư sản đã tạo áp lực để thương gia người Hoa phải bán rẻ hàng hoá, máy móc, cơ xưởng cho cán bộ miền Bắc lấy tiền cũ. Việc đổi tiền mới này đã đưa người Hoa vào hoàn cảnh khó xử:
(a) Xin đổi thêm tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng và gởi vào nhà băng thì họ sợ bị kết án tư sản mại bản.
(b) Giấu tiền cũ, không còn giá trị, vừa vô ích vừa có thể bị truy tố, phạt vạ.
Trong tình cảnh bối rối đó, một số người chỉ đổi một phần tiền bỏ vào nhà băng, phần khác đưa cho bà con, bạn bè đi đổi. Một số khác đổi tiền với cán bộ miền Bắc với giá 1 đồng mới lấy 5000 đồng cũ, số khác đem tiền đi cho, hay đốt. (36)
Kết quả là đa số các cự phú người Hoa, chưa kịp mua vàng hay đô-la trước đó, đã mất cả tài sản qua đêm. Những số bạc người dân phải gởi vào trương mục ngân hàng ra sao? Gần sáu tháng sau chính quyền cộng sản mới cho phép chủ nhân được rút 30 đồng mỗi tháng khỏi trương mục của mình. Và đến tháng 12, 1976, chính phủ ra lệnh không cho dân rút tiền khỏi ngân hàng nữa.
Ngay sau khi đổi tiền, chính quyền Hà Nội cũng ra một nghị định buộc người Việt Nam và người nước ngoài phải khai báo và gởi vào ngân hàng số đô-la hiện có. Quyết định này làm giá chợ đen tăng vọt, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Hối suất chính thức lúc đó là 1 đô-la đổi 1,5 đồng tiền mới.
Trước khi đổi tiền lần thứ hai vào năm 1978, nhà nước cộng sản Việt Nam còn hai mặt trận khác tấn công dân Việt miền Nam cũng như người Hoa: đánh thuế thật nặng và vùng kinh tế mới.
Đánh thuế nặng – Tháng Sáu, 1976, một nghị định, có giá trị hồi tố, bắt tất cả hàng quán, thương nghiệp kể cả các quầy bán thuốc lá lẻ ven đường, có lợi nhuận trên 10% kể từ tháng Năm 1975 phải đóng thuế 80%, sau đó tăng lên 100%. Nói các khác, nhà nước cộng sản tịch thu 100% tiền lời của tất cả những người buôn bán. Theo tờ New York Times ngày 26 tháng Tám, 1976, mục tiêu của quyết định này nhằm vào “khối tiểu thương, nhưng cái đích thực sự của chính quyền cộng sản là khoảng 1 triệu người Hoa” ở vùng Sài Gòn – Chợ lớn. (37)
Ngoài ra chính phủ Hà Nội còn bắt thương gia đóng thuế trước 4 tháng, từ táng Chín đến tháng Mười hai, 1976. Lúc đó có 3 cấp và 9 bậc thuế; ở cấp bậc cao nhất thương gia phải đóng 13.750.000 đồng tiền cũ. Với cuộc tấn công này, chính quyền cộng sản gần như đã vét sạch hầu bao của người Hoa.
Vùng kinh tế mới – Đây là một chương trình tưởng tượng trong kế hoạch năm năm (1976–1980) của đảng Cộng sản Việt Nam. Hai mục tiêu của chương trình phát triển vùng kinh tế mới là tái phân phối lao động (từ đô thị đông đúc ra vùng đồng không nhà trống), và tạo dựng khu kinh tế sản xuất thực phẩm.
Tại Đại hội Đảng kỳ IV vào giữa tháng Mười hai, 1976, Nguyễn Văn Linh, thành viên Bộ chính trị, Bí thư thành uỷ Tp HCM, tuyên bố, “Trong tương lai gần, khoảng hơn một triệu dân Tp HCM sẽ được định cư ở vùng kinh tế mới… Ngoại ô Tp HCM sẽ được phát triển thành những trang trại khổng lồ cung cấp thực phẩm và rau quả cho cả thành phố.” (38)
Cùng ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng tuyên bố sự phân phối lại lao động lên mức 4 triệu người sẽ bắt đầu vào đầu năm 1977. (39)
Phạm Hùng, thành viên bộ chính trị, bí thư đảng bộ miền Nam nói, “Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất lúa gạo và những thực phẩm khác.” (40)
Ngay sau khi chính quyền cộng sản bắt đầu chương trình phân bố lại dân số, dân chúng đã lên tiếng phản đối, cho rằng đây là cách thay đổi dân cư, đem người miền Bắc vào lấy chỗ người miền Nam. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Mondengày 16 tháng Tư 1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:
Chúng tôi phải đối phó với thực tế phức tạp cần giải pháp cấp thời để làm cho các đô thị miền Nam bớt đông dân cư và làm sống lại những “vùng trắng” không người canh tác ở miền quê. … Với Việt nam, vấn đề là chúng tôi vẽ ra chương trình này sao cho hợp lý nhất. Đây cũng là phương án hữu hiệu nhất để quân bằng phát triển công và nông nghiệp của thành thị và thôn quê để tránh xáo trộn về mặt môi sinh và ô nhiễm. (41)
Nhưng những ai là người được đưa đi Vùng Kinh tế mới? Họ từ đâu đến và được chuẩn bị thế nào? Kết quả chương trình này ra sao, và đã ảnh hưởng thế nào đến số người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn?
Chuyện kể sau đây của một nhân chứng có lẽ đủ trả lời cho những câu hỏi vừa nêu.
Lm. André Gélinas – ông là một nhà tu người Canada thuộc Dòng Tên (Jesuits), vùng Viễn Đông. André Gélinas đến Việt Nam năm 1957, khi mới 33 tuổi, trong vai trò giáo sư lịch sử Trung Hoa tại Viện Đại học Sài Gòn. Từ 1963 đến 1976, ông là nhân viên của Trung tâm Sinh viên Đắc Lộ. Sau ngày Cộng sản vào Sài Gòn, Lm. Gélinas ở lại Việt Nam thêm 15 tháng trước khi bị trục xuất. Ngày 16 tháng 6, 1977, Lm. Gélinas tường trình trước Uỷ ban Quan hệ Quốc tế, Hạ viện Hoa Kỳ, về tình hình nhân quyền theo thực tế ông đã trải nghiệm trong 15 tháng sống ở Việt Nam sau ngày cộng sản chiến thắng. Lm. Gélinas là người thông thạo tiếng Việt.
Mùa Thu 1976, Lm. Gélinas đã cho Pierre Doublet and Christian D’Epenoux của tờ L’Express của Paris một cuộc phỏng vấn khá dài. Một phần cuộc phỏng vấn được The New York Review of Books đăng lại với tựa đề “Đời sống ở Việt Nam mới (Life in the New Vietnam) ở Tập 24, Số 4, ngày 17 tháng Ba, 1977. Lm. Gélinas viết:
(Sau vụ đổi tiền – TTG) Hàng loạt, nhiều vụ quyên sinh đã xảy ra. Hàng ngàn người bị tiêu diệt, và những người Việt nam tuyệt vọng đã chấm dứt đời mình, vì nghĩ rằng không thể nào sống nổi ở Sài Gòn và phải đi “Vùng Kinh tế mới”
… trước tiên họ đổi tên Sài Gòn thành Tp HCM. Họ xem dân thành phố là thành phần bị nhiễm độc nhiều hơn người dân quê. Vấn đề là phải phân tán dân đô thị thành nhiểu mảnh nhỏ để dễ kiểm soát … Công chức, công nhân thành thị, người buôn bán, bất chợt được chế độ đổi đời trở thành những người đi khai khẩn đất hoang – nơi không có bất cứ gì đã chuẩn bị để đón họ.
Dĩ nhiên tuyên truyền của chính phủ hoàn toàn không như thực tế. Báo chí và truyền hình giải thích là dân sẽ có sẵn nước uống, nhà ở chợ búa khi họ đến “Vùng Kinh tế mới”. Người dân Sài Gòn đến “Vùng Kinh tế mới” thường được những chòi lá chuối cột tre chơ vơ trước gió đứng đón. Một tháng trước khi dân thành thị được đưa về “Vùng Kinh tế mới”, sinh viên học sinh đã phải ra những nơi đó dựng chòi bằng bốn cọc tre, dùng lá chuối và lá cây cứt lợn lợp mái. Những mái chòi, không vách với nền làm bằng đất nén, đứng xếp hàng ở một góc đã khai quang của “Vùng Kinh tế mới”.
Nước uống là một vấn đề nghiêm trọng khác … Đời sống ở đây thật khắc nghiệt … sốt rét lại xuất hiện tràn lan, và thiếu thốn thức ăn. Chính thức, nhà nước đã hứa cung cấp ba tháng gạo cho những người đi “Vùng Kinh tế mới” trong thời gian đợi mùa gặt tới, nhưng tôi không biết đến bất kỳ một trường hợp nào họ giữ lời đã hứa. …
Lm. Gélinas cho biết ông đã thấy từng đoàn xe nhà binh mỗi sáng chở người ra khỏi Sài Gòn đến những vùng hoang vu. Mỗi ngày chính quyền Cộng sản đẩy hơn 3.000 người ra khỏi thành phố Sài Gòn. Tính đến tháng Hai 1977 đã có hơn 600.000 người bị đưa về “Vùng Kinh tế mới.”
Fox Butterfield trong bài Hanoi Toughness in South Is Seen”, đăng trên tờ New York Times ngày 12 tháng Hai và 13 tháng Tư, 1977 cho biết, theo con số của chính quyền, tính đến giữa tháng Tư 1977, họ đã đưa 1 triệu người ra khỏi đô thị. (42)
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, chính quyền Hà Nội cho biết 80% dân Sài Gòn không làm ích lợi gì cho nhà nước nên đã được di tản đến “Vùng Kinh tế mới.” Tờ báo này cũng cho biết tổng cộng có khoảng 6 triệu dân đô thị đã đi “Vùng Kinh tế mới”. Người dân đô thị bị đẩy đi gọi đó là “nhữngtrại tù không hàng rào.” (43)
Theo ước tính của người tị nạn trong các cuộc phỏng vấn với giáo sư King C. Chen, và số liệu của các báo cáo ở Hong Kong và tại Mỹ thì tới tháng Năm 1978 đã có khoảng 300.000 đến 350.000 người Hoa vùng Sài Gòn – Chợ Lớn đã bị đưa về các “Vùng kinh tế mới.” Tất cả đều than phiền, chịu không nổi cuộc sống cơ cực. Một số trốn về sống với bè bạn, bà con ở Sài Gòn vì nhà cửa đã bị chính phủ chiếm cứ. Họ sống qua ngày băng tiền trợ giúp từ bà con, hay bè bạn, hoặc người cùng bang đã tị nạn ở nước ngoài. Một số khác tìm đường vượt biển, vượt biên và thường bị bắt lại và bị bỏ tù.
Đổi tiền lần thứ nhì − Hà Nội tin rằng cuộc đổi tiền lần thứ hai, trên toàn quốc thay vì chỉ ở miền nam như lần đầu, sẽ đề cao việc thống nhất đất nước, sẽ loại bỏ giai cấp tư bản trục lợi và tiến nhanh đến chủ nghĩa xã hội.
Theo Nghị định Hội đồng Bộ trưởng phát thanh ngày 3 tháng Năm, 1978, mỗi gia đình ở đô thị được đổi từ 100 đến 500 đồng tiền mới; Ở thôn quê mỗ gia đình được đổi từ 50 đến 300 đồng tiền mới tuỳ theo gia đình nhiều hay ít người. Quan chức chính phủ, các đơn vị quân đội, các cơ quan kinh tế xã hội khác được đổi tối đa 1000 đồng. (44)
Hối suất đổi tiền tại miền Nam là 0,8 đồng tiền cũ bằng 1 đồng mới; ngoài Bắc 1 đồng cũ lấy 1 đồng mới. Tất cả tiền còn lại phải đổi và gởi vào ngân hàng và chỉ được lấy ra khi đã được chấp thuận để chi dùng vào việc cần thiết như đau yếu, sinh nở, tai nạn, tang ma.
Sau 24 giờ, tất cả tiền còn lại chưa đổi sẽ không còn giá trị. Đã kinh nghiệm lần đổi tiền nằm 1975, dân chúng đổ xô đi mùa vàng, đô-la, tiền Hong Kong không màng giá chợ đen. Kịch bản 1975 tái diễn, rất nhiều người đã đốt tiền, dấu tiền, cho tiền hay mua vàng hay những ngoại tệ. Số khác đi mua thức ăn ngon, đắt tiền để tận hưởng ngày cuối của những số tiền dư thừa sẽ không dùng được nữa, 1 con cá giá 200 đồng mới, một con gà giá 100 đồng (45). Vài ngày sau công an đi kiểm soát tư gia và đã đem đi từng thùng tiền cũ vì chủ nhân không chứng minh được đó là thu nhập hợp pháp. Công an cũng tịch thu cả tủ lạnh, xe máy, radio, TV và những vật dụng xa xỉ khác. Một lẫn nữa, rất nhiều người, cả Hoa lẫn Việt, đã trắng tay sau ngày 3 tháng Năm 1978.
Không lường được hệ quả của cuộc đổi tiền, đổi đời của hàng triệu người dân miền Nam, nhà nước cộng sản tiếp tục bước kế trong chiến dịch tiêu diệt giới thương nhân giàu có, đẩy nhanh cuộc xã hội chủ nghĩa hoá miền Nam.
Chuyển đổi công thương nghiệp tư bản thành xã hội chủ nghĩa
Đầu và giữa tháng Ba, 1978 đã có nhiều cuộc biểu tình ở Sài Gòn – Chợ Lớn, hàng trăm người Hoa xuống đường chống đàn áp, phân biệt đối xử dưới dạng tịch thu tài sản và tống xuất khỏi Việt Nam. Vì nhưng tuyên bố long trọng của CS Trung Hoa (46), trong những cuộc xuống đường, người Hoa cũng đòi lại quốc tịch Trung Quốc, đã mất lần đầu vào thập niên 1950 và lần thứ hai bị xoá xổ vào tháng Hai 1977.
Những thái độ “bất trung” của người Hoa theo đuôi các tuyên bố về chính sách mới của Bắc Kinh chỉ tạo thêm lý cớ để Hà Nội tiếp tục cuộc vô sản hoá cấu trúc kinh tế miền Nam vào tháng Ba 1978. Cũng như chiến dịch đánh tư sản mại bản hồi tháng Chín, 1975, chiến dịch 1978 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó ít nhất một tháng.
Mục xã luận tờ Nhân Dân ngày 24 tháng Hai viết cuộc vô sản hoá cấu trúc kinh tế tư sản là “một công tác kinh tế cấp bách cần phải thực hiện ngay nhằm tiêu diệt quyền sở hữu tư nhân ở mọi kỹ nghệ và thương mại để xây dựng và bành trướng thị trường xã hội chủ nghĩa, ổn định giá cả, tiền tệ, sản xuất và đời sống của nhân dân.” (47)
Tháng Ba, ngày 23, Chính quyền Tp. HCM ra thông cáo:
Hiệu lực tức thời, nhà nước sẽ thống nhất việc quản lý thị trường và trao trách nhiệm cho các cơ quan thương mại xã hội chủ nghĩa thống nhất mọi hoạt động kinh doanh, tổ chức và phân bố nhu yếu phẩm cần thiết cho sản xuất và đời sống của nhân dân …
Tất cả những cơ sở thương mại của thương nhân tiểu tư sản sẽ bị dẹp bỏ. Những thương nhân này sẽ được hướng dẫn dùng vốn của họ để sản xuất tài sản vật tư cho xã hội … Nếu có kỹ năng và chuyên môn, họ có thể được thu dụng vào các cơ quan thương mại của nhà nước để phục vụ cách mạng. (48)
Cơ sở, hàng hoá, tài sản của các thương gia tiểu tư sản sẽ được nhà nước mua lại. Để bảo đảm cho cuộc cách mạng vô sản (hoá miền Nam) thành công, CSVN đã thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo Tp. HCM vào đầu năm 1978, hàng ngàn cán bộ miền Bắc đã vào Nam.
Tối ngày 23 tháng Ba, một lực lượng hỗn hợp 30.000 người, gồm công an, sinh viên, thanh niên xung phong, cán bộ đã bao vây nguyên khu chợ Lớn. Với tiền đề để kiểm tra hàng hoá và tài sản, đoàn công an, cán bộ CSVN đã lục soát từng căn nhà, từng cửa hàng, tịch thu hàng hoá và tài vật của 50.000 tiệm buôn lẻ trong Chợ Lớn.
Ngày hôm sau, 24 tháng Ba, 1978, nhà nước tuyên bố đặt ra ngoài vòng pháp luật tất cả mọi dịch cụ bán sỉ, những hoạt động thương mại lớn. Như thế, Hà Nội đương nhiên đóng cửa khoảng 30.000 cơ sở kinh doanh không báo trước. Chiến dịch vô sản hoá kinh tế miền Nam kéo dài đến giữa tháng Tư với những cuộc bao vây, lùng soát, tịch thu tương tự ở nhiều tỉnh thanh khác trên toàn quốc.
Chiến dịch vô sản hoá của Hà Nội đã gặp kháng cự, dù trong tuyệt vọng, của người Hoa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. (49). Để xoá tan mọi dấu vết, tàn dư của nền kinh tế của xã hội tư bản, ngày 31 tháng Ba, Hà Nội ra lệnh cấm chỉ tất cả mọi hoạt động kinh doanh tư nhân trên toàn cõi Việt Nam, kể luôn cả hàng ngàn cửa hàng bán lẻ của tư nhân ở Sài Gòn cũng như Hà Nội. Hơn thế nữa, những người đã bị tịch thu tài sản và thương nghiệp, được lệnh phải di chuyển đến “Vùng kinh tế mới” trong vòng 1 tháng. Thanh niên còn khoẻ mạnh được đưa vào quân đội gởi sang chiến trường ở biên giới Việt Nam-Kampuchea. (50)
Cú dứt điểm của Hà Nội, cuộc đổi tiền lần thứ nhì vào ngày 3 tháng Năm 1978, dường như đã đạt kết quả xóa bỏ mọi dấu vết của nền kinh tế tư sản tư nhân. Không còn người giàu có tại Việt Nam. Không còn cự phú người Hoa ở Chợ Lớn. Một số nhỏ vẫn còn giấu được vàng hay tiền nước ngoài, nhưng đại đa số đã phải nương tựa vào người thân, bạn bè ở ngoại quốc để sống và chuẩn bị cuộc bỏ chạy khỏi nước Việt nam vô sản mở màn cho thảm kịch hàng đầu trong lịch sử thế giới
Cuộc di tản của người Việt Nam tị nạn
Quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Hoa đã thay đổi vào cuối năm 1976. Tại Đại hội IV, vào tháng 12, 1976, phe thân Nga đã thắng thế, hoàn toàn áp đảo phe theo Trung Hoa và nhóm “trung lập” trong thành phần Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lm. André Gélinas, trong những ngày còn ở Gia Định đã ghi nhận:
Người Nga đã và đang giữ thế rất mạnh ở ngoài Bắc và TV ở Sài Gòn đã tràn đây phim ảnh tuyên truyền của Liên Xô … Đôi khi những cuốn phim loại này chiếu cách nhau vài ngày, mở đầu bằng những “bài báo” thực ra là bản đọc lại các bài chính luận trên tờ nhật báo chính thức (của Đảng – TGT), tờ Sài Gòn Giải Phóng, Tin tức thế giới theo sau với những bản tin về “anh lớn Sô Viết hay Cuba” nhưng không khi nào có tin về Trung Hoa; người ta tưởng chừng như Trung Hoa không hiện hữu…[51]
Ở Đại hội IV, Đảng Cộng sản Việt Nam dường như đã lấy quyết định dùng vũ lực làm giải pháp cho những đụng độ ở biên giới Việt-Kampuchea sau khi không đạt được thoả hiệp nào ở những cuộc đàm phán hồi tháng Chín 1976. Đầu năm 1977, Trung Hoa giảm viện trợ tái thiết hậu chiến cho Việt Nam đồng thời tăng tài trợ và viện trợ kỹ thuật cho chính quyền Pol Pot[52]. Cũng vào đầu năm 1977, Hà Nội xúc tiến việc thanh lọc khu biên giới phía bắc bằng cách đuổi người Hoa sống ở vùng nam biên giới về Trung Hoa. Ngày 4 tháng Năm 1977, cuộc đổ máu đầu tiên xảy ra tại Hữu Nghị Quan, 500 lính Việt Nam gây thương tích cho 51 công nhân người Hoa.
Tóm lại cả hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Hoa đều có khuynh hướng chính trị mới vào khoảng 1976-1977. Trong khi Việt Nam chọn ngả về phía Liên Xô, Trung Hoa quay sang ủng hộ Pol Pot đồng thời bắt đầu chương trình “Bốn Hiện đại hoá” của Zhou Enlai đề xướng từ 1975 với chính sách cởi mở hơn về mặt đối ngoại, giao dịch với các nước tư bản, chính sách xét lại về mặt phát triển kinh tế, và quan tâm nhiều hơn đến người Hoa sống ở nước ngoài.
Tháng Mười, 1977 trong khi cuộc đàm phán về biên giới đang tiến hành ở Beijing, Hà Nội trục xuất, đợt nhì, người Hoa ở vùng biên giới Tây Bắc[53]. Ở miền Nam, người Hoa bắt đầu bỏ đi bằng đường biển, nhiều người thất bại và đã bị bắt giam.
Tháng Giêng 1978, chính quyền ở Tp. HCM ra thông báo sẽ cho xuất cảnh cho những ai có chiếu khán nhập cảnh Pháp,Hong Kong và Taiwan. Rất nhiều người đã đợi nhiều tháng trời để có visa xuất cảnh.
Chiến dịch xã hội chủ nghĩa hoá nền kinh tế miền Nam (tháng Ba) và cuộc đổi tiền lần thứ hai (tháng Năm, 1978) với kết quả có 50.000 cửa hàng của Hoa người bị đóng cửa, tài sản bị trưng thu, 320.000 người Hoa đi về vùng kinh tế mới.
Ngày 30 tháng Tư, Liao Chengzhi, Giám đốc Văn phòng Hoa Kiều Vụ, tuyên bố tại Beijing rằng Việt Nam đang đuổi người Hoa về nước. Ngày 4 tháng Năm, sau ngày hết hạn đổi tiền, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, thành viên ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, tuyên bố tại Hà Nội, “người nào muốn trở lại Trung Hoa chỉ cần làm đơn xin.” Sau đó Xuân Thủy còn cho biết sẽ giúp đỡ người Hoa về Trung Hoa tại một số địa điểm định trước dọc biên giới. Tin rằng sắp có sóng gió lớn, người Hoa miền Bắc lũ lượt kéo đến Đại sứ quán TQ ở Hà Nội xin visa xuất cảnh. Những người này đã việc ở kỹ nghệ, hợp tác xã, trường học về lại Trung Hoa qua ngả Vân Nam, Quảng Tây. Chỉ vòng 13 ngày, từ 9 đến 21 tháng Năm, đã có 57.000 người Hoa bị đuổi về Trung Hoa từ miền Bắc Việt Nam. Trong số này có khá nhiều chuyên viên[54].
Phản ứng của Việt Nam trước vấn đề người Hoa được ghi rõ trong phần tiểu mục số 1, mục số III, phần thư tư trong cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam–Trung Hoa trong 30 năm qua” do Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố ngày 4 tháng Mười 1979. Trong đó phía Việt Nam cho rằng:
Đầu năm 1978 những người cầm quyền Trung Quốc dựng lên cái gọi là vấn đề “nạn kiều” để mở đầu một chiến dịch quy mô chống nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Sự thật là chính các tổ chức bí mật người Hoa, mạng lưới gián điệp của sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội được sự chỉ đạo hàng ngày hàng giờ của bộ máy tuyên truyền Bắc Kinh, bằng sự bịa đặt trắng trợn những luận điệu vu cáo Việt Nam “xua đuổi, bài xích khủng bố người Hoa,” bằng những thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, dọa nạt đã gây nên trong quần chúng người Hoa đang làm ăn yên ổn ở Việt Nam một tâm trạng hoang mang lo sợ chiến tranh sắp nổ ra, một tâm lý nghi ngờ, thậm chí thù ghét người Việt Nam khiến họ ồ ạt kéo đi Trung Quốc. Bọn tay chân của Trung Quốc tổ chức cho những người đó vượt biên giới trái phép rồi lại chặn họ lại, gây ra ùn tắc ở biên giới Việt–Trung để dễ bề cho họ kích động chống lại và hành hung những nhà chức trách Việt Nam ở địa phương. Lúc dòng người Hoa ùn ùn kéo đi Trung Quốc, Bắc Kinh lại trắng trợn đưa hai tàu sang Việt nam đón “nạn kiều” mặc dầu họ không hề nêu trước vấn đề đó với chính phủ Việt Nam.
Chỉ trong vòng mấy tháng đầu, 17 vạn người (170.000 – TGT) Hoa đã rời Việt Nam đi Trung Quốc. Cái gọi là vấn đề “nạn kiều” chỉ là một sự cưỡng bức người Hoa ở Việt Nam ồ ạt di cư sang Trung Quốc mà thủ phạm chính là tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Băc Kinh, một sự lưa gạt và một sự phản bội của họ nhằm gây xáo trộn về chính tri, xã hội, kinh tế ở Việt Nam, hòng khuất phục nhân dân Việt Nam, đồng thời kích động dư luận Trung Quốc, chuản bị sẵn sàng “đạo quân thứ năm” cho việc tiến hành xâm lược Việt Nam trong bước sau.
…
Trước quyết tâm của nhân dân Việt nam giữ vững chủ quyền của mình, những người cầm quyền Bắc Kinh phải rút hai chiếc tàu đi đón “nạn kiều” về nước, ngồi đàm phán với phía Việt Nam về việc giải quyết vấn đề người Hoa. Nhưng trong đàm phán, họ vẫn giữ thái độ nước lớn, ngang ngược áp đặt quan điểm vô lý của họ, bất chấp chủ quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và luật pháp quốc tế. Chính họ đã cố tình phá hoại cuộc đàm phán đó để tiếp tục dùng vấn đề người Hoa chống Việt Nam.
(Trích trang 85-86)
24 tháng Năm, Văn phòng Hoa Kiều Vụ lên tiếng đòi Việt Nam ngưng ngay việc “xua đuổi, bài xích, khủng bố người Hoa”; nếu không Việt Nam phải hoàn toàn chịu hậu quả của những hành động không được phép đó. Trận khẩu chiến tiếp diễn. Trung Hoa lên án Việt Nam đày ải người Hoa (với chứng cớ từ những người tị nạn, di tản) và Việt nam cho rằng Trung Hoa bóp méo sự thật. Cùng lúc Đại sứ quán Trung Hoa ở Hà Nội gởi thông báo cho người Hoa dặn dò:
1.Toàn thể Hoa kiều tại miền trung, nam, bắc Việt Nam phải đoàn kết nhất trí để đối phó với hoàn cảnh ác liệt,
2.Phải chú ý nghe chỉ thị qua Đài phát thanh của Tổ quốc,
3.Hoa kiều về nước thì phải đợi chỉ thị, chờ nhân viên ngoại giao đến có chỉ thị rõ ràng để lo liệu. Sau đó tuần tự lên tàu về nước.
4.Không nghe chính quyền địa phương lừa gạt ghi là người Việt gốc Hoa làm thủ tục xin xuất cảnh về Trung Hoa vì như vậy thì sẽ bị tổn thất nặng nề về động sản và bất động sản của tư nhân. Phải chờ nhân viên ngoại giao của ta chỉ dẫn cách điền vào đơn (hai bên chính phủ đã bàn) để tài sản công tư khỏi bị tổn thất.
5.Đề phòng số phần tử xấu tung tin đồn ly gián làm dao động ý chí của Hoa kiều[55]
Tình hình biến động nhanh hơn trong hai tháng Sáu và Bảy, Hôm 7 tháng Sáu, trước một số nhà báo Thailand ở Beijing, Phó Thủ tướng Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) lên án Việt Nam không những chỉ đối xử xấu với người Hoa mà còn tệ bạc cả với Trung Hoa. Đặng Tiểu Bình cho biết đã viện trợ “quá nhiều” cho Việt Nam, vượt con số 18 tỉ đô-la, và Việt Nam đã đi 10 bước chống lại Trung Hoa và đang đi bước thứ 11 trong khi Trung Hoa mới chỉ bước bước đầu tiên đó là cắt giảm viện trợ cho Việt Nam và nói cho thế giới biết sự thực. Đặng nói tiếp là Trung Hoa đang đợi xem Việt nam sẽ làm gì thêm nữa[56].
13 tháng Sáu, sau 19 lần đàm phán về việc di tản người Hoa bằng đường biển từ Sài Gòn và Hải Phòng về Trung Hoa đã bế tắc ở hai điểm quy trình cặp bến và thời gian ở trên cảng. 16 tháng Sáu 1978, Việt Nam từ chối yêu cầu của Trung Hoa muốn được mở Lãnh sự quán tại Tp HCM. (TH đã yêu cầu Việt Nam từ cuối năm 1976 để mở LSQ ở Tp HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.) Trả đũa, Trung Hoa yêu cầu Việt Nam đóng cửa 3 Lãnh sự quán ở Quảng Châu (Guangzhou), Côn Minh (Kunming) và Nam Ninh (Nanning)[57] và gọi Đại sứ tại Hà Nội về nước vì lý so sức khỏe.
29 tháng Sáu, tại Romania, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV, Council of Mutual Economic Assistance, COMECON hoặc CMEA), còn gọi là là tổ chức hợp tác kinh tế của các quốc gia thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 1949 – 1991.
Ngày 3 tháng Bẩy, Trung Hoa chấm dứt viện trợ cho Việt Nam và gọi 880 chuyên gia về nước. Tính đến đầu tháng Bẩy đã có hơn 150.000 người Hoa bị đuổi qua biên giới. Việt nam không tha bất kỳ một người Hoa nào, ngay cả những người đã là anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ[58]. Tại miền Nam, 1.200 người Hoa đã được Hội Hồng Thập Tự di tản bằng máy bay về định cư tại Taiwan. Ngoài ra còn 5.000 người Hoa khác từ Việt Nam, Kampuchea, Laos đã về lại Taiwan từ 1975. Taiwan cũng di tản thêm 1.500 người sau đó.
Chính quyền địa phương Trung Hoa ở các vùng biên giới, Vân Nam và Quảng Tây, trong quan tâm và hoàn cảnh khó khăn đã ra thông cáo chung đòi người Hoa phải trưng giấy chứng nhận hồi hương và chiếu khán xuất cảnh của Việt Nam trước khi được phép vượt biên giới. Vì những cuộc đàm phán để di tản bằng thuyền trong suốt hai tháng Sáu và Bẩy hoàn toàn thất bại, ngày 28 tháng Bẩy, nhà nước Trung Hoa cho gọi hai chiếc tầu rời biển Việt Nam quay về Trung Hoa.
Bang giao Việt- Hoa đã ở mức cực kỳ căng thẳng. Chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ khi nào. Cùng lúc cũng có nguồn tin vào đầu năm 1978 Tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng cố vấn Sô Viết đi quan sát các khu phòng thủ dọc biên giới và lực lượng biên phòng của Việt Nam đã tăng từ 30 đến 100%[59]. Thực tế, cả hai bên biên giới, lực lượng phòng thủ đều được nâng cấp. Đầu tháng Tám, 1978 thái độ của Hà Nội đối với người Hoa càng cứng rắn hơn nữa. Ba lý do đưa Hà Nội đến lựa chọn này là:
1.Trung Hoa đã cắt viện trợ, hòa hoãn lúc này cũng khó vớt vát hay đảo ngược thế cờ với Trung Hoa.
2Việt Nam lên án Beijing không công bằng với Việt Nam trong vụ người Hoa. Trong khi hết lời nặng nhẹ với Việt Nam về việc đối xử xấu và đuổi người Hoa về nước, Bejing không đả động gì đến việc Polpot giết người Hoa, đuổi người Hoa ở Kampuchea chạy qua biên giới Việt Nam. Những người Hoa di tản này đã được Việt Nam “chăm sóc.”
3.Hà Nội có thể đã chọn phát triển quan hệ gắn bó hơn với Sô Viết được cam kết bằng những hiệp ước song phương để chống đỡ lại những áp lực bất ngờ từ phía Trung Hoa.
Trong thế đối đầu với Bejing, Hà Nội lần đầu tiên lên án Trung Hoa đã dụ dỗ kêu gọi 170.000 người Hoa về nước từ đầu năm đến tháng Tám 1978. Và cũng là lần đầu tiên Hà Nội gọi người Hoa là bọn “tư sản mại bản người Hoa” và lên án họ là tay sai của đế quốc phương Tây nhận làm người tư bản ngoại quốc “da vàng” để bóc lột nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, Hà Nội chính thức đả đảo người Hoa, lên án thương nhân người Hoa là các “ông vua”, vua gạo, vua bột mì, vua sắt vụn, thay vì lên án chung thương nhân miền Nam là tư sản mại bản như trong thông cáo số 1 của UBQQTPHCM năm 1975. Hà nội nâng cấp cuộc thanh toán người Hoa lên hàng ý thức hệ. Cuộc đấu tranh chống tư sản mại bản người Hoa là “cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.” [sic]
Về phía Trung Hoa, Beijing thủy chung đều cho rằng vấn đề của người Hoa ở Việt Nam là do Liên bang Sô Viết chủ động. Đặng Tiểu Bình cho rằng đây là một phần “chiến lược của Sô Viết để bao vây” Trung Hoa. Hơn nữa, những người Hoa tị nạn tại Trung Hoa cũng xác nhận ảnh hưởng của Liên Xô trong chiến dịch đuổi người Hoa về nước. Họ cho biết trước khi rời Việt Nam, bạn bè người Việt đã cho hay đảng CSVN nghe theo cố vấn của Liên Xô đuổi người Hoa đi chính là cách diệt đạo quân thứ Năm của Trung Hoa tại Việt Nam[60]. Hà Nội trả miếng bằng những tố cáo Bắc Kinh xúi dục người Hoa gây khó khăn, cản trở cuộc chuyển đổi sang và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đây là một phần trong kế hoạch của Trung Hoa tất cả đều do:
‒ Một tư tưởng chỉ đạo: chủ nghĩa đại dân tộc,
‒ Một chính sách: ích kỷ dân tộc,
‒ Một mục tiêu chiến lược: chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chủ nghĩa bá quyền nước lớn[61].
Cuộc khẩu chiến Việt-Hoa càng ngày càng cường điệu và gay gắt.
Tháng Mười, 1978, phóng viên Roland-Pierre Paringaux của tờ Le Monde có nhận định chính xác là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã áp dụng đúng chính sách của Tổng thống Ngô Đình Diệm[62] đối với người Hoa (trong những năm 1956-1957).
Và tờ Nhân Dân, ngày 23/05/1957, ở Hà Nội đăng nguyên văn lời Beijing phản đối quyết định của VNCH, “đơn phương và không hợp lý, không phải chỉ là một xâm phạm thô bạo đến các quyền hợp pháp của người Hoa tại Nam Việt Nam, mà còn là một hành động vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật quốc tế.” Hôm sau, 24/05/1957, Hà Nội cũng đã ủng hộ quan điểm này của chính quyền Trung Hoa.
Số người vượt biển vượt biên tị nạn cộng sản tính đến cuối năm 1985 là 1.386.715 người.
Ho Yen-sheng, cựu phóng viên của tờ Trung Hoa Thời báo của Đài Bắc ở Sài Gòn (China Times of Taipei) kẹt lại Việt Nam 4 năm sau 30 tháng Tư, và cũng là người tị nạn có kinh nghiệm sống 70 ngày trên một hoang đảo ở biển Đông trước khi về lại Đài Loan ngày 4 tháng Tám, năm 1979 đã thuật lại những điều tai nghe mắt thấy trong cuốn “Nam Việt Nam: Bốn năm dưới chế độ cộng sản” (Kung-tang chih-hsia ssu-nien ti Yuehnam).
Ho Yen-sheng cho biết chính quyền cộng sản tại Saigon đã dàn xếp với các công ty du lịch ở Hong Kong, Macao, và Singapore để người Hoa và người Việt rời miền nam Việt Nam bằng những tàu chở hàng trống. Những tàu vận chuyển hàng hóa này thường treo cờ của Panama. Muốn xuống tàu vượt biển “bán chính thức” người lớn phải trả từ 10 đến 12 lượng vàng, trẻ em 5-6 lượng vàng – chủ tàu phải trả 70% tiền “vé” cho cán bộ cộng sản Việt Nam. Bán “vé tàu” lấy vàng làm được vài chuyến thì chấm dứt vì bị quốc tế lên án nặng nề.
Cùng lúc với các chuyến tàu lớn chở người vượt biển, Chính quyền Việt Nam cũng thu vàng và cho phép những chiếc tàu nhỏ của tư nhân chở người ra biển. Quan chức Việt nam tiếp tục tổ chức thu vàng bán bãi, dùng cả tàu của hải quân đưa thuyền nhỏ ra tới hải phận quốc tế, nâng cao làn sóng tị nạn[63].
Số người tị nạn cộng sản lên đỉnh cao nhất là 42.000 người chỉ trong tháng Năm 1979. Riêng phần người Hoa, miền bắc Việt Nam đã có 250.000 người qua biên giới về Trung Hoa, 275.000 từ miền Nam đã vượt biển, vượt biên sang các quốc gia vùng Đông Nam châu Á. Nói chung, số phận người vượt biển tìm tự do có phần bi đát hơn. Ngoài việc phải đem vàng mua “vé tầu”, người vượt biển tị nạn còn phải chịu nhiều khổ đau vì bị cướp biển hãm hiếp, thảm sát,… đắm tàu, đói, khát, v.v.
Theo Đoàn Văn Toại trong bài “What’s Become of Vietnam?” đăng trên tạp chí Wall Street ngày 24 tháng Ba, 1982 thì nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thu được 4 tỉ đô-la trong chuyến “buôn người vượt biển” này[64].
Cơn sóng thuyền nhân đã làm chấn động dư luận thế giới. Giữa tháng Năm 1979, các quốc gia trong khối ASEAN và 19 nước khác đã họp tại Indonesia để tìm giải pháp cho thảm kịch. Thế giới mong chờ Việt Nam hứa sẽ giảm lượng người tị nạn lênh đên trên biển.
Tại Nam Dương, đại diện của Hà Nội cho thế giới biết Việt Nam sẵn sàng cho 600.000 công dân nước Việt xuất xứ nếu có quốc gia khác nhận đón.
Hai tháng sau, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc, thế giới đã phải cùng nhau ngồi lại ở Hội nghị Geneva ngày 20-21 tháng Bẩy, để tìm đáp án cho vấn đề thuyền nhân và người tị nạn cộng sản Đông dương nói chung. Trung Hoa lên án Việt Nam “xuất cảng người tị nạn” cùng lúc với công tác “diệt chủng ở quốc nội”; Carlos Romulos (Philippines), Sinnathamby Rajaratnam (Signapore), Walter Mondale (USA) trực tiếp và gián tiếp coi hành động đẩy người ra biển của cộng sản Việt Nam không khác gì cuộc thảm sát 40 năm trước do Đức Quốc Xã chủ trương. Tại đây, Phan Hiền, trưởng phái bộ Việt nam, thứ trưởng Ngoại Giao CHXNCNVN, đã tuyên bố không ngạc nhiên khi người tị nạn muốn “đi nước ngoài làm việc hay đoàn tụ với gia đình” [sic], Và ở một lúc khác Phan Hiền hứa sẽ ngăn chận những vụ đưa người ra biển bất hợp pháp. Tuy Hội nghị có đem lại một số kết quả khiêm nhường cho Hoa Kỳ – một số quốc gia giúp góp tiền, đón người tị nạn nhưng đã mang lại lợi lớn cho Việt Nam: không bị thế giới lên án vi phạm quyền làm người và bị quy trách nhiệm chính phạm đuổi người ra biển. King C. Chen nhận định Hội nghị Geneva về thuyền nhân là một thất bại về Nhân quyền và trách nhiệm của Nhân loại[65].
Tờ New York Times ngày 18 tháng Tám, 1979 đăng lời tuyên bố của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho rằng đa số dân tị nạn là người Sài Gòn và đã hợp tác với quân đội Mỹ.
“Họ là những người đầu cơ, lười biếng, không muốn lao động để kiếm sống. Họ có mặc cảm tội lỗi,” Thạch nói, “và họ phải kể những chuyện kinh hoàng để nói được với các ông họ không phải là người tị nạn kinh tế mà là những người tị nạn chính trị.” Chối, không nhận trách nhiệm về nạn đuổi người ra biển, Bộ Ngoại giao tại Hà Nội phủ nhận tất cả những tố giác của các quốc gia trong khối ASEAN[66].
Lịch sử Việt Nam sẽ ghi lại những dòng sau đây, phản ảnh trung thực chính sách, và quan điểm của đảng Cộng sản Việt Nam đối với khối người đã vượt biên, vượt biển tìm tự do những năm tháng sau ngày 30 tháng Tư, 1975:
“Gần đây những người cầm quyền Trung Quốc giương cao chiêu bài “nhân quyền” của Tổng thống Mỹ Ca-tơ (Jimmy Carter – TGT), lợi dụng vấn đề người Việt Nam đi ra nước ngoài, làm một vũ khí mới để chống Việt Nam. Những người Việt Nam ra đi nước ngoài phần lớn là những nhà buôn giầu có và những sĩ quan trước đây sống nhờ Mỹ và chế độ bù nhìn Sài Gòn, những người Hoa do Bắc Kinh dụ dỗ, cưỡng ép ra đi; một số là những người sống trong xã hội tiêu thụ kiểu Mỹ và nay không chịu nổi những khó khăn do cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và sự phá hoại của bọn bành trướng Bắc Kinh gây ra.” […]
Nhưng thủ phạm đích thực của dòng người “di tản” là ai?
Người ta chưa quên rằng Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược có tính chất huỷ diệt chống Việt nam và khi phải rút quân đội viễn chinh của họ, họ để lại ở miền nam Việt Nam một đất nước tàn phá, một nền kinh tế tê liệt, với trên ba triệu người thất nghiệp, trên 1 triệu người bị tàn phế, 80 vạn (800.000 – TGT) trẻ em mồ côi, trên 60 vạn (600.000 – TGT), trên 1 triệu thanh niên nghiện ma tuý…
Còn những người cầm quyền Bắc Kinh thì sao? Chính họ đã trắng trợn gây ra cái gọi là “nạn kiều”, cưỡng ép, dụ dỗ người Hoa bỏ nhà cửa, ruộng đồng, nhà máy để đi Trung Quốc, dùng những tổ chức của Cục tình báo Hoa Nam để quấy rối về chính trị, đầu cơ, tích trữ, nâng giá hàng, in bạc giả, nhằm phá hoại nền kinh tế Việt Nam, chồng chất thêm khó khăn cho người dân miền nam Việt Nam […]
Rất tiếc rằng có những chính phủ, những tổ chức vì không hiểu sự thật ở Việt Nam, hoặc vì muốn lấy lòng những người cầm quyền Trung Quốc để buôn bán làm ăn, đã phụ hoạ với chiến dịch kích động và vu cáo của Bắc Kinh ![67]
Ký ức của con người thường không toàn mỹ, nhưng lịch sử rất ít khi quên.
Nguồn bài đăng
Chú thích :
(1) H. Mark Lai, Becoming Chinese American: A History of Communities and Institutions, Rowman Altamira, 2004, p. 5.
(2) Ky Luong Nhi, The Chinese in Vietnam: a study of Vietnamese-Chinese relations with special attention to the period 1862-1961, University of Michigan, 1963, p. 51-55.
(3) Trương Duy Cường, La Hối với Xuân và Tuổi trẻ, Saigon Times, San Jose, 2006.
10 nghĩa quân bị Nhật Bản đem xử chém sáng ngày 2 tháng 4 năm 1945 gồm La Doãn Chánh (La Hối), Lâm Kiến Trung, Thái Văn Lễ, Tạ Phúc Khương, Lương Tinh Tiêu, Vương Thanh Tùng, Trình Duy Huấn, Trịnh Yến Xương, Lâm Bình Hoành và Kim Bính Bồi. Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch tặng bốn chữ “Dân Tộc Chính Khí” để tuyên dương 10 liệt sĩ này.
Chew Chye Lay, Grace, The linkages of Native-Place Association in Hoi An, Vietnam, Chinese Heritage Center Bulletin, Singapore, pp. 28-35.
(4) H. Mark Lai, Becoming Chinese American, p. 264-5.
(5) Chew Chye Lay, Grace, p. 33.
(6) Ky Luong Nhi, pp. 39; George Dutton A Brief History of the Tay Son Movement (1771-1802), University of Washington, (1998).
(7) Nayan Chanda, Brother Enemy: The War after the War, Harcourt Brace Jovanovich, Publishers, 1986, p. 236.
(8) Ky Luong Nhi, pp. 118-130.
(9) Pao-min Chang, Beijing, Hanoi, and the Overseas Chinese, China Research Monograph 24, Center for Chinese Studies, Institute of East Asian Studies, University of Berkeley, 1982. p. 5.
(10) Wickberg, Edgar. The Chinese Mestizo in Philippine History, The Journal of Southeast Asian History vol. 5, no. 1 (March 1964.): 62-100.
(11) Thomas Engelbert , “Go West” in Cochinchina. Chinese and Vietnamese Illicit Activities in the Trans Bassac (c. 1860-1920s) , Chinese Southern Diaspora Studies , Volume 1, 2007, p. 67.
(12) Pao-min Chang, p. 7.
(13) Bạch thư về quan hệ Việt-Hoa, White Paper on the Sino−Vietnam Relations, (Ha noi: Ministry of Foreign Affairs, 1979) p. 38.
(14) Pao-Min Chang, p. 9: Beijing Review, June 16, 1978. Nguồn Việt Nam: British Broadcasting Corporation, Summary of World Broadcast, Part III, The Far East, số 5896 [August 21, 1978], p A3/2.
(15) Pao-Min Chang, p. 9: BBC/FE, 1978, p. 18.
(16) Pao-Min Chang, p. 11: Yuenam huaqiao guoji wenti vanjiu (A study of national problem of Chinese in Vietnam), (Taipei: Hawai chuban she, June 1957), pp. 1-2. Đây là tập tài liệu xác đáng về cuộc tranh chấp này.
(17) Pao-Min Chang, p. 11: Yuenam huaqiao guoji wenti vanjiu, p. 23-28.
(18) Pao-Min Chang, p. 11: Yuenam huaqiao guoji wenti vanjiu, pp. 11-14
(19) Ky Luong Nghi, pp. 173.
(20) Ky Luong Nghi, pp. 197.
(21) Pao-Min Chang, p. 13: Bernard B. Fall, Vietnam’s Chinese Problem, Far Eastern Survey, May 1958, p. 68. Tất cả Hoa kiều hồi hương phải kê khai tất cả hành lý đem ra khỏi Việt Nam và được phép đem đi 400 đồng VN (tương đương 20 USD) dù họ đều phải đóng 500 đồng VN tiền “thuế rời cảng” tại phi trường trước khi lên máy bay.
(22) Pao-Min Chang, p. 14: Beijing Review, June 16, 1978, p. 18; FEER, June 16, 1978 p. 20.
(23) Pao-Min Chang, p. 14: FEER, June 16, 1978 p. 20. BBC/FE, June 16 1978, p. 18
(24) Alice Tay Erh Soon, The Chinese in Southeast Asia, Race, November, 1962, p. 35.
(25) Thomas Engelbert, Vietnamese-Chinese Relations in Southern Vietnam during the First Indochina Conflict, Journal of Vietnamese Studies, Fall 2008, Vol. 3, No. 3, Pages 191.
(26) King C. Chen, China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications, Published by Hoover Press, 1987, pp. 51-53. Chang Wen-ho là Tổng thư ký của Phòng Thương mại Hoa kiều vùng Sài Gòn – Chợ lớn trước năm 1975.
(27) King C. Chen, Phỏng vấn một số trong ban lãnh đạo cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn, 1972.
(28) Tien Man, “Bourgeoisie of Chinese Descent and the Solicitude of Chinese Authority,” Tạp Chí Cộng Sản số 8 , 1978, in FBIS, September 18, 1978, p. K5.
(29) King C. Chen, p. 56. Tác giả phỏng vấn người tị nạn tại Hong Kong, Taiwan, New Jersey và Connecticut trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Chín, 1979. Phỏng vấn được thực hiện với thoả thuận chỉ ghi họ người tị nạn; họ là Âu, Hoàng, Chan, Châu, Vũ, Lâm, Chu, Ma, Liu, Dao, Hồ, Li, Luo, Lo, Chiang và Liao. p. 56.
(30) Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (Provisional Revolutionary Government of the Republic of South Vietnam, PRGRSV) ngày 10 tháng Chín 1975, FBIS, September 10, 1975, pp. L1-L5.
(31) SGGP, “… cương quyết tiêu diện bọn tư sản mại bản, đầu cơ tích trữ đang lũng đoạn thị trường,” FBIS, September 18, 1978, p. L1.
(32) SGGP, “Tấn công, liên tục tấn công,” 16 tháng Chín, 1975. FBIS, September 18, 1978, p. L1. Hanoi Radio, 17, 18 tháng Chín, 1975. FBIS, September 18, 1975, p. L2. 19 tháng Chín, 1975, p. L1.
(33) King C. Chen , p. 57.
(34) xđd, p. 5: Thông cáo số 1 của UBQQTPHCM, FBIS, September 22, 1975, p. L2.
(35) xđd, p. 58: Thông cáo của Ngân Hàng Việt Nam, 21 tháng Chín, 1975, Saigon Radio, September 22, 1975, FBIS September 22, 1975, pp. L3-L5.
(36) xđd, p. 59: Xem chú thích 29
(37) xđd, p. 59.
(38) xđd, p. 60: New York Times, Decemeber 16, 1976, p.10.
(39) xđd, p. 60: New York Times, Decemeber 17, 1976, p. A14 và February 12, 1977, p 9.
(40) xđd, p. 60: New York Times, Decemeber 18, 1976, p. 5.
(40) xđd, p. 60: New York Times, Decemeber 18, 1976, p. 5.
(41) xđd p. 60: Vietnam Courrier Nọ 60 (May 1977): 5
(42) xđd p. 61.
(43) xđd p. 60: VNA, April 12, 1977.
(44) xđd p. 62: FBIS, May 4, 1978, pp. K5-K7
(45) xđd p. 62.
(46) Hua Guofeng (Hứa Quốc Phong) tại kỳ họp Khoá 5 của Quốc hội Nhân Dân vào 26 tháng Hai, 1978 tuyên bố TQ sẽ chống lại bất kỳ thế lực nào ép người Hoa ở nước ngoài đổi quốc tịch va`TQ có bổn phận bảo vệ những người quyết định giữ Hoa tịch (Pao-Min Chang p. 26: Bejing Review, March 10, 1978, p. 10.)
(47) King C. Chen , p. 62: Nhân Dân, February 24, 1978, “Complete the Socialist Transformation of Private Capitalist Industry and Commerce in the South,” trong FBIS, March 1, 1978, Pp. K17-18.
(48) King C. Chen , p. 62: Ho Chi Minh Radio March 24, 1978, in FBIS march 27, 1978, pp. K5-K7.
(49) Pao-Min Chang p. 28: Strait Times, May 4, 1978, p. 26 và May 6, 1978 p. 14. Hà Nội không loan báo về những cuộc đu,ng độ này mãi dde6’ tháng Chín, 1978. Strait Timese September 18, 1978, p. 2.
(50) xđd p. 28.
[51] André Gélinas, “Đời sống ở Việt Nam mới (Life in the New Vietnam), The New York Review of Books, Vol. 24, No. 4, March 17, 1977.
[52] Pao-Min Chang p. 21: tháng Hai, 1977 Bejing chính thức báo cho Hà Nô;i biết sẽ không có viện trợ mới cho Việt Nam. Beijing Review, March 30, 1979, p. 22.
[53] King C. Chen, p. 64: Tuyên bố của Bộ Ngoại giao CHNDTH ngày 9 tháng Sáu, 1978 về việc On Vietnam’s Expulsion of Chinese Residents (Beijing: Foreign Language Press, 1978), pp.11-12.
[54] King C. Chen, p. 64: Đài Tiếng nói nước Cộng hòa Dân chủ Đức, May 23, 1978. FGIS May 24, 1978. Nguồn tin Việt Nam: Viet Nam Courrier, Those Who Leave, Hanoi 1979: pp. 22-27.
[55] Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam -Trung Quốc trong 30 năm qua”, Nhà xuất bản Sự thật, tháng Mười 1979, Phụ đính thứ sáu; và King C. Chen 65: Ho Yen-sheng, South Vietnam, p. 40.
[56] xđd trang 65: The New York Times, June 9, 1978, p. A6
[57] xđd trang 65: The New York Times, June 20, 1978, p. A8 và June 21, 1978, p. 1.
[58] Philip Short, BBC, Chinese refugees leave Vietnam in 1978, August 1, 1978; và AFP, Nanning, July 7, 1978. FBIS, July 10, 1978, p. K15.
[59] King C. Chen, p. 66: Tien Man, “Bourgeoisie of Chinese Descent,” p. K5.
[60] Philip Short, BBC, Chinese refugees leave Vietnam in 1978, August 1, 1978 và The New York Times, September 5, 1979, p. K6.
[61] Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam -Trung Quốc trong 30 năm qua”, Nhà xuất bản Sự thật, tháng Mười 1979
[62] King C. Chen, p. 67: Radio Beijing, October 15, 1978. FBIS October 16, 1978, pp. A8-A9.
[63] xđd trang 67: Ho Yen-sheng, “South Vietnam: four years under communism” (Kungtang chih-hsia ssu-nien ti Yuehnam), Taipei, Time Cultural Publishing, 1979
[64] xđd trang 119: The New York Times, July 22, 1979, p. A18.
[65] xđd trang 119.
[66] xđd trang 119: The New York Times, August 18, 1979, p. 3. Xem thêm chi tiết ở Vietnam Courier, Those Who Leave, 1979, pp. 19-27.
[67] Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam–Trung Hoa trong 30 năm qua”, Nhà xuất bản Sự thật, tháng Mười 1979, trang 95-97