Lịch sử hình thành đô thị Rạch Giá
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Lịch sử hình thành đô thị Rạch Giá
Khởi phát ban đầu là vị trí lỵ sở của đạo Kiên Giang được lập vào năm 1757 của trấn Hà Tiên, Rạch Giá chính thức hình thành một thủ phủ bên những cánh đồng tràm bạt ngàn phía biển Tây.
Nằm ở phía Tây Nam lãnh thổ Việt Nam, thành phố Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang, có tọa độ địa lý 105o06’04” kinh độ Đông và 10o01’31’’ vĩ độ Bắc, với tổng diện tích hiện nay là hơn 100km2. Rạch Giá không chỉ là một thành phố biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn là một trong bốn đô thị trọng điểm của khu vực, sở hữu lợi thế giao thông đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á. Theo Quyết định số 195/QĐ-TTg ngày 21/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành thành phố Rạch Giá được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Kiên Giang
Khởi phát ban đầu là vị trí lỵ sở của đạo Kiên Giang được lập vào năm 1757 của trấn Hà Tiên, Rạch Giá chính thức hình thành một thủ phủ bên những cánh đồng tràm bạt ngàn phía biển Tây. Đây là nơi hoang địa đã tồn tại hàng ngàn năm, chỉ có rừng rậm cùng muỗi mòng, đỉa rắn với bao hiểm nguy, nhà Nguyễn đã thiết lập một đơn vị hành chính để cư dân quần tụ. Từ đó, dưới sự quản lý của chính quyền Đàng Trong, vùng đất Rạch Giá ngày càng phát triển với nhiều làng mạc được thiết lập, trong đó có hai làng chính: Sái Phu Xã và Vĩnh Lạc Minh Hương Xã cùng nhiều làng mạc khác vây quanh. Đô thị Rạch Giá càng hình thành rõ nét, đặc biệt trong giai đoạn Pháp thuộc. Đô thị Rạch Giá cũng là nơi gắn liền với những người anh hùng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, đó là Phó Cơ Điều, Nguyễn Trung Trực hay Đỗ Thừa Luông.
Địa phận ban đầu của đô thị Rạch Giá chủ yếu nằm trên địa giới các làng Vân Tập, Vĩnh Lạc, Vĩnh Hòa và một ít trên làng Thanh Lương, trong đó phần lớn nằm trên làng Vân Tập và phân bố 2 bên bờ kinh Rạch Giá. Vì những bất tiện vì việc quản lý đô thị Rạch Giá từ cảnh sát không có sự thống nhất, bởi diện tích đô thị nằm trên cả 4 làng nêu trên và điều này gây khó khăn trong công tác quản lý. Thậm chí việc triển khai xây dựng và phát triển đô thị gặp nhiều khó khăn, chính quyền Hạt tham biện Rạch Giá đề xuất hợp nhất các làng vừa nêu thành một làng duy nhất, lấy tên là Vĩnh Thanh Vân. Việc hợp nhất được Thống đốc Nam Kỳ là J. Fourès ban hành bằng Nghị định số 111 ngày 26/01/1894
Năm 1904, thủ phủ Rạch Giá chính thức được xác lập đô thị, chính quyền ra nghị định công nhận là trung tâm đô thị (centres urbains) trên địa phận làng Vĩnh Thanh Vân từ ngày 01/01/1905, theo Nghị định ngày 15/10/1904 và là đô thị loại 1 cùng với các đô thị Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Gò Công, Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ và Bạc Liêu. Qua nhiều lần thay đổi và thậm chí sáp nhập, đồng thời cũng nâng từ trung tâm đô thị lên thị xã (commune), thị xã hỗn hợp (commune mixte) và cuối cùng là thành phố Rạch Giá.
Trải qua nhiều chính thể cùng nhau dựng xây và bồi đắp đô thị ngày càng phát triển, tính đến năm 2025, đô thị Rạch Giá chính thức đã có lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, trở thành một trong những thành phố lớn và quan trọng hàng đầu trên cả nước.
Đoàn Thùy Dung (Trung tâm Lưu trữ quốc gia II)