Tỉnh Bình Định hơn 100 năm trước
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Tỉnh Bình Định hơn 100 năm trước
Tỉnh Bình Định nằm ở trung tâm của dải đất Trung Kỳ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên; phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp vùng Hạ Lào.
Ranh giới - Tỉnh Bình Định nằm ở trung tâm của dải đất Trung Kỳ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên; phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp vùng Hạ Lào. Tỉnh này có rất nhiều đồi núi.
Dân số - Theo ước tính năm 1907, tỉnh Bình Định có khoảng 800.000 người, trong đó có 120 người Âu và 600 người Hoa.
Giao thông - Việc lưu thông giữa tỉnh lỵ Quy Nhơn với Nam Kỳ, Bắc Kỳ và các hải cảng khác của Trung Kỳ được thực hiện bằng đường biển, thông qua các tàu hơi nước của Hãng Vận tải đường biển neo đậu tại đây. Bến neo đậu cách đất liền khoảng một dặm, và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tàu thuyền phải tuyệt đối tránh xa bờ. Để tàu bè có thể dễ dàng tiếp cận bờ biển, nhiều công trình đã được thi công và hệ thống đèn pha được lắp đặt trên cảng.
Những tàu có thể neo đậu lâu ngày sẽ vào trú ẩn ở vịnh phía trong thông qua đường lạch dài 600mét, rộng 200 mét. Tuy nhiên, những con tàu này chỉ có thể thả neo ở nơi cách đất liền 700 mét. Một số tàu hơi nước của Đức đăng ký tại cảng Hồng Kông ghé qua đây khoảng mỗi tháng một lần.
Ba cảng Quy Nhơn, Nước Ngọt và Tam Quan là nơi thuyền mành hay lui tới.
Trên những con sông chảy qua tỉnh, chỉ thuyền tam bản nhỏ mới qua lại được và vào mùa mưa.
Hoạt động giao thông trên đất liền chủ yếu thông qua đường Cái quan. Tại đây, không có dịch vụ vận tải nào được tổ chức. Việc vận chuyển dựa vào đội phu phen, theo biểu phí cố định từ Bình Định đến Quảng Ngãi và từ Bình Định đến Phú Yên.
Ngựa thồ, cáng, hoặc ghế kiệu là những phương tiện thường xuyên được sử dụng trong các cuộc kinh lý bằng đường bộ.
Sản vật- Sản vật của tỉnh bao gồm: gạo - được xuất khẩu với số lượng lớn; vừng, lạc, dầu lạc và khô dầu lạc; dầu dừa, muối, lụa và bánh kếp nổi tiếng. Ngoài ra, Bình Định còn có xưởng dệt tơ lụa của các ông Delignon và Paris, nhà máy sản xuất anbumin, các nhà máy rượu.
Thương nhân người Hoa xuất khẩu tổ yến, vây cá mập, tơ tằm, muối.
Tỉnh Bình Định có khá nhiều mỏ vàng và một số lâm sản. Nghề chăn nuôi ở đây rất phát triển.
Hệ động vật - Gồm có: hổ, voi, hươu, nai, công, chim trĩ, gà rừng, chim săn, một số loài rắn.
Tỉnh lỵ Quy Nhơn - Nằm cách Huế 395 cây số. Việc kết nối với các trạm trong đất liền được thực hiện thông qua một số con đường tuyệt đẹp, xe cộ đi lại được. Hàng hóa xuất khẩu qua cảng Quy Nhơn chiếm khối lượng lớn. Năm 1907, nơi đây có một trường học, một văn phòng của Hãng Vận tải đường biển, một kho tạm giữ hàng hóa của trạm Thuế quan, một nhà máy chưng cất rượu, một nhà máy sản xuất anbumin, các ruộng muối, một văn phòng Công chính, nhiều hãng buôn của người Âu, một trạm bưu điện với dịch vụ hoàn hảo.
Cảng Nước ngọt - Lối vào cảng có tên là Đề Gi. Nơi đây có nhiều vựa muối, trạm thuế quan, và chuyên làm thừng chão.
Tam Quan - Cách tỉnh lỵ 100 cây số, là cảng thứ hai của tỉnh, nơi thuyền bè của người An Nam và Trung Hoa thường xuyên lui tới. Tam Quan có rất nhiều vựa muối và một trạm thuế quan.
Bình Định - Là tỉnh lỵ cũ của tỉnh, cách Quy Nhơn 21 cây số. Đây là trung tâm sản xuất tơ lụa (tơ sống, vải, bánh kếp). Nơi đây có nhà máy rượu, trạm thuế quan, trạm bưu điện phục vụ dịch vụ điện báo công, tư, vận chuyển vật phẩm bảo đảm và bưu kiện.
Những chuyến du ngoạn thú vị - Tỉnh Bình Định có nhiều di tích độc lạ. Các trung tâm Bình Định, Bồng Sơn, Kim Sơn, Phú Thạnh và Tân Lộc rất đáng để tham quan.
Xung quanh Quy Nhơn còn có một tour dạo bộ tuyệt vời có tên là “Tour tham quan lưu vực sông Côn”(1).