200 năm hình thành Kênh Vĩnh Tế - tầm nhìn chiến lược của bậc Đế vương
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
200 năm hình thành Kênh Vĩnh Tế - tầm nhìn chiến lược của bậc Đế vương
Những thông tin khắc trong Mộc bản Triều Nguyễn là những bằng chứng sống động không chỉ tôn vinh công lao xây dựng kênh Vĩnh Tế mà còn là những con số được vinh danh.
Kênh Vĩnh Tế là một con kênh với chiều dài hơn 91 km chạy qua địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một con kênh đào lớn nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Vào cuối năm 1819, vua Gia Long ban lệnh cho đào kênh. Tháng 1 năm 1820, công trình này khởi công và trải qua ba giai đoạn thi công để hoàn thiện vào năm 1824. Đây là công trình quy mô nhất thời bấy giờ, thể hiện tầm nhìn chiến lược của chính quyền nhà Nguyễn về chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại cũng như việc phát triển kinh tế nông nghiệp, giao thông vùng biên viễn kết nối toàn bộ khu vực phía Tây Nam từ Châu Đốc đến Hà Tiên.
Vua Gia Long với tầm nhìn chiến lược của mình đối với vùng đất Nam Bộ đã đặt vấn đề và triển khai việc đào các con kênh quan trọng ở đây. Nhà vua đã nhận định vùng đất này nay mở đường sông để đi thẳng tới Hà Tiên, làm ruộng đi buôn đều được lợi cả, sau này dân cư đông đúc đất này rộng rãi, có thể thành một trấn rộng lớn. Tháng 9 năm 1819 vua Gia Long dụ cho thành Gia Định tiến hành đo đạc, tính từ phía Tây đồn Châu Đốc, sai trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại và trưởng cơ Phan Văn Thiêm dốc sức 5.500 người.
Việc đào sông Vĩnh Tế là sự tính toán tỉ mỉ, cân nhắc kỹ lưỡng của vua Gia Long, đồng thời cũng cho thấy sự khôn khéo trong việc đắc dụ nhân tâm đoàn kết thu dụ nhân dân ở vùng Viên, Việt, Chăm để cùng nhau hợp lực đào con kênh có lợi cho cả một vùng rộng lớn.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 40. Kỷ Mão, Gia Long năm thứ 18 (1819) chép: “Vua Gia Long ra lệnh cho vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên. Cho tên là sông Vĩnh Tế. Vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt. Gặp Chiêu Chùy nước Chân Lạp là Đồng Phù đến chầu, vua triệu cho yết kiến hỏi han. Đồng Phù trả lời rằng: “Khai sông ấy thì dân Chân Lạp được nhờ lợi, vua Phiên cũng muốn thế, không dám xin mà thôi”.
Vua khen và lấy làm vui lòng, dụ bảo thành thần Gia Định, đo từ phía Tây đồn Châu Đốc qua cửa Ca Âm, Cây Báng, đến sông cũ hơn 200 dặm, tính công đào đất và lượng sức người. Sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thụy và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân phu 5.000 người và binh dân đồn Uy Viễn 500 người, Đồng Phù quản suất dân Chân Lạp 5.000 người, đến tháng 12 khởi công đào. Dân người Việt cùng với binh đồn Uy Viễn thì mỗi tháng cấp cho mỗi người 6 quan tiền và 1 phương gạo; dân Chân Lạp mỗi tháng cũng cấp cho mỗi người 4 quan 5 tiền, 1 phương gạo.
Chiếu dụ dân Vĩnh Thanh rằng: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”.
Lại dụ vua Chân Lạp rằng: “Nước ngươi giáp giới với Vĩnh Thanh. Nay đào sông này không những lợi cho người Hán mà còn lợi cho nước ngươi vô cùng. Vương nên họp nhân dân bảo cho biết ý nhọc một lần mà nhàn mãi mãi, khiến dân vui làm việc, cho chóng thành công. Quan Phiên trở xuống, ai không theo lệnh cho Đồng Phù trị theo quân pháp”.
Đến thời vua Minh Mang việc đào sông Vĩnh Tế chia thành hai giai đoạn, tạm hoãn đến hai lần việc đào kênh do những lý do chính trị.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 2: Canh Thìn, Minh Mệnh năm thứ nhất [1820] chép: “Hoãn công việc đào sông Vĩnh Tế. Vua mới lên ngôi, thấy việc đào sông từ mùa đông năm ngoái đến nay, người nước Chân Lạp đều phục dịch nhọc mệt khổ sở, xuống dụ cho thành thần Gia Định thường để ý hỏi han luôn, người ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp tiền vải. ốc Nha và Bồn Nha theo làm việc ở nơi công trường hơn 100 người đều thưởng cho gươm đeo, súng tay và áo mặc. Lại dụ vua phiên là Chăn và các quan phiên rằng: “Tiên đế lấy việc đào sông làm lợi muôn đời cho các ngươi, vua tôi nhà ngươi nên cùng lòng hợp sức, sửa sang công việc, trước để xứng ý Tiên đế yên vỗ nước ngươi. Chớ tưởng rằng Triều đình muôn dặm, xét soi không tới. Cũng không thể đổ cho là phận sự của Đồng Phù (tên người quan phiên) mà lòng nghĩ sai đi, sức làm lười biếng. Sau khi thành sông rồi, sẽ có trọng thưởng. Phải cố gắng đi”. Đến nay công việc chưa xong, (đã thành sông được 3.224 trượng, chưa thành sông 9.992 trượng), vua không nỡ để cho nhọc sức dân mãi, nên hoãn lại. Những chỗ chưa kịp đào thì ra lệnh cho tạm mở lạch nhỏ, có thể cho thuyền nhỏ đi lại thông được mà thôi. Thưởng cho quan lại coi việc súng tay, áo quần và bạc theo thứ bậc khác nhau.
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 7 chép: Tân Tỵ, năm Minh Mệnh thứ 2 [1821]: Lại hoãn việc đào sông Vĩnh Tế. Dụ Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt rằng: “Việc sông ấy năm ngoái có chỉ tạm đình để năm nay lại đào tiếp. Duy nghĩ sông tuy chưa đào xong, đường nước cũng đã thông được thuyền bè, huống chi dịch lệ mới yên, chính là lúc phải để cho dân nghỉ ngơi, sao nên vội bắt dân vất vả? Khanh nên tuyên cáo ý ấy cho dân đều biết”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 17: Nhâm Ngọ, năm Minh Mệnh thứ 3 [1822] chép: “Quốc vương Chân Lạp là Nặc Chăn đưa thư đến Gia Định, xin đem binh dân nước ấy để hợp sức tiếp tục đào đường sông Vĩnh Tế. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua xuống dụ khen ngợi. Sai Duyệt làm quy hoạch trước. Duyệt tâu xin phát hơn 39.000 người binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường cùng đồn Uy viễn, với hơn 16.000 người binh dân nước Chân Lạp, chia làm ba phiên, để mùa xuân sang năm khởi công, đầu hạ thì xong. Vua y cho. Dụ rằng: “Đường sông Vĩnh Tế liền với một lộ tân cương, xe thuyền được lợi rất nhiều. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta mưu sâu tính kỹ, để ý đến việc biên cương, buổi đầu đã một lần đào, công việc chưa xong. Trẫm noi theo chí trước, dốc lo làm sao một lần khó nhọc để thong thả lâu dài, khanh nên tính toán thế nào, hẹn ngày tâu công, để xứng ý trẫm. Vả chăng sông ấy không phải lợi cho Chân Lạp, vua Phiên xin thế vị tất là do thực tình. Ngày nào dụ đến nơi, họ tất sẽ có lời ngăn trở. Song việc làm quả quyết thì nên, dùng dằng thì hỏng. Trẫm đã định trước, họ không đáng kể”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 19: Quý Mùi, năm Minh Mệnh thứ 4 [1823] chép: “Tháng 2, lại đào sông Vĩnh Tế. Sai Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt trông coi công việc. Trước định khởi công từ tháng giêng. Vừa Duyệt nghe tin Hưng Hoá giặc nổi, dâng sớ xin hoãn. Vua dụ rằng: “Xem tờ mật tâu của khanh biết kế hay của khanh mưu toan việc nước, trù tính việc biên. Nay may tướng sĩ theo mệnh đã đánh vào ổ giặc, tướng giặc chẳng lâu sẽ bị giết thôi, có thể không lo đến việc miền Bắc nữa, khanh nên phát binh dân vét đào sông ấy để xong công việc. Nếu để mất cơ hội ấy thì khó bảo đảm kỳ sau, mà nước Chân Lạp có thể dòm ngó chính lệnh của ta. Phải nghiêm theo đấy. Trẫm chuyên trông ngóng, tâu về mới ăn ngon ngủ yên được”. Đến nay Duyệt tâu xin lượng phát hơn 35.000 binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Uy viễn, cùng hơn 10.000 binh dân nước Chân Lạp ra làm, mỗi tháng cấp tiền gạo đều như lệ năm Gia Long. Vua y cho (dân hạt thành mỗi tháng tiền 6 quan, gạo 1 phương, mỗi 5.000 người đặt 150 người chức dịch, cấp tiền 1.000 quan, gạo 150 phương. Dân Chân Lạp mỗi tháng tiền 4 quan 5 tiền, gạo 1 phương, mỗi 5.000 người đặt 100 người đầu mục ốc-nha Bồn-nha, cấp tiền 1.000 quan, gạo 150 phương). Chưa được bao lâu, Duyệt có bệnh, sai Phó tổng trấn Trương Tiến Bửu làm thay.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 20: Quý Mùi, năm Minh Mệnh thứ 4 [1823] chép: “Hoãn công việc đào sông Vĩnh Tế. Vua cho là thời tiết tới mùa hạ, công việc đào sông chỉ còn hơn 1.700 trượng (dòng sông hiện đã thành hơn 10.500 trượng, chi tiền hơn 515.200 quan, gạo hơn 99.400 phương), sai đình việc, cho binh dân về. Thưởng cho Lê Văn Duyệt gia 1 cấp và đoạn mãng đoạn hoa đều 1 tấm; Trương Tiến Bửu và bọn giám tu chuyên biện được thưởng kỷ lục và bạc lụa theo thứ bậc; thưởng vóc lụa cho quốc vương Chân Lạp; các quan Phiên đốc biện cũng cho áo quần. Lại cho Lê Văn Duyệt đai ngọc. Dụ rằng: “Trẫm nghĩ khanh khi xưa theo vua đã có công lao, giữ hết lòng trung, cho nên Hoàng khảo ta dặn lại giúp trẫm. Trước nhân đất Gia Định ở giáp nước Phiên nên sai khanh làm Tổng trấn. Từ khi khanh giữ việc đến nay thì dẹp yên giặc Chân Lạp, tiếp đến tra xét đinh lậu, thêm lên hơn vạn hộ khẩu. Nay lại tự mình đốc suất việc đào sông để thành cái chí noi theo việc trước của trẫm. Làm tôi siêng năng duy khanh là hơn cả, cho nên hậu thưởng. Từ trước đến nay các hoàng tử tước công chưa từng cho đeo đai ngọc. Nay nghĩ khanh công trước vốn đã rạng rỡ, lại dựng được công mới, nên đặc cách ban cho. Khanh càng nên dốc lòng trung thành, cố gắng hơn nữa”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 25: Giáp Thân, năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) chp biết đào tiếp sông Vĩnh Tế. Lấy binh dân các trấn thuộc thành và nước Chân Lạp hơn 24.700 người làm việc, chi cấp lương tiền như lệ năm Minh Mệnh thứ 4. Vua dụ rằng: “Việc đào sông Vĩnh Tế là vâng theo thánh toàn của Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta mà làm, thực là quan yếu cho quốc kế biên trù. Nhưng khai đào mới bắt đầu, công việc còn khó, trẫm vâng theo chí trước, năm ngoái đã đào, còn lại hơn 1.700 trượng, ấy là còn thiếu cái công một sọt đất. Nay nước nhà nhàn rỗi, chính nên kịp thời làm tiếp cho xong, để làm kế nhọc một lần được rỗi mãi”. Lại dụ cho quốc vương Chân Lạp biết.
Phó tổng trấn Trần Văn Năng xin để lại quân dân hai trấn Phiên An, Biên Hoà để đào đá xây thành. Vua dụ rằng: “Việc xây dựng năm nay chưa tiện, sẽ đợi sang năm. Còn như sông này, liền với tân cương, rất quan hệ đến việc biên phòng, so với việc xây thành đằng nào cần hơn? Huống chi hai việc đều làm, sao cho xong được, kiến thức sao hẹp hòi thế?” Không cho. Sai đem cả quân dân đến đào sông. Phát tiền kho 1.000 quan mua trâu rượu khao những người làm việc.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 27 Giáp Thân, năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) cho biết, mùa hạ, tháng 5, việc đào sông Vĩnh Tế xong. Vua nói rằng: “Đào con sông ấy để trọn công trước, thực là lợi ức muôn năm vô cùng về sau”. Bèn sai hữu ty dựng bia để ghi.
Kênh đào Vĩnh Tế là một công trình quan trọng của quân và dân vùng biên giới Việt - Miên hồi đầu triều Nguyễn. Gần 200 năm qua, những con số về kênh Vĩnh Tế được vinh danh cũng như những lợi ích của kênh Vĩnh Tế vẫn phát huy tác dụng với nông nghiệp và thương mại của cả một vùng biên viễn phía Tây Nam.
Ánh Phượng (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)