Lào Cai - Vân Nam Phủ: Tuyến đường sắt táo bạo của người Pháp tại Viễn Đông
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Lào Cai - Vân Nam Phủ: Tuyến đường sắt táo bạo của người Pháp tại Viễn Đông
Công ty Hỏa xa Đông Dương - Vân Nam được cấp quyền xây dựng theo thỏa thuận năm 1901, bắt đầu thi công tuyến đường sắt Lào Cai-Vân Nam Phủ vào tháng 6/1908 và hoàn thành vào ngày 01/4/1910, ngày mà đầu máy xe lửa đầu tiên tới Vân Nam Phủ.
Quá trình xây dựng tuyến đường này gặp vô vàn khó khăn. Việc tuyển dụng phu phen, vận chuyển nguyên vật liệu không hề dễ dàng. Thêm vào đó, những khu vực đi qua lại không an toàn, trộm cướp luôn rình rập, đe dọa. Cuối cùng, tại một xứ sở đầy biến động, bản thân tuyến đường này cũng đòi hỏi những công trình hầm cầu quy mô lớn, số lượng nhiều đến mức mà theo thỏa thuận nhượng quyền, dự toán ban đầu là 95 triệu nhưng sau đó đã lên tới 165 triệu phơ-răng.
Nhưng từ Lào Cai đến điểm cuối, qua khu vực trải dài đến phía Nam sông Dương Tử, tuyến đường băng qua những vùng miền có diện mạo, độ cao và khí hậu thay đổi đến mức kinh ngạc. Khi thì tuyến đường ray xuyên qua vùng rừng rú bí ẩn, ẩm ướt, nóng nực, khi lại men theo những dòng sông, băng qua các dòng thác, rồi vòng quanh các hồ nước. Nó vượt qua những cây cầu cạn cao đến chóng mặt, cầu sắt và xuyên qua đường hầm vào ban đêm để rồi sau đó vươn ra vùng đồng bằng yên bình, màu mỡ, leo lên những ngọn núi dốc đứng, vòng quanh những đỉnh nhọn mà nó bao quanh bằng dải băng thép đôi của mình.
Trên thực tế, tuyến đường sắt đi qua 155 đường hầm với tổng chiều dài hơn 16km. Để hỗ trợ nó, một số công trình chống đỡ quy mô lớn đã được xây dựng, những cây cầu đủ kích cỡ đôi khi kết hợp sắt, đá và gỗ, cầu cạn bằng thép và hành lang được khoan sâu vào đá. Tuy nhiên, ở những công trình xây dựng trên không này, kim loại chiếm ưu thế, nổi bật ở đây, phía trên bản mặt cầu, những mái vòm hoành tráng hoặc một chuỗi mái vòm mềm mại được dựng lên để hỗ trợ đường ray, các tấm cốt thép có vẻ ngoài thanh thoát đến mức nhìn từ xa chúng tựa như dải đăng ten lấp lánh trải dài trên bầu trời xanh rực rỡ.
Rời khỏi Lào Cai, vượt qua thác Nan-Ki hay còn gọi là dòng thác phía Nam, trên chiếc cây cầu dài 120m, đoàn tàu đi vào một thung lũng. Tới giữa vùng rừng rú, khói từ các đoàn xe tỏa ra khung cảnh nhiệt đới, bao trùm lên mớ hỗn độn hình thành từ những bụi cây thấp, những bụi mâm xôi khổng lồ và những dây leo chằng chịt, đôi khi, chúng bị đánh thức khỏi giấc mơ hoài niệm, bị phân tâm khỏi giấc ngủ trưa hoặc bị quấy rầy bởi tiếng còi chói tai, đầu máy xe lửa, hổ và báo bất chợt chồm lên rồi biến mất trong rừng cây, giữa làn nước trong xanh
Và con tàu lăn bánh. Nó băng qua vùng núi đá lởm chởm nơi dòng thác Nan-Ki đổ xuống, qua hai chiếc cầu cạn kim loại, gần Po-tchai: một cầu 17 nhịp dài 8 mét, cầu còn lại 9 nhịp dài 8 mét, ra khỏi hành lang, ta được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa A-Peu hình bậc thang vô cùng thú vị.
Từ đây, diện mạo, cảnh quan liên tục thay đổi, hết sức đa dạng. Con đường leo lên những khúc cua hướng về phía cao nguyên, từ đó, với không khí tươi mới và trong lành hơn, một sự thanh lãng tràn ngập. Còn đây là sự hỗn độn, với hẻm núi hoang dã, nơi đường ray khi thì treo trên chỗ ghồ ghề vượt từ khe núi này đến khe núi khác, khi lại xuyên qua những ngọn đồi và đỉnh nhọn mà 19 đường hầm với tổng chiều dài 2.253m tạo nên. Một cầu máng hình vòm, một cây cầu thép hình cung cao 65m như đang thách thức phía trên một dòng thác cuồn cuộn, và Nan-Ki lại hiện ra, đổ xuống thành từng đợt liên tiếp, từ độ cao 300 mét.
Bức tranh toàn cảnh thực là lộng lẫy, trải ra với phông nền là những đỉnh núi cao hơn 2.000m, những sườn dốc phủ đầy cây lưỡi chó, điểm xuyết bằng hoa đỗ quyên.
Dần dần, hệ thực vật dưới núi cao được thay bằng hệ thực vật nhiệt đới. Những làn gió nhẹ thay cho mùi oi nồng ngột ngạt trong bầu không khí ẩm ướt, nặng nề của vùng Hạ Nan-Ki. Những cây sồi bần xuất hiện và, khi con tàu vượt qua ga Tche-ts’ouen, những ánh mắt phấn khích hướng về phía vườn cây đang nở hoa hoặc trĩu quả tùy theo mùa; trên những bãi cỏ xanh tốt nơi đàn bò đang gặm cỏ, nơi những chú ngựa hoang đang phi nước đại; trên cánh đồng nơi những cây thuốc phiện đang thiu thiu ngủ, nơi những cây mía dường như bất động.
Gần Mông Tự, “Vực Hắc Long”, nơi ta có thể ghé thăm bằng kiệu, và còn đây, trước và sau vùng đồng bằng Tatchouang, là các đường hầm, cầu cạn, hào sâu. Chúng tôi băng qua Lou-Kiang với làn nước trong xanh, đi dọc hồ Ylong; tiến về phía hẻm núi Pa-ta-ho đẹp như tranh vẽ, trong khi trên những đỉnh núi được bao phủ bởi cánh rừng thông thưa thớt, những bông hoa đỗ quyên, hoa trà và hoa hồng dại bắt đầu nở rộ, ở những vùng đất trù phú, cư dân sống rải rác, họ trồng lạc, lúa, đậu và lúa mỳ đỏ với số lượng không nhiều.
Và cuộc hành trình tiếp tục. Đường ray đi lên hẻm núi nơi có dòng sông chảy thành thác nước trong vắt. Trên cao, các thôn xóm như đang mơ màng dưới bóng cây dẻ êm dịu. Những ngôi chùa cheo leo trên núi đá; một ngọn tháp màu trắng báo hiệu ngôi làng Hồi giáo từ xa. Hoa trà tỏa hương thơm dịu nhẹ trong bầu không khí và như để tăng thêm khung cảnh êm dịu này, còn đây, ở vùng ngoại ô K'o-pao-ts'ouen, làn nước màu xanh của sông Yangtsong, dài 15 km, rộng 5 km, như một chiếc cốc trong suốt dưới đáy của một đài vòng trên núi.
Vân Nam Phủ càng trở nên gần hơn. Ẩn sau mặt đất nhấp nhô và những tán cây lớn bao quanh sông ngòi và kênh rạch, thành phố bất chợt hiện ra, khơi dậy sự hiếu kỳ của du khách. Ở vùng ngoại ô thành phố, những cánh cổng, đền đài, ki-ốt, những tòa nhà, những bức tượng bằng vàng, bạc, đồng, đá cẩm thạch, ngọc bích rải rác khắp nơi, những con rồng canh gác cẩn mật cả người sống và người chết.
Hoàng Hằng (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ) (Nguồn: Tờ Dépêche du Nord ngày 19/9/1928, bảo quản tại hồ sơ 7252, phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.)