TÂY SƠN CÓ CẦU VIỆN NHÀ THANH ?
TÂY SƠN CÓ CẦU VIỆN NHÀ THANH ?
#vmvs #vanminhvietsu
"Cõng rắn cắn gà nhà", "rước voi giày mả tổ" hai câu nói quen thuộc mà trong chúng ta có lẽ ai cũng đã từng nghe qua hoặc biết rõ hai câu nói này nhằm ám chỉ việc làm ngu muội đáng chê trách của Nguyễn vương (Nguyễn Ánh) hay Lê đế (Duy Kỳ) lần lượt cầu viện Xiêm La và Mãn Thanh để hai lực lượng ngoại bang này hỗ trợ can thiệp quân sự vào nước ta. Nhằm khôi phục lại cơ đồ của tổ tiên mấy trăm năm gầy dựng đã bị Tây Sơn làm cho nghiêng đổ.
Việc vua Lê, chúa Nguyễn bất lực phải nhờ lực lượng ngoại bang hỗ trợ đã không xa lạ gì, nên tác giả không đi sâu vào vấn đề này, vậy Tây Sơn thì sau? Khi vua tôi nhà Tây Sơn lần lượt để mất kinh đô Phú Xuân phải chạy ra Bắc Thành và bị dân chúng bắt nộp cho vua Gia Long không lâu sau đó, thế cùng như thế nhà Tây Sơn phải chăng không muốn cầu viện lực lượng bên ngoài hay là cầu mà không được đáp ứng? Chi tiết này được ghi nhận ở vài tư liệu mà tác giả đã tham khảo được như sau, sẽ viết lên đây cùng bạn đọc bàn luận.
• Ghi chép việc Tây Sơn cầu viện:
Theo "Quốc Triều Chánh Biên" ghi chép về việc này như sau: "Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc Thành, đổi niên hiệu là Bửu Hưng, sai người sang Tàu xin viện binh, Tàu không cho".
Còn theo ghi chép của "Đại Nam Thực Lục" ghi chép về việc này cũng khá ngắn gọn như sau: "Giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc Thành, đổi ngụy hiệu là Bửu Hưng, sai người sang nhà Thanh xin quân. Người Thanh không cho".
• Ghi chép thái độ và quyết định của nhà Thanh:
Theo quyển "Bang Giao Việt - Thanh Thế Kỷ XIX" ghi nhận về thái độ và hành động của nhà Thanh về việc cầu viện của nhà Tây Sơn như sau:
"Tháng 5, năm Gia Long thứ 1, năm Nhâm Tuất (1802) lấy Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư Hộ bộ sung chánh sứ sang nước Thanh, Ngô Nhơn Tĩnh làm Hữu tham tri Binh bộ, Hoàng Ngọc Uẩn làm Hữu tham tri Hình bộ sung chức phó sứ, đem quốc thư và phẩm vật, lại đem cả ấn sách đã bắt được, do người Thanh phong cho giặc Tây Sơn, cùng bọn giặc biển Tề Ngôi là Mạc Quang Phù, Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài, đi hai thuyền Bạch yến và Huyền hạc vượt biển đến của Hổ Môn tỉnh Quảng Đông để nộp. Tổng đốc Giác La Cát Khánh đem việc ấy chuyển đạt. Vua Thanh vốn ghét Tây Sơn vô đạo lại chiêu nạp bọn giặc Mạc Quang Phù cho chúng cướp bóc ngoài biên, đã lâu ngăn trở đường biển, đến nay được tin báo rất vui lòng. Hạ lệnh cho Quảng Đông nhận lấy bọ Quang Phù, Văn Canh, Văn Tài đem giết mà lưu bọn Trịnh Hoài Đức ở lại tỉnh thành cung cấp rất hậu.
Sau đó phái đoàn Trịnh Hoài Đức được đưa lên Quế Lâm, không liên lạc gì được với bên ngoài, tuy được tiếp đãi khá trọng hậu nhưng thực tế là mua thời gian để triều đình nhà Thanh nghe ngóng động tĩnh. Cũng trong lúc này, phái đoàn cầu viện của nhà Tây Sơn đang có mặt ở Trung Hoa nên nhà Thanh cần căn nhắc để có một quyết định dứt khoát. Trên nguyên tắc, phái đoàn của Trịnh Hoài Đức chưa phải là một phái bộ quốc gia có liên hệ trực tiếp với Thanh triều và theo cung cách ngoại giao thì nhà Thanh vẫn để ngỏ một khoảng trống để tùy theo tình hình mà đối đãi với An Nam (chỉ phái bộ Tây Sơn) lẫn Nông Nại (chỉ phái bộ Trịnh Hoài Đức) theo chủ trương của họ".
Theo tài liệu nhà Thanh vào thời gian này, họ chỉ thõng tay đãi biến, chờ xem tình hình ngã ngũ ra sao, không yểm trợ Nguyễn Quang Toản (Tây Sơn) mà cũng không từ chối Nguyễn Phúc Ánh. Tuy trước đây nhà Thanh có đưa ra biện pháp sau cùng là dung chứa cho anh em Tây Sơn chạy sang nương náu nhưng khi thấy Nguyễn Quang Toản đã hoàn toàn thất thế, Vua Gia Khánh lại thay đổi thái độ vì việc đó này không còn cần thiết, có thể gây ra rất rối ngoại giao với tân triều ở phương Nam. Nhân cớ Nguyễn Quang Toản đánh mất sắc ấn, dung chứa hải phỉ, nhà Thanh chỉ còn phải tính toán làm sao cho việc vua Gia Long thần phục được êm đẹp mà họ không mất thế thượng phong.
• Kết quả cầu viện:
Năm Nhâm Tuất Gia Khánh 7, (1802) vua Gia Khánh dụ Nội Các "Nguyễn Quang Toản vứt bỏ ấn sắc thiên triều bang cho, đem thân chạy trốn, tội đó không thể tránh được. Nguyễn Quang Toản không nghĩ đến ơn sâu bao trùm của hoàng khảo Cao Tông Thuần hoàng đế, lại không theo được cái chí của cha y, là bầy tôi bất trung, là con bất hiếu, nay đã tự thu diệt vong, đủ thấy cái lý nghiêng đổ, rành rành không sai"
Cùng năm vua Gia Khánh đã ra lệnh cho các biên thần (quan lại ở biên giới) ngăn chặn không để cho vua tôi Nguyễn Quang Toản chạy sang, và đồng thời quản thúc sứ đoàn của Tây Sơn lúc đó đang ở Trung Hoa, khiến anh em Tây Sơn đành bó tay, Nguyễn Quang Thùy tự tử, Nguyễn Quang Toản bị dân chúng bắt giữ giải về Thăng Long.
Tác giả: Trường Sanh
Nguồn sách tham khảo:
_Đại Nam Thực Lục - Chính Biên - Đệ Nhất Kỷ - Quyển XIV - Thực Lục Về Thế Tổ Cao Hoàng Đế (trang 448,495,496)
-Quốc Triều Chánh Biên - Quyển Thứ 1 - Thế Tổ Cao Hoàng Đế (trang 56)
- Bang Giao Việt Thanh Thế Kỷ XIX (trang 34, 155, 211)
Ảnh minh họa phái đoàn An Nam Quốc Vương mừng bát tuần khánh thọ Hoàng đế Càn Long
Last updated
Was this helpful?