Dấu ấn lịch sử Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Dấu ấn lịch sử Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ
Các tài liệu lưu trữ phản ánh về vùng đất Quảng Nam từ thuở hoang sơ cho đến những năm tháng kháng chiến đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ đầy gian khổ và quá trình đổi mới để trở thành một Quảng Nam năng động của ngày nay.
Quảng Nam – vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử – từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Những tài liệu lưu trữ không chỉ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về sự hình thành, phát triển của Quảng Nam mà còn phản ánh tinh thần quật cường của người dân nơi đây qua từng giai đoạn lịch sử. Từ buổi đầu khai phá, những năm tháng đấu tranh gian khổ đến công cuộc đổi mới, phát triển mạnh mẽ hôm nay, tất cả đều được khắc ghi trong những tư liệu lịch sử.
Lịch sử hình thành và thay đổi địa giới hành chính
Quảng Nam là vùng đất có lịch sử lâu đời với nhiều thay đổi về địa giới hành chính. Từ thời nhà Trần, sau khi vua Chiêm Thành Chế Mân dâng Châu Ô, Châu Lý làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân vào năm 1306, vùng đất này chính thức thuộc Đại Việt. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông đặt Thừa tuyên Quảng Nam, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình mở rộng lãnh thổ của Đại Việt về phía Nam.
Dưới thời các chúa Nguyễn, Quảng Nam trở thành trung tâm kinh tế sầm uất với thương cảng Hội An – nơi giao thoa văn hóa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây. Sang thời Pháp thuộc, Đà Nẵng bị tách khỏi Quảng Nam và trở thành nhượng địa của thực dân. Sau năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Đến năm 1997, Quảng Nam và Đà Nẵng tách thành hai đơn vị hành chính độc lập, mở ra một giai đoạn phát triển mới.
Những phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Nam trong thời phong kiến
Không chỉ là vùng đất giàu văn hóa, Quảng Nam còn nổi tiếng với truyền thống yêu nước và đấu tranh kiên cường. Những phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX diễn ra mạnh mẽ tại đây. Tiêu biểu là phong trào Nghĩa hội Cần Vương (1885-1887) do Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến lãnh đạo; phong trào Duy Tân (1904-1908) do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng và cuộc đấu tranh chống sưu thuế năm 1908 của nhân dân Quảng Nam. Dù bị đàn áp khốc liệt, các phong trào yêu nước đã để lại
Quảng Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Quảng Nam đã lập nhiều chiến công vang dội, đặc biệt là Chiến thắng Bồ Bồ năm 1954 – trận đánh thể hiện sức mạnh và tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân địa phương.
Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Quảng Nam tiếp tục là một chiến trường ác liệt, ghi dấu nhiều trận đánh quan trọng như chiến thắng Núi Thành năm 1965 – trận đầu tiên quân ta đánh thắng Mỹ tại miền Nam. Với những đóng góp to lớn trong kháng chiến, Quảng Nam được phong tặng danh hiệu "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".
Quảng Nam trong công cuộc đổi mới
Sau khi đất nước thống nhất, Quảng Nam bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ năm 1986, với chính sách đổi mới, tỉnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ đã giúp Quảng Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Ngày nay, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương phát triển năng động của khu vực miền Trung, với hệ thống hạ tầng hiện đại, nền kinh tế phát triển bền vững và nhiều khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm. Đô thị cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới – cùng với khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đã đưa Quảng Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế.
Từ một vùng đất biên viễn xưa kia, Quảng Nam đã không ngừng phát triển, trở thành một trong những địa phương có bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc Việt Nam. Những tài liệu lưu trữ quý đã giúp chúng ta nhìn lại chặng đường lịch sử đầy thăng trầm của tỉnh, đồng thời khẳng định tinh thần bất khuất, ý chí vươn lên của người dân xứ Quảng. Việc bảo tồn, khai thác và phát huy những tư liệu này sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc và tiếp tục xây dựng Quảng Nam ngày càng giàu đẹp trong tương lai.
Nguyễn Thanh (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)