Bài 35: Sao Gọi Là Nhà Thờ Cha Tam?
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Bài 35: Sao Gọi Là Nhà Thờ Cha Tam?
Nhà thờ Cha Tam, còn gọi là nhà thờ Francisco Xavier nằm cuối đường Đồng Khánh, 1929 như trong ảnh. Lúc đó chưa hề có chợ vải Soái Kình Lâm sầm uất như bây giờ.
Ngay từ đầu, giáo phận Đàng Trong đã quan tâm tới việc giảng đạo cho người Hoa tại Nam Kỳ. Vào năm 1865, đời Đức Cha Miche (Tên Việt là Mịch, 1865-1872), Cha Philippe, linh mục Hội Thừa sai Paris thuộc giáo phận Quảng Đông, đã đến thành lập một nhà thờ đầu tiên cho người Hoa tại Chợ Lớn. Lúc đó có khoảng hơn chục người Hoa Công giáo đã định cư được ít lâu để buôn bán, cũng có mấy bệnh nhân người Hoa đã trở lại đạo đang nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Quán. Chính với cộng đoàn người Hoa Công giáo bé nhỏ này, cha Philippe đã thành lập giáo xứ gốc người Hoa tại Chợ Lớn.
Một ngôi nhà cũ kỹ kiểu Việt Nam, gần ga xe lửa ở đường Thủy Quân (Rue des Marins), nay là ngã tư đường Châu Văn Liêm và Trần Hưng Đạo B được dùng làm nhà thờ và nhà xứ. Năm sau đó, 1866, Đô Đốc De Lagrandière, lúc bấy giờ là Thống đốc Nam Kỳ, một hôm đi thăm vùng Chợ Lớn, đã dừng lại nơi này. Xúc động về sự nghèo nàn thiếu thốn của ngôi thánh đường, khi trở về, ông đã ra lệnh cho Sở Công trình công cộng dùng ngân quỹ nhà nước để xây một nhà thờ lớn hơn và xứng đáng hơn, trên một thửa đất rộng rãi cách xa đó một chút trên đường Cây Mai, ngã tư đường Hùng Vương và Phùng Hưng, chính xác là 203 Hùng Vương. Đó là nhà thờ thứ hai ở Chợ Lớn và cũng là nhà thờ duy nhất dành cho người Hoa ở Miền Nam lúc ấy.
Vào năm 1898, Đức Cha Jean Dépierre (Tên Việt là Đễ, 1895-1899), Giám mục Sài Gòn, thấy rằng họ đạo người Hoa mỗi ngày một suy giảm, từ 100 người giảm còn khoảng 40 người, nên đã quyết định sai cha Francisco Xavier Tam Assou (Đọc theo tiếng Hán - Đàm Á Tô), là người Hoa biết đủ loại tiếng Trung Quốc, đang làm cha phó Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn kiêm chức giáo sư trường Taberd, vào Chợ Lớn với mong mỏi làm hồi sinh lại đời sống đạo của người Hoa.
Cha đã tìm mua được một khu đất rất đẹp, rộng chừng 3 mẫu ở ngay trung tâm Chợ Lớn và trên đó cho khởi sự xây dựng một ngôi nhà thờ mới, tức là ngôi thánh đường mà chúng ta đang có hiện nay. Đức Cha Lucien Mossard (Tên Việt là Mão, 1899-1920) đã cử hành Lễ Đặt viên đá đầu tiên vào ngày lễ Thánh Francisco Xavier 3/12/1900 và Lễ Cung hiến trọng thể vào ngày 10/1/1902.
Sau khi xây dựng nhà thờ, cha Tam Assou (Từ đây gọi là Cha Tam) còn xây thêm một trường học, một nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú và một số nhà ở cho thuê. Số giáo dân người Hoa bấy giờ đã lên đến khoảng 400.
Năm 1934, cha Tam qua đời. Từ đó giáo xứ xuống dốc rất nhiều, giáo dân bỏ đạo cũng đông. Mãi đến năm 1952, các cha Thừa sai Paris từ Quảng Tây, Trung Quốc sang, đời sống đạo của giáo dân nơi đây mới bắt đầu khởi sắc lại. Năm đó, cha Sở Robert Lebas thuê thêm một căn nhà lớn ở quận 1 làm nhà nguyện Đức Bà Hòa Bình, nay đã trở thành Nhà thờ Giáo xứ Đức Bà Hòa Bình thuộc hạt Sài Gòn. Năm 1953, cha Joseph Guimet kế nhiệm cha Lebas, mở thêm giáo điểm Bình Tây, xây dựng Nhà thờ Bình Phước, nay đã trở thành Nhà thờ Giáo xứ Bình Phước thuộc cùng hạt Chợ Quán. Năm 1960, một tiểu chủng viện dành cho người Hoa được cha Carlo Chang thành lập tại nhà thờ Đức Bà Hòa Bình, quận 1.
Năm 1974, Tòa Tổng giám mục Sài Gòn xác nhận: “Các linh mục thuộc giáo xứ Francisco Xavier có nhiệm vụ đặc biệt là lo thăm viếng các giáo hữu Việt gốc Hoa trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời giúp các giáo phận về những vấn đề có liên quan đến việc truyền giáo cho người Việt gốc Hoa, như đã được Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam thông qua hồi năm 1965”.
Năm 1975, riêng số giáo dân người Hoa trong giáo xứ đã lên đến 8.000, trong đó có 17 đại chủng sinh, 32 tiểu chủng sinh, 2 dòng tu Gioan Tẩy Giả và Teresa, một tiểu chủng viện, một trung tâm Công giáo người Hoa, 3 nhà nguyện, 3 trường trung học, 4 trường tiểu học, 118 căn nhà cho thuê, một trường giáo lý hàm thụ, một tờ nguyệt san thông tin, một nhóm phát thanh viên giáo lý và một đội ngũ giáo lý viên nhiệt thành đi truyền giáo khắp các tỉnh. Tháng 3/1975, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã ký lệnh giao trách nhiệm cho các cha tại nhà thờ Francisco Xavier trực tiếp quản lý và điều hành tất cả các nhà thờ và cơ sở tôn giáo người Hoa tại miền Nam Việt Nam.
… Cha Francisco Xavier Tam Assou sinh năm 1855 tại Macau, Trung Quốc. Cha có một người em trai. Lúc còn nhỏ, cha mẹ ngài gửi hai anh em cho các dì phước Nhà Trắng ở Hồng Kông nuôi dưỡng. Đức Cha Pellerin ban phép Thánh Tẩy và đỡ đầu cho ngài. Sau một thời gian, người em của ngài lâm bệnh và qua đời. Francisco lúc ấy chừng 8 tuổi, thì bà Benjamine đem về Sài Gòn. Lúc ấy bà Bề trên sai bà Benjamine lập dòng. Bà mẹ Benjamine rất dày công khó với cha Francisco; lúc ngài còn bé bà chịu khó dưỡng nuôi; lớn lên cho ăn học, bà hết lòng lo lắng; khi ngài chịu chức Thầy Cả, thì bà thêu cho ngài 2 bộ áo lễ trắng. Trong quyển sách Lịch Sử Của Dòng Thánh Paulo de Chartres mới xuất bản, có ghi lại sự tích bà Benjamine nuôi dưỡng ngài Francisco lúc ngài còn thơ ấu, và cũng thuật lại cuộc lễ vinh danh Cha làm tại nguyện đường của Dòng Thánh Paulo de Chartres, Sài Gòn.
Khi tới Sài Gòn, bà Benjamine cho ngài về ở cùng Cha Philippe, Cha sở họ đạo Chợ Lớn. Ở đây ngài học tiếng Triều Châu cùng tiếng nước Hẹ và một ít năm sau, khi ngài 13 tuổi, Cha Philippe đem ngài qua học tại Đại Chủng viện Penang. Tại trường này, Francisco học 6 năm. 19 tuổi, khi đã học xong các lớp ở trường Penang, Francisco quay về học tại Chủng viện Sài Gòn, được giữ lại làm giáo sư dạy 3 năm liền. Đức Cha sai Cha Francisco về làm phó tại Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư cho trường Taberd, kiêm nhiệm vụ tập hát và đánh đàn cho Nhà thờ Đức Bà.
Cha phục vụ tại Sài Gòn như vậy được 16 năm, trước khi nhận nhiệm sở mới tại Chợ Lớn. Cha đã thấy một lô đất rộng hơn 3 mẫu Tây ở ngay trung tâm Chợ Lớn, vừa đủ để cất nhà thờ, trường học và nhà xứ nhưng thật khó mua, vì là đồng sở hữu của 9 Hoa Kiều. Lô đất này xưa nguyên là nhà hội của người Thanh dùng làm nơi nghỉ ngơi, giải trí và bàn tính công việc. 20 năm trôi qua, đất đã bỏ hoang, chủ đất kẻ về Tàu, người biệt tin tức. Muốn mua, phải tìm sao cho ra 9 người chủ hay là con cháu thừa kế của họ. Cha đã đi khắp Chợ Lớn – Sài Gòn, gửi nhiều thư ra Bắc, qua Trung Quốc, Cao Miên, Thái Lan để truy tầm chủ đất. Sau nhiều tháng, Cha mới gặp được 8 người thừa kế của các chủ đất. Cha mời hội 8 người lại để ngỏ ý mua. Ban đầu, có chủ chê rẻ không bán. Nhưng cuối cùng mọi người đều đồng ý và sẵn sàng đến phòng chưởng khế làm giấy bán.
Qua biết bao gian nan vất vả, Cha Tam Assou mới được như ý nguyện. Các thủ tục mua đất hoàn tất đúng ngày lễ kính Thánh Francisco Xavier. Từ đó, nhà thờ ấy được gọi tên theo tên cha, Tam Assou hoặc theo tên thánh của cha là Francisco Xavier.