Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Ông già vợ tôi (TAK) cũng tên Nguyễn Mạnh Tường như tên nhân vật chính trong bài này. Ông sinh năm 1918, làm Đổng lý văn phòng Bộ Giáo dục rồi trường Bách Khoa Phú Thọ Sài Gòn suốt 20 năm trước 1975. Bỗng nhớ cả 2 ông Tường, tôi chép lại đây một bài viết cũ mới tìm lại của bạn Hòa Khánh ở trang Quê Mẹ và xin nói rõ, đây là chuyện ôn cố tri tân.
Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, tên tuổi của Nguyễn Mạnh Tường (1) bặt đi. Thậm chí, có tin đồn là ông đã mất đâu đó trong một góc khuất tối tăm của Hà Nội. Rồi bỗng dưng, một hôm cây bút Hòa Khánh lại được nghe là ông vẫn còn sống, hơn nữa, đang có mặt tại Paris khi ông được phép sang Pháp 3 tháng để thăm viếng một số bạn bè cũ. Được một người quen giới thiệu, Hòa Khánh và một người bạn khác đã được luật sư Nguyễn Mạnh Tường dành trọn cho cả một buổi chiều Thứ Hai 27/11/1989 để tâm tình. Bài này gần 35 năm rồi, giờ đọc lại vẫn thấy buồn.
… Lúc đó, ông đã đúng 80 tuổi. Dáng người tầm thước, lưng hơi gù, da dẻ nhăn nheo nhưng sức khoẻ khá tốt, đi đứng vững vàng, đặc biệt trí tuệ còn rất minh mẫn. Suốt hơn 3 tiếng đồng hồ chuyện trò đó, khách không hề bắt gặp ở ông một dấu hiệu nào của sự đãng trí vốn thường xuất hiện ở người cao niên. Ông nói năng lưu loát, đôi khi hùng hồn. Ông nhớ chính xác chi tiết những sự kiện cũ hoặc mới, và lý luận rành mạch.
Điều thích nhất ở ông là sự chân thành. Ở vào hoàn cảnh ông, thành thật cũng có nghĩa là can đảm. Hơn 30 năm luôn sống trong tâm trạng phập phồng chờ đón những thảm kịch, ông đã không khiếp sợ đến mức phải tự biến mình thành một con Vẹt chỉ biết lải nhải lập lại những câu nói đã thành khẩu hiệu; hoặc co rút trong câm lặng, khước từ mọi đối thoại để tránh mọi nguy cơ ăn nói hớ hênh, bị chụp mũ. Khi 2 người khách ấy xin phép ghi âm buổi nói chuyện, họ đã nghĩ ông sẽ từ chố, nhưng ông lại vui vẻ chấp nhận. Những chi tiết dưới đây trong bài này, Hòa Khánh đã đều dựa vào bản ghi âm hôm ấy mà viết.
Trước 1945, luật sư Nguyễn Mạnh Tường là một trí thức xuất sắc bậc nhất của Việt Nam với thành tích đến nay tại quê nhà dường như vẫn chưa có ai theo kịp: 22 tuổi lấy 2 bằng Tiến sĩ quốc gia tại Pháp, một bằng về Luật và một bằng về Văn chương. Về nước, ông hành nghề luật sư và dạy học. Ở cả 2 lĩnh vực, ông đều thành công và tạo uy tín lớn.
– Luật sư có thể cho biết, mình đã tham gia phong trào Việt Minh và sau đó, tham gia kháng chiến như thế nào?
– Thật ra, tôi không hề tham gia Mặt trận Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Do đó tôi đã từng từ chối nhiều lời mời ra làm bộ trưởng của nhiều chính phủ. Người trí thức phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền; người trí thức chỉ nên đứng ở lĩnh vực nghiên cứu, thúc đẩy các trào lưu. Cách mạng tháng Tám làm tôi rất vui mừng. Tôi mong muốn đóng góp vào việc xây dựng đất nước trong 2 lĩnh vực sở trường của mình: Luật học và Nghiên cứu Văn học.
Năm 1946, một hôm, ông Nguyễn Hữu Đang, người sau này tham gia Nhân Văn Giai Phẩm và bị kết án 15 năm tù, đến văn phòng luật sư của tôi và cho biết là Cụ Hồ mời tôi đến gặp có việc cần. Nguyễn Hữu Đang sau đó chở tôi đến chỗ mà sau này gọi là Phủ Chủ tịch. Ở đó Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, ra tiếp và đưa vào gặp Cụ Hồ. Cụ gọi tôi là Ngài. Cụ nói: “Như Ngài đã biết, chính phủ vừa ký kết với Pháp một bản tạm ước. Theo bản tạm ước ấy, sắp tới, giữa ta và Pháp sẽ có một hội nghị quan trọng. Xin Ngài soạn giúp cho một bản lập trường của chính phủ (Thèse gouvernemental) để sử dụng như một cương lĩnh chỉ đạo cuộc hội nghị”. Tôi đáp: “Công việc này quan trọng quá, xin Cụ nhờ một người nào giỏi và có kinh nghiệm hơn tôi”. Cụ Hồ nói: “Tôi đã hỏi ý kiến nhiều người và ai cũng bảo là chỉ có Ngài mới có thể làm được”. Cuối cùng tôi nhận lời, về nhà, đóng cửa văn phòng luật sư, vận dụng tất cả kiến thức về luật pháp quốc tế cũng như những điều khoản căn bản của tạm ước để soạn bản lập trường ấy. Đến khi đem trình, nó được Cụ Hồ chấp thuận và do đó, tôi phải tham dự Hội nghị Đà Lạt.
– Luật sư giữ vai trò gì tại Hội nghị này?
– Tôi là Trưởng ban Văn hóa và là Ủy viên trong Ban Chính trị.
– Cuộc hội nghị ấy thành công tốt đẹp?
– Vâng, về nó, đã có nhiều người viết. Chỉ một điều ít ai biết, kết thúc hội nghị, hai bên đã tổ chức một bữa tiệc chung. Trong bữa tiệc ấy, tùy viên của thủy sư đô đốc D’Argenlieu đến cạnh tôi, nói là sếp ông ta muốn gặp tôi. Tôi bảo tôi không phải trưởng đoàn, do đó không có tư cách gì để gặp gỡ thủy sư đô đốc cả. Người tùy viên ấy lại bảo, đây chỉ là gặp gỡ thân mật có tính cách cá nhân chứ không phải để bàn bạc điều gì quan trọng. Nghe thế, tôi đứng dậy, rời bàn tiệc ra ngoài hành lang gặp D’Argenlieu. Lúc ấy trong bàn tiệc ai cũng thấy. Cuộc nói chuyện cũng rất vu vơ, thăm hỏi xã giao về công ăn việc làm. Thế nhưng về Hà Nội, bỗng dưng lại có tin đồn là Nguyễn Mạnh Tường thông đồng với giặc, là Nguyễn Mạnh Tường bán nước…
– Luật sư có biết tin đồn đó xuất phát từ đâu không?
– (Cười) Thì cũng phải có người phát, thì nó mới động chứ. Tin đồn đó là cả một chiến dịch được tổ chức hẳn hoi. Anh Hoàng Xuân Hãn lúc ấy phải đến gặp hình như là ông Võ Nguyên Giáp, hỏi: “Tường làm cái gì mà người ta lại tung tin đồn là nó bán nước, theo giặc ghê quá vậy? Nguy cho nó lắm. Mà nguy thật, chỉ cần một phát súng, một mũi dao là xong đời!”. Từ khi anh Hãn can thiệp, tin đồn ấy mới lắng xuống rồi biến mất.
– Có thể coi đó là nguyên nhân khiến cho về sau, luật sư đã bị đối đãi khác đi?
– Không phải. Những người tham dự hội nghị cùng với tôi, họ đều biết thực hư, đầu đuôi thế nào cả. Đâu có phải vì tin đồn ấy mà người ta bạc đãi tôi. Đối với trí thức, nói chung người ta muốn dùng thì dùng, nhưng bảo là họ có yêu mến không thì tôi không dám nói là có.
– Theo một số tài liệu được phổ biến tại miền Nam trước đây cũng như ở ngoại quốc, luật sư có tham gia vụ Nhân Văn Giai Phẩm vào những năm 1956-57?
– Tôi không hề tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Mãi sau này khi người ta kết án họ, tôi mới biết đó là một tổ chức với những tên tuổi như Trần Dần, Trần Duy, Hoàng Cầm...
– Nhưng luật sư cũng có mấy bài viết cùng chung lập trường với họ.
– Vâng, tôi có cả thảy 2 bài viết mà ông Hoàng Văn Chí có đăng lại trong quyển Trăm Hoa Đua Nở. Nguyên một hôm ông Nguyễn Hữu Đang và ông Trần Thiếu Bảo, chủ nhà xuất bản Minh Đức đến gặp tôi để xin bài. Cả hai đều quen biết tôi từ trước. Chuyện gặp ông Nguyễn Hữu Đang tôi có kể qua lúc nãy. Còn ông Trần Thiếu Bảo thì tôi gặp ở Thái Bình, thời kháng chiến chống Pháp. Lúc ấy, ông Bảo cũng vẫn làm nhà xuất bản. Tôi có đưa cho ông ấy quyển Một Cuộc Hành Trình, quyển sách đầu tiên của tôi bằng tiếng Việt.
– Đó là một quyển hồi ký?
– Cũng có thể gọi là nửa hồi ký, nửa nghị luận. Đại khái tôi kể chuyện cuộc đời mình, từ một người trí thức tham gia kháng chiến chống Pháp giành độc lập cho đất nước như thế nào.
– Xin trở lại vụ Nhân Văn Giai Phẩm…
– Vâng, cái bài đăng trên Giai phẩm mùa Thu năm 1956 là thế. Còn bài viết về vụ Cải cách Ruộng đất thì đó là bài tôi nói chuyện trong một hội nghị của Mặt trận Tổ quốc. Các anh cũng biết là vụ Cải cách Ruộng đất ấy đã thất bại nặng nề đến nỗi một số người phải mất chức ở Trung ương. Lúc đó có phong trào sửa sai ghê lắm. Trong cuộc vận động sửa sai như thế, ông Tố Hữu rồi ông Trường Chinh, rồi ông Xuân Thủy đã lần lượt gọi tôi đến nhà riêng của các ông ấy để yêu cầu tôi, trong hội nghị của Mặt trận Tổ quốc, trình bầy cho mọi người biết thế nào là Dân chủ. Các ông ấy nói là sau sai nhầm của Cải cách Ruộng đất, chúng ta phải cố làm sao cho chế độ Xã hội Chủ nghĩa trở thành một chế độ thực sự dân chủ. Nghe thế, tôi mừng quá nên nhận lời ngay. Thế rồi hội nghị được tổ chức. Tôi thuyết trình trọn cả ngày, 3 giờ buổi sáng, 3 giờ buổi chiều. Thuyết trình xong, người ta khen ghê lắm. Ông Trường Chinh, ông Xuân Thủy, ông Dương Bạch Mai sau đó yêu cầu tôi viết lại bài nói chuyện đó để đưa mấy ông ấy xem.
– Thế có nghĩa trong hội nghị ấy, luật sư chỉ nói miệng chứ không đọc bài viết đã soạn sẵn?
– Không, thì giờ đâu? Chính mấy ông ấy bảo, thì tôi mới viết lại. Tôi đánh máy bài viết thành 2 bản, nộp hết. Thế mà không biết tại sao, bài viết đó lại lọt ra nước ngoài, báo chí ngoại quốc làm ầm ỹ lên. Thế mới chết.
– Luật sư có nhớ chắc là không hề đưa bài viết ấy cho ai khác?
– Chắc chắn. Cả 2 bản đánh máy tôi đều nộp hết cho ông Trường Chinh và ông Xuân Thủy. Tôi chỉ giữ lại bản nháp viết tay thôi.
– Thế luật sư có thể đoán được là tại sao, từ nguồn nào, bài viết của mình lại lọt ra nước ngoài được không?
– (Cười, lắc đầu) Chịu. Ở đời vẫn có những bí mật như thế.
– Thế sau khi bài viết ấy bị tiết lộ ra ngoài, người ta đối xử với luật sư như thế nào?
– Còn thế nào nữa? Kiểm điểm rồi đuổi việc!
– Luật sư có thể cho biết nội dung những cuộc kiểm điểm ấy được không?
– Được chứ. Thì ở đâu cũng giống nhau. Cứ khăng khăng buộc tội tôi chống Đảng.
– Khi buộc tội như vậy, người ta dựa vào nội dung bài thuyết trình của luật sư hay dựa vào sự kiện bài tham luận được chuyển ra nước ngoài?
– Dựa vào nội dung bài thuyết trình. Còn chuyện tại sao bài ấy lọt ra nước ngoài, tôi nào có biết. Và cũng không ai ghép tội tôi được: Bằng chứng đâu?
– Nhưng nội dung bài thuyết trình đó, như luật sư cho biết, nó đã được soạn theo yêu cầu của chính các ông Trường Chinh, Xuân Thủy, Tố Hữu cơ mà? Tại sao luật sư không nói cho họ biết điều đó?
– Có. Tôi có nói. Nhưng ai nghe? Người ta bảo cán bộ yêu cầu tôi phát biểu về nội dung khái niệm Dân chủ, chứ đâu có yêu cầu tôi chống lại Đảng?
– Thế luật sư có chống lại Đảng không?
– Ít ra, trong cuộc thuyết trình tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc cũng như trong bài viết lại mà tôi nộp cho các ông Trường Chinh, ông Xuân Thủy thì tuyệt đối không có một câu, một chữ nào chống Đảng cả. Tôi chỉ phê phán những sai nhầm trong Cải cách Ruộng đất thôi. Mà những sai nhầm ấy thì quá hiển nhiên, ngay cả Đảng cũng nhìn nhận, chứ đâu phải mình tôi?
– Luật sư có đi tham gia Cải cách Ruộng đất?
– Có. Hồi ấy tất cả mọi cán bộ đều phải về các địa phương để tham gia Cải cách Ruộng đất. Tôi cũng phải đi.
– Luật sư về địa phương nào?
– Phủ Nho Quan.
– Công việc của các cán bộ cụ thể là làm gì?
– Phụ với nhân dân tổ chức các cuộc Cải cách Ruộng đất. Chính trong những đợt đi xuống địa phương ấy, tôi mới thấy rõ, thấy hết sự thật. Đầu tiên, về Phủ Nho Quan, chúng tôi được học tập là theo lệnh từ trên, tại địa phương này có cả thảy 80% dân chúng thuộc thành phần địa chủ. Tôi điếng cả người. Phẫn nộ khi thấy ngay cách làm việc như vậy là rất trái khoa học. Khoa học nào cũng phải sử dụng phương pháp Quy nạp, phải căn cứ trên quá trình điều tra thực tế cẩn thận, từ thực tế mà đúc kết thành nhận định. Đằng này thì mấy ông từ Trung ương cứ tưởng tượng ra các chỉ tiêu, rồi ra lệnh xuống bắt các địa phương phải thực hiện. Cán bộ địa phương muốn hoàn thành công tác thì phải kích. Có nhiều gia đình nghèo xơ nghèo xác, ở trong một căn nhà hẹp có 2 gian, tài sản đâu chỉ được một sào ruộng, thế mà cũng bị khép vào thành phần địa chủ. Để cho đủ số lượng ấy mà! Tội lắm, oan ức nhiều không sao kể hết được.
– Luật sư có tham gia vào cuộc xử án nào không?
– Không. Người ta đâu có cần luật sư. Mình đi cốt là để rèn luyện quan điểm, rèn luyện lập trường thôi chứ đâu phải để xử án hay để biện hộ cho ai?
– Thế thì ai làm chánh án, luật sư trong các vụ đấu tố?
– Chẳng có chánh án, luật sư gì cả. Phiên tòa được tổ chức ở một bãi sân rộng đâu đó trong làng. Mấy anh thuộc thành phần bần cố nông ngồi ngất ngưởng trân bàn để luận tội, còn mấy người bị gọi là địa chủ thì bị xích cổ, trói chân, trói tay quỳ mọp giữa sân…
– Có cả chuyện xích cổ ư?
– Có. Suốt “phiên tòa”, hết bần cố nông này lên chửi xong thì bần cố nông khác lên chửi tiếp. Xong rồi thì đến lượt hành hình địa chủ, vậy thôi.
– Luật sư có bao giờ can thiệp vào những vụ đấu tố như vậy không?
– Có mà muốn chết? Không. Có chẩy nước mắt thì cũng ráng mà giấu đi.
– Có địa chủ nào được quyền tự biện hộ, tự thanh minh cho mình không?
– Không. Lúc đó ai cũng hồn kinh phách tán cả rồi, mặt mũi xanh rờn, đứng còn không nổi nữa thì nói gì đến chuyện tự biện hộ. Mà ai cho? Cứ bị khép vào thành phần địa chủ là coi như đã chết.
– Luật sư có phỏng đoán được số lượng những người bị giết chết trong đợt Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc vào hồi ấy là bao nhiêu không?
– Không. Chỉ biết được ở địa phương mình về thôi.
– Cụ thể, ở Phủ Nho Quan là bao nhiêu?
– Tôi không nắm con số. Nhưng nhiều, nhiều lắm. Hơn nữa, sau các đợt Cải cách Ruộng đất còn có các đợt Chỉnh phong trong hàng ngũ cán bộ cũng làm cho nhiều người bị oan ức lắm.
– Nội dung các cuộc Chỉnh phong là sao?
– Là trừng phạt những đảng viên, những cán bộ có quan hệ ít nhiều với địa chủ, với phản động. Thậm chí, có nhiều người lúc trẻ là đảng viên Quốc Dân Đảng, từ năm 1945-46 theo kháng chiến rồi vào Đảng Cộng Sản, vậy mà người ta còn truy quá khứ ra để hành tội.
– Sau mấy chục năm, nhìn lại, luật sư đánh giá thế nào về Cải cách Ruộng đất?
– Dĩ nhiên là nó sai. Tôi nghĩ nó không có chút gì Việt Nam cả. Người Việt Nam, trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, chưa bao giờ tàn bạo đến như vậy. Nó là dấu ấn của Mao…
– Dấu ấn trực tiếp hay gián tiếp?
– Tôi không biết chắc. Ngay thời kháng chiến chống Pháp, tôi có gặp Đại sứ Trung Quốc trên các chiến khu. Bận một bộ đồ trắng toát, cưỡi ngựa, trông oai quyền ghê lắm. Ông ta tên La Quý Ba. Người ta nói ông ấy chính là kẻ chỉ huy, vạch kế hoạch cho các phong trào Cải cách Ruộng đất tại Việt Nam.
– Nhưng Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền kia mà?
– Thì đấy. Ngay chuyện bắt chước Liên Xô, bắt chước Trung Quốc đã sai rồi thì những chuyện khác theo đó sẽ sai theo!
– Xin luật sư kể tiếp về những hình phạt đối với luật sư?
– Kiểm điểm rồi đuổi việc. Tôi có kể.
– Cụ thể, trước đó, luật sư làm gì?
– Tôi làm giám đốc Đại học Luật, phó giám đốc Đại học Sư phạm, chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức và nằm trong ban chấp hành của 10 tổ chức quần chúng ở miền Bắc như Ủy ban Hòa bình thế giới, Hội Hữu nghị Việt Xô, Hội Hữu nghị VIệt Pháp, Hội Luật gia Việt Nam…
– Luật sư có bị bắt, bị giam cầm gì không?
– Không. Chỉ bị đuổi ra khỏi tất cả những nơi đang làm việc. Và khủng khiếp nhất là bị cô lập hoàn toàn. Các anh cứ tưởng tượng suốt mấy chục năm trời, không ai dám đến gặp tôi cả. Họ sợ bị liên lụy đến bản thân, đến gia đình họ. Có khi, đi ngoài đường, nhìn thấy tôi từ xa, là bạn bè, học trò cũ của tôi phải tránh đi chỗ khác. Tôi cũng không trách gì họ. Vì sự an toàn của họ, họ phải làm thế thôi. Nhưng đau xót lắm.
– Trong suốt mấy chục năm trời như vậy, luật sư làm gì để sống?
– Không làm gì cả. Xin việc gì người ta cũng không nhận. Thoạt đầu, cứ bán dần đồ đạc trong nhà mà ăn tiêu. Bán bàn ghế, giường tủ, rồi bán quần áo, giầy dép… cuối cùng phải bán đến cả sách vở tôi dành dụm thu thập trong 20 năm. Bán theo giá bán giấy cân thôi. Rẻ mạt. Nhưng cần sống thì phải bán. Cứ mỗi lần bán sách là mỗi lần tôi có cảm tưởng như có ai lấy dao găm đâm vào tim của mình. Rồi tất cả đồ đạc cạn dần, cạn dần. Tôi lại sống bằng sự bố thí của anh em, bạn bè. Lâu lâu người này cho cái đồng hồ, người khác cho một ít tiền.
– Những người giúp luật sư thuộc thành phần nào?
– Một số là học trò cũ của tôi; một số là những bạn bè của tôi lúc tôi còn ở Pháp và một số khác nữa là những người hoàn toàn xa lạ vì nghe tiếng tôi, thương cho hoàn cảnh của tôi, từ Pháp thỉnh thoảng cho một ít quà.
– Họ là người Việt Nam hay người Pháp?
– Người Việt có, người Pháp có.
– Ba mươi lăm năm sống như thế, luật sư nhận xét gì?
– Mình nên khách quan. Họ vừa có công lại vừa có tội.
– Luật sư nghĩ gì khi có người gọi chế độ tại Việt Nam là một nhà nước công an trị (État policier)?
– Đồng ý. Điều đó thì rõ quá.
– Có người còn phân tích thêm, cái nhà nước công an trị ấy tồn tại bằng 3 cơ chế: Thứ nhất là công an khu vực; thứ hai là hộ khẩu; thứ ba là chế độ quản lý lương thực. Luật sư nghĩ sao?
– Đúng. Từ khi bị thất sủng, tôi vô cùng thấm thía những chuyện đó. Không đi làm được, sống bằng cách bán đồ đạc hoặc bằng sự bố thí của người khác mà phải mua lương thực tự do giá cao gấp nhiều lần giá chính thức thì khó khăn ghê lắm. Có lúc tưởng không vượt qua được. Còn chuyện hộ khẩu và công an khu vực thì khỏi phải nói. Những chuyện ấy bây giờ vẫn còn!
– Luật sư qua Pháp đã gần 2 tháng nay, luật sư có theo dõi tình hình tại các nước Đông Âu không?
– Có chứ.
– Luật sư nghĩ sao?
– Mừng. Mừng lắm.
– Tình hình Việt Nam hiện nay?
– Chưa biết được. Nhưng có điều chắc chắn là sẽ không có gì Đổi mới cả nếu chưa có Dân chủ, trước hết là chưa tôn trọng luật pháp.
– Tại sao người ta lại cho một người như luật sư sang Pháp?
– Tôi nộp đơn xin xuất cảnh đúng vào thời điểm người ta tuyên bố Đổi mới. Chứ nếu là bây giờ, chưa chắc đã đi được!
– Luật sư nộp đơn xin xuất cảnh từ lúc nào?
– Năm ngoái. Hai tháng sau thì cầm được giấp phép của Việt Nam. Nhưng nộp vào Tòa Đại sứ Pháp thì phải chờ đúng 8 tháng.
– Luật sư có ý định ở lại Pháp luôn không?
– Không. Tháng 12 tới, tôi sẽ về lại. Trong thần thoại Hy Lạp có chuyện một vị thần chỉ mạnh mẽ khi đứng trên mặt đất, hễ ai nhấc anh ta lên khỏi mặt đất thì thành ra yếu ớt. Tôi nghĩ một người trí thức hay một văn nghệ sĩ cũng vậy. Phải ở trong nước, giữa những thử thách mới tìm ra được sức mạnh.
– Có một số anh em trí thức yêu nước, muốn về Việt Nam để canh tân đất nước, luật sư nghĩ là có nên hay không?
– Không. Cứ ở đây làm việc.
– Tại sao?
– Tôi có nhiều kinh nghiệm về chuyện này. Thế hệ của tôi, bao nhiêu người tài giỏi, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước… Về nước thì cũng có một vài đóng góp đấy nhưng tôi nghĩ, hoàn toàn không tương xứng với khả năng của họ. Đó là chưa kể đến những người kém may mắn hơn, như tôi chẳng hạn. Có làm gì được đâu?
– Lâu nay, luật sư có viết lách gì không?
– Có. Mấy chục năm qua, tôi hoàn thành được 4 công trình nghiên cứu. Một là Lý Luận Giáo Dục (Ở châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18); hai là Eschylle Và Bi Kịch Cổ Đại Hy Lạp; ba là Virgile Và Anh Hùng Ca La-tinh; bốn là dịch một vở kịch của Eschylle.
– Luật sư viết bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp?
– Tất cả đều bằng tiếng Việt. Dụng ý của tôi là để cho người Việt đọc. Tôi mượn những vấn đề trên để cho người Việt, đặc biệt là những nhà lãnh đạo, hiểu thế nào là con Người, thế nào là Dân chủ, Tự do, thế nào là quan hệ giữa Chính trị và Văn nghệ, v.v.
– Những quyển sách ấy có được in ra chưa?
– Chưa. Tôi có gửi lên Ban Khoa giáo Trung ương. Người ta khen là nghiên cứu công phu nhưng đến nay không ai chịu in cả. Người ta bảo là không có giấy!
– Thưa luật sư, chúng tôi ghi âm buổi nói chuyện hôm nay với mục đích giữ làm kỷ niệm. Nhưng, không biết luật sư có đồng ý cho phép chúng tôi công bố những điều luật sư phát biểu?
– (Cười) Các anh cứ tự nhiên. Những điều tôi nói toàn là sự thật cả.
– Sắp về lại Việt Nam, luật sư nghĩ sao?
– (Cười to) Các anh nhớ là tôi đã 80 tuổi rồi. Tính theo tuổi ta là 81 đấy.
_____
(1) Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 - 1996), là người Việt Nam duy nhất lấy 2 bằng Tiến sĩ Luật khoa và Tiến sĩ Văn chương vào năm mình 22 tuổi ở Đại học Montpellier (Pháp). Ông tham gia kháng chiến chống Pháp cho đến khi hòa bình lập lại (1954) thì trở về Hà Nội và làm giáo sư trường Đại học Văn Khoa (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngày 30/10/1956 tại một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Hà Nội, với tư cách một thành viên, ông đã đọc một bài diễn văn phân tích sâu sắc những sai nhầm trong Cải cách Ruộng đất và đề ra phương hướng để tránh mắc lại. Vì phát biểu này, ông đã bị tước hết mọi chức vụ, danh vị nghề nghiệp và phải sống khó khăn thiếu thốn như một “kẻ bị khai trừ” (Tên quyển sách tự thuật của ông xuất bản năm 1992 tại Pháp). Ông mất năm 1996 tại Hà Nội, thọ 87 tuổi.