Bài 14: Khách Trú
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Bài 14: Khách Trú
Buôn bán trong Chợ Lớn - Ảnh của tay máy Mỹ William S Fabianic, từ 1965 - 1966. Những ảnh đen trắng là trong bộ sưu tập của nhà sưu tập người Pháp De Ladevèze, từ 1910s - 1950s.
.... Không rõ người Hoa có mặt tại Sài Gòn - Chợ Lớn chính xác từ năm nào. Có tài liệu ghi là vào cuối thế kỷ 17 (Phần bài dưới đây sẽ cố gắng chứng minh). Chỉ biết, khu vực Chợ Lớn từ rất lâu đã được xem như là một "phố khách". Người Hoa sống trong đó là những người khách, nhiều người Việt thích gọi họ là “khách trú” hơn “các chú”. Gần thì sát nách đó, nhưng vẫn là khách. Một thế giới hoàn toàn khác biệt. Những bảng hiệu người Việt đọc không hiểu, cách ăn mặc (Áo xẩm, áo xường xám…) khác biệt. Ngôn ngữ khác biệt: Nếu họ muốn nói tiếng Hoa với nhau, người Việt không hiểu, mà người Việt nói gì, phần đông họ lại hiểu.
Thực chất là Chinatown
Những ngõ ngách Sài Gòn thân quen với chúng ta bao nhiêu, trong Chợ Lớn lại kỳ bí bấy nhiêu. Tác giả Huỳnh Thị Mỹ Nhàn trong bài nghiên cứu của mình có viết: "Ngay cả cách thờ phượng cũng khác người Việt. Những bức tượng Quan Công, Châu Xương, Quan Bình đặt ở đâu, đó chính là tờ giấy khai nguyên quán của chủ nhà đúng tới trên 90%. Người Việt ít ai thờ Quan Công, và có thể nói người Việt gốc thì hoàn toàn không".
Kiến trúc nhà cửa tại Chợ Lớn giống những Phố Tàu trên khắp thế giới, hơn là giống kiến trúc người Việt. Từ khi người Pháp đặt cai trị tại miền Nam, Sài Gòn có nhiều khu nhà kiến trúc theo kiểu thực dân, càng phân biệt rạch ròi hai lối ở khác hẳn. Ví dụ, ngoài Sài Gòn có Đại Ca Thay, thì giới anh chị Chợ Lớn cũng có một ông trùm riêng, là Mã Thầu Dậu.
Chợ Lớn Sài Gòn ngày trước, nếu để ý, là một Chinatown khổng lồ, so với những Chinatown trên thế giới mà chúng ta đã biết tại Mã Lai, Singapore, Anh, Pháp, Úc, thậm chí Mỹ. Chợ Lớn đã có những trường Tàu, mà vài người bạn Tàu hồi nhỏ trong xóm tôi, phải về đó “du học”. Trường nổi tiếng nhất là trường Bác Ái, về sau mới có thêm những Mạch Kiếm Hùng, Minh Đạo.
Một địa danh đi qua thời cuộc
Với nhiều tiệm ăn Trung Hoa, Chợ Lớn đương nhiên là nơi để tìm đồ ăn uống rất ngon, và là nơi thể hiện tài năng buôn bán của cộng đồng Hoa Kiều, qua hệ thống mạng lưới kinh doanh chằng chịt trong nước lẫn Đông Nam Á.
Chợ Lớn, từ lâu, cũng có những chi phối nhất định trên nền kinh tế cả nước Việt Nam. Rộng hơn, Chợ Lớn hồi đó nghiễm nhiên được không ít người dân Việt Nam hiểu ngầm là có những quan hệ sâu xa với Hồng Kông, Đài Loan và cả Trung Hoa Lục địa.
Tại trung tâm Chợ Lớn có nhà thờ Cha Tam, là nơi mà ông Ngô Đình Diệm và em là cố vấn Ngô Đình Nhu đã đến cầu nguyện vào sáng 2/11/1963, trước khi “được” lực lượng quân nhân đảo chính cho lính “đón” đi, sau đó bị ám sát bằng dao găm và súng trong một chiếc xe thiết giáp trên đường áp giải về Tổng Tham mưu. Thực ra, các ông đã rời khỏi Dinh Độc Lập vào tối hôm trước, và tạm lánh tại nhà một người Việt gốc Hoa tên là Mã Tuyên. Mã Tuyên là tổng bang trưởng tại Chợ Lớn.
Lý do chọn nhà tổng bang trưởng Mã Tuyên để đến, theo lời chứng của ông Cao Xuân Vỹ: “Nhà ông Mã Tuyên ở trong Chợ Lớn, phố xá chằng chịt rất khó tìm. Hơn nữa người Tàu rất kín đáo và trung tín”. Cho đến nay, không có nguồn tin nào cho biết ai là người đã thông báo chỗ tạm lánh đó của hai anh em họ Ngô, và có phải là ngẫu nhiên, mà quân đội đảo chính đã chờ khi họ đi lễ nhà thờ mới tới “đón” hay không? Riêng về ông Mã Tuyên, lúc đó khoảng trên 50 tuổi, người Triều Châu, làm tổng bang trưởng 10 bang, sau đó 5 ngày cũng bị bắt, bị Hội đồng Quân nhân cách mạng giam trong 3 năm, tài sản bị tịch thu, đem bán đấu giá, may được nhiều người đồng hương Việt gốc Hoa thu mua trả lại.
Lý do “phố xá chằng chịt” đã không thỏa để cứu mạng hai ông họ Ngô, nhưng lý do “người Tàu rất kín đáo” lại có vẻ đúng, vì ông Mã Tuyên không khai gì thêm, và không than van gì, mặc dù sau 30/4/1975, phía thắng cuộc lại bắt ông ta ngay sau khi vừa chiếm được miền Nam. Lần đầu là 4 tháng rồi thả và bắt lại sau một thời gian ngắn. Lần bắt sau, ông Mã Tuyên bị giam tới 4 năm tù. Riêng lý do “người Tàu trung tín” thì lại mờ mịt, vì thật khó mà biết phải trung tín với ai, khi ông Mã Tuyên có tới mấy phe nhóm cần sống và phụng sự trung tín.
"Ngũ bang" là gì?
Không rõ 10 bang người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn vào giai đoạn ông Mã Tuyên làm tổng bang trưởng là gì, nhưng 5 bang chính gọi là “ngũ bang” gồm Quảng Đông, Tiều (Triều Châu), Hẹ, Hải Nam, và Phúc Kiến.
Nhiều người Hoa đến từ những tỉnh miền duyên hải phía Nam Trung Hoa (Từ sông Dương Tử trở xuống) rồi định cư tại Chợ Lớn. Họ tập hợp nhau, sống chung với nhiều phân khu từng bang hội, tùy theo gốc tích cố hương, vừa vui sống mà vừa dễ sống. Trong giai đoạn phát triển Chợ Lớn, dưới thời Pháp thuộc, họ được người Pháp áp dụng chính sách dễ dãi, thoải mái, điển hình là việc xây dựng nhà cửa, phố xá, quy hoạch những khu dân cư phù hợp với lối sống truyền thống của họ, miễn là hòa nhập vào môi trường địa lý, sinh hoạt mới.
Khái niệm "Lý", "Hạng", "Phường"
Do đó, những tên hẻm được đặt với những từ cuối như Lý, Hạng, Phường đã được thấy, như hẻm Tuệ Huê Lý (làng Tuệ Huê) ở bên hông hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông, còn sót lại sau nhiều biến cố đổi thay “thương hải biến vi tang điền”. Lý như trong “lý trưởng” có nghĩa tương đương với làng, hoặc thôn. Đó là một quần thể tập hợp khoảng vài chục nóc nhà, hợp thành một đơn vị cư trú.
Hạng như trong câu thơ “Từ Ô Y Hạng rủ rê sang” của nhà thơ Quách Tấn, có thể dịch là xóm, quy tụ khoảng mươi nóc nhà cận kề nhau. Thường ra, một ông đại gia nào đó đã mua một khoảnh đất lớn sát một con lộ lớn. Trên miếng đất đó, ông ta cho xây ngoài mặt tiền những cửa hàng xoay cửa chính ra ngoài lộ. Giữa những cửa hàng đó, có một con hẻm dẫn vào một khu xóm nhỏ, được lập ở phần sau khu đất, khoảng 7-8 căn nhà, cho họ hàng, con cháu của chủ nhân ở. Đầu con hẻm thường đắp chữ nổi, hay có bảng gỗ nói lên nơi chốn cố hương của chủ nhân, chẳng hạn Thái Hồ Hạng (Xóm Thái Hồ) vì quê cũ của họ ở Hàng Châu.
Còn phường lại là nơi quy tụ những người cùng chung một nghề với nhau. Thường là một hẻm cụt, gồm vài chục căn nhà mà những người làm cùng nghề, hoặc chung một ông chủ, bỏ chung tiền ra mua, hoặc được chủ cho ở. Ví dụ như hẻm Hào Sỹ Phường là nơi có 34 căn nhà của những công nhân làm nghề chế tạo xà-phòng, và chà gạo cho một ông tên là Hào Sỹ.
Tín ngưỡng trong Phố Tàu
... Phố Tàu tại Nhật không nằm ngay thủ đô Tokyo, mà tại thị trấn cảng Yokohama. Phố Tàu tại Pháp nằm tại quận 13, bao bọc bởi 3 con đường rue de Tolbiac, avenue de Choisy và boulevard Masséna. Cả hai khu phố Tàu này không lớn, không được nằm ở khu trung tâm thành phố, nhưng cũng như hầu hết mọi khu Phố Tàu nào khác trên thế giới, chúng đều phải có một cái đền, mà nhiều người gọi là chùa Tàu. Thiếu đền Tàu, chùa Tàu thì không thể gọi là Phố Tàu.
Đương nhiên, Phố Tàu lớn hạng nhất thế giới như tầm cỡ Chợ Lớn phải có một cái đền, đó là Đình Minh Hương. Chữ hương mới đầu viết Hán tự theo nghĩa là “hương hỏa” tức “cúng kiếng”, sau viết theo nghĩa “làng” từ năm 1827. Đền này với riêng cái tên, cũng đủ cho thấy sự khác biệt với các đền Phố Tàu khác - Đình chứ không phải là đền. Đình trong văn hóa Việt Nam là đơn vị quan trọng dính liền với làng, thế thì Đình Minh Hương được dựng cho làng Minh Hương, chứ không phải cho một phố buôn bán, như những Phố Tàu mà ta thấy khắp thế giới.
Dòng người ly hương
Người Tàu qua Chợ Lớn (Việt Nam) sinh sống không hẳn vì sinh kế như tại Úc, hoặc Mỹ (Phong trào đổ xô kiếm vàng), hay vì lý do thương mại như tại Nhật. Họ qua vì lý do chính trị (Như họ đến Canada, Vancouver sau này khi Hương Cảng phải trả lại cho Trung Hoa Lục địa).
Chợ Lớn đã được xây dựng bởi những con người tỵ nạn chính trị. Minh Hương có nghĩa là những người dân Tàu đi theo những di thần – di tướng dưới triều Minh (1368-1644), vì không chấp nhận nhà Thanh chiếm nước họ (1662), nên đã phải bỏ qua Việt Nam, sau cái chết của vua Vĩnh Lịch Chu Do Lang.
Qua Việt Nam, bất kể nguồn gốc cố hương, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Hẹ, hay Phước Kiến và nói phương ngữ khác nhau, các di dân nhà Minh cũng quây quần, tổ chức thành làng xã theo kiểu Việt Nam, và cũng xây đình như người Việt Nam. Trong đình, thay vì họ thờ Phật, Thánh hay Quan Công như mọi đền Tàu nơi khác, lại thờ Thành Hoàng, các bậc tiên hiền, hậu chủ và các danh nhân gốc Minh Hương, như vị võ tướng Trần Thượng Xuyên, một trong những di tướng nhà Minh, sau thành doanh nhân, khai phá Cù Lao Phố. Họ cũng thờ một ông tướng là học trò của Võ Trường Toản, mà ông nội đã có mặt trong nhóm 3.000 người tỵ nạn tại Đàng Trong, tên là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), người đã có công lớn phò tá vua Gia Long. Trịnh Hoài Đức là tác giả những bộ sách địa dư chí nói về vùng đất Gia Định - Sáng tác bộ Gia Định Thành Thông Chí, đồng sáng tác Gia Định Tam Gia Thi. Nhưng đặc biệt nhất, Đình Minh Hương có thờ một ông tướng Việt Nam, đó là Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh.
... Và đừng gọi là... "Tàu"!
Cuối cùng, phải nói rõ thêm về chữ Tàu. Khi trước, có giả thuyết cho rằng phải gọi họ là người "Tầu" (Có dấu mũ) bởi vì khi họ từ phương Bắc sang đây tỵ nạn, họ đã đi cả trùng trùng điệp điệp người trên những con tầu thủy lênh đênh nhiều ngày tháng dài trên biển. Từng có câu hát mỉa mai họ: "Đoàn quân Tầu ô đi, sao mà ốm đói. Bước chân phù lê thê trên đường Việt Nam..." nhại theo bài Tiến Quân Ca danh tiếng. Và chữ "Tầu" đó thoạt thủy do người Việt ở miền Bắc đặt cho.
Khi những người ly hương ấy vào Sài Gòn, miền Nam nói chung, về phát âm phương ngữ, người trong này không đọc đúng chữ "Tầu" được, cứ thuận miệng gọi là "Tàu" (Không dấu mũ). Lâu ngày, thành thói quen trong cả viết lách.