Bài 10: Gần 104 Năm, Quận 3 Sài Gòn
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Bài 10: Gần 104 Năm, Quận 3 Sài Gòn
Ai là người xuất thân từ Sài Gòn cũ, không cứ chỉ là quận 3, sẽ thấy bài viết này đáng lưu ý.
… Sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ngày 12/4/1861, chính quyền Pháp thành lập thành phố Sài Gòn, trên địa bàn một số thôn của 2 tổng Bình Trị Thượng và Bình Trị Trung thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Địa giới hành chính lúc đầu của thành phố Sài Gòn đó chỉ gồm một phần của 2 quận: Quận 1 và quận 3 hiện nay.
Tháng 1/1877, chính phủ Pháp công nhận thành phố Sài Gòn là thành phố loại I, đứng đầu là viên Đốc lý do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm. Đến tháng 9/1889, thành phố Sài Gòn được chia thành 2 quận do cảnh sát kiểm soát và cai quản (Arrondissement policier): Quận 1 và quận 2, rồi đứng đầu mỗi quận ấy là vị Quận trưởng(Commissaire). Tháng 12/1920, lập thêm quận 3. Như vậy, đến nay quận 3 có tuổi đời gần 104 năm.
Ngày 27/4/1931, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu vực (Một số tài liệu gọi là Địa phương) Sài Gòn - Chợ Lớn (Région Saigon - Cholon ou Région de Saigon - Cholon). Quận 3 hiển nhiên vẫn nằm trong đó.
Ngày 30/6/1951, Thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam - Sau khi Pháp đã ra đi - ký sắc lệnh số 311/SG đổi tên Khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Lúc này, quận 3 thuộc Đô thành.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, sắc lệnh số 143/NV ngày 22/10/1956 của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn đổi tên ngắn gọn thành Đô thành Sài Gòn - Khi đó, quận 3 lại thuộc Đô thành Sài Gòn. Ngày 27/3/1959, ông Diệm lại ban hành Nghị định số 110/NV về việc phân chia thành phố thành 8 quận: Nhất, Nhì, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy và Tám. Trừ 3 quận Nhất, Nhì, Ba giữ nguyên, các quận còn lại đều thay đổi địa giới hành chính. Do đó, quận 3 của năm 1959 trùng với địa giới quận 3 cũ, có 5 phường: Bàn Cờ, Chí Hòa, Đài Chiến Sĩ, Trương Minh Giảng và Yên Đổ. Năm 1962, quận 3 giải thể phường Đài Chiến Sĩ; lập mới 6 phường: Cộng Hòa, Cư xá Đô Thành, Hiền Vương, Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản - Như thế lúc đó quận có 10 phường. Năm 1969, tách 2 phường Chí Hòa và Phan Thanh Giản để lập mới thành quận 10, và quận 3 còn 8 phường.
Năm 1974, lập thêm phường Trần Quang Diệu và cho đến ngày 29/4/1975, Quận 3 gồm 9 phường: Cộng Hòa, Cư xá Đô Thành, Bàn Cờ, Hiền Vương, Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng, Trần Quang Diệu, Trương Minh Giảng, Yên Đổ.
Ngày 3/5/1975, Thành phố Sài Gòn - Gia Định thành lập. Lúc này, quận 3 thuộc Thành phố Sài Gòn - Gia Định cho đến tháng 7/1976. Ngày 20/5/1976, tổ chức hành chính thành phố được sắp xếp lần 2 và theo đó, vẫn giữ nguyên quận 3 cũ có từ trước đó. Các phường cũ đều giải thể, lập các phường mới có diện tích, dân số nhỏ hơn và mang tên chữ số. Quận 3 có 25 phường và được đánh số từ 1 đến 25.
Ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ 1 chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Quận 3 trở thành quận trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 12/9/1981, giải thể 3 phường 2, 4 và 6. Ngày 26/8/1982, giải thể 2 phường 16 và 18. Ngày 17/9/1988, ngoài phường 1 và phường 3 không thay đổi, giải thể 18 phường còn lại và thay thế bằng 12 phường mang tên số mới: 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14. Ngày 9/12/2020, nhập 3 phường 6, phường 7 và phường 8 thành phường Võ Thị Sáu. Quận 3 có 12 phường như hiện nay.
• Nhắc đến Quận 3, bắt cứ ai là người Sài Gòn cũ cũng đều biết, rất nhiều địa điểm nổi bật thuộc nhiều hạng mục bậc nhất đô thị đều nằm trong đó: Ăn quận 5, nằm quận 3, chơi quận 1. Bệnh viện có Saint-Paul (Nay là bệnh viện Mắt TP.HCM), bệnh viện Bình Dân nổi tiếng từ lâu về chữa Tiết niệu, bệnh viện Y học Cổ truyền và bệnh viện Da liễu. Về chợ, ít nhất ai cũng biết các chợ Vườn Chuối, Bàn Cờ, Trương Minh Giảng (Giờ là chợ Nguyễn Văn Trỗi). Trường học, một loạt các trường Pháp thuộc nhiều cấp từ thuở trước như Aurore, Colette, Saint-Exupéry và Marie Curie đều đứng ở quận 3. Ngoài ra, trường Gia Long áo tím, trường Lê Quý Đôn từ thuở Chasseloup Laubat, cả những trường Việt dành cho học sinh bình dân như Bàn Cờ, Lê Văn Duyệt (Không phải trường nữ sinh Lê Văn Duyệt ở Gia Định), Phan Đình Phùng cũng có mặt. Về điểm địa lý lịch sử, Hồ Con Rùa, nhà thờ Tân Định, Tòa Tổng Giám mục, Cư xá Đô Thành, rạp hát Việt Long - Văn Hoa Sài Gòn, Đại Đồng là những nơi mà tên tuổi đã trở thành quen biết khắp chốn đô thị.
• Khu Cư xá Đô Thành, trước kéo rộng tới 2 phường là phường 5 và phường 7, phân cách nhau bằng chiều dọc con đường rầy xe lửa năm nào, sau trở thành đường Nguyễn Thượng Hiền, nay chỉ còn là của duy nhất phường 4. Phường 4 với Cư xá Đô thành rất rộng lớn, giới hạn trong một ô tứ giác gồm 4 con đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ), Cao Thắng, Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản cũ) và Cách Mạng Tháng 8 (Lê Văn Duyệt cũ). Khu Cư xá Đô Thành ôm trong lòng nó 4 con đường số 1, 2, 3 rộng lớn với nhiều tòa biệt thự từ 2 đến 4 tầng và đường số 4 nhỏ hơn với nhiều nhà ống chọc thẳng vào lườn chợ Vườn Chuối, cùng nhiều con đường cắt dọc khác như đường số 5, số 6, số 7, vv.. Bệnh viện Bình Dân nằm trong phường Cư xá Đô Thành, trường Aurore năm xưa (Nay là Lương Định Của), trường Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối và Ủy ban quận 3 cũ (Trước kia nữa là Tòa Đại sứ Cao Miên) cũng nằm trong phường này từ rất lâu, lúc nó còn là phường Cư xá Đô thành. Hòa thượng Thích Quảng Đức hồi năm 1963 từng tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt cũng thuộc địa bàn phường Cư xá Đô thành. Viện trưởng trường Quốc gia Hành chánh, giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Bông, thập niên 1960 từng bị ám sát trên đường Phan Thanh Giản, gần ngã tư Cao Thắng, cũng gần địa bàn phường cũ. Dịch giả Hàn Giang Nhạn, kịch sĩ Kim Cương, kịch sĩ Kim Xuân, đạo diễn điện ảnh Đào Bá Sơn và nhiều tên tuổi khác, trong đó có ông bà cụ thân sinh người viết bài này, cũng từng là dân Cư xá Đô Thành.
• Cái cổng độc quan dẫn vào khu Cư xá Đô Thành, xây vào khoảng thập niên 1910 khi cả khu vực xung quanh vẫn còn đồng không nhà trống. Lúc ấy, chính quyền Pháp đã biết quy hoạch cả nơi đó thành một khu dân cư lao động và công chức đồng nhất ở ngay trung tâm thành phố Sài Gòn, vẫn còn vắng lặng ở nhiều điểm rải rác khắp địa bàn. Nhà lúc đó ở khu vực này vẫn còn là mái tranh vách đất, trệt, chia thành nhiều ô, kéo từ đường Verdun (Lê Văn Duyệt) tới Richaud (Phan Đình Phùng), Audouil (Cao Thắng) và Legrand De La Liraye (Phan Thanh Giản). Để phân biệt từng khu dân cư lớn hạng nhất từng quận như thế, người Pháp cho xây mỗi nơi một cái cổng. Bởi vì họ không xây tường bao quanh cả khu vực mà chỉ phân ranh giới nó bằng các vỉa hè, nên cổng không cần dựng cánh mở ra đóng vào. Cổng ở đây chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho cửa ra vào một khu vực địa giới - Giống như cổng vào khu thành Omar trên đường Võ Tánh (Bây giờ là Nguyễn Trãi) nằm gần rạp hát Quốc Thanh ngày xưa, nay không còn nữa. Nhưng nó vẫn phải bề thế, trang nghiêm và cũng vì chủ yếu cần rộng rãi cho xe hơi thời đó ra vào, người đi bộ cũng đi chung, nên không nhất thiết phải phân lối thành cổng tam quan.
… Bao nhiêu kỷ niệm của tôi ở đó!