Bài 33: Radio Saigon & Cuộc Ra Đi Của Đài Pháp-Á
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Bài 33: Radio Saigon & Cuộc Ra Đi Của Đài Pháp-Á
Người Pháp phải chịu nhiều cay đắng sau thất bại Điện Biên Phủ, không chỉ với bộ đội Bắc Việt mà với cả chính thể ở miền Nam Việt Nam khi đất nước bị chia cắt kể từ 1954. Câu chuyện sau là minh chứng, trong ánh nhìn của chính người Pháp, trang saigon-vietnam.fr. Lúc đó, tại Sài Gòn từng có một đài phát thanh quốc tế mạnh hàng đầu thế giới, nhưng người Pháp đã để mất!
Đài Phát thanh Sài Gòn, nguyên thủy, từng phát chương trình bằng 7 thứ tiếng trong Thế chiến thứ hai. Đó là “Tiếng nói của nước Pháp” ở vùng Viễn Đông, đặt dưới sự điều hành của nhà báo kiêm giám đốc Jacques Lebourgeois. Nhưng Đài ấy đã im lặng vào ngày 9/3/1945, sau khi bị quân Nhật tràn vào chiếm đóng. Rồi nó lại trải qua vài tuần sau đó nằm dưới sự kiểm soát của chính người Việt Nam và các nhân viên của Đài phát thanh Sài Gòn vẫn luôn bị quân đội Việt Minh canh chừng. Trong những tuần tiếp theo đó nữa, đại tá Cédile, người được thăng làm Ủy viên quản trị khối Cộng hòa Đông Dương, sẽ tiếp quản nó trở lại.
Radio Saigon lại phát sóng cho đến năm 1949, khi một thỏa thuận Pháp-Việt đã trao cho phía Việt Nam các cơ sở phát sóng do chính người Pháp gầy dựng nên, ấy chính là nền tảng khai sinh ra Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam về sau, một thực thể hoàn toàn khác với Đài phát thanh Pháp-Á là đơn vị đi giữa hai làn nước.
Đặc phái viên về Viễn Đông, Jacques Sallebert, là phóng viên chiến trường của các tờ Le Monde và Le Figaro, từng đưa tin về các cuộc xung đột ở Israel, Indonesia, Trung Quốc và Triều Tiên, một trong những nhân vật vĩ đại của truyền hình Pháp từ năm 1948 - 1982, nhớ lại: "Trước chiến tranh, Sài Gòn có một trong những trung tâm phát thanh mạnh nhất ở khu vực Thái Bình Dương và tiếng nói của nước Pháp cũng đã vang lên khắp vùng Viễn Đông. Bằng một chút may mắn phi thường, thậm chí là kỳ diệu, ăng-ten và trường quay của Đài Phát thanh Sài Gòn không bị hư hại trong chiến tranh. Quá trình chiếm đóng của Nhật Bản và sự tiếp quản của Việt-Minh cùng đã bỏ qua phương tiện truyền thông tuyệt vời này, thậm chí họ ngăn nền văn hóa của chúng ta (Tức người Pháp - TAK) tiếp tục phổ biến thông tin về khu vực này trên thế giới”. “Thật không may – Sallebert viết tiếp - Mặc dù phần chính của cả hệ thống máy móc đã được cứu, nhưng thiết bị nói chung vẫn rất cỗi và thực tế đó – Bất chấp cả khi người Pháp lấy chúng được trở lại – đã không cho phép đài truyền tải bằng công suất như trước chiến tranh. Những kế hoạch lớn đã được vạch ra, để sẽ biến Đài Sài Gòn ở châu Á thành như Đài Brazzaville ở châu Phi. Đó là điều cần thiết, vào thời điểm các cường quốc đồng minh lớn đang nỗ lực tuyên truyền mạnh mẽ ở Thái Bình Dương, để tiếng nói của Pháp cùng với Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga được lắng nghe. Chúng ta đã từng hy vọng chúng ta có thể tận dụng những may mắn có được trong việc tận dụng một công trình lắp đặt vẫn trong tình trạng tốt, mà ngày nay khó có thể xây dựng lại từ đầu”.
Vai trò của Đài phát thanh ở Đông Dương ngày ấy là đáng kể. Sau khi giành chính quyền vào tháng 3/1945, người Nhật trưng dụng tất cả các máy phát điện của người Pháp. Số thiết bị này bị vứt chất đống trong kho và được chính người Nhật đem bán rẻ lại cho người An Nam, dẫn đến tình trạng người Pháp không còn máy thu hay phát, và cả người An Nam nữa cũng không bao giờ được phép phát triển chúng. Thời gian đó, những chiếc dù thả truyền đơn là phương tiện trực tiếp duy nhất mà người Pháp có thể dùng để chống lại tất cả những hoạt động tuyên truyền từ các nguồn khác nhau được triển khai ở Đông Dương. Nhưng không lâu sau, họ sẽ có một phòng thu âm di động nằm trên xe buýt mang thẳng từ Paris đến Đông Dương. Nhiệm vụ của đơn vị này sẽ rất đáng kể và các phóng sự sống tải trên sóng điện sẽ có một tầm quan trọng mà chính nó hiếm khi có kể từ khi nhân loại phát minh ra radio. Đài phát thanh Sài Gòn sẽ trở thành một khái niệm thông tin ở Đông Dương giống như những gì mà đài BBC của Anh đã làm cho chính nước Pháp trong thời gian Pháp bị Đức chiếm đóng.
Một bước tiến đáng kể: Khi quân Nhật chiếm Đông Dương, Đài Sài Gòn không những tiếp tục phát bằng tiếng Anh mà các chương trình ấy hoàn toàn không bị kiểm duyệt. Trích hồi ký Sallebert: “Tôi có mặt tại Đài phát thanh Sài Gòn vào ngày 9/3/1945, ngay vào lúc xảy ra cuộc đảo chính. Người Nhật đã xâm chiếm studio của chúng tôi và giữ tôi trong văn phòng. Mãi đến ngày 26/9/1945, tôi mới có thể quay lại được ngồi trước micro". Lúc đó, có 8 chương trình hàng ngày bằng tiếng Anh. Từ 1948 trở đi, Đài Sài Gòn phát thanh 8 lần một ngày: 7 giờ 55, 8 giờ 55, 19 giờ 55: 5 phút thời sự địa phương; 7 giờ 15, 8 giờ 15, 12 giờ 30, 20 giờ: 15 phút tin tức Pháp và quốc tế; 21 giờ 55: tin tức cuối cùng trong ngày. Riêng chương trình tiếng Việt do Hoàng Cao Tăng là trưởng ban làm đạo diễn, ông đã từng giữ chức vụ tương tự tại Đài Phát thanh Sài Gòn từ 1939 - 1943.
Danh sách các cộng tác viên chính: Robert Grangier, một người lai Âu-Á từ Bắc Việt; Mân, một người Bắc và Phái, một người Nam, cả ba đều là nhà báo - người dẫn chương trình. Ngoài ra còn có Jean Tịnh, người đứng đầu bộ phận người dẫn. Cũng có 2 nữ xướng ngôn viên, một người miền Bắc, cô Toàn, và một người miền Nam không ai khác chính là bạn gái của ông Tăng, cô Tang. Ngoài tất cả những người đó, còn có khoảng 50 nghệ sĩ Việt Nam đã tham gia vào chương trình âm nhạc luôn đổi mới hàng ngày và cả cải lương. Mỗi ngày, lịch phát sóng gồm 6 chương trình tin tức, 3 chương trình bằng tiếng Nam Kỳ, 3 chương trình bằng tiếng Bắc Kỳ, cũng như một chương trình nghệ thuật dài vào mỗi đầu buổi tối. Ngoài ra, còn phát sóng 3 lần một ngày bằng tiếng Hoa: 7 giờ 45, 11 giờ và 16 giờ 15. Các chương trình hàng ngày chủ yếu là tin tức bằng tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông hoặc Triều Châu. Hầu hết các kịch bản đều do các giáo sư người Hoa từ Sài Gòn và Chợ Lớn viết. Các chương trình tiếng Hoa do ông Viên Phước, cựu giáo sư môn Khoa học Luân lý tại đại học Tôn Dật Tiên ở Chợ Lớn, hướng dẫn; ông Tắc cũng hỗ trợ việc chuyên môn cho ông Phước vì ông có kinh nghiệm làm việc tại Đài. Chương trình tiếng Hoa do chuyên gia về Trung Quốc là Jean-Michel Kermadec người Pháp điều hành.
Cũng cần phải nhắc: Đài France-Asia (Pháp-Á), tiếng nói của Pháp ở khu Đông Nam Á và Viễn Đông, phụ thuộc trực tiếp vào Đài Phát thanh & Truyền hình Pháp (RTF). Bài vở thông tin cho nó được cung cấp bởi các cơ quan France-Presse, Reuters, United Press, Kyodo cùng Aneta và nó cũng nhận được các chương trình đa dạng từ chính Paris. Nó phát bằng tiếng Pháp (44%), tiếng Việt (17%), tiếng Trung (15%) và tiếng Anh (10%). Đài này, ngoài thời sự, đã cung cấp các chương trình âm nhạc và tạp kỹ của Pháp được trình bày bằng tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc tiếng Quan Thoại cho Jakarta (Indonesia), Hồng Kông, Manila, New Delhi, Rangoon và Singapore. Các dịch vụ này mở rộng đến Ceylan (nay là Sri Lanka) và Pakistan.
Đài Pháp Á có trụ sở chính và các studio ở số 86 đại lộ Maréchal de Lattre de Tassigny (Nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), còn studio truyền bá tiếng Trung thì ở 13A, phố Taberd. Cần phải nhắc đến nhân vật René Hervé (Tên thật René Pithon), người khởi nghiệp nơi Ban Dịch vụ xã hội của quân đội và tham gia vào các buổi phát thanh nhằm "nâng cao tinh thần của quân đội" trên Đài Pháp-Á ở Sài Gòn. Anh sẽ tiếp tục làm việc cho các đài phát thanh ngoại vi khác (Đài phát thanh Monte Carlo, Đài phát thanh Luxembourg, Đài phát thanh Andorra). Ngoài ra còn Joseph Crampes, người cuối cùng sẽ trở thành Jacques Chancel, phóng viên chiến trường ở Đông Dương vào năm 1950 ở tuổi 22, cũng sẽ trở thành phát thanh viên của Đài Pháp-Á ở Sài Gòn, làm việc trên tinh thần cống hiến cá nhân cho những người lính Pháp ở Đông Dương. Năm 1958, anh đã sáng lập ra Radioscopie và trong khoảng 20 năm, đã dẫn khoảng 6.800 buổi biểu diễn trên sóng France Inter.
Có thể nói gì về công việc hàng ngày trong đài? Để cho dễ hiểu: Một tín hiệu màu đỏ sáng lên: "Im lặng". Phía sau tấm kính, đạo diễn đưa tay lên và hướng nó về phía xướng ngôn viên. Tại địa chỉ 86, Maréchal de Lattre de Tassigny, trong phòng thu cũ của Radio Saigon, một ngày làm việc bắt đầu lúc 7 giờ khi mà một bộ phận Sài Gòn vẫn còn đang ngủ quên. Một giọng nói cất lên: “Đây là Đài Pháp-Á”. Giọng nói này được lặp đi lặp lại bởi hàng nghìn bộ radio, và được hàng chục nghìn thính giả Pháp và Việt Nam lắng nghe. Phải nói lúc ấy, nhờ có Jean Martial – bút danh của Jean Varnoux, đài vẫn thành công bất chấp mọi khó khăn. Varnoux đã phát các bài xã luận mang tính thời sự, đó là cách anh trả lời những tờ báo miền Nam Việt Nam luôn công kích Đài Pháp-Á, với lý do là nó ru ngủ giới trẻ bằng cách cho họ tiếp xúc với loại “văn chương thối nát” và loại “âm nhạc suy đồi”. Một câu trả lời khó, nhưng đúng và nhã nhặn dù nó chỉ tạo thêm hố ngăn cách giữa những người tấn công và những người phòng thủ.
Tổng biên tập của Pháp Á là René Branellec. Các bài báo của ông này luôn được lắng nghe. Tính vô tư, phẩm chất chính trực khiến ông trở thành một nhà báo được cả hai phía đánh giá cao. Các phóng viên của Đài Pháp-Á đã theo dõi một lượng lớn các cuộc hành quân do quân đoàn viễn chinh tiến hành, và họ cũng gặp rủi ro như những người tham chiến. Các bài báo của họ trở nên nổi tiếng khi được các đài ở Paris, Canada, Thụy Sĩ cũng như nhiều nơi khác phát lại. Trong số những người giỏi nhất, René Laporte và Yves Desjacques đã mang chiếc micro của mình đi khắp các chiến trường, từ Bắc chí Nam, từ Nam Định đến Cà Mau. Chính bằng cách này, René Laporte đã thực hiện một bài báo tuyệt vời trên một chiếc xe biệt kích của lực lượng hải quân trong một trận đánh đáng nhớ. Bản ghi âm này được bảo quản tại Công ty Phát thanh - Truyền hình Pháp như một kiểu mẫu. Về sau, nhà dẫn chương trình Pierre Ichac đã sử dụng nó nhiều lần trong chương trình của mình, Tạp chí của Liên hiệp Pháp.
Yves Desjacques đã ghi lại cuộc trò chuyện cuối cùng giữa Tướng De Castries và Tướng Cogny, vài giây trước khi Điện Biên Phủ thất thủ. Ông là một chuyên viên về Bắc Kỳ, còn công việc xây dựng nội dung nghệ thuật thì được giao cho Robert Barras, người đã rời Sài Gòn để tiếp quản Đài Abidjan tại Côte D’Ivoire.
Phần nội dung nghệ thuật bao gồm 6 nhà sản xuất: Claude Casadessus, một nghệ sĩ cello tài năng; Philippe Herson, Marc Bouisset, Georges Mousny, Georges Toussaint và Jacques Chancel. Georges Toussaint là một triết gia xuất chúng, đã dành 5 năm ở Ấn Độ để học Triết với các bậc thầy vĩ đại. Ông còn là một nhà phê bình điện ảnh được kính trọng. Jacques Chancel thì không bao giờ thất bại khi xuất hiện tại bất kỳ buổi dạ tiệc hoặc sự kiện buổi tối nào có dùng micro. Anh đã tổ chức một chương trình tên là Récréation được ghi âm vào Chủ nhật hàng tuần tại rạp chiếu phim Majestic trên đường Catinat, trước một nghìn khán giả. Tất cả các ngôi sao Pierre Dudan, Yvette Giraud, Josephine Baker, Roger Nicolas, Jack Gautier và những người khác đều có mặt ở đó. Buổi biểu diễn này được ghi lại như một phần của chủ đề, Giải Trí Của Người Lính. Récréation, với dàn nhạc của Alex Caturegli và Guy Paquinet, đã được ghi hình trực tiếp rồi nó đến trên sóng âm tới hàng triệu thính giả của Đài Pháp-Á bằng tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Anh.
Jacques Chancel đã phỏng vấn những người nổi tiếng và thậm chí cả người mẫu của Dior khi họ dừng chân tại sân bay Tân Sơn Nhứt, trên đường đến Tokyo. Chương trình tạp kỹ nổi tiếng nhất chắc chắn là Paris - Saigon do René Laporte và Jacques Chancel trình bày vào thứ Sáu hàng tuần. Chương trình này sôi động, trẻ trung với Michèle Stella (Golden Voice), Pierre Duvas (Honey Voice), Jean Pomez (Velvet Voice), Marc Florestan (The Doctor), Pascale Olivier (Nữ tiếp viên quyến rũ của Radio-Hirondelle), và Georges Toussaint. Các nghệ sĩ biểu diễn, các họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, ngôi sao điện ảnh và nhà báo đã trả lời phỏng vấn trong chương trình này, như tên gọi của nó đã cố gắng trở thành mối liên kết giữa 2 thủ đô của Pháp và của Việt Nam. Laporte ghi lại: “Việt Nam đã giành lại chủ quyền. Về mặt pháp lý, Đài Pháp-Á không còn kinh doanh trên lãnh thổ Việt. Do đó, nó sẽ sẵn sàng để dời sang Maroc với cái tên khác. Ở đó, nó sẽ tiếp tục phát sóng xứng đáng. Một số người lại đặt câu hỏi: Nếu Maroc giành được độc lập, thì Đài phát thanh Pháp-Á sẽ đi về đâu? Nó vẫn còn: Đài Pháp-Á được phép thành lập và phát sóng chương trình trên lãnh thổ Việt Nam theo hiệp định Pháp-Việt ký năm 1949. Tháng 10 cùng năm, Pháp nhượng lại cho Việt Nam một phần của các cơ sở hiện có tại Sài Gòn, Hà Nội, Huế và Đà Lạt. Vào thời điểm đó, Đài Pháp-Á đã phát sóng các chương trình bằng 5 thứ tiếng Pháp, Việt, Anh, Quảng Đông và Quan Thoại trên 2 tần số”.
Kể từ tháng 3/1955 sau đình chiến, đài cũng cho phát sóng các chương trình văn hóa bằng tiếng Pháp và tiếng Việt nhưng sẽ cần một hiệp định Pháp-Việt khác để củng cố vị thế của nó. Nhưng ở đó, cũng như mọi nơi khác, nhu cầu về một nền chính trị có uy tín và hiệu quả của chính người Pháp đã yếu đi, dù Đài Pháp-Á không được phép im lặng. Nó sẽ chỉ im tiếng thực sự khi rơi vào tay những người có mục đích duy nhất, ở châu Á cũng như những nơi khác, là bịt mồm người Pháp vĩnh viễn. Ông Ngô Đình Diệm khi ấy đã tiếp nhận một trong những viên ngọc quý của Đài Tiếng nói Pháp ở Viễn Đông, và đài Pháp-Á bị yêu cầu đóng cửa vào tháng 12/1955, nhưng lại dự kiến chỉ đóng cửa thật vào cuối tháng 2/1956. Ông Diệm đã quyết định giữ độc quyền phát thanh cho chính phủ của mình và khá đơn giản, là đã cho hủy bỏ các thỏa thuận đã lập trước đó từ 1949.
Đài Pháp-Á đã phủ sóng toàn bộ vùng Viễn Đông, một phần châu Đại Dương, Ấn Độ và thậm chí cả các nước Bắc Âu. Đó là một trong những trạm mạnh nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới. Một trăm bốn mươi người làm việc tại Đài Pháp-Á, một nửa là người Việt. Trước cuộc bầu cử, ông Diệm muốn chứng tỏ rằng ông độc lập và làm chủ. Không có gì xót xa và thảm hại hơn buổi phát thanh cuối cùng của Đài Pháp-Á, truyền lại bài phát biểu của thượng nghị sĩ Pháp Henri Hoppenot, người đại diện cho nền văn hóa Pháp và phương Tây, cũng là người đã được giao nhiệm vụ phải ký vào tất cả các văn bản thoái triệt những việc làm của người Pháp ở Nam Việt Nam. Tất cả các thành viên của Ủy ban cấp cao và nhân viên của Đài phát thanh Pháp-Á đang ở trong phòng thu của đài đã tự phát hát La Marseillaise ở cuối bài Tạm biệt. Chương trình Radio Swallow, "Tiếng nói của Lực lượng Pháp ở Viễn Đông", ngừng phát sóng vào lúc nửa đêm 11/4/1956 và sự im lặng của nó đã đánh dấu quá trình ra đi bẽ bàng của quân đoàn viễn chinh. Đây là nội dung bài phát biểu của Tướng Jacquot, tổng tư lệnh, nhân dịp ngừng truyền Radio Swallow: “Radio Swallow sẽ ngừng phát sóng vào tối ngày 11/4. Các nhân viên của đài, trong 5 năm qua, có thể tự hào về một nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc. Trong vài tuần nữa, Radio Swallow sẽ hồi sinh trên đất châu Phi và đội ngũ cuối cùng của quân đoàn viễn chinh nghe tôi nói đêm nay chắc chắn sẽ nằm trong số những thính giả mới của họ. Vận mệnh của quân đội quả thực là không biết nghỉ ngơi. Những nhiệm vụ tế nhị khác sẽ được thêm vào cạnh những nhiệm vụ kết thúc sự hiện diện của chúng ta ở Việt Nam. Chính phủ Cộng hòa Pháp công nhận lòng dũng cảm của các bạn. Tôi chắc chắn rằng các bạn sẽ không phụ những hy vọng mà nước Pháp đặt vào các bạn”.
Nhưng kế hoạch của người Pháp, muốn nối dài Đài Pháp-Á bằng một đài 100 kw có trạm sóng ngắn ở Djibouti, "Tiếng nói của Pháp ở châu Á và châu Phi" thực ra đã không bao giờ thành hiện thực!