Bài 32: “Tuồng Tích” Xích-Lô
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Bài 32: “Tuồng Tích” Xích-Lô
Tựa bài gốc bằng tiếng Pháp là King of the Saigon Pavé (Chơi chữ cả tiếng Anh chua vào), do Charles Sidilaire viết và đăng trên tờ Indochine Sud-Est Asiatique, số ra ngày 5/4/1952. Tạp chí đó ra hàng tháng với giá 150 franc (1) ở Pháp và 20 piastres (2) ở Đông Dương lúc ấy. Để nội dung thêm lôi cuốn, tôi chuốt lại.
… Vốn gắn bó với xã hội, giới chạy xe xích-lô ở Sài Gòn thường được gọi chung và tắt là “xích lô”. Ngắn gọn hơn nữa, người ta có thể hô "clo" khi người ta muốn gọi nó trong những con phố râm mát, là nơi mà nó luôn di chuyển âm thầm, tắt tiếng, lướt nhẹ như một con cá trong hồ.
Người đạp xích-lô là một nhân vật hấp dẫn, chỉ cần người ta chịu khó quan sát kỹ. Mặc chiếc áo vải đã bạc màu, đội mũ kiểu thực dân thấm mưa nắng hay đội khăn xếp cuộn tròn, anh ta luôn ướt đẫm mồ hôi cùng chiếc quần đùi đen để lộ đôi chân dài cháy nắng và vạm vỡ. Vào những ngày mưa, anh ta cởi trần, tưới nước lên nửa bánh xe mình khi thành phố bị ngập cả tiếng đồng hồ. Thế là anh ta cười thành tiếng dưới cơn mưa như trút nước, anh ta hớn hở gọi đồng nghiệp, mắng mỏ những người lái xe khác đang bị tê liệt vì động cơ xe của họ chết tức mà cản đường.
Xích-lô không bao giờ chịu dừng. Trên thực tế, nó là Vua của vỉa hè, một vị vua không thể tranh cãi, là vật dụng mà dưới sức nóng nghiền nát mọi thứ nơi vĩ tuyến mười một, đang làm luật. Đường phố là của nó, và người đi bộ cùng người lái ô-tô đều nên phải dè chừng nó, khi nó lao qua một ngã tư đường nào đó bằng một dáng vẻ liều lĩnh tuyệt vời. Mỗi người đàn ông hay mỗi phụ nữ đi qua đều có thể là một miếng mồi ngon cho nó.
Khi người phu xích-lô di chuyển, anh ta dường như không biết ngủ quên trên yên xe của mình. Chỉ với một chân, anh ta nhấn bàn đạp. Nhưng đôi mắt nhỏ màu đen và lấp lánh của anh ta, như được khảm vào hốc mắt, luôn tỉnh như sáo. Chúng trông giống ánh mắt một con rắn đang quan sát mồi.
Xích-lô nổi tiếng bởi khả năng luồn lách qua những đoạn đường tắc mà không cần lo lắng gì. Người phu đó luôn thăm dò đám đông, khiêu khích những người qua đường vội vàng hoặc kiệt sức, bằng một cái chớp mắt không thể nhận thấy hoặc bằng một cái vẫy tay. Cứ 10 lần thì phải 7 lần, khách sẽ cần đến họ khi muốn đi nhanh cho xong việc của mình, để ngả người khoan khoái trên băng ghế. Thế là xích-lô luôn hồi sinh, một sức sống mãnh liệt không ngờ truyền sang cả cảm nhận nơi cơ thể khách. Xích-lô cơ động đến không ngờ, ngay cả khi chưa cần biết khách đi đâu, người phu đã dấn sức để đưa nó chạy thẳng tới trước. Nó quá nhanh, quá tận tình, nên hầu hết các vụ tai nạn giao thông đều có nguyên nhân đổ lỗi cho nó.
Về nguyên tắc, thời nào cũng thế cả, mỗi người đạp xích-lô đều phải có giấy phép lái xe do cảnh binh thành phố cấp, sau một kỳ thi sát hạch kiến thức cơ bản về luật lệ giao thông trong đô thị và thể hiện cách xử lý tay nghề. Nhưng trên thực tế, chỉ có 30% (1952) số người phu đó có bằng làm việc này. Các doanh nghiệp chuyên ngành nào có thể tự hào về việc mình chỉ thuê người có giấy phép vẫn là thiểu số.
Xích-lô nhiệt tình đến mức những người khách Pháp không quen với địa hình Sài Gòn, thường bị bẫy là phải bất đắc dĩ đi tham quan cả thành phố trước khi họ có thể thực sự đến được đích của chuyến đi, lắm khi chỉ là nơi cách điểm xuất phát của chính họ có vài trăm mét. Nhưng đó là một sự hiểu lầm dễ thương dù chết người: Chỉ một phần tư trong số 6.500 người phu xích-lô ở Sài Gòn là hiểu tiếng Pháp.
Muốn làm phu xích-lô cũng không dễ, vì người ta cần phải khỏe như ngựa. Người ta phải có sức mạnh thực sự, khi cấu tạo của cái xe ấy cho năng suất rất thấp, thấp hơn cả xe đạp, vì hình dáng nó được chia thành 2 phần không đều: Hai mươi hai bánh răng cho ổ đạp của bánh sau trong khi tới ba mươi hai bánh răng cho 2 bánh trước chịu cả trọng lượng thân thể người khách. Thế nên để có sức mà đạp, người phu xích-lô ấy mỗi ngày phải chén từ ít nhất là 4-6 lần nơi các hàng gánh thức ăn lưu động, ở đó anh ta mới có thể tái tạo lại năng lượng cho mình từ một đĩa cơm hay một bát mì đầy có ngọn nào đó.
Từ một số góc nhìn, người phu xích-lô có thể được coi như một công nhân nhưng anh ta lại phải trả tiền cho phương tiện sinh kế của mình. Anh ta được một người cai nào đó cho thuê chiếc xe của mình với số tiền, tùy từng nơi, dao động từ 18 - 21 piastres mỗi ngày. Tất nhiên, anh ta không bị giới hạn thời gian làm việc của mình. Anh có thể tự làm thêm giờ, hoặc kéo dài thời gian tán gẫu ở một xe ép nước mía hay một gánh phở nào đó.
Đánh giá chính xác mức lãi hàng ngày của một người phu xích-lô là khó. Tất cả phụ thuộc vào sự chăm chỉ của anh ta - Ngoài ra, một số ngày anh ta phải trả nhiều tiền hơn những ngày khác, đặc biệt là vào mùa mưa. Các số liệu khá phong phú nhưng người ta có thể ước tính, một người phu giỏi sẽ kiếm được từ 50 - 60 piastres mỗi ngày. Vấn đề càng thêm phức tạp khi những người phu chạy “dù” vào cuộc.
Quả thực, chuyện sẽ rất bình thường với một số người phu nào đó có máu mua đi bán lại - Sau khi thuê xe từ một chủ thầu, anh ta lại biết đầu cơ khi đem nó cho người khác thuê lại. Thậm chí từng có chuyện một người phụ “nước hai” lại đi thuê cái xe mà chính anh ta đã thuê trong ngày thêm một lần nữa, khi anh ta rất cần tiền do bán sức. Rõ ràng, tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm theo mỗi cuộc giao dịch, nhưng tất cả mọi người vẫn luôn cùng ở đó. Theo ước tính, 6.500 người phu xích-lô của cả khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định lại cung cấp nguồn sống cho gần 12.000 người phu xích-lô chuyên nghiệp và nghiệp dư khác.
Trong cuộc chiến phải giành giật sự sống này, xích-lô đã phải chiếm đoạt khách, thuần túy và đơn giản. Người ta có quyền chọn các vùng hoạt động riêng của mình, thậm chí xác định chính địa chỉ của khách, ghi lại thời gian đi ra ngoài của họ và cố gắng đẩy xa các đối thủ cạnh tranh đi chỗ khác. Bất thành văn, họ luôn tôn trọng kiểu kiểm soát này đối với nhau và đối với khách. Rất hiếm khi những người phu xích-lô phải cãi nhau "vì công việc".
Nhưng đối với từng người khách, phu xích-lô luôn quan tâm thực sự đến họ. Nếu đường đi xấu, mà thực tế này xảy ra khá thường xuyên, anh ta luôn cẩn thận tránh những gì không hay. Gặp kẹt xe, anh ta sẽ trấn an khách và giành đường. Anh ta sẽ cố ghi công, để kiếm thêm chút tiền boa nào đó hàng ngày. Nhiều người phu đã giữ xe ở nhà mình vào ban đêm, hoặc lấy chính chiếc xe ấy làm nhà, để ngủ ngay trong xe hoặc trải chiếu nằm cạnh xe, trên sàn nhà hoặc trên vỉa hè. Họ không có nhiều tham vọng với cuộc sống mòn như thế.
Pierre Coupeaud, một nhà công nghiệp ở Phnom Penh, chính là người đã phát minh ra xe xích-lô - Người ta thấy nó xuất hiện lần đầu ở Phnom Penh vào năm 1937. Rất mê thể thao và ngoan cường, ông này đã phải đấu tranh hết mình để cho đứa con của mình được bộ phận “hộ tịch” công nhận và cho sử dụng trong xã hội, bất chấp những phương tiện chở khách công cộng khác. Nhưng Bộ Giao thông Pháp chỉ chấp thuận cho nó lăn bánh sau khi họ giao nó cho 2 tay đua xe đạp giàu kinh nghiệm đích thực đạp thử nghiệm, là Speicher và Le Grevès, 2 người hùng của Tour de France. Các cuộc chạy thử nghiệm này đã diễn ra ở Paris trong những con lộ rộng rãi của rừng Boulogne, cuối cùng, các nhà vô địch ấy đã chúc mừng Coupeaud. Thành phố thủ đô của Cambodia cuối cùng đã trao “quyền công dân” cho xe xích-lô và chẳng bao lâu sau, chính Coupeaud đã lại lên đường để chinh phục Sài Gòn.
Năm 1939, ông rời đi trên một chiếc xe xích-lô, do 2 người thay phiên nhau lái. Mất mười bảy giờ hai mươi ba phút để họ vượt qua hai trăm km ngăn cách Phnom Penh và Sài Gòn - Sự xuất hiện của chính cái xe ấy là ngoạn mục nhất, bởi vì nó trồi lên giữa một cuộc đua xe đạp. Nhưng bất chấp thành công này, quan Thị trưởng Sài Gòn, mặc dù đã bị thuyết phục về độ vững chắc của vật liệu xe, đến lượt mình, ông vẫn muốn thận trọng. Để nghiền ngẫm, ông bắt đầu chỉ cho phép vận hành hai mươi chiếc xích-lô đầu tiên để thử dù báo chí địa phương đã bình luận rất nhiều, dài hơi và có lợi về tương lai của phương thức vận tải mới này.
Một người Việt, chính là Bảy Viễn (3) và một người Pháp tên Maurice đã cùng cho tổ chức một cuộc diễu hành toàn bằng xích-lô quanh khắp Chợ Lớn với hơn 30 chiếc. Tính ra, xe xích-lô phải mất 10 năm mới loại bỏ được các loại xe kéo cũ. Con số 6.500 chiếc xích-lô khi ấy có vẻ thấp, nếu xét riêng khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn đã có một triệu bảy trăm nghìn dân. Nhưng chính các nhà kinh doanh xích-lô lại khẳng định, ấy là đã cân bằng giữa cung và cầu mà không cần thiết phải tung các xe mới nữa ra thị trường. Những người phu xe kiểu mới đó, ngược lại, đứng trên góc nhìn kinh tế mà xét, lại khá nhiều. Tuyển dụng và quản lý họ là không dễ, nhưng họ cứ mỗi lúc một nhiều thêm và chuyện họ mê bài bạc để không ít người cứ quen kết thúc mỗi ngày tắm trong mồ hôi của mình nơi các chiếu bạc Chợ Lớn là một viện dẫn khác.
Rồi cũng phải đến cuộc quyết đấu không thể tránh được giữa xích-lô đạp và xích-lô máy, khi phương tiện di chuyển mới này ra đời. Cuộc cạnh tranh giữa một bên là 1.800 chiếc xe gắn động cơ đó, và 6.500 chiếc xe cũ chạy bằng sức người, sẽ là một câu chuyện khác! (4)
——-
(1) Đồng Phật-lăng tại chính quốc Pháp
(2) Đồng bạc Đông Dương
(3) Thủ lĩnh phong trào Bình Xuyên
(4) Chuyện có thật một trăm phần trăm!