Bài 16: Thăng Trầm Magasin Courtinat (1)
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Bài 16: Thăng Trầm Magasin Courtinat (1)
Cửa hàng thoạt đầu mang tên Bazar Saigon này được thành lập vào 1885 bởi ông Auguste Courtinat. Ông sinh năm 1860 tại Chaptuzat, Puy de Dôme, Pháp.
... Từ 14 tuổi, Auguste Courtinat đã đi làm cho chuỗi cửa hàng bách hóa Bon Marché rất lớn và phát triển mạnh lúc đó vào thập niên 1870 tại Paris, dưới tài điều hành của 2 ông bà Alexandre và Marguerite Boucicaut.
Khi mình 24 tuổi, theo lời khuyên của bà chị cả Célestine lúc đó làm vợ một nhân viên nhà Đoan Pháp làm việc tại Sài Gòn, Auguste rời Bon Marché để quyết định mở một cửa hàng theo mẫu đó tại Việt Nam. Năm 1893, ông cưới cô Caroline Créniault mà mình đã gặp tại Lyon, nơi trụ sở kinh doanh của François Revel - Một trong các nhà cung cấp hàng quen thuộc của Auguste, nổi tiếng nhất với mặt hàng ô đi mưa tự sản xuất rồi bán khắp thế giới. Sau đó, Caroline phụ chồng giữ một vai chính trong việc quản lý cửa hàng Bazar Saigon.
Lúc đó, cơ ngơi của hai vợ chồng trẻ chỉ chiếm vài ô trên một mặt bằng gồm nhiều tiệm buôn bán ở góc đường Catinat và đường Amiral Dupré (Sau là Tự Do - Thái Lập Thành, rồi Đồng Khởi - Đông Du). Đó là một vị trí hoàn hảo dành cho một cơ sở kinh doanh tầm vừa phải hướng tới người tiêu dùng rộng rãi. Chỉ mất vài năm, hai vợ chồng Courtinat làm ăn khấm khá đến mức họ mua đứt cả khu đó để mở rộng thành cả một cửa hàng.
Cửa hàng lớn này hoạt động dựa vào một văn phòng giao dịch nằm tại Lyon, Pháp, hồi ấy rất nổi bật khi là một trung tâm giao thương tại chính quốc, tới mức hàng năm đều có tổ chức hội chợ quốc tế. Nhiều nhân viên trẻ người Pháp khi đi làm cho văn phòng giao dịch của ông bà Courtinat tại Lyon đã muốn sang Sài Gòn để thử sức.
Auguste và Caroline Courtinat điều hành Bazar Saigon đến năm 1914. Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất xảy ra, các con trai họ là Camille và Maurice, cả hai cùng chào đời tại Sài Gòn nhưng lúc đó lại đang cùng học tại Lyon, đều vào tuổi nhập ngũ. Họ phải quay về Pháp với các con để trực tiếp nắm lại văn phòng Lyon và giao quyền cai quản Bazar Saigon cho Joseph Créniault, anh cả của Caroline và cũng là cổ đông.
Hết chiến tranh, Auguste quay lại Sài Gòn, lần này có các con đi cùng sau khi cả hai đã giải ngũ. Lúc đó, Joseph qua đời vì bệnh nặng. Auguste mua lại tất cả cổ phần của Joseph, trở thành ông chủ độc nhất của Bazar Saigon rồi chuyển quyền điều hành cho các con trai mình. Từ đó, Bazar Saigon trở thành Magasin Courtinat. Auguste quay về Pháp, làm cố vấn cho cả 2 đầu Lyon và Sài Gòn, các con ông thì cùng cầm cương kinh doanh tại Việt Nam.
Thoạt đầu, Camille và Maurice cùng thỏa thuận là sẽ cai quản cơ sở kinh doanh lớn này theo cách luân phiên, sao cho ai cũng có thời gian quay về nghỉ hàng năm dài ngày tại Pháp. Nhưng khi Camille lại lao vào nhiều việc khác, nhất là đi trồng mía và xây nhà máy làm đường tại Nha Trang, Maurice đã thường trực cai quản Magasin Courtinat. Anh làm ăn tốt đến mức năm 1924, đã cơi cho nó 2 tầng nữa. Đó là lúc doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất khi cung cấp vải vóc, thực phẩm tươi và đóng hộp, hàng bàn ghế gỗ, ô đi mưa Revel cùng nhiều thứ khác cho khắp Đông Dương.
Tầng trệt của cơ sở là nơi trưng bày hàng hóa nhỏ, tầng một là buôn bán hàng hóa loại lớn như bàn ghế giường tủ và cũng là văn phòng điều hành, rồi tầng 2 là một "suite" những studio cho thuê. Phía sau cả tòa nhà đó, cũng tầng trệt, có một cái sân thông ra phía đường Amiral Dupré mà phía bên trái nó là lô dành cho người gác-dan và một số văn phòng của nhân viên khác, cùng nhà kho nằm cuối sân.
Sang tới những năm 1930, Magasin Courtinat bắt đầu làm ăn khó khăn vì Khủng hoảng Kinh tế thế giới. Ngoài ra, một nhân viên thủ quỹ người Hoa còn một ngày kia biến mất sang Singapore cùng một phần lớn két tiền!
Cùng lúc, các đối thủ lớn trực tiếp của Courtinat cũng bắt đầu xuất hiện tại Sài Gòn, như Grand Magasin Charner, tiền thân của thương xá TAX. Tình hình lúc ấy phức tạp đến mức tưởng đâu doanh nghiệp phải tuột khỏi tầm tay, nhưng Maurice đã khôn khéo nói chuyện với các ngân hàng để có thể tiếp tục kinh doanh bằng cách tái cấu trúc lại cơ sở và khoanh nợ. Chính lúc đó, Maurice cũng đã quyết định thay đổi phương châm làm ăn của Courtinat, khi bỏ hết các mặt hàng cồng kềnh, hướng tới các mặt hàng tinh tế, quần áo may đo, hàng thời trang cao cấp, nước hoa, mỹ phẩm và nữ trang. Courtinat gượng lại cho đến khi Maurice trở thành nạn nhân của những biến đổi chính trị và xã hội phức tạp tại Sài Gòn vào 1945. Ông nắm Courtinat từ 1919, tới 24/9/1945 thì chấm dứt.
Khi Maurice phải dừng chân, lại tới phiên các con trai ông là Renaud và Philippe, có một người bạn là Yves Paira giúp đỡ, thay chân. Lúc đó, Lyon đã mất vị thế là thành phố kinh doanh số 1 của Pháp, nên văn phòng ở đó chuyển về Paris. Tại Việt Nam, một chính phủ "độc lập" ra đời vào năm 1949, cùng sự cố buôn bán đồng Phật Lăng trái phép lúc ấy, đã dẫn đến những phức tạp và thu hẹp quy mô trong vận chuyển vốn giữa 2 đầu Pháp - Việt. Đó là một đòn nặng giáng vào một cửa hàng lớn chủ yếu hoạt động nhờ nhập cảng hàng từ Pháp sang, như Courtinat. Khó khăn xuất hiện ở bất cứ vấn đề hay ở bất cứ giải pháp nào mà người ta nhìn tới. Rồi thất bại Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Genève, rồi là sự xuất hiện của người Mỹ...
Philippe Courtinat, giám đốc cuối cùng của cửa hàng, đành thương lượng chuyện bán nó lại tất cả cho một doanh nghiệp Mỹ tỏ ý quan tâm. Nhưng chính phủ của ông Diệm đã đi nước tiên, khi mua lại Courtinat ngay trên tay người Mỹ vào năm 1958 để biến nó thành một khu triển lãm và buôn bán hàng mỹ nghệ Việt Nam. Nó tồn tại như thế, đi qua bao biến cố lịch sử của thành phố cho tới 30/4/1975.
• Còn bây giờ, ở đó là khách sạn Sheraton, quay mặt ra hướng đường Đông Du và dãy cửa hàng Gucci.
• Photos:
1 và 2/ Magasin Courtinat, 1940s - 1952
3/ Vẫn là nó, 1966, ảnh của tay máy Mỹ John McDevitt
4/ Hai phụ nữ Sài Gòn mặc áo dài thướt tha bước qua Magasin Courtinat, 1950
——-
(1) Magasin trong tiếng Pháp có nghĩa là cửa hàng lớn, khác với boutique có tầm vóc nhỏ hơn - Ví dụ, GMC tức Grand Magasin Charner, đúng nghĩa là “Cửa hàng lớn trên phố Charner” về sau sẽ thành TAX vào quãng năm 1960. Thời trước 1975, người ta có một chữ Việt rất dễ thương để gọi magasin, ấy là “thương xá”, như thương xá TAX, thương xá Eden, hoặc thương xá Tam Đa còn có cái tên Crystal Palace