Bài 9: Con Đường Không Ngắn
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Bài 9: Con Đường Không Ngắn
Đường Nguyễn Văn Thinh (Mạc Thị Bưởi bây giờ), nhìn từ phía Hai Bà Trưng vào. Tác giả ảnh là Roy Ryan, ảnh chụp năm 1967.
Phía ngã tư đầu tiên sau chiếc Volkswagen là đường Tự Do. Xa hơn nữa, cuối đường Nguyễn Văn Thinh cắt đại lộ Nguyễn Huệ, chúng ta có thể nhìn thấy trụ sở Tòa Hòa giải ngày trước - Tôi sẽ viết một bài chi tiết về ngôi nhà này- sau 1975 trở thành Tòa án quận 1, rồi trở thành tòa nhà Sun Wah.
Nguyễn Văn Thinh (1888 - 10/11/1946) là một bác sĩ và chính trị gia người Việt vào giữa thế kỷ 20. Ông cũng là Thủ tướng đầu tiên của chính phủ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ. Con trai một gia đình đại điền chủ Nam Kỳ, có quốc tịch Pháp, ông theo Tây học từ nhỏ, đậu thủ khoa khóa đầu tiên Đại học Y khoa Đông Dương năm 1907 rồi sau đó sang Pháp, theo học Y khoa tại Đại học đường Paris và lấy bằng bác sĩ Y khoa Pháp.
Ông là người Việt Nam hiếm hoi đầu tiên thi đỗ bác sĩ nội trú tại nhiều bệnh viện Paris (Interne des Hôpitaux de Paris). Sau đó ông làm việc tại Viện Pasteur (Paris) và viết luận án tốt nghiệp bác sĩ tại đây.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, Pháp tái chiếm Nam Bộ. Họ chủ trương ủng hộ Nam Kỳ thành lập chính phủ riêng theo ý tưởng về một Liên bang Đông Dương của De Gaulle. Đại tá Jean Cédille, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ (Tương đương với chức Thống đốc Nam Kỳ cũ) đã đề cử bác sĩ Nguyễn Văn Thinh huy động nhân sĩ lập ra Hội đồng tư vấn Nam Kỳ để thành lập chính phủ Nam Kỳ tự trị.
Ngày 4/2/1946, đô đốc D’Argenlieu nhân danh Cao ủy Pháp tại Đông Dương ký sắc lệnh thành lập Hội đồng đã kể gồm 12 người, 4 Pháp, 8 Việt Nam. Họ đã cử bác sĩ Thinh làm Thủ tướng lâm thời vào ngày 26/3/1946, và cũng ủy nhiệm ông thành lập chính phủ lâm thời. Ông còn kiêm Bộ trưởng Nội vụ.
Nhưng chính phủ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ lúc đó thành lập vội vã, thiếu sự ủng hộ của quần chúng lao động mà chỉ trông vào giới trung lưu người Việt và thậm chí, bị ngay chính người Pháp đối xử tàn tệ. Bản thân chính phủ không có tiền bạc, không quân đội, không cả trụ sở. Bác sĩ Thinh phải lấy phòng mạch của chính ông làm nơi làm việc của chính phủ, từ 26/3 đến 31/5/1946 (Có 66 ngày!).
Ngày 10/11/1946, sau khi nhận ra mình đã bị Pháp lừa và lợi dụng, bác sĩ Thinh đã tự tử bằng cách thắt cổ, trên bàn viết gần đó có quyển sách thuốc còn mở ra ở trang nói về từ ngữ Thắt cổ (Pendaison). Xem ra con đường Nguyễn Văn Thinh ngày trước tuy ngắn, chỉ trên dưới 300m, nhưng lịch sử bi thương đi cùng nó, đã không hề ngắn.