Bài 15: Từ Richaud Đến Phan Đình Phùng
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Theo Dòng Lịch Sử
Bài 15: Từ Richaud Đến Phan Đình Phùng
Con đường này, với gia đình tôi, là có quá nhiều kỷ niệm. Sau khi bố mẹ tôi từ Bình Dương quay về khu Khám lớn, đã dời về đây sống từ năm 1952. Đến phiên tôi lập gia đình, tôi cũng ở loanh quanh đấy. Nhắm mắt lại vẫn nhẩm thuộc từng ký ức!
Ngày xưa, nó là đường Richaud chạy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam trong nội thành, và là một trong những con đường dài của Sài Gòn. Nó nối kênh Thị Nghè đến đường Commandant Audouit (Lý Thái Tổ), và nó là con đường rất cổ khi đoạn đầu của nó từ kênh Thị Nghè đã được xây từ năm 1865 và đoạn sau (Từ đường Verdun/Lê Văn Duyệt đến đường Commandant Audouit được xây vào mùa Hè 1940. Lúc đầu, tên của nó là đường Des Mois. Quyết định ngày 24/2/1897 của Hội đồng Thành phố đã đổi tên nó là Richaud. Trên bản đồ 1878, nó vẫn là đường Des Mois và vươn tới đường Mac Mahon (Công Lý, về sau). 1897 thì đổi tên, nên trên bản đồ 1898, là đường Richaud và vươn tới đường Pierre Flandin (Sẽ là Bà Huyện Thanh Quan), tức là chạy dài dần dần, mở mang dần. Phải mất tới 44 năm, trên bản đồ 1942, mới thấy Richaud vươn tới đường Verdun (Lê Văn Duyệt). Sang thời VNCH, con đường này đổi tên lại là đường Phan Đình Phùng, và nó đã từng chứng kiến những chính biến thời ấy chẳng kém gì một số con đường nổi tiếng khác như Thống Nhất, Hồng Thập Tự, Đinh Tiên Hoàng.
Năm 1963, vẫn nhớ tại số 3 Phan Đình Phùng, tức Đài Phát thanh Sài Gòn chứng kiến đoàn quân đảo chính ông Ngô Đình Diệm chiếm giữ nó vào lúc quãng 15 giờ ngày 31/10 - Quân lính đứng đầy các khu vực xung quanh, từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hồng Thập Tự - Đinh Tiên Hoàng, xuống tới cả ngã tư Mạc Đĩnh Chi cho tới hôm sau 1/11. Theo hướng đi xuôi, chỉ nhắc về những kỷ niệm phố phường, là buyn-đinh Richaud, nơi ở của những nhân viên người Pháp làm việc tại Sài Gòn ngày đó và về sau, quãng 1962-1965, người ta cho xây thêm 2 buyn-đinh khác có cùng công năng như thế nữa, cũng sơn cùng mầu cà-phê sữa, nơi ngã tư Bà Huyện Thanh Quan là để dành cho các thầy cô giáo người Pháp dạy ở “tam Pháp học đường”, tức là các trường Colette, Saint-Exupéry và Marie Curie, gần khu sân quần quận 3.
Qua building Richaud, tới cơ quan Tổng đài Vô tuyến điện thoại Việt Nam và một nhà thờ thuộc dòng Francisco. Tại đây là ngã ba Phan Đình Phùng – Phan Kế Bính và ngã ba Phan Đình Phùng – Phạm Đăng Hưng. Đi tới nữa là ngã tư Phan Đình Phùng – Đinh Tiên Hoàng, một đằng chạy xuôi về khu cầu Bông - Đa Kao, còn ngược lại thì về hướng Đài truyền hình và đường Thống Nhất. Cũng nên biết, Phan Đình Phùng từ kênh chạy về tới Lê Văn Duyệt là con đường cây dài bóng mát bậc nhất Sài Gòn hồi đó.
Mở ngoặc một chút: Đài Vô tuyến Việt Nam (VTVN) tức Radio Vietnam hay còn được gọi là Đài phát thanh Sài Gòn thoạt đầu có tên tiếng Pháp là Le Radio - Diffusion National du Vietnam, sang thời VNCH có 5 đài trên các hệ thống A, B, C, D. Thoạt tiên, A là đài phát sóng cho thính giả phổ quát ở băng tần 870, 9775, 6166 và 4810 từ Sài Gòn. B là Đài Phát thanh Quân đội, còn gọi Đài Tiếng nói Quân đội, chủ yếu cho quân nhân Quân lực VNCH ở băng tần 7260 và 610. C là đài tiếng Pháp, băng tần 1090 và 9754. Còn D là đài tiếng Hoa (Gồm tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại), sau năm 1966 thêm tiếng Anh, Khmer và Thái. VTVN Sài Gòn phát thanh 18 giờ mỗi ngày và vào thập niên 1960, bắt đầu chương trình tuyển mộ ca sĩ rất được tán thưởng.
Gần đấy, tại ngã ba Phan Đình Phùng - Phạm Đăng Hưng, có Nha Kỹ thuật học vụ số 48, đối diện buyn-đinh Richaud và cổng sau của nó, số 2 Phạm Đăng Hưng khi xưa là lối vào văn phòng công ty Brossard et Mopin chuyên xây dựng những công trình lớn thời Pháp thuộc - Tiền thân của trường Quốc gia Âm nhạc cũng đặt tại nơi đây. Qua ngã tư Đinh Tiên Hoàng, là văn phòng Air Việt Nam bên tay trái, còn bên tay phải là hẻm Cây Điệp đi ăn thông ra đường Tự Đức. Đi tới nữa là trường trung tiểu học Lê Văn Duyệt, sau đổi tên là Tự Đức để phân biệt với trường nữ trung học Lê Văn Duyệt nằm gần khu vực Lăng Ông. Thời kỳ đầu, trường này có tên Phan Đình Phùng, sau đổi tên là trường Nam tiểu học Lê Văn Duyệt. Năm 1969, trường bắt đầu thành lập bậc trung học - Học sinh được tuyển vào gồm 2 nhóm: “Tân Tạo” gồm những học sinh ở khu quận Nhất Sài Gòn (Từ các trường như chính Lê Văn Duyệt, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, vv) thi trượt ở những trường khác nhưng có điểm học bạ cao vẫn được tuyển chọn vào đây. Nhóm thứ hai là "Đô Thị", gồm những học sinh là con của nhân viên công chức của thành phố - Tất cả được xếp vào các lớp từ 6A đến 6P và mỗi lớp chỉ có 25 học sinh. Năm 1972, trường mở rộng sang Trung học đệ nhị cấp (từ lớp 10 đến lớp 12) và khi thành trường trung học Tự Đức, đã thay đổi cổng chính về phía đường Tự Đức thay vì đường Phan Đình Phùng.
Tôi còn nhớ Tổng nha Kiến thiết và Thiết kế đô thị nằm ở số 27 Phan Đình Phùng, gần đó có một văn phòng khác phụ trách về Lâm nghiệp nên cứ mỗi độ gần Giáng sinh, lại thấy có bán cây Thông từ Đà Lạt mang về. Đi qua các ngã tư Mạc Đĩnh Chi rồi Phùng Khắc Khoan là ngã tư Hai Bà Trưng với bên trái là khách sạn Liberty và bên phải là một cây xăng, mãi đến năm 2015 vẫn thấy còn ở đó. Vượt qua một loạt những vi-la to đẹp mà lặng lẽ thường dùng làm các văn phòng sứ quán, là tới ngã tư Duy Tân, nơi mà ông bác Phạm Duy đã từng nặn ra bài Trả Lại Em Yêu trong đấy có câu “Khung trời đại học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát” mà bao sinh viên Luật khoa và cả Kiến trúc về sau nơi ngã tư Pasteur vẫn ngân nga, khi họ rủ nhau ra ngồi ôn bài hay tán chuyện tại khu công viên Vạn Xuân và cả trong khuôn viên sân đấu Phan Đình Phùng gần đó. Ít ai biết, tiền thân của trường Luật ấy vốn là một école maternelle thời Pháp, chuyên nuôi trẻ.
Nằm gần ngã tư Lê Quý Đôn là trụ sở Bộ Thông tin và Thanh niên hồi ấy, gần Tòa Tổng giám mục. Nếu tôi nhớ không nhầm, ngay ngã tư Trương Minh Giảng, lúc ấy có một tòa biệt thự rất to và nó chính là tài sản của Tòa Đại sứ Anh quốc tại Việt Nam. Ngoài ra, biệt thự của Tổng giám đốc Shell Việt Nam cũng nằm gần Tòa Tổng giám mục. Gần đấy, đến ngã ba Nguyễn Gia Thiều, là Tòa Tổng lãnh sự Pháp, nó giải thích tại sao các trường trung - tiểu học gốc Pháp và khu chuyên gia Pháp lại nằm loanh quanh đó: Trường Colette trên đường Hồ Xuân Hương; trường Saint-Ex trên đường Ngô Thời Nhiệm và xa hơn một tí là trường Marie Curie. Đối diện Consulat Français là trường tư thục Lê Quý Đôn (Có lớp dạy Anh văn) mà về sau phải đóng cửa vì có nhiều học sinh tham gia biểu tình chống chính phủ. Tại ngã tư Đoàn Thị Điểm là cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam (NAVFORV - Naval Forces Vietnam). Ngã tư này còn có tòa chung cư 318 cao 7 tầng mà bây giờ đã xuống cấp nặng sau nhiều năm làm nơi cung cấp chỗ ở cho các nhà báo sau 1975.
… Nhưng những ký ức đậm đặc nhất đối với tôi, chính là quãng đường từ Đoàn Thị Điểm chạy xuống Lý Thái Tổ. Nó bắt đầu bằng nhà hàng Sing Sing nằm bên dãy số chẵn, giữa 2 ngã tư Đoàn Thị Điểm và Bà Huyện Thanh Quan - Là nơi có bán món hủ tíu Nam Vang trứ danh mà hơn 60 năm, vẫn còn nghe đọng lại mùi vị. Món ăn ấy được bày ra trong những cái tô có miệng loe ra như những cánh hoa Sen trông rất thanh nhã mà bố tôi cứ mỗi sáng Chủ Nhật lại dẫn anh em tôi ra đó. Nhà hàng Sing Sing cũng là một lý do để dụ dỗ tôi khi tôi lúc đó còn bé lắm, mỗi lần bị sốt lại bị bố lôi đến phòng mạch của ông tiến sĩ Nhi khoa Trịnh Đình Tuân nằm bên dãy số lẻ để ông ấy chọc cho một mũi tiêm vào mông. Ông tiến sĩ bác sĩ học từ Pháp về khi tiêm thuốc hạ sốt cho ông nhãi TAK vẫn cứ nói đùa: “Mình cùng họ và cùng chữ lót với nhau ấy nhỉ?” và đủ cả chục lần, hễ cứ mỗi lần cho con tiêm xong, là bố tôi lại dắt con sang nhà hàng Sing Sing. Hoặc dắt con vào tiệm bán đồ chơi Đức Quang nằm sát trường Aurore của bà Ngô Thị Chi, mua cho nó một món đồ chơi nào đó. Về sau tôi vẫn trêu bố tôi: “Bố tốn tiền cho con đi bác sĩ gấp ba, gấp bốn lần người khác, phải không ạ?” và bao giờ ông cũng cười xòa.
Còn những kỷ niệm nào? Còn là Tòa Đại sứ Miên ở ngay ngã tư Lê Văn Duyệt mà năm 1963, ông Thích Quảng Đức đã tưới xăng vào người mình ở đó để hình ảnh ông ấy lên sóng CNN mà đi toàn thế giới. Còn là tiệm Khánh Yến may áo dài nổi tiếng do một cô bé tên Trinh làm chủ - Gọi là “cô bé” chứ năm nay chắc chắn cô ấy cũng trên 60 rồi. Tiệm đó nằm cạnh một tòa nhà to mà bất cứ ai cứ đến đó thuê - Nó nằm gần con ngõ dẫn vào trường trung học Kiến Thiết - đều chỉ sau một năm, lại lặng lẽ ra đi vì không buôn bán gì được. 10 người đến là đủ 10 người đi, chả hiểu vì sao?
… Còn là tiệm bán tạp hóa lúc đầu chỉ thấp lè tè và nằm chếch chợ Vườn Chuối, nơi mẹ tôi bán vải suốt 50 năm ở đó. Nó là của gia đình một người đàn ông để ria mép xén đều, cao to trông rất bảnh và ăn mặc luôn chải chuốt, với đôi bàn tay tuyệt đẹp và tuyệt khéo. Ông ta là ảo thuật gia Z27 và nhờ tài đó của mình, đã xây ngôi nhà cũ ấy thành một ngôi nhà 6 tầng khang trang và vẫn tiếp tục bán tạp hóa, đồ chơi trẻ con. Tôi nhớ trước cửa ngôi nhà đó có một người đàn ông khác, tóc hoa râm, ngày nào cũng bày tấm bạt ra ngay vỉa hè rộng lớn mà bán hàng trăm quyển sách tranh Việt Nam vẽ nhảm nhí và nguệch ngoạc mà tôi, dù lúc ấy đang mê mẩn Spirou lắm, vẫn ngày ngày nằng nặc bắt mẹ phải mua cho bằng được những cái tựa như Con Quỷ Truyền Kiếp, Con Quỷ Một Giò, Tiểu Lưu Manh Trần Tú Hoành. Thằng em tôi cũng mê cả sách tranh đó chẳng kém gì mà còn mê luôn cả những con Dế đá, những con Cánh cam hay Xén tóc cũng bán từ chính tay người đàn ông luôn tươi cười đó. Mà không một lần nào, mẹ tôi từ chối.
… Tôi vẫn mường tượng ra những chiếc ghế mây hình con Sò nằm trong tiệm chụp ảnh Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu, là hàng xóm của gia đình tôi, nơi đầu con ngõ 287 mà mẹ tôi từng bế con ra đó khi con còn bế ngửa, để chụp cho mấy tấm ảnh đầu đời mà đến giờ, sau gần 70 năm, chúng vẫn còn nằm trong phòng khách nhà tôi. Tôi nhớ căn gác hẹp của ông giáo Trang, tức dịch giả Hàn Giang Nhạn, mà ngày ngày người ta vẫn xúm đông xúm đỏ ngồi tại đó để chờ cướp từng trang bản thảo truyện dịch từ nguyên tác Kim Dung, mà ông ấy đọc bằng miệng cho một người cháu là sinh viên trường Luật chép tay.
Tôi nhớ gì? Nhớ hàng bánh cuốn chỉ bán vào buổi tối cho những người đi làm về muộn trong những năm 1960 của bà Liên, ngay đầu ngõ dẫn vào nhà bác sĩ Nhi khoa Đỗ Hồng Ngọc. Nhớ nhà đòn Đức Bảo nằm cũng mấy chục năm ngay đầu ngõ chùa Huệ Quang mà vị sư trụ trì ở đó trông phốp pháp và da đỏ au. Nhớ tiệm sách Thanh Bình mà anh Ngô Thụy Miên chắc chắn là đã nghiền ngẫm bao tác phẩm ở đó với bắt đầu là bài Mùa Thu Cho Em. Nhớ trường Aurore mà ngày xưa, từ lúc mà anh em tôi được bố mẹ đưa đi học cho tới lúc chúng tôi lên lớp 4, đã biết tự rủ nhau đi ngày ngày và chúng tôi luôn biết cách làm vừa lòng cả Madame hiệu trưởng Ngô Thị Chi và cả Monsieur tổng giám thị Ngô Tuấn, là em ruột bà. Nhớ tiệm vẽ Thanh Phong nằm gần tiệm cho thuê sách Cảnh Hưng cao 6 tầng mà bố tôi cực ghét nó vì hễ ông cứ có tác phẩm nào ra đời, là chỉ vài ngày sau, tựa ấy lại nằm trên kệ tiệm ấy.
Tôi nhớ tiệm photo Ái Mỹ nằm ngay ngã tư Cao Thắng và tiệm cơm Nam Sơn trứ danh nằm ngay ngã tư Nguyễn Thiện Thuật và đối diện nó, là tiệm giò chả Nguyên Hương có món bánh Giò bột lọc nhân thịt nạc mộc nhĩ có thể nói là ngon số một Sài Gòn. Nhớ tiệm chè Hiển Khánh với mấy bài thơ mà ông cụ chủ nhà tự sáng tác và cho kẻ chữ nắn nót rồi cho lộng khung kính treo trên vách, đại khái: “Cô nào chồng bỏ chồng chê, Ăn chè Hiển Khánh chồng mê đủ điều”. Nhớ tiệm đàn Đức Thắng mà ngày đầu, khi tôi 8 tuổi, bố tôi đã dắt con vào đó để mua cho nó cây mandoline đầu đời, rồi khi tôi 13 tuổi, là cây guitare cũng đầu đời. Để về sau, cả hai anh em tôi - Nhất là em Ân - cùng chơi thạo cả 2 nhạc cụ này. Tình thương con như thế là vô bến bờ.
Còn là xe thịt quay xá xíu nằm đầu con ngõ dẫn vào chùa Đại Từ Bi. Còn là những tiệm giày nằm quanh cổng chợ Bàn Cờ, khu Nguyễn Thiện Thuật. Còn là tiệm may Tuấn trứ danh của 2 anh em ruột thịt cùng nhau, mỗi người một tiệm. Còn là phòng mạch của bác sĩ Tăng Nhiếp, là phòng nha của ông Hòa mà tôi rất ghét vì sợ và tiệm tạp hóa Tân Lập, nằm ngay đầu con ngõ dẫn vào nhà nhạc sĩ Nguyễn Hiền, tác giả bài Anh Cho Em Mùa Xuân phổ thơ Kim Tuấn.
• Đường Richaud và Phan Đình Phùng là vậy. Những ký ức vụn này không liên quan đến câu chuyện về con ngõ 287 và con ngõ 502 dẫn vào khu Cư xá Đô Thành cho tới tháng 4/1975. Chúng sẽ thuộc về một bài khác.